(Thethaovanhoa.vn) - Hoàn toàn có thể nói, Đường sách TP.HCM đã tạo được hiệu ứng, nên nhiều địa phương muốn tổ chức mô hình tương tự. Đi vào hoạt động đã có Phố sách Hà Nội khai trương ngày 1/5/2017; đã tổ chức họp báo có Đường sách thành phố Vũng Tàu (dự kiến ra mắt thể nghiệm vào Hội sách Xuân 2018 thành phố Vũng Tàu từ ngày 12/2/2018, và chính thức khai trương hoạt động vào Ngày sách Việt Nam (21/4/2018).
Một số địa phương khác cũng đang rục rịch làm đường sách, trong đó có Huế, Đà Nẵng, Hội An, Quy Nhơn, Cần Thơ…
Khó nhất chưa hẳn là con đường
Nhà thơ Nguyễn Nhã Tiên, người ủng hộ dự án Đường sách Đà Nẵng nói rằng, khó nhất chưa hẳn là tìm một con đường, vì Đà Nẵng không thiếu đất. “Như đoạn Bạch Đằng gần thư viện, nơi có truyền thống bán sách báo, cũng khá phù hợp. Hoặc như đoạn gần Cổ viện Chàm cũng khá rộng rãi, đẹp đẽ. Vấn đề chính yếu của đường sách vẫn là cần có thói quen đi nhà sách của người dân, mà Sài Gòn là một ví dụ điển hình. Từ lâu rồi, các đoạn đường như Đặng Thị Nhu, Trần Nhân Tôn, Trần Huy Liệu, Nguyễn Thị Minh Khai… đã là những đường sách với lượng khách khá tấp nập. Giờ có thêm Đường sách Nguyễn Văn Bình, thành công cũng là dễ hiểu. Các địa phương khác, trong đó có Đà Nẵng, muốn thành công phải quy tụ cho được yếu tố này”.
Ngày 5/12/2016, trong một cuộc họp triển khai đề án, Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cho biết khu đất trống 3 mặt tiền đường Bạch Đằng, Thành Điện Hải, Trần Phú (sát với sân quần vợt Thanh Niên) sẽ là Đường sách Đà Nẵng, dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 3/2017, nhưng đến nay dự án vẫn chưa xong.
Khi nói về dự án Đường sách thành phố Huế, nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc (TBT tạp chí Sông Hương) cho rằng: “Huế xưa nay vẫn còn nhiều người dân giữ được thói quen đọc sách. Không chỉ giới trí thức, văn nghệ sĩ, sinh viên học sinh, mà cả những tiểu thương chợ Đông Ba, giới xích lô, xe thồ vẫn rất nhiều người còn đọc. Các nhà sách ở Huế vẫn có nhiều người ghé lại mua sách hàng ngày. Những hội chợ sách ở Huế có rất đông người đến. Vì vậy, một phố sách, đường sách xuất hiện là điều mà nhiều người đang mong chờ”.
Nhưng nhà văn Lê Minh Phong thì hơi băn khoăn. Anh nói: “Huế là nơi có mùa mưa kéo dài, thời tiết lạnh và ẩm, làm đường sách sẽ rất khó khăn. Đây là chưa nói việc mua sách qua mạng đang phát triển rất mạnh, nơi thu hút đa số giới trẻ, nếu có đường sách thì cũng nên tính đến khía cạnh này, làm sao để cạnh tranh cho được. Để đường sách phát triển đúng nghĩa là rất khó, nó đòi hỏi phải lựa chọn được các dòng sách thu hút, có chương trình giao lưu đa dạng, giới thiệu được các tác giả chất lượng, có đội ngũ quản lý rành rẽ về sách vở… sau đó mới nói đến chuyện bán sách”.
“Trước đây, Huế có ý định tổ chức đường sách tại đường Bà Huyện Thanh Quan, nối từ bờ sông Hương băng qua đường Lê Lợi vào đường Trương Định. Ý định đó được nhiều người trong giới trí thức hoan nghênh. Cũng có ý kiến nên tổ chức tại công viên ven bờ Bắc sông Hương. Tỉnh Thừa Thiên - Huế thì đang có chủ trương tổ chức tại đường Lê Lợi, đoạn từ cầu Trường Tiền đến cầu Phú Xuân, gồm cả cụm thiết chế văn hóa, khu dịch vụ cao cấp. Nếu có một đường sách ven sông Hương, kết nối không gian đường Lê Lợi, sẽ làm cho Huế thêm có màu sắc của thành phố văn hóa” - Hồ Đăng Thanh Ngọc nói thêm.
Tại Hội An, đường sách dự kiến sẽ nằm ở 31 Nguyễn Thái Học, ngay khu phố cổ, dự kiến khai trương vào giữa năm 2018. Đường sách Hội An còn tính đến cả việc trao đổi, bán sách cho người nước ngoài, nhiều du khách đang tìm chỗ đổi sách có trả phí là sự thật.
Theo dự kiến, Đường sách thành phố Vũng Tàu sẽ chính thức khai trương hoạt động vào Ngày sách Việt Nam (21/4/2018) ở gần Công viên Quang Trung, đường Ba Cu, thuộc phường 1, thành phố Vũng Tàu. Với diện tích gần 1.903m2, gồm 9 gian hàng (30m2/ gian) và 2 gian hàng lớn (70m2/ gian), 6 gian hàng văn phòng phẩm, 2 khu cà phê sách.
Những điều kiện cần
Lúc khởi động dự án Đường sách Đà Nẵng hồi cuối 2016, ông Đặng Việt Dũng (Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng) đã xác định việc duy trì hiệu quả lâu dài là rất khó. Chính vì vậy mà cần các doanh nghiệp đúng chuyên môn phụ trách hoạt động, còn các cơ quan nhà nước chỉ định hướng, chỉ đạo và hỗ trợ chung.
Nhà thơ Trần Tuấn cho rằng việc rút kinh nghiệm từ Đường sách TP.HCM là cần, nhưng không nhất thiết phải bê nguyên xi mô hình này, bởi mỗi địa phương có đặc thù riêng. “Tôi nghĩ rằng tính chất chợ phiên rất phù hợp với Đà Nẵng, Huế, vì thời tiết khắc nghiệt và vì người dân nơi đây ăn chắc mặc bền. Vì vậy, thành phố chỉ cần quy hoạch một khu cố định cho không gian dành cho sách vở, ngay trung tâm, rồi luân phiên các hoạt động văn hóa, trong đó có chợ phiên sách, sẽ dễ thành công hơn”.
Phó TGĐ Công ty Alpha Books, bà Đào Quế Anh cho rằng giá thuê mặt bằng, chi phí hoạt động là cần tính đến, nhưng không phải là điều kiện tiên quyết. “Vấn đề lớn nhất là ban quản lý và các gian hàng phải phối hợp nhịp nhàng, tạo sự kiện để thu hút được công chúng, còn hiệu quả kinh doanh tính sau. Mấy tháng gần đây doanh thu của chúng tôi tại Phố sách Hà Nội chỉ 50-70 triệu đồng/ tháng, hơi thấp, nhưng nếu phố vẫn nườm nượp người qua lại, thì chúng tôi vẫn vui vẻ hoạt động”.
“Theo tôi, nghề làm sách là một một nghề rất cảm tính và cá nhân. Người nào thì sách đó và ngược lại. Do đó, đường/phố sách nếu không chọn được người tâm huyết để làm thì sẽ khó thành công. Bởi lẽ, đây là một không gian văn hóa về sách, không phải là một cái chợ sách hay siêu thị” - ông Nguyễn Minh Nhựt (Giám đốc NXB Trẻ) thẳng thắn.
Kỳ 3 & hết: Lý giải sự vắng khách của Phố sách Hà Nội
Ngày 9/1 vừa qua, Đường sách TP.HCM kỷ niệm hai năm thành lập, với khoảng 1,2 triệu cuốn sách bán ra, tổng doanh thu các hoạt động hơn 67 tỷ đồng, thu hút hơn 4 triệu lượt người. Hơn thế, không gian này đã thật sự trở thành một điểm nhấn văn hóa - du lịch của thành phố.
Văn Bảy - Văn Đồng