(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 9/1 vừa qua, Đường sách TP.HCM kỷ niệm hai năm thành lập, với khoảng 1,2 triệu cuốn sách bán ra, tổng doanh thu các hoạt động hơn 67 tỷ đồng, thu hút hơn 4 triệu lượt người. Hơn thế, không gian này đã thật sự trở thành một điểm nhấn văn hóa - du lịch của thành phố.
Các thống kê tại Đường sách cho thấy, cụ thể, năm 2016 bán gần 500.000 quyển sách, doanh thu hơn 26,4 tỷ đồng, thu hút hơn 1,5 triệu lượt người. Năm 2017 bán 746.311 quyển, doanh thu hơn 39,5 tỷ đồng, thu hút hơn 2,4 triệu lượt người. Năm 2017, 12/15 đơn vị tham gia Đường sách TP.HCM có doanh thu trên 1 tỷ đồng, trong đó doanh thu của NXB Trẻ gần 7 tỷ đồng, First News gần 2,3 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2016. 15/15 đơn vị tham gia Đường sách TP.HCM
Thiên thời, địa lợi…
Hơn 300 năm qua, theo sử sách mô tả, thì Sài Gòn - TP.HCM là một đô thị có thói quen sinh hoạt vỉa hè, người dân thích ăn uống, gặp gỡ ngoài đường hơn tại nhà. Thời tiết cũng phù hợp với điều này, chỉ hai mùa mưa nắng, luôn ấm áp, nên phù hợp để ra đường. “Sài Gòn nắng sớm mưa chiều” là một câu nói cửa miệng của người dân nơi đây, thời gian mưa trong ngày cũng thường rất ngắn, mưa rào nhanh tạnh.
Xét những lý do thành công, tiến sĩ Quách Thu Nguyệt (PGĐ Công ty TNHH MTV Đường sách TP.HCM) nói rằng vị trí đắc địa là rất quan trọng. “Đường Nguyễn Văn Bình là một con đường ngắn, mật độ xe lưu thông qua lại thấp, không nằm lẫn trong khu dân cư. Ngay trung tâm thành phố, chen lẫn giữa những di sản kiến trúc gắn với lịch sử hình thành hơn 300 năm. Cho nên việc định vị địa điểm phù hợp để xây dựng không gian sách là một trong những yếu tố rất quan trọng. Điều này cũng cần lưu ý với các nơi đang muốn xây dựng đường sách, phố sách, vườn sách, công viên sách” - bà Nguyệt nói.
TP.HCM là nơi định cư của đông đảo tác giả, nghệ sĩ, thuận lợi cho việc tổ chức giao lưu tác giả, ra mắt tác phẩm. Ngay cả các ca sĩ, nghệ sĩ có tiếng cũng thích chọn Đường sách TP.HCM để gặp gỡ báo chí, ra mắt sản phẩm. Nếu năm 2016 có gần 100 cuộc giao lưu, thì năm 2017 đã 167 chương trình, bình quân 2 ngày 1 sự kiện.
TP.HCM cũng là nơi tập trung của hầu hết các báo đài và trang mạng lớn, khá thuận lợi trong việc truyền thông, quảng bá. Chẳng hạn, một tác giả có sức hút như Nguyễn Ngọc Tư, hiện sống ở Cà Mau, nhưng khi ra mắt sách, phía làm sách thường chọn TP.HCM thay vì Cà Mau.
… Nhân hòa
“Theo tôi, nguyên nhân tạo ra sự khác biệt đầu tiên của đường sách (TP.HCM) và phố sách (Hà Nội) chính là con người. Tôi không có ý đề cao cá nhân, nhưng thiết nghĩ cũng phải nói đôi lời cho công bằng với những người đã bỏ nhiều tâm sức cho đường sách" – Giám đốc NXB Trẻ, ông Nguyễn Minh Nhựt thẳng thắn.
"Còn nhớ, khi mới thành lập, vì chỉ có 20 gian nên mỗi đơn vị tham gia chỉ có một gian. Sau đó, có nhiều đơn vị bỏ không tham gia. Anh Lê Hoàng lo lắng hỏi tôi thế nào. Tôi nói: ai bỏ thì em và NXB Trẻ sẽ nhận, nhưng cũng cần vận động thêm một vài đơn vị mạnh nữa chia sẻ thì mới được. Đó là lý do vì sao hiện nay Trẻ có đến ba gian hàng" – ông kể thêm – "Lúc đó, mỗi gian phải đầu tư đến 500 triệu đồng tiền xây dựng dựng, không hề đơn giản. Nếu người thực hiện và điều hành Đường sách TP.HCM không phải anh Lê Hoàng, chị Quách Thu Nguyệt thì chúng tôi sẽ không tham gia, càng không dám bao lô, vì Trẻ là đơn vị sản xuất, chúng tôi bán buôn là chính."
Người dân sống tại TP.HCM có thói quen tiêu xài, mua sắm, đó là điều khó phủ nhận, nên dịch vụ nơi đây phát triển hơn các vùng miền khác. Một trong vô vàn ví dụ, BHD có trụ sở chính tại Hà Nội, nhưng thị phần chiếu phim chủ yếu của họ là tại TP.HCM, với 6/8 cụm rạp. Nhiều phim ra rạp toàn quốc, nhưng riêng doanh thu tại TP.HCM đã chiếm hơn 70%. Với thị trường sách cũng vậy, phần lớn đầu sách của Nhã Nam (trụ sở chính tại Hà Nội) bán tại TP.HCM tốt hơn.
Một so sánh khác, nếu Hội sách Hà Nội lần 4 quy tụ gần 200 gian hàng thì Hội sách TPH.CM lần 9 có 710 gian hàng, thu hút hơn 1 triệu lượt khách, với tổng doanh thu từ bán sách trên 50 tỷ đồng.
“Toàn bộ Phố sách Hà Nội bố trí chưa hợp lý, có phần khép kín đối với khách hàng" –” - nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân nhận xét – "Người ta vào đây lẽ ra được đứng trong không gian chung, rộng mở, có thể vừa xem và chọn sách tại các quầy, vừa có thể thư giãn... Nhưng các quầy ở đây lại đóng kín, như những quầy bar, người đứng ngoài không thể thấy các giá sách bên trong, khác hẳn Đường sách TP.HCM. Chỉ cần so với phố sách ở Đinh Lễ, thì Phố sách Hà Nội kém hấp dẫn hơn hẳn
Ngoài vị trí thuận lợi, đội ngũ bảo vệ thân thiện, thì thiết kế thoáng mở là một ưu thế của Đường sách TP.HCM. Khách du lịch, người già trẻ nhỏ, cô dâu chú rể… đều dễ dàng đến đây chụp hình, vui chơi. Người dân TP.HCM thường thức khuya, nên nhiều khi 21h30 mà Đường sách TP.HCM vẫn còn khá đông người qua lại. Đặc biệt, Sở Du lịch TP.HCM, Saigontourist… cho biết Đường sách TP.HCM cũng là một điểm đến trong các tour du lịch nội thành.
Thành công từ mô hình xã hội hóa
“Đường sách phải được xây dựng và đi vào hoạt động bởi một cơ chế xã hội hóa, từ việc đầu tư cơ sở vật chất cho đến sự vận hành lâu dài. Đường sách TP.HCM phải được quản lý, điều hành bởi mô hình doanh nghiệp phi lợi nhuận, với một ban lãnh đạo có năng lực quản trị, biết nghề, có tâm huyết với sự phát triển của ngành xuất bản và phát hành sách” - ông Lê Hoàng (Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam) khẳng định.
|
Kỳ 2: Mở đường sách liệu có dễ?
Từ ngày 6/1 đến 12/1/2017, Đường sách TP.HCM diễn ra các hoạt động kỷ niệm một năm thành lập. Đường sách đi vào hoạt động từ ngày 9/1/2016, đến nay đã bán gần 500 ngàn quyển sách và đạt tổng doanh thu hơn 26,4 tỷ đồng.
Văn Bảy - Văn Đồng