(Thethaovanhoa.vn) - Bộ sách Lục tỉnh cầm ca gồm 4 quyển là Đường vào hát bội, Đường vào diễn xướng dân gian Nam bộ, Đường vào đờn ca tài tử, Đường vào cải lương vừa ra mắt độc giả TP.HCM vào cuối tuần qua. Chọn cách tiếp cận trẻ trung, sống động, bộ sách dễ gần gũi với độc giả trẻ, bận rộn. Sách có mã QR để độc giả nhập vào thư viện trực tuyến xem, nghe và mở rộng tìm hiểu văn hóa, lịch sử cả 400 năm của vùng đất Nam bộ.
Nhà thơ Giang Nam nhận xét: "Cái quý ở Lê Quang Trạng là một tâm hồn nhạy cảm, luôn muốn thể hiện suy nghĩ, cảm xúc của mình thật riêng. Tôi cảm thấy trước mắt mình phong cảnh sông nước Tây Nam Bộ mà nhiều lần đã đi qua. Tôi có cảm giác Trạng nặng lòng với quê hương và tin rằng Trạng sẽ là “cây bút mới” của Đồng bằng Tây Nam bộ....".
Nhà nghiên cứu Phan Khắc Huy (trong nhóm tác giả Lục tỉnh cầm ca) thừa nhận rằng việc người trẻ thờ ơ với nghệ thuật truyền thống có lý do chủ quan và khách quan. Chủ quan là do họ thấy phương tiện tiếp cận đang thiếu hấp dẫn, còn khách quan là họ quên hoặc không biết đến sự tồn tại của các loại hình này. Nhiều bạn trẻ đang không biết hát bội là gì, không biết nó có còn tồn tại, đó là thực tế. Vì vậy mà chúng ta cần tạo ra cách tiếp khác, trẻ trung hơn, gần gũi hơn.
Một phác thảo căn bản
Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng cho rằng 4 cuốn đầu tiên này đã là 4 phác thảo căn bản, then chốt về cầm ca nói chung của đất Nam bộ, để từ đây đi rộng và sâu hơn nữa.
Cuốn đầu tiên là Đường vào hát bội, đưa ra những kiến thức phổ thông và chỉ dẫn gần gũi, với nhiều tương tác trên mạng. Nghĩa là đọc đến đâu, muốn xem trình diễn, thì quét mã, sẽ có để xem, để nghe. Sách còn có những chia sẻ sống động, cụ thể của những nghệ sĩ hát bội uy tín như Đinh Bằng Phi, Ngọc Khanh, Sáu Hưng…
Cuốn thứ hai là Đường vào đờn ca tài tử, do Lục Phạm Quỳnh Nhi biên soạn. Trong tâm thế của một người viết còn khá trẻ, quyển này không quá chú trọng vào ngón nghề tài tử, mà đi vào tổng quát, chỉ ra tinh thần tài tử, giới thiệu các bản thâu âm độc đáo.
Cuốn thứ ba là Đường vào cải lương, phác thảo căn bản mối quan hệ về nguồn cội và tâm thế từ hò, lý, hát sắc bùa, hát bóng rỗi, đờn ca tài tử cho đến cải lương - một loại hình tiếp biến và đổi mới. Cải lương gần như là loại hình diễn xướng cuối cùng mà đất Nam bộ sản sinh, đi rộng rãi vào đời sống.
Cuốn thứ tư là Đường vào diễn xướng dân gian Nam bộ, với cái nhìn khái quát, nhằm phân biệt giữa diễn xướng dân gian và diễn xướng sân khấu chuyên nghiệp/bán chuyên nghiệp. Diễn xướng dân gian Nam bộ gồm có hát, hò, lý, nói vần, nói vè, nói thơ, nói tuồng, hát sắc bùa, bóng rỗi - địa nàng, khoa nghi ứng phú, nhạc lễ, múa tứ linh, múa hầu, múa lân, múa rồng… Đừng nói tới bạn đọc trẻ tuổi, ngay cả những người hoạt động văn hóa - văn nghệ, còn khó nắm hết các loại hình vừa nêu.
Đừng quên giới trẻ
“Có nhiều chương trình, tác phẩm về nghệ thuật truyền thống chúng ta làm rất hay, nhưng gần như vắng bóng người trẻ tham dự, vậy thì làm sao họ hiểu, họ yêu” - nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng nói. “Đáng lý càng là nghệ thuật truyền thống thì càng phải “lôi kéo” được người trẻ tham dự, tạo cho họ sự gắn bó về nhiều mặt, trong đó có cả quyền lợi, giúp họ thành chủ thể quan trọng của loại hình đó, thì mới mong họ tiếp nhận, gìn giữ, phát triển và đổi mới”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Huy cho rằng ngoài mục đích giới thiệu nghệ thuật truyền thống của Nam bộ, bộ sách này cũng như các bộ sách khác cần thay đổi phương tiện tiếp cận cho giới trẻ, để họ thấy vui vẻ, sống động là sẽ tò mò xem thử thôi. Ngày xưa đi xem hát bội, cải lương, ông bà thường dẫn con cháu đi xem, dần dà con cháu lớn lên mới thấy yêu, thấy thích, nên muốn gìn giữ, phát triển, đừng quên giới trẻ. Mà thực tế cho thấy, chúng ta đang rất quên giới trẻ, cũng như giới trẻ đang rất quên nghệ thuật truyền thống.
Như thế, bộ sách Lục tỉnh cầm ca cũng đã gián tiếp khẳng định với giới trẻ rằng nếu bỏ qua nghệ thuật truyền thống thì nghệ thuật đương đại chỉ còn là cái xác không hồn, vay mượn, lai căng, thiếu bản sắc. Đi vào nghệ thuật truyền thống, không chỉ là gìn giữ, bảo tồn, mà còn là cách để làm phong phú cho nghệ thuật đương đại, có thêm chất xúc tác để đổi mới, thể nghiệm.
Như Hà