(Thethaovanhoa.vn) - Đó là thực trạng không chỉ hiển hiện qua cuộc thi Nghệ thuật sân khấu Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc vừa kết thúc tại thành phố Đà Nẵng.
Trung bình mỗi năm, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch và Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức gần chục cuộc thi, liên hoan dành cho các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống như Tuồng, Chèo, Cải lương, Dân ca kịch, Bài chòi… Mới đây, cuộc thi nghệ thuật sân khấu Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc tổ chức tại thành phố Đà Nẵng thu hút đến 11 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp tham gia với 17 vở diễn.
Cảnh trong vở 'Chuyện bịa ở làng Vồm' - Nhà hát tuồng VN đoạt Huy chương Vàng tại Cuộc thi Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2016
Tuy nhiên, các nhà quản lý nghệ thuật đã phải nhìn nhận một thực tế rằng dù tổ chức các cuộc thi hàng năm nhưng lực lượng tác giả cho nghệ thuật sân khấu truyền thống đang có vấn đề.
NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho biết, về đội ngũ, đạo diễn và diễn viên có lẽ khả dĩ hơn còn tác giả lại đang rất khó khăn. Dù các trường hằng năm có tuyển sinh, có đào tạo tác giả, nhưng tuyển sinh khó và khi đào tạo ra họ cũng không thể làm nghề được.
Theo ông: “Yêu cầu bức thiết nhất là phải có con người, chúng ta phải có chính sách để khuyến khích, phải đầu tư cho tác phẩm, đầu tư cho biểu diễn để các tác giả có thể sống được bằng nghề. Hiện nay các đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống không sống được, không có tiền đầu tư cho dàn dựng, tác giả không sống được bằng nhuận bút thì làm sao có tác phẩm, có lẽ cũng vì thế mà một số tác giả ngại viết về sân khấu trong đó có Tuồng, Chèo và Cải lương”.
Hoàng Yến
Thể thao & Văn hóa