(Thethaovanhoa.vn) – Sau gần 10 ngày diễn ra (từ 20-29/8), Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2016 đã chính thức bế mạc tối ngày 29/8 tại Nhà hát Trương Vương, TP Đà Nẵng. Theo đánh giá của PGS.TS Trần Trí Trắc – Chủ tịch Hội đồng giám khảo, 17 tác phẩm tham dự dù cố gắng nhưng hầu như chưa có vở nào cốt truyện hay, mới, độc đáo, làm khán giả thích thú.
Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2016, diễn ra từ 20-29/8, tại Nhà hát Trưng Vương, TP Đà Nẵng, do Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cùng Sở Văn hóa & Thể thao Đà Nẵng tổ chức.
Trong số 17 vở diễn của 11 đơn vị dự thi như Nhà hát tuồng Việt Nam, Đoàn tuồng Thanh Hóa, Nhà hát nghệ thuật ca kịch Huế, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Nhà hát tuồng Đào Tấn, Đoàn ca kịch Quảng Nam, Nhà hát nghệ thuật hát bội TP.Hồ Chí Minh… BTC đã chọn ra 3 vở diễn đạt Huy chương vàng và 4 vở diễn đạt Huy chương Bạc.
Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Vương Duy Biên (ngoài bên phải) và Đặng Việt Dũng - PCT UBND TP Đà Nẵng trao Huy chương Vàng cho 3 vở diễn thuộc 3 Nhà hát. Ảnh: H.Y
Huy chương Vàng gồm các vở “Thầy và Trò” – Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản Dân ca xứ nghệ; vở “Chuyện bịa của Làng Vồm (Ao Làng) – Nhà hát Tuồng Việt Nam và vở “Nước non cửa Phật” – Nhà hát Tuồng Đào Tấn. Huy chương Bạc được trao cho các tác phẩm “Dòng sông Đỏ” – Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế; “Phúc Thần Thoại Ngọc Hầu” – Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh; “Vụ án Lệ Chi Viên” – Nhà hát Nghệ thuật ca kịch Huế; “Chuyện tình bên tháp cổ” – Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa.
Bên cạnh đó, BTC cũng trao Huy chương Vàng cho 32 diễn viên, Huy chương Bạc cho 49 diễn viên và giải “Đạo diễn xuất sắc” giành cho NSND Nguyễn Hoài Huệ trong vở “Vụ án Lệ Chi Viên” của Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế và giải “Họa sĩ xuất sắc” giành cho NSƯT Nguyễn Đạt Tăng trong vở “Chuyện bịa của Làng Vồm (Ao Làng) của Nhà hát Tuồng Việt Nam.
Một cảnh trong vở "Chuyện bịa của Làng Vồm" đạt Huy chương Vàng. Ảnh: H.Y
Là cuộc thi được tổ chức 3 năm một lần, do vậy, BTC quy định các tác phẩm phải được sáng tác từ tháng 6/2013 đến nay, chưa tham gia bất kỳ cuộc thi, liên hoan sân khấu chuyên nghiệp trong nước tổ chức, không sử dụng kịch bản nước ngoài. PGS.TS Trần Trí Trắc – Chủ tịch Hội đồng giám khảo cho biết, mặc dù có những hạn chế, bởi chủ đề mang tính triết lý, dự báo cao lúc nào cũng được gắn liền với cốt truyện hay, nhưng qua 17 tác phẩm đã xem, hầu như chưa có vở nào cốt truyện hay, mới, độc đáo, làm khán giả thích thú.
BTC trao bằng khen của Hội nghệ sĩ Việt Nam cho các nghệ sĩ, diễn viên đạt Huy chương Vàng. Ảnh: H.Y
Sân khấu cuộc thi còn yếu về hình tượng, thiếu về tính cách mà thường chỉ là những hình ảnh minh họa cho ý tưởng của tác giả. Tuy nhiên, nhìn chung 17 vở diễn trên sân khấu đều được các nghệ sĩ thể hiện nghiêm túc, chân thành và đều minh bạch về chủ đề tư tưởng, rõ ràng về câu chuyện, trong sáng về hình thức, đậm tính nhân văn, tính thời sự, tính hữu ích cho xã hội.
Đặc biệt, trong cuộc thi lần này đã xuất hiện cái mới trong hình thức của kịch dân ca là đã hòa hợp với ca, múa, nhạc hiện đại. Và ở Tuồng là thể loại tuồng đồ đã xuất hiện. Những nét mới này tuy còn có mặt chưa hoàn thiện nhưng cũng đáng ghi nhận cho công lao của các nghệ sĩ, diễn viên.
Hoàng Yến