Tùng Dương: 'Tôi đẹp vì có tâm hồn để hát'

Thứ Năm, 10/5/2012, 9:42 (GMT+7)

Tùng Dương biết mình là người đàn ông không đẹp trai, không cơ bắp, không khéo tán gái, nhưng anh tự tin mình hấp dẫn khi đứng trên sân khấu.

- Điều gì khiến anh từ chối làm giám khảo The Voice - gameshow phiên bản nước ngoài lần đầu phát sóng ở Việt Nam hứa hẹn sự thu hút để tiếp tục ngồi ghế nóng Sao Mai điểm hẹn - chương trình đã có phần nhàm chán qua các mùa thi?

- Có lẽ do bản tính của tôi, tình thân của tôi với nơi đã lăng xê mình là Sao Mai điểm hẹn. Tôi cũng nhận lời mời cho Sao Mai điểm hẹn trước The Voice nên không thể ôm đồm. Công bằng mà nói, một chương trình mang tính định kỳ như Sao Mai điểm hẹn, có đổi mới vẫn khó tạo tính bất ngờ trong khi một gameshow quốc tế lần đầu vào Việt Nam sẽ có nhiều điều mới lạ. Tuy nhiên, Sao Mai điểm hẹn vẫn là một chương trình mang tính kinh viện, chính thống, tìm ra những giọng hát hay, có khả năng thực sự, có ý nghĩa cho đời sống âm nhạc chứ không đơn thuần là cuộc thi giải trí mang tính truyền hình thực tế.

Chúng ta đang có quá nhiều chương trình thi ca hát, từ Vietnam Idol, Hợp ca tranh tài, The Voice… trong khi nhân tài thì hiếm. Vị trí độc tôn của các chương trình cũng vì thế mà mất đi.



Tùng Dương trên ghế nóng Sao Mai điểm hẹn tại vòng chung kết miền Bắc. Ảnh: Huy Phạm.

* Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, Tùng Dương không nhận The Voice sau khi cân đo độ hâm mộ của khán giả vì cuộc thi này không chỉ chấm điểm thí sinh mà còn chấm điểm cả giám khảo. Chắc chắn fan của anh khó có thể so với của Hồ Ngọc Hà, Đàm Vĩnh Hưng. Thực hư thế nào?

- Tất nhiên, nhận một chương trình gì, mình phải suy nghĩ xem nó có hợp với mình không. Tôi không bao giờ ngồi vào những chỗ không hợp, vì sự khác biệt có thể gây ra những hệ quả ngược. Tôi đã xem The Voice nguyên bản và thấy nếu ở Việt Nam được làm cẩn thận, nó sẽ rất hấp dẫn. Tuy nhiên, bản tính của tôi không mạnh về chiêu trò, tôi không có gì khác ngoài âm nhạc.

Nếu tôi nhận mà không đảm bảo được yếu tố giải trí cho mọi người thì chắc tôi cũng cảm thấy áy náy. Tôi chỉ có thể có những lời góp ý chân thành với các thí sinh chứ không thể tham gia những cuộc chạy đua, dù là vui. Nhiều người không xác định chơi là vui hay tìm kiếm cho họ những học sinh thật sự mà muốn đua với nhau nhiều hơn.

- Anh không muốn tham gia các cuộc đua, nhưng đã 5 lần chiến thắng ở Giải Âm nhạc Cống Hiến. Giải thưởng đó có ý nghĩa gì với anh?

- Tôi biết thế mạnh của mình ở đâu. Tôi cũng biết cách hòa nhập với thị trường Sài Gòn với nhiều diện mạo khác nhau, khi thì hát jazz, lúc tiền chiến hay dòng nhạc độc lập của tôi. Nhà báo và khán giả hai miền đã ghi nhận được những nỗ lực của tôi, từ những cuộc khảo sát qua các chương trình như diễn chung với Nguyên Lê, với Unit Asia hay thậm chí là những chương trình phòng trà. Nếu xa rời công chúng, chắc chắn sẽ không được bình chọn đâu.

Tôi thích thành công nhưng một mặt nào đó, thành công cũng làm tôi sợ. Con người nếu không tự rèn luyện trong những chuyến đi sẽ bị bó hẹp ở một không gian. Cũng có người chọn đứng yên bởi họ không muốn thay đổi hình ảnh, tư duy âm nhạc. Năng lực của họ phù hợp với sự cố thủ đó. Tôi ở dạng thứ hai - luôn muốn thay đổi bản thân, luôn muốn phủ nhận mình, làm cách mạng với chính mình, chuyển từ máu nóng sang máu lạnh. Tôi bắt lỗi được mình rất nhiều khi nghe lại những album cũ.
* Có khi nào anh học tập cách của Đan Trường hay Đàm Vĩnh Hưng - thấy mình chiếm vị trí gần như độc tôn ở một giải thưởng sẽ tuyên bố rút khỏi đề cử - như cách nhường cơ hội cho người khác?

- Mỗi người có một quan niệm riêng. Người biết quý trọng những gì bình dị nhất trong cuộc sống càng phải quý trọng điều người khác đem tới cho mình. Một cái tượng nhỏ cầm trên tay nhưng là một vinh dự lớn. Trên thế giới, có nghệ sĩ được hai mươi mấy giải Grammy nhưng họ vẫn tiếp tục cống hiến, không phải vì Grammy mà vì công chúng của họ.

Tôi không bao giờ bạc với những giải thưởng mình đã có. Với tôi, giải thưởng luôn là động lực. Tôi không tham vọng mà chỉ nỗ lực để được ghi nhận sự cống hiến của mình, ngay cả khi đã già. Tôi cũng giống như người khác, sợ một ngày khán giả không còn thương mình nữa. Điều ấy gây ra những mặc cảm lớn. Nhưng giờ tôi đã biết đón nhận mọi thứ bình thản hơn.

- Ngồi trên ghế giám khảo Sao Mai điểm hẹn, anh thấy so với thế hệ mình trước đây, lớp trẻ ngày nay có sự khác biệt gì trong thái độ tìm kiếm thành công từ sân chơi ca nhạc?

- Tôi đã trải qua những điều đó, nên rất hiểu và thường có những lời khuyên chân thành chứ không mạt sát hay khiêu khích. Những đàn anh đàn chị đi trước từng có ảnh hưởng tới mình, và đến lượt tôi, tôi muốn đem cho đàn em sự ảnh hưởng tốt. Tôi cam đoan không chỉ Sao Mai điểm hẹn mà cả The Voice sắp tới sẽ có nhiều thí sinh chọn hát bài của tôi.

Tôi cho rằng làm nghệ thuật phải có tham vọng và tôi đánh giá cao người dám sống chết với cái họ chọn. Sự háo danh theo tôi là chung cho mọi người, tất nhiên với nghệ sĩ, điều đó cao hơn một chút. Háo danh mang trong nó những ý nghĩa tích cực, thúc đẩy người ta tiến lên nhưng sẽ nguy hiểm nếu bạn giẫm đạp lên người khác để đạt mục đích. Người nghệ sĩ hãy tự nhìn nhận bản thân mình, tự chế giễu mình. Sự ảo danh giết chết tính khiêm tốn của nghệ sĩ (nhất là nghệ sĩ lớn), khiến họ tự ve vuốt, bằng lòng với mình và sớm chịu quy luật đào thải nghiệt ngã.



Tùng Dương cũng gây cảm giác về một anh chàng khéo léo, không bao giờ muốn làm phật lòng ai.

* Cả cách trả lời lẫn cách hát, anh đều mang tới cảm giác rằng anh thông minh. Anh và đạo diễn Việt Tú khi ngồi trên ghế nhà trường đều bị chê là "dốt" nhưng sau này đều tỏa sáng trong nghề nghiệp. Có sự mâu thuẫn nào trong đó?

- Hà Trần nói Việt Tú là “học dốt”. Tôi cũng từng không phải là người học giỏi văn hóa nhưng tôi cho rằng, ông trời cho mình điều này thì sẽ lấy đi của mình điều khác. Tuy vậy, tôi khá thông minh nhanh ý. Ngày xưa tôi thi ở Nhạc viện, riêng môn Ký xướng âm điểm rất cao, thầy thường bắt tôi ngồi riêng một chỗ vì sợ cho các bạn quay bài.

Tôi vẫn cho rằng, phải có nền tảng mới phát triển được như bây giờ. Những người bản năng đơn thuần không đi được xa. Có những người giọng hát trời cho và họ chỉ phụ thuộc vào cái vốn có thì không thể đủ được. Chúng ta không cần thiết phải ra đời bằng chính những điều đã học, trên hết phải có cái đầu thức thời, dùng tri thức như viên gạch đầu tiên để xây dựng nền tảng cho mình. Với đàn ông, được khen "thông minh" rất quan trọng. Nó còn hãnh diện hơn được khen "đẹp trai" nhiều (cười).

* Ngoài đời, anh không được xếp vào top đàn ông điển trai nhưng khi lên sân khấu, anh hấp dẫn trong ánh hào quang anh tạo ra. Anh nghĩ gì về hấp lực của mình?

- Tôi công nhận điều bạn nói. Tôi hấp dẫn duy nhất khi đứng trên sàn diễn. Tôi không hào hoa, không đô con mà có thân hình rất mỏng manh kiểu "con cò". Tôi tán gái không khéo như anh Lê Minh Sơn nhưng biết làm sao được, đó là bản tính con người. Phải ý thức rõ được mình để không bị ảo tưởng. Tôi gặp nhiều người ảo tưởng nên tôi sợ lắm.

* Nhưng vẫn có chân dài chạy theo anh, anh cảm thấy sao?

- Những cô gái chân dài mê tôi thì có nghĩa tiếng hát của tôi đã chạm tới họ. Khi tôi hát, họ nhún nhảy theo tôi, họ dành hết tình cảm cho tôi. Khi ấy, tôi hạnh phúc vì họ nhìn thấy vẻ đẹp của tôi trong cách tôi đứng trên sân khấu. Tôi luôn tin khi ấy tôi đẹp, còn vẻ đẹp theo cách hiểu duy mỹ thông thường của mọi người thì tôi không dám. Tôi đẹp vì tôi có tâm hồn để hát và với người nghệ sĩ quan trọng nhất là như vậy. Ai dám bảo Trương Chi ngày xưa xấu khi anh ấy cất tiếng vang vọng khắp dòng sông?

Theo Vnexpress
GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến