Thịnh Kainz của nhóm DTAP: 'Hoàng Thùy Linh luôn muốn đi những con đường khó'

Thứ Hai, 30/3/2020, 11:11 (GMT+7)

Chú thích ảnh

  (Thethaovanhoa.vn) - Giải Âm nhạc Cống hiến lần 15-2020 vừa kết thúc, lần đầu tiên giải thưởng có nghệ sĩ đoạt giải ở 4 hạng mục, đó là Hoàng Thùy Linh. Góp phần không nhỏ trong thành công của Hoàng Thùy Linh năm 2019, đó là nhóm sáng tác - sản xuất DTAP gồm 3 thành viên: Thịnh Kainz, Kata Trần và Tùng Cedrus. Nhóm này cũng đã đoạt giải Cống hiến ở hạng mục “Nhà sản xuất của năm”.

Kết quả bầu chọn Giải Âm nhạc Cống hiến lần 15-2020: Chiến thắng của những cái 'mới'

Kết quả bầu chọn Giải Âm nhạc Cống hiến lần 15-2020: Chiến thắng của những cái 'mới'

Hôm qua, báo Thể thao và Văn hóa - BTC giải Âm nhạc Cống hiến lần 15-2020 - đã gửi thông báo đến các báo, đài trên toàn quốc về kết quả bầu chọn của giải thưởng. Điều đáng nói là chiến thắng đã thuộc về những cái “mới”, trong đó cái mới của Hoàng Thùy Linh đã giành “poker” thật “ngoạn mục”.

Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với Thịnh Kainz, người viết giai điệu cho các ca khúc của Hoàng Thùy Linh.

* Bạn có thể nói về ca khúc “ấn tượng” của DTAP trong năm qua - “Để Mị nói cho mà nghe”?

- Với ca khúc Để Mị nói cho mà nghe, ngay từ đầu tụi em đã xác định đây là một sản phẩm của tập thể, dù việc phân chia công việc rất rõ ràng, kiểu như ai viết lời, ai làm giai điệu, ai hòa âm phối khí. Chính vì vậy mà ngay từ đầu sản phẩm đã có cái nhìn vừa tổng thể vừa chi tiết, nên bổ sung cho nhau có nhiều thuận lợi.

Lúc vừa bắt tay tái hiện hình tượng về Mị, tụi em cũng nghĩ đơn giản là làm sao khắc họa được những nét tính cách sẵn có trong tác phẩm gốc, yêu cầu của chị Linh cũng chỉ vậy thôi. Nhưng càng về sau, tụi em lại thấy rằng Mị trong thời nay không thể cứ thụ động, cam chịu, buổi tủi, không có lối thoát như vậy, mà phải tự mình đứng lên tìm tiếng nói, tìm tự do, tìm niềm vui cho bản thân và tình yêu.

Từ cái câu “Mị còn trẻ, Mị muốn đi chơi” vốn ẩn sâu trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ, tụi em muốn tô đậm và phát triển nó thành một nét tính cách của những cô Mị trong thế kỷ 21, nơi mà tinh thần bình đẳng giới, nữ quyền đã được tôn trọng rõ ràng. Chính xác là tụi em muốn viết lại một cái kết khác cho cuộc đời Mị.

Chú thích ảnh
Nhóm DTAP, từ trái qua: Tùng Cedrus, Kata Trần và Thịnh Kainz

* Khi xây dựng bản sắc riêng, các bạn gặp khó khăn gì?

- Tự cái tôi của mỗi người đã là khác nhau rồi, nếu mình biết đưa cái tôi ấy vào tác phẩm thì tác phẩm sẽ có bản sắc riêng. Bản thân tụi em lại rất yêu quý văn hóa và vốn âm nhạc của Việt Nam, khi sáng tác, luôn ý thức khai thác các vốn quý đó, kết hợp với các xu hướng âm nhạc của thế giới để tìm ra lối đi cho mình. Tụi em tin cách làm này giúp tác phẩm tiệm cận với quốc tế, mà vẫn kể được câu chuyện, bản sắc của Việt Nam.

* Vậy các bạn có gặp khó khăn gì trong cách làm này không?

- Khi mới bắt đầu viết thì cũng có chút mâu thuẫn, làm sao để vừa ra chất văn hóa mà mình lấy cảm hứng, nhưng cũng không quá bị lệ thuộc, hoặc bị văn hóa đó lấn lướt. Làm sao để tác phẩm có nét mới, có thể vươn ra thế giới, tiệm cận với xu hướng đương đời.

Khi mới làm thì cũng có nhiều lo lắng, vì chưa biết khán giả sẽ đón nhận thế nào? Nhưng khi tác phẩm trình làng, đọc những bình luận và tương tác của khán giả, dõi theo các chia sẻ, thì mới thật sự hạnh phúc.

Chú thích ảnh
Ca sĩ Hoàng Thùy Linh lập “cú” “pocker” tại giải Cống hiến 2020

* Các bạn có thể nói đôi điều về Hoàng Thùy Linh, ca sĩ gắn liền với nhóm DTAP trong năm qua?

- Chị ấy là một “vị tướng” liều lĩnh, luôn muốn đi những con đường khó, mà nếu thất bại, có thể sẽ không còn đủ sức để quay trở lại. Nhưng chị ấy rất điềm tĩnh và có niềm tin với cái mới, luôn sẵn sàng giao tác phẩm quan trọng cho những người còn trẻ, còn rất ít kinh nghiệm, miễn có ý tưởng lạ. Chính niềm tin này tạo cho tụi em cảm ứng để sáng tạo, để có trách nhiệm nhiều hơn với tác phẩm mình làm. Tụi em thấy có duyên và may mắn trong lần hợp tác này, nên mới có được kết quả thành công như vậy.

* Cảm tưởng của bạn khi nhóm DTAP đoạt giải Âm nhạc Cống hiến?

- Tụi em xem đây là một ghi nhận kịp thời và quan trọng cho những nỗ lực trong một thời điểm mà tụi em đã làm việc rất nhiều, có được hiệu quả. Tuy nhiên giải thưởng danh giá này với tụi em cũng là một áp lực lớn, vì từ nay càng phải cố gắng và nỗ lực nhiều hơn nữa để có được tác phẩm mới mẻ, xứng đáng hơn. Không thể cứ theo lối mòn mà đi.

Kể từ khi bắt tay làm ca khúc Để Mị nói cho mà nghe, đến nay mới 8 tháng, vậy mà đã cầm được giải thưởng danh giá này trên tay, nó còn hơn cả sự bất ngờ và trông đợi. Từ lâu tụi em đã biết đến giải thưởng này rồi, khi bước vào làm âm nhạc cũng có nghĩ đến, nhưng mơ đoạt giải ngay trong năm này thì thật sự không dám. Đây là một sự ngạc nhiên vô cùng.

* Cảm xúc của các bạn khi đi nhận cúp trong mùa dịch?

- Thật sự thì tụi em cũng hơi tiếc, vì nếu bình thường thì sẽ có một ngày hội Cống hiến, khi ấy anh chị em nghệ sĩ sẽ được dự một buổi lễ hoành tráng, đẹp mắt, nơi mà ai làm nghề âm nhạc cũng từng muốn được tham dự, mơ được xướng tên. Tuy nhiên, do tình hình đại dịch quá nguy hiểm, tụi em lại có được trải nghiệm chắc chắn sẽ nhớ mãi, vì đây là lần đầu tiên được nhận cúp Cống hiến, nhưng phải nhận trong hoàn cảnh rất là lạ. Tụi em quá bất ngờ khi chiến thắng ở hạng mục khó khăn này, bởi ban đầu nghĩ đến việc lọt vào đề cử đã thấy quá vui rồi.

* Cảm ơn Thịnh Kainz và nhóm DTAP!

Việt Hằng - Như Hà (thực hiện)

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 321/GP-BTTTT ngày 15/06/2016 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến