(Thethaovanhoa.vn) - Sau một năm làm số 1 tuyệt đối ở khu vực, Ánh Viên chỉ còn hiện diện như một gương mặt thuộc nhóm 2 trong số 23 tuyển thủ Việt Nam tranh tài trên đất Brazil.
Dường như đó chính là cách tự “dìm” mình xuống của thầy trò kình ngư này cho một cuộc đột phá bất ngờ tại Olympic, nơi Viên chưa từng lọt vào Top 8 bất cứ nội dung nào.
Chưa tới Rio đã đi vào lịch sử
Nếu chỉ xét riêng vòng loại Olympic, tài năng 20 tuổi là tuyển thủ thành công nhất khi đoạt tới 4 chuẩn A ở một môn khó và yếu với TTVN như bơi. Cách đây 2 tháng, tại một cuộc đấu tầm cỡ của Mỹ, Viên đã hoàn thành việc lấy chuẩn A thứ 4 trên đường bơi 200m tự do, vốn không phải sở trường. Trước đó, Viên đã sở hữu 3 chuẩn A ở các cự ly 200m hỗn hợp, 400m hỗn hợp và 400m tự do.
So sánh đơn giản, lần này, cả khu vực Đông Nam Á cũng chỉ có nam kình ngư Singapore từng đoạt HCĐ thế giới Schooling đạt chuẩn A Olympic nhiều hơn Viên. Còn Việt Nam cũng chỉ đến Viên mới có người vươn tới mức chuẩn A. Người đồng đội Quý Phước chỉ giành quyền tới Rio bằng vé vớt, với 2 chuẩn B.
Ở ASIAD 2014, Ánh Viên đã giành HCĐ nội dung 400m hỗn hợp - Ảnh: TTXVN
Điều đáng nể, cả 4 nội dung này, chị đều vượt chuẩn xa, với thông số tối thiểu đứng trong Top 30 thế giới. Có lẽ do mọi người đều quá quen với việc Anh Viên phải thành công nên kỳ tích 4 chuẩn A của Viên chỉ được coi như một chuyện đương nhiên. Rõ ràng, ngôi sao đoạt 8 HCV, phá 8 kỷ lục cá nhân ở SEA Games 28 tiếp tục giúp bơi Việt Nam có bước tiến lớn cả về nền tảng lẫn diện mạo trên trường quốc tế. Các đối thủ, kể cả của những siêu cường cũng bắt đầu phải “đếm” tới Viên.
Khi siêu kình ngư “lùi” xuống nhóm 2
Sau một năm khuynh đảo làng thể thao khu vực, gây chấn động cả nước, nhờ một màn trình diễn siêu phàm ở SEA Games 28 (8 HCV, 8 lần phá kỷ lục) Ánh Viên không còn là “hiện tượng” đặc biệt của giới chuyên môn cùng truyền thông, vì nhiều lý do khác nhau. Trong đó, quan trọng nhất, Viên đã có một sự chuyển hướng rõ rệt, gắn với cách nhìn nhận chuẩn xác về khả năng, mục tiêu thực tế.
Căn cứ vào thông số tại Olympic 2012, Viên chưa sánh ngang với Top 8 ở bất cứ nội dung nào. So với các hảo thủ thế giới, chị còn có những hạn chế cơ bản về sức mạnh, sức bền, kỹ thuật quay vòng, hay yếu ở kiểu bơi ếch. Do phải trải mình ra quá nhiều nội dung nên Viên cũng chưa có sự chuyên môn hóa cao độ để tạo nên một vài “mũi nhọn” thực thụ.
Lặn để chờ nổi
Trong 5 tháng trở lại đây, cũng là giai đoạn cao điểm chuẩn bị Olympic, có thể thấy, siêu sao môn bơi đã rơi vào một sự khuất lấp, trầm lắng nhưng có lẽ là tích cực trên đất Mỹ. Chính xác hơn, chị cố gắng và chủ động “dìm” mình xuống, lặng lẽ và miệt mài luyện tập cho đích nhắm Olympic. Viên tập trung cao độ cho việc nâng cao thể lực, với 2 tiếng nâng tạ mỗi ngày như một đô cử. Viên gần như chỉ chuyên sâu cho 4 nội dung mạnh nhất, đặc biệt 400m hỗn hợp, trong đó ưu tiên cải thiện điểm yếu bơi ếch. Chị có một số đợt tập huấn, cọ xát ngắn hạn vô cùng hữu ích bên cạnh các tay bơi sửng sỏ, như nhà vô địch Olympic bơi ngửa Missy Franklin. Tuyển thủ đất Tây Đô cũng bỏ qua hàng loạt cuộc đấu dù nó có thể giúp chị đoạt rất nhiều huy chương, tiền thưởng như giải Đông Nam Á, hay tạo tiếng vang, vị thế như các tour của Cúp thế giới...
Trước thềm Olympic, dường như Ánh Viên đã lùi hẳn lại ở nhóm hai trong số 23 tuyển thủ Việt giành quyền dự tranh. Thậm chí, trong lễ xuất quân đoàn TTVN, chị không hề được nhắc đến, điều chưa từng xảy ra kể từ 2013. Theo kế hoạch, từ 25/07, thầy trò Viên sẽ từ Mỹ sang thẳng Brazil để làm quen địa điểm, chuẩn bị các phương án thi đấu.
Rất kỳ lạ vì ngay cả so với cách đây 4 năm còn là “tân binh” Olympic, Ánh Viên cũng không “chìm” như lần này, rõ nhất về sự quan tâm của giới truyền thông, người hâm mộ. Thậm chí, việc Viên có thể đạt thành tích như thế nào cũng không mấy được để ý. Và như nhận xét của ông thầy ruột Đặng Anh Tuấn, đó chính là một thuận lợi đáng kể của Viên, khi không phải chịu những áp lực cùng sự ầm ĩ bất lợi. Chị có thể bước vào đấu trường đỉnh cao với tâm thế thỏa mái và hưng phấn.
Bóng đá Việt Nam bấy lâu nay tồn tại nghịch cảnh. Các ĐT trẻ thường không được kỳ vọng lại tạo dấu ấn đậm nét. Tuy nhiên, khi bước vào ngưỡng cửa chuyên nghiệp, họ dần dần bị rơi rụng.
Chờ bất ngờ ở 400m hỗn hợp?
Ngành thể thao không đưa ra chỉ tiêu với Viên. HLV Anh Tuấn cũng chỉ nêu những thông số chuyên môn khá khiêm tốn mà tránh đề cập đến thành tích cụ thể. Thế nhưng, giới chuyên môn đều hiểu rằng, cô gái Vàng của bơi Việt Nam đang quyết tâm làm nên một cuộc đột phá bất ngờ tại Olympic. Nó đã được thể hiện qua các bản báo cáo kỹ lưỡng từ Mỹ gửi về hàng tuần, mà mọi chỉ số của Viên, theo tiết lộ, đều đang “cực ổn”, nhất là ở 400m hỗn hợp.
Được quyền dự tranh 4 nội dung song gần như chắc chắn Viên sẽ chỉ chọn lựa 1-2 nội dung để bung sức. Thậm chí, thầy trò chị còn sẵn sàng hi sinh cả 3 nội dung còn lại cho “trọng điểm” 400m hỗn hợp, nơi thông số tại giải vô địch thế giới 2015 của Viên còn cách HCĐ Olympic 2012 gần 6 giây (4 phút 38 giây 78 so với 4 phút 32 giây 91). Lưu ý rằng, Viên đã đạt tới thông số đó cách đây 11 tháng, tại một cuộc đấu khi chị vừa trải qua một kỳ SEA Games gồng mình gắng sức.
Thế thì hãy cứ để cho Ánh Viên “lặn” thật sâu...
4 tỉ đầu tư cho Ánh Viên năm 2016 Dù không gánh vác sứ mệnh tranh huy chương song Ánh Viên vẫn là tuyển thủ Việt có mức đầu tư “khủng” nhất năm 2016, với trên 4 tỷ đồng. Trong 5 năm sang Mỹ luyện tài, tổng mức đầu tư cho siêu kình ngư này lên tới 13 tỷ đồng, do ngành thể thao và đơn vị chủ quản Quân đội mỗi bên đảm trách một nửa.
Ánh Viên còn cách huy chương Olympic bao xa?
200m tự do: Ánh Viên: 1’59’’27 - HCĐ Olympic Londo 1’55’81 400m tự do: 4' 08” 66 – 4' 03” 01. 200m hỗn hợp 2’13’’29 - 2’08’’95 400m hỗn hợp 4’38’’78 – 4’32’’91
“Tôi sẽ tập trung tối đa cho 400m hỗn hợp”
“Tôi chưa nghĩ tới mục tiêu giành huy chương Olympic 2016 mà trước hết phải phấn đấu để lọt vào cuộc đấu chung kết dành cho 8 đấu thủ hay nhất, có thể là ở hai nội dung 400m hỗn hợp và 400m tự do. Tôi sẽ tập trung tối đa cho 400m hỗn hợp, đường bơi mà tôi hi vọng mình có thể làm nên điều gì đó đáng kể tại Rio”. Ánh Viên
Ánh Viên sẽ có mặt ở Rio đầu tiên Đoàn thể thao Việt Nam tham dự Olympic Rio 2016 ở 10 bộ môn. Đoàn Thể thao Việt Nam sẽ chính thức lên đường sang Brazil từ ngày 28/7 đến 22/8. Olympic Rio 2016 sẽ chính thức khai mạc ngày 05/8/2016 và bế mạc ngày 21/8/2016. Olympic lần này quy tụ hơn 10.500 VĐV đến từ 206 quốc gia trên thế giới, tranh tài ở 306 nội dung trong 28 môn Thể thao. Thế nhưng, theo lịch, Ánh Viên và HLV Anh Tuấn sẽ là hai trong số những người của Đoàn TTVN có mặt đầu tiên ở Rio. Ngoài ra còn có đội điền kinh với 2 HLV và 2 VĐV Nguyễn Thị Huyền và Nguyễn Thanh Ngưng.
|
Tường Nhi
Thể thao & Văn hóa cuối tuần