(Thethaovanhoa.vn) - Ánh Viên đang ấp ủ một kế hoạch sẽ tạo nên bất ngờ trên đường đua xanh ở Olympic Rio 2016 trong khi chỉ tiêu đặt ra cho kình ngư 20 tuổi này là không cần phải có huy chương mang về.
Hào quang SEA Games đè quá nặngTheo thống kê, không có một kình ngư nào ở đẳng cấp thể giới lại thi đấu nhiều giải, và đáng nói hơn lại đủ các loại giải như Ánh Viên. Nếu tính từ ASIAD 2014, cuộc đấu mà kình ngư 19 tuổi quê Cần Thơ chính thức vươn ra đỉnh cao quốc tế với 2 tấm HCĐ, chỉ trong đúng 1 năm chị đã phải “cày ải” tới 8 giải.
Trong đó có nhiều giải, với đẳng cấp của mình, Viên không cần và không nên dự tranh, như Đại hội TDTT toàn quốc 2014, giải VĐQG 2015 hay giải trẻ châu Á 2015. Cả 8 giải này, Viên đã luôn phải căng sức tranh tài với số nội dung tối đa nhất có thể. Điển hình như Đại hội TDTT toàn quốc 2014, chị dự tranh tới 18 nội dung, giải trẻ châu Á 2015 là 12 nội dung, hay giải VĐQG lên tới 19 nội dung.
Điều đó vô cùng tệ hại bởi Ánh Viên đã phải vắt kiệt sức đúng trong thời kỳ đang tăng tốc và tích lũy cho sự phát triển. Suốt cả một năm, chị bị cuốn vào một guồng quay của những cuộc di chuyển và thi đấu liên tiếp, đến mức gần như không có thời gian nghỉ ngơi và hồi phục. Như một hậu quả khó tránh, chị đã rơi vào tình trạng quá tải với thể lực ngày càng suy kiệt.
Ánh Viên vẫn luôn được người hâm mộ kỳ vọng - Ảnh: TTXVN
Trên thực tế, Viên chỉ có một “điểm rơi” phong độ duy nhất tại SEA Games 28 (giành 8 HCV, phá 8 kỷ lục Đại hội) còn lại đều thua xa khả năng. Có thể thấy, tất cả các giải đấu sau đó, kể cả giải vô địch thế giới và cúp thế giới, cũng như cả quy trình tập huấn của Viên đều chịu ảnh hưởng nặng nề từ SEA Games với thành công quá choáng ngợp cùng những hệ lụy tiêu cực về mặt chuyên môn phía sau.
Đơn cử việc Viên mất quá nhiều thời gian cho các hoạt động bên lề, khiến cho chị dù đã đạt tới sự chuyên nghiệp hiếm có cũng không thể giữ được sự tập trung cao độ cần thiết. Cũng chính đích nhắm giành số huy chương cao nhất có thể trên đất Singapore cũng làm cho Viên bị dàn trải về nguồn lực, mất đi tính chuyên môn hóa vốn đặc biệt quan trọng với một kình ngư có thể hình, xuất phát điểm còn nhiều hạn chế so với các đấu thủ quốc tế hàng đầu.
Tất nhiên đây là câu chuyện của cả một ngành thể thao quá nặng thành tích SEA Games, nhất là ở một môn khan hiếm huy chương với Việt Nam như bơi, mà thầy trò Viên muốn khác cũng không thể.
400m hỗn hợp là “cửa” tranh chấp duy nhất
Khác với năm 2015 cày ải trên đủ loại, năm nay, Ánh Viên chỉ tập trung cho một mục tiêu duy nhất là Olympic Rio, đấu trường mà chị sớm đạt tới 3 chuẩn A. Rất đáng mừng vì phương thức tập luyện của chị kể từ đầu năm 2016 đã có những điều chỉnh quan trọng, phù hợp với năng lực của bản thân cũng như mục tiêu Olympic.
Cùng với việc đảm bảo một khối lượng vận động được lượng hóa bằng 6-7 km trên hồ bơi mỗi ngày, Viên đã tập trung nâng cao sức mạnh chung cùng sự dẻo dai của đôi tay bằng các bài tập tạ chuyên biệt trong khoảng 2 tiếng tại phòng thể lực.
Quan trọng hơn, thay vì ôm đồm nhiều nội dung, lần đầu tiên,Viên đã thực hiện quyết liệt việc ưu tiên cho “mũi nhọn” 400m hỗn hợp. Từ lâu giới chuyên môn đã đánh giá đó là đường bơi gần như duy nhất Viên luôn có những bước thăng tiến cực nhanh và ổn định.
Tại giải VĐTG 2013, Viên mới xếp thứ 21 với thành tích 4 phút 47 giây 60. Qua 2 năm, kỷ lục gia SEA Games này đã bơi dưới 4 phút 40 giây, mà gần nhất là 4 phút 38 giây 78 ở vòng loại giải VĐTG 2015.
Tính ra, siêu kình ngư đã rút ngắn được tới gần 8 giây, một thành quả rất “khủng”. Thông số của Viên cũng chỉ còn cách tấm HCĐ Olympic 2012 (4 phút 32 giây 91) hơn 5 giây, một khoảng cách không quá “ghê gớm” với cự ly 400m, nhất là với khả năng tăng tốc ở thời điểm hiện tại.
Theo tiết lộ của HLV Đặng Anh Tuấn, sự thăng tiến của học trò ở 400m hỗn hợp đang rất khả quan, nhất là nhờ cải thiện được đáng kể điểm yếu bơi ếch cùng kỹ thuật quay vòng.
Trong các buổi tập gồng mình gắng sức, Viên cũng đã đạt mức trên dưới 3 phút 35 giây. Dù ông Tuấn chỉ khẳng định Viên sẽ phấn đấu đạt mức từ 4 phút 33 giây tới 3 phút 35 giây song ai cũng hiểu thầy trò ông đang nung nấu quyết tâm tạo kỳ tích trên đất Brazil.
Huy chương đã nằm ngoài sức vươn?
Nếu nhìn vào các thông số không ngừng tăng một cách đầy ấn tượng của Ánh Viên trên đường bơi 400m hỗn hợp, có cơ sở để tin tưởng tài năng 20 tuổi này sẽ vươn tới tầm mức đủ để đua tranh một tấm huy chương Olympic hay thế giới. Còn nhớ Viên đã đạt thông số tốt nhất 4 phút 38 giây 78 ở vòng loại giải VĐTG 2015 (thua HCĐ Olympic 2012 hơn 5 giây) khi mới vừa kết thúc SEA Games 28 2 tháng, đang sa sút thể lực nghiêm trọng. Có nghĩa là, chỉ cần chuyên môn hóa trong một quy trình đào tạo chuyên biệt, chị hoàn toàn có thể thành công.
Để đi vào lịch sử bơi lội Việt Nam, ngoài tố chất đặc biệt, nỗ lực tập luyện, sự dìu dắt của các HLV thì sự ủng hộ của gia đình luôn là điều mà Ánh Viên trân trọng nhất.
Tuy nhiên, đỉnh cao có thể ấy có lẽ giờ đã rất khó cho sức vươn của Viên, bởi những hệ lụy đến giờ vẫn chưa hết từ SEA Games 28 cùng cách đầu tư năm 1 của thể thao Việt Nam mà ngay cả trường hợp ngoại lệ như Viên cũng không thoát. 5 giây để gia nhập vào nhóm đua tranh một tấm huy chương tưởng như nằm trong khả năng của Viên ấy có lẽ vẫn là một khoảng cách rất xa.
Có thể thành tích sẽ tiếp tục tăng lên đáng kể song để làm nên một cuộc đột phá ngoạn mục gần như không thể. Sau năm 2015 với 8 cuộc đấu đủ loại gắn với những khoảng thời gian bị gián đoạn, Viên đã coi như phải xuất phát lại cho chiến dịch Olympic. Thế nhưng, kể từ đầu năm đến giờ, chị cũng đã phải 2 lần phải tạm ngưng tập huấn trở về nước để làm những công việc ngoài chuyên môn không hề mang tính bất khả kháng, như thi học kỳ, dự lễ ra mắt hay nhận thưởng.
Ánh Viên không bị áp chỉ tiêu huy chương, và việc chị chưa thể chinh phục kỳ tích tại Olympic 2016 cũng không có gì bất ngờ. Thế nhưng, ngay từ đã phải nuối tiếc vì giá như Viên vượt qua được nỗi ám ảnh SEA Games cùng cách làm năm 1 thì tài năng của một kình ngư mới ăn tập chuyên nghiệp 5 năm sẽ còn “khủng” hơn rất nhiều những gì người ta đang xoa tay mãn nguyện, cho dù có thể Viên vẫn không thể giành được huy chương tại Rio.
“Viên sẽ đạt tới độ chín vào 2018” “Với Olympic 2016, chúng tôi không đặt ra chỉ tiêu nào cụ thể cho Viên. Có thể Viên sẽ lọt vào Top 8 ở một vài nội dung song khả năng tranh chấp huy chương thực sự rất khó. Viên vẫn còn khoảng cách rõ rệt so với các đối thủ hàng đầu thế giới. 400m hỗn hợp đang là nội dung tốt nhất của Viên, và em sẽ phải đạt thông số từ 4 phút 33 tới 4 phút 35 giây. Mọi chỉ số cùng sự phát triển của Viên vẫn đang đúng lộ trình đặt ra. Theo tôi, 2 năm nữa, Viên sẽ đạt tới độ chín muồi trong sự nghiệp của mình, cụ thể là tại ASIAD 2018” – HLV Đặng Anh Tuấn.
Ánh Viên còn cách HCĐ Olympic 2012 như thế nào?
200m tự do: Ánh Viên: 1’59’’27 - HCĐ Olympic Londo 1’55’81 200m hỗn hợp 2’13’’29 - 2’08’’95
200m ngửa 2’14’’12 - 2’06’’55
400m hỗn hợp 4’38’’78 - 4’32’’91 |
Tường Nhi
Thể thao & Văn hóa cuối tuần