(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 15/4/2019 (giờ địa phương), một đám cháy lớn bất ngờ bùng phát tại Nhà thờ Đức Bà Paris, một trong những biểu tượng lâu đời và nổi tiếng nhất của nước Pháp, khiến 2/3 đỉnh mái của Nhà thờ đã hoàn toàn bị tàn phá. Hiện lực lượng cứu hỏa Paris đã kiểm soát được đám cháy.
Phóng viên TTXVN tại Paris đưa tin, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã hủy bỏ buổi nói chuyện về chính sách trên truyền hình theo kế hoạch diễn ra vào tối 15/4 để tới hiện trường vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris. Phát biểu với người dân Pháp, ông Macron kêu gọi sự chung tay góp sức của tất cả các tài năng của đất nước nhằm xây dựng lại và phát triển di sản này.
Cấu trúc của Nhà thờ đã được bảo vệ nguyên vẹn
Theo Người phát ngôn của nhà thờ, đám cháy xảy ra vào khoảng khoảng 18 giờ 50 ngày 15-4 giờ địa phương (tức 23 giờ 50 ngày 15-4-2019 giờ Hà Nội) ở phần đỉnh ngọn tháp, sau đó lan ra toàn bộ phần mái của nhà thờ.
Gần 500 lính cứu hỏa đã được huy động và tới nay đám cháy đã được khống chế. Theo Quốc vụ khanh Bộ Nội vụ Laurent Nunez, cấu trúc của Nhà thờ đã được bảo vệ nguyên vẹn, bao gồm cả tòa tháp chuông phía bắc.
Tuy nhiên, 2/3 đỉnh mái của Nhà thờ đã hoàn toàn bị tàn phá. Ông André Finot, người phát ngôn của Nhà thờ Đức Bà Paris, cho biết các di vật tôn giáo linh thiêng được bảo quản an toàn trong nhà thờ và không có nguy cơ bị cháy.
Theo lực lượng cứu hỏa, nguyên nhân của vụ việc nhiều khả năng liên quan đến công tác sửa chữa được tiến hành bên trong khu vực này.
Phát biểu với kênh truyền hình BFM, Phó Thị trưởng Paris, ông Emmanuel Gregoire mô tả đây là thiệt hại to lớn và các công nhân đã nỗ lực để bảo vệ tối đa các hiện vật trong nhà thờ này.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã hủy bỏ buổi nói chuyện về chính sách trên truyền hình theo kế hoạch diễn ra vào tối 15-4 để tới hiện trường vụ cháy. Phát biểu với người dân Pháp, ông Macron kêu gọi sự chung tay góp sức của tất cả các tài năng của đất nước nhằm xây dựng lại và phát triển di sản này.
Ngay sau đó, ngày 16-4, Tỷ phú Pháp Francois-Henri Pinault cam kết tài trợ 100 triệu euro (113 triệu USD) để xây dựng lại nhà thờ Đức Bà.
Trong một thông báo gửi tới hãng tin AFP (Pháp), Giám đốc điều hành của Tập đoàn Kering cho biết số tiền sẽ được dành cho các công tác cần thiết trong việc xây dựng lại nhà thờ. Tập đoàn Kering là chủ sở hữu của các thương hiệu thời trang nổi tiếng như Gucci và Yves Saint Laurent. Khoản tiền tài trợ sẽ được trích từ công ty đầu tư của gia đình Pinault Artemis.
Trước vụ cháy lần này, Nhà thờ Đức Bà Paris đang trong giai đoạn cải tạo phần phía sau, nơi có các khung vòm và tháp nhọn. Điều may mắn là cách đây 4 ngày, 16 bức tượng đồng nổi tiếng trong nhà thờ đã được di chuyển để phục vụ công tác trùng tu.
Nhà thờ Đức Bà Paris từng bị huỷ hoại vào cuối thế kỷ 18, thời gian diễn ra cuộc Cách mạng Pháp (1789). Công cuộc trùng tu sau đó dưới sự chỉ đạo của kiến trúc sư Eugène Viollet-le-Duc phải đến cuối thế kỷ 19 mới kết thúc.
Vẻ đẹp của Nhà thờ Đức Bà Paris
Là một trong những biểu tượng của văn minh Thiên chúa giáo phương Tây, Nhà thờ Đức Bà Paris nổi tiếng thế giới bởi các giá trị kiến trúc và văn hoá mà công trình này mang lại.
Nhà thờ Đức Bà Paris được khởi công xây dựng từ giữa thế kỷ XII. Quá trình thi công công trình này diễn ra liên tục trong khoảng 200 năm sau đó. Nhà thờ Đức Bà tọa lạc tại đảo Cité trên sông Seine ở thủ đô Paris. Vị trí địa lý đặc biệt này đã khiến Nhà thờ trở thành biểu tượng mang tính lịch sử, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của Paris.
Nhà thờ Đức Bà có chiều dài 128m, chiều rộng 48m, cao tới 96m, có thể chứa được 6.500 người. Đây không phải là Nhà thờ lớn nhất nước Pháp nhưng có tầm ảnh hưởng và sức thu hút nhất.
Là công trình tôn giáo nổi tiếng nhất của phong cách kiến trúc Gothic, Nhà thờ Đức Bà Paris có các mái vòm cong hình xương cá đối xứng hai bên. Bên ngoài có các tháp nhọn, bên trong là mái trần cao vút với các tấm kính và ô cửa sổ vạn hoa, công trình lịch sử này đã đi vào nhiều tác phẩm văn học kinh điển.
Sau hơn 8 thế kỷ tồn tại, Nhà thờ Đức Bà Paris mang trên mình tất cả những giá trị lịch sử, tôn giáo, kiến trúc, văn hoá… để trở thành một trong những biểu tượng lớn nhất của nền văn minh thiên chúa giáo phương Tây.
Nhà thờ đã tồn tại sau hai cuộc chiến tranh thế giới. Ngày 24-8-1944, Nhà thờ Đức Bà đã gióng hồi chuông ngân vang như lời tuyên bố giải phóng Paris khỏi Đức Quốc xã vào giai đoạn cuối của Chiến tranh thế giới thứ 2.
Nhà thờ này trở thành nguồn cảm ứng của rất nhiều tác phẩm văn học, trong đó có tiểu thuyết nổi tiếng "Thằng gù Nhà thờ Đức Bà Paris" của đại văn hào Victor Hugo.
Mỗi năm, địa điểm này thu hút từ 12-14 triệu du khách trên toàn thế giới ghé thăm, biến nơi đây thành công trình lịch sử đón nhiều khách du lịch nhất tại châu Âu.
TTXVN/Phương Anh (tổng hợp)