Cùng ngắm kiến trúc Nhà thờ Đức Bà Paris trước vụ hỏa hoạn

Thứ Ba, 16/4/2019, 8:45 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Nhắc tới nước Pháp người ta lại liên tưởng đến những công trình kiệt tác vĩ đại về kiến trúc gô tích đồ sộ, tại đây không thể không kể đến đó là Nhà thờ Đức Bà Paris.

Khoảnh khắc tháp Nhà thờ Đức Bà Paris đổ xuống trong đám cháy

Khoảnh khắc tháp Nhà thờ Đức Bà Paris đổ xuống trong đám cháy

Một vụ cháy lớn đã xảy ra tại Nhà thờ Đức Bà ở thủ đô Paris của Pháp khiến phần tháp của công trình mang phong cách kiến trúc Gothic lừng danh này đổ sập.

Vào thế kỷ 12, Paris là một thành phố quan trọng của Kitô giáo. Đây cũng là giai đoạn thành phố có những phát triển mạnh mẽ về cả dân số và kinh tế. Ngày 12 tháng 10 năm 1160, dưới thời Louis VII, Maurice de Sully trở thành giám mục Paris. Cùng với các tu sĩ, Maurice de Sully đã có một quyết định quan trọng xây dựng trên quảng trường Saint-Etienne một nhà thờ mới lớn hơn nhiều so với nhà thờ cũ.

Chú thích ảnh

Nhà thờ sẽ được hiến dâng cho Đức Bà Mary, theo tiếng Pháp gọi là “Notre Dame” và theo phong cách kiến trúc mới, về sau được gọi là kiến trúc Gothic. Nhà Thờ Đức Bà tọa lạc trên hòn đảo Ile de la Cité nằm giữa sông Seine thơ mộng, được xây dựng trong các năm từ 1103 tới 1250.

Chú thích ảnh

Notre Dame được xem là một trong những nhà thờ đầu tiên theo lối kiến trúc gothic và được xây dựng trong suốt thời kỳ gothic. Các bức phù điêu và những tấm kính màu thể hiện sự ảnh hưởng mạnh mẽ của chủ nghĩa tự nhiên, mang đến người xem vẻ gần với thế tục hơn so với lối kiến trúc La Mã trước đó. Notre Dame là một trong số những công trình đầu tiên của thế giới sử dụng các trụ đỡ. Thiết kế đầu tiên của nhà thờ này không có các trụ đỡ quanh chỗ ngồi của dàn đồng ca và gian giữa của thánh đường. Sau khi công trình được khởi công và các bức tường mỏng ngày càng được xây cao và rộng hơn, các vết nứt bắt đầu xuất hiện khiến cho các bức tường bị nghiêng. Để khắc phục tình trạng đó, các kiến trúc sư cho xây thêm những trụ đỡ quanh bên ngoài của các bức tường và kể từ đó cách làm này đã được áp dụng trong việc xây dựng các phần tiếp theo của nhà thờ.

Chú thích ảnh

Nhà thờ Đức Bà Paris là nhà thờ lớn cuối cùng có những đường nét như ý, kiến cấu trúc mới so với thời đại đó. Chẳng hạn như những vòng cung đá tỏa ra nhìn xa xa như những giải lụa đẹp mắt và để kéo dài tuổi thọ của nhà thờ, nước mưa hứng từ những máng xối, được chảy qua trong miệng các hình làm bằng tượng chung quanh, để phun nước ra xa chân tường.

Chú thích ảnh

Phía mặt tiền nhà thờ có một cấu trúc thăng bằng và uy nghi. Ba cửa lớn không bằng nhau, cửa giữa cao nhất và rộng hơn hai cửa kia. Vào thời trung cổ người ta thường dùng sự mất cân đối này để giảm sự đơn điệu buồn tẻ của những mặt tiền lớn. Những cửa sắt lớn có những tượng nổi lên một nền vàng tượng trưng cho quyển thánh kinh bằng đá. Sáu cánh cửa lớn được trang trí bằng những cốt sắt uốn nắn tuyệt đẹp và những hình tượng các thánh điêu khắc trên cạnh những vòm cong.

Bên trong, ngay tại giữa thánh đường, hai hàng cột với vòm trần trên cao, tượng trưng cho lối kiến trúc Pháp vào thế kỷ 13: đường nét thanh thoát nhưng táo bạo với những chạm trổ tinh vi. Để soi sáng phía trong nhà thờ người ta làm rộng những cửa sổ. Đỡ những tháp là những trụ đường kính lên đến 1,6m. Những lần tu sửa đòi hỏi rất nhiều công phu theo cách làm hồi xa xưa và cây đàn orgue được cấu tạo bởi 7800 ống đồng, kích thước khác nhau, phát ra một thứ âm vang ngân xa trầm bổng, làm dịu lại lòng người.

Chú thích ảnh

Trên khung cửa lớn ở ngoài mặt tiền nhà thờ, có một hàng 28 bức tượng hiện thân của những vua Juda và Do Thái. Năm 1793 nhóm cách mạng lâm thời lật đổ vương quyền, họ tưởng những tượng đá trên là biểu tượng của vua chúa Pháp, nên ra lệnh đem xuống chặt đầu trước sân nhà thờ và đập phá một số tượng khác nữa. Sau đó ông Viollet le Duc sửa chữa lại một số hư hại về kiến trúc cũng như một số tượng và người ta không khỏi ngạc nhiên khi một số tượng bằng đồng có khuôn mặt na ná giống ông.

Sự trùng tu gặp rất nhiều thuận lợi nhờ sự thành công của cuốn tiểu thuyết tình cảm Notre-Dame de Paris của đại văn hào Victor Hugo. Phía trên cửa giữa nhà thờ, có một cửa sổ tròn bằng kính được ghép đủ màu sắc như một hào quang cho tượng Đức mẹ và chúa hài đồng, hai bên có hai thiên thần canh gác, có đường kính 10m và là cửa sổ lớn nhất mà người ta dám nghĩ và làm vào thời đó.

Chú thích ảnh

Vào thế kỷ 17 chuông cũ được đúc lại, khi đánh lên rất thanh thoát như tiếng nhạc tạo thành âm thanh của nó, lý do là khi nấu đúc lại, chuông mới có chất vàng và bạc trong đồng từ những vật trang sức của những người dân Paris đã tự nguyện đóng góp vì đức tin. Năm 1949 nhà thờ lập lại truyền thống cũ: hàng năm vào tháng Năm mỗi một nhà kim hoàn tại Ba Lê sẽ gởi tặng nhà thờ một món quà quí giá về nghệ thuật.

Ngay trước khi hoàn thành Nhà thờ Đức Bà Paris đã có những sự kiện lịch sử và chính trị xảy ra nơi đây. Sàn Nhà Thờ Đức Bà cũng như các giào đường công giáo khác thường có cấu trúc như hình dấu thánh giá. Đầu thánh giá hướng về phương Đông. Phần transept là phần đi ngang qua thân chính của nhà thờ với cánh bắc và cánh nam, đôi khi có cửa. Chân của dấu thập thánh giá nằm cuối phương Tây là nơi có đặt cửa vào chính điện.

Chú thích ảnh

Du khách có thể qua bên trái của Nhà Thờ và thấy phần cầu thang, đưa mọi người lên tháp chuông cao 225 feet. Đây chính là nơi Đại Văn Hào Victor Hugo đã mô tả thằng gù Quasidomo trong tác phẩm “Thằng Gù Nhà Thờ Đức Bà” nổi tiếng toàn thế giới. Tháp phía tây nam (bên phải) là nơi để một cái chuông lớn tên Emmanuel cân nặng 13,000kg và một cây để rung chuông nặng 500kg.

Qua phía sau Nhà Thờ, du khách thấy “Đài Tưởng Niệm các Thánh Tử Đạo người Pháp bị lưu đầy năm 1945”. Từ nơi này mọi người nhìn thấy rõ hòn đảo Ile de la Cité, Giòng Sông Seine chảy dịu dàng nhưng đây cũng là nơi tưởng niệm các công dân Pháp bị đưa đi lưu đầy trong các trại tử thần như Auschwitz và Buchenwald trong kỳ Thế Chiến Thứ Hai. Trên tường, du khách nhận ra giòng chữ màu máu viết bằng tiếng Pháp “Hãy tha thứ, nhưng đừng quên”.

Vào hằng năm du khách trên thế giới đến đây rất đông để đi viếng thăm Nhà thờ Đức Bà Paris. Đến để tìm hiểu và thấm nhuần những nét thiêng liêng của nơi đây trong những âm thanh không rõ nét của thường lệ. Từ lối kiến trúc thời trung cổ có nền văn minh đi trước lối kiến trúc hiện đại ngày nay, Paris hiến cho đời một kiệt tác mà thời gian và những biến cố lịch sử không làm ảnh hưởng gì đến những kiến trúc đó. kiến trúc đó vẫn tỏa sáng mà bất cứ ai, thuộc mọi tầng lớp khi ngắm nhìn cũng phải trầm trồ thán phục.

Theo achau.net

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến