Vì sao Indonesia phải lên kế hoạch di dời thủ đô khỏi Jakarta

Thứ Năm, 29/8/2019, 8:45 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Trong bối cảnh thủ đô Jakarta của Indonesia đang bị đe dọa bởi mực nước biển dâng trung bình lên đến 18 cm/năm, cùng với tình trạng ách tắc giao thông nghiêm trọng…, chính phủ Indonesia đã quyết định chuyển thủ đô từ Jakarta trên đảo Java hiện nay đến tỉnh Đông Kalimantan trên đảo Borneo.

Tổng thống Indonesia công bố địa điểm đặt thủ đô mới

Tổng thống Indonesia công bố địa điểm đặt thủ đô mới

Ngày 26/8, Tổng thống Indonesia Joko Widodo thông báo thủ đô mới của nước này sẽ được chuyển từ Jakarta trên đảo Java hiện nay đến tỉnh Đông Kalimantan trên đảo Borneo.

Jakarta đang quá tải

Kế hoạch di dời thủ đô của Indonesia lần đầu tiên được Bộ Kế hoạch phát triển quốc gia (Bappenas) đưa ra vào đầu tháng 4-2019. Sau đó kế hoạch này đã được Tổng thống Joko Widodo nêu ra trong thông điệp liên bang trước Quốc hội vào ngày 16-8-2019 nhân dịp kỷ niệm 74 năm ngày độc lập của Indonesia. Ý tưởng về việc di dời thủ đô thực ra đã được Indonesia thảo luận từ nhiều thập kỷ qua bởi các tổng thống khác nhau, kể từ thời Tổng thống đầu tiên của Indonesia là ông Sukarno, song ý tưởng này đã được hiện thực hóa và trở nên cấp bách dưới thời của Tổng thống Widodo. Kế hoạch di dời thủ đô được đưa ra trong bối cảnh thủ đô hiện tại của Indonesia là Jakarta nằm trên đảo Java hiện đang trong tình trạng quá tải vì dân số đông dẫn tới nạn kẹt xe.   

Từng là cố đô của vương quốc Sunda thời trung cổ, sau đó là thành phố cảng Batavia trong thời thực dân Hà Lan, rồi trở thành thủ đô vào thập niên 1940 khi Indonesia tuyên bố độc lập, hiện tại Jakarta là thành phố lớn nhất ở Indonesia với dân số 9,6 triệu người, đông gấp 3 lần so với dân số ở các thành phố lân cận. Mật độ dân số hiện tại ở Jakarta là 15.000 người/km2, gấp đôi so với Singapore. Tình trạng tắc nghẽn giao thương cũng vì thế mà thường xuyên xảy ra khiến nền kinh tế nước này thiệt hại khoảng 7 tỷ USD/năm.   

Thêm vào đó, với vị trí nằm ở vùng đất thấp nên thành phố Jakarta cũng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi những đợt triều cường, thường xuyên hứng chịu lũ lụt vào mùa mưa. Việc khai thác nước ngầm quá mức đã khiến thành phố ngày càng bị lún nhanh hơn.  Các nhà nghiên cứu cho biết, phía Bắc Jakarta đã chìm 2,5 mét trong 10 năm qua và đang tiếp tục chìm trung bình 18 cm mỗi năm. Ước tính phần lớn đô thị Jakarta có thể sẽ bị nhấn chìm hoàn toàn vào năm 2050.   

Chú thích ảnh
Quang cảnh vùng Samarinda, Đông Kalimantan, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN

Vì vậy, khi đề cập đến kế hoạch di dời thủ đô, Tổng thống Widodo đã nhấn mạnh, thủ đô không chỉ là biểu tượng của bản sắc dân tộc mà còn lại đại diện cho sự tiến bộ của quốc gia. Việc lựa chọn thủ đô mới cũng thể hiện tầm nhìn xa của nước này, hiện thực hóa các mục tiêu kinh tế trong tương lai. Cũng theo Tổng thống Widodo, thủ đô mới của Indonesia sẽ được thiết kế như một thành phố thông minh bền vững, có hệ thống giao thông công cộng hiệu quả, hệ thống nước và điện xanh.   

Ngoài ra, song song với việc chọn thủ đô mới, chính quyền của ông Widodo cũng tính đến việc dựng một bức tường khổng lồ để ngăn nước biển tràn vào Jakarta trong tương lai.   

Ngay sau khi ý tưởng di dời thủ đô được đưa ra, nhóm đặc trách của Bộ Kế hoạch phát triển quốc gia (Bappenas) đã tiến hành khảo sát ở ba khu vực trên đảo Kalimantan gồm phía Nam, Trung và Đông Kalimantan. Cả ba khu vực này đều đáp ứng được yêu cầu của thủ đô mới, trong đó có yếu tố không bị ảnh hưởng bởi động đất và núi lửa.   

Tổng thống Joko Widodo cũng đã thị sát hai khu vực trên đảo Kalimantan là Bukit Soeharto ở Đông Kalimantan và khu vực Tam giác gần Palangkaraya ở Trung Kalimantan.

Kalimantan là sự lựa chọn lý tưởng   

Trong thông báo mới nhất vào ngày 26-8, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết sẽ chuyển thủ đô mới từ Jakarta trên đảo Java hiện nay đến tỉnh Đông Kalimantan trên đảo Borneo. Đây là hòn đảo lớn thứ 3 thế giới và lớn nhất châu Á với diện tích gần 750.000 km2. Hòn đảo này hiện được phân chia giữa ba quốc gia là Malaysia cùng Brunei ở phần phía Bắc và Indonesia ở phía Nam (sở hữu khoảng 73% diện tích đảo).   

Tổng thống Widodo cho biết các kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy "địa điểm lý tưởng nhất" để đặt thủ đô mới của Indonesia là một khu vực thuộc các vùng Bắc Penajam Paser và Kutai Kartanegara của tỉnh Đông Kalimantan. Địa điểm đặt thủ đô mới của Indonesia sẽ nằm gần thành phố Balikpapan. Trong khi đó, Bộ trưởng Kế hoạch Phát triển Quốc gia Indonesia Bambang Brodjonegoro cũng cho biết thêm việc chọn lựa di dời thủ đô đến Kalimantan còn là vì nơi đây ít xảy ra các thảm họa thiên nhiên.   

Theo nhà lãnh đạo Indonesia, kế hoạch di dời thủ đô khỏi Jakarta sẽ tiêu tốn 466.000 tỷ rupiah (32,79 tỷ USD), bao gồm việc xây dựng các trụ sở công quyền mới và nhà ở cho khoảng 1,5 triệu nhân viên chính phủ. Trong đó, chính phủ sẽ cấp 19% số kinh phí, số còn lại do các đối tác trong khu vực công và tư nhân đầu tư.   

Tổng thống Joko Widodo còn cho biết ông đã gửi một bức thư tới Quốc hội về vấn đề di dời thủ đô và chính phủ sẽ chuẩn bị một dự luật liên quan tới vấn đề này để Quốc hội thông qua sớm nhất có thể.   

Theo Cơ quan Kế hoạch phát triển quốc gia Bappenas, kế hoạch di dời thủ đô có thể bắt đầu vào năm 2024. Trong tương lai, thủ đô mới sẽ đóng vai trò là trung tâm của chính phủ, còn thành phố Jakarta sẽ vẫn là trung tâm kinh tế và tài chính của Indonesia.  

Đánh giá về kế hoạch di dời thủ đô của Indonesia, nhiều người đã bày tỏ lo ngại kế hoạch này sẽ gây lãng phí và đe dọa môi trường tại trung tâm hành chính mới, song một số quan chức Indonesia đã khẳng định đây là việc làm cần thiết do Jakarta hiện tại đang trong tình trạng quá tải.   

Một số ý kiến lại cho rằng nếu chuyển thủ đô từ Jakarta về Kalimantan, Indonesia sẽ di dời trung tâm hành chính của mình từ một đô thị công nghiệp với mật độ dân cư dày đặc sang một đô thị nằm giữa thiên nhiên.

An Ngọc/TTXVN (tổng hợp)

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến