(Thethaovanhoa.vn) - Chỉ ít lâu sau lần thử vũ khí hạt nhân thứ 6 với bom nhiệt hạch, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lần đầu công khai đe dọa “xóa sổ” nước Mỹ bằng việc sử dụng vũ khí xung điện từ.
Đây là động thái hết sức chú ý trong bối cảnh có tin quân đội Mỹ được lệnh bắn hạ mọi tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng tấn công lãnh thổ Mỹ và tàu đổ bộ USS Wasp đã rời Virginia áp sát Bán đảo Triều Tiên.
Theo hãng tin AP, lãnh đạo Kim Jong-un ngày 3/9 đã ra một tuyên bố thông qua Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA): Loại vũ khí sử dụng trong lần thử thứ 6 là “một quả bom nhiệt hạch đa năng với sức mạnh phá hủy khủng khiếp có thể được kích hoạt khi đang bay trên cao để thực hiện một cuộc tấn công EMP (xung điện từ) tùy thuộc vào mục đích chiến lược”.
Ông Kim Jong-un khẳng định “tất cả các bộ phận của bom-H trên đều do chính Triều Tiên chế tạo”.
Chỉ vài ngày sau, các nguồn tin thân cận với đội ngũ an ninh quốc gia tại Nhà Trắng tiết lộ với hãng Newsmax (Mỹ) rằng sau khi Bình Nhưỡng đe dọa phóng tên lửa đạn đạo (ICBM) vào đảo Guam, lãnh thổ của Mỹ trên Thái Bình Dương, quân đội Mỹ đã nhận được lệnh bắn hạ mọi tên lửa của Triều Tiên.
Vụ thử hạt nhân lần thứ sáu của CHDCND Triều Tiên sáng 3/9, sau hàng loạt lần dọa dẫm với tên lửa khác, được tờ Business Insider (Mỹ) đánh giá mang theo kỳ vọng đặc thù của Bình Nhưỡng.
Tàu đổ bộ tấn công đa dụng Mỹ USS Wasp chở hàng loạt chiến đấu cơ F-35B cũng được lệnh rời Virginia để tới Sasebo (Nhật Bản) gia nhập Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ. Theo hãng Sputnik (Nga), động thái này đồng nghĩa với việc USS Wasp đã mang những chiến đấu cơ tối tân nhất thuộc Mỹ tới gần Bán đảo Triều Tiên.
Vũ khí xung điện từ sử dụng tên lửa được trang bị súng điện từ. Nguyên tắc hoạt động của vũ khí xung điện từ là khi phát nổ sẽ tạo ra một trường điện từ cực lớn khiến hiệu điện thế vọt nhanh, nhiều thiết bị điện trở nên vô dụng, nhằm mục đích phá hủy khả năng tình báo và giám sát, hệ thống máy tính và liên lạc, điều khiển, chỉ huy của đối phương mà không làm bị thương người hay các cơ sở hạ tầng.
Một thiết bị hạt nhân phát nổ ở độ cao 30-400 km so với mặt đất có thể vô hiệu hóa gần như toàn bộ các thiết bị điện trong tầm ảnh hưởng, bao gồm máy tính, mạng lưới điện và hệ thống liên lạc. Các chuyên gia cho rằng phải mất vài năm thì hệ thống điện mới trở lại bình thường.
Trong một bài viết trên The Hill xuất bản vào tháng 3 năm nay, Tiến sĩ Vincent Pry - Chủ tịch Ủy ban EMP của Quốc hội, đồng thời là Giám đốc cơ quan Task Force của Bộ An ninh Nội địa Mỹ, cảnh báo một vụ tấn công xung điện từ hạt nhân có thể gây ra hậu quả kinh hoàng, giết chết 90% dân số Mỹ vì nạn đói và xã hội sụp đổ.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 6/9 đã đề nghị người đồng cấp Nga Vladimir Putin giúp kiềm chế Triều Tiên, nhấn mạnh rằng vụ thử hạt nhân gần đây nhất của Bình Nhưỡng đã làm cho tình hình an ninh toàn cầu trở nên rất nghiêm trọng.
Theo ông Anthony Furey – tác giả của cuốn sách “Tấn công xung điện từ: Câu chuyện thực sự phía sau thứ vũ khí bí mật có thể phá hủy Bắc Mỹ” đông thời là nghiên cứu viên tại Viện chiến lược True North Initiative (Canada), hiện hệ thống điện Bắc Mỹ không được trang bị để tự bảo vệ trước một cuộc tấn công xung điện từ.
Với những gì mà Triều Tiên khiến cả thế giới kinh ngạc trong suốt 6 tháng qua, bằng những tiến bộ trong công nghệ kỹ thuật phát triển vũ khí hạt nhân, ông Furey cho rằng các nhà phân tích không nên đánh giá thấp năng lực của Triều Tiên.
Đặc biệt, một trong những ưu điểm của tấn công xung điện từ khiến các nhà phân tích bất an là có thể triển khai mà không cần một quả tên lửa đạn đạo có độ chính xác cao.
William Graham – Chủ tịch của một Ủy ban Quốc hội Mỹ giải thích trong một bài viết xuất bản ngày 2/6 trên trang mạng 38 North: “Triều Tiên có thể thực hiện một cuộc tấn công xung điện tự nhằm vào nước Mỹ với một quả tên lửa tầm ngắn phóng từ tàu ngầm hoặc tàu chiến, cũng như dùng khí cầu thả trôi một đầu đạn và kích nổ ở độ cao 30 km.
Một cuộc tấn công như vậy có thể khiến toàn bộ hệ thống điện phía đông mất điện, chiếm 75% mạng điện nước Mỹ”.
Hồng Hạnh/Báo Tin Tức