(Thethaovanhoa.vn) - Gần một tuần sau khi Bình Nhưỡng thử bom nhiệt hạch và có dấu hiệu tiếp tục thử tên lửa đạn đạo, Mỹ đã chính thức đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) bỏ phiếu trừng phạt Triều Tiên vào ngày 11/9. Mỹ đồng thời ra lệnh cho tàu đổ bộ tấn công USS Wasp rời Virginia chở hàng loạt chiến đấu cơ F-35B để tới Sasebo (Nhật Bản) gia nhập Hạm đội 7.
Hãng tin Reuters (Anh) dẫn thông báo của phái đoàn Mỹ tại LHQ: “Mỹ đã thông báo với HĐBA LHQ rằng Mỹ dự định tổ chức một cuộc họp để bỏ phiếu về một dự thảo nghị quyết nhằm thiết lập thêm các biện pháp trừng phạt với Triều Tiên vào ngày thứ hai 11/9”.
Mỹ muốn HĐBA áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ tại Triều Tiên, đồng thời cấm nước này xuất khẩu hàng dệt may và ngừng trả lương cho các lao động Triều Tiên làm việc tại nước ngoài.
Ngoài ra, nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ bị phong tỏa tài sản và cấm đi lại, theo như bản dự thảo nghị quyết mà Reuters được biết.
Theo các nhà ngoại giao LHQ, Washington muốn gây sức ép tối đa đối với Bình Nhưỡng để buộc nước này ngồi vào bàn đàm phán, đồng thời chấm dứt chương trình tên lửa và hạt nhân của mình.
Các nguồn tin ngoại giao còn tiết lộ Nga và Trung Quốc đã phản đối tất cả các biện pháp cấm vận trên, ngoại trừ lệnh cấm xuất khẩu hàng dệt may, tại một cuộc họp giữa các đại diện của 15 nước thành viên HĐBA.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng vẫn còn quá sớm để bàn về chuyện HĐBA bỏ phiếu cho các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên. Phát biểu trong cuộc họp báo với người đồng cấp Pháp Jean-Yves Le Drian đang ở thăm nước này, Ngoại trưởng Lavrov cho biết việc soạn thảo một nghị quyết mới của HĐBA LHQ về các biện pháp trừng phạt mới chống Triều Tiên đang được tiến hành, và vẫn còn quá sớm để dự đoán về văn bản cuối cùng này.
Theo ông, điều cần thiết là nỗ lực ưu tiên nối lại tiến trình chính trị song song với việc gia tăng sức ép buộc Triều Tiên phải từ bỏ các hành động khiêu khích liên quan tới chương trình tên lửa và hạt nhân của nước này. Nga cũng phản đối việc trục xuất các công dân Triều Tiên sống tại nước này về quê hương – những người đóng góp một nguồn thu nhập quan trọng cho chính phủ Triều Tiên.
Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng các biện pháp trừng phạt mới sẽ không giúp thuyết phục nhà lãnh đạo Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân của mình. Ông tuyên bố là nước ủy viên thường trực của HĐBA LHQ, Nga sẽ phủ quyết dự thảo này.
Trong khi đó, các quan chức Trung Quốc bày tỏ lo ngại rằng lệnh cấm vận dầu mỏ sẽ châm ngòi một sự bất ổn lớn tại nước láng giềng.
Theo qui định, một nghị quyết của HĐBA cần 9 phiếu đồng ý và không có phiếu phủ quyết của các thành viên thường trực bao gồm Anh, Mỹ, Pháp, Nga và Trung Quốc để được thông qua.
Trong một diễn biến liên quan, các nguồn tin thân cận với đội ngũ an ninh quốc gia tại Nhà Trắng tiết lộ với hãng Newsmax (Mỹ) rằng sau khi Bình Nhưỡng đe dọa phóng tên lửa đạn đạo (ICBM) vào đảo Guam, lãnh thổ của Mỹ trên Thái Bình Dương, quân đội Mỹ đã nhận được lệnh bắn hạ mọi tên lửa của Triều Tiên
Tàu đổ bộ tấn công đa dụng Mỹ USS Wasp chở hàng loạt chiến đấu cơ F-35B cũng được lệnh rời Virginia để tới Sasebo (Nhật Bản) gia nhập Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ. Theo hãng Sputnik (Nga), động thái này đồng nghĩa với việc USS Wasp đã mang những chiến đấu cơ tối tân nhất thuộc Mỹ tới gần Bán đảo Triều Tiên.
Một ngày sau khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và người đồng cấp Mỹ Donald Trump nhất trí hủy bỏ giới hạn 500kg đối với các đầu đạn gắn trên tên lửa của Hàn Quốc, truyền thông nước này cho hay Seoul có kế hoạch chế tạo tên lửa “Frankenmissile” có khả năng mang đầu đạn nặng 2 tấn.
Theo Hoàng Trang/Báo Tin Tức