(Thethaovanhoa.vn) -
Bộ Quốc phòng Nga đã vô hiệu hóa mối đe dọa có thể có từ các tên lửa hành trình Tomahwak của Mỹ đặt gần biên giới với Nga, đó là báo cáo của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Soigu với Tổng thống Vladimir Putin trong cuộc họp của Bộ Quốc phòng Nga ngày 22/12.
Ông Soigu nhấn mạnh Tổng thống Putin đã chỉ thị vô hiệu hóa mối đe dọa này và Bộ Quốc phòng đã thực hiện chỉ thị này.
Tính đa năng của hệ thống phòng thủ tên lửa Mk41 nằm trong "lá chắn tên lửa" của Mỹ ở châu Âu chỉ cần cải tiến nhỏ là có thể bí mật bố trí trên đó các tên lửa hành trình Tomahwak.
Số lượng tên lửa như vậy dọc biên giới Nga có thể lên tới 150-200 đơn vị với tầm bắn lên tới 2.400 km, thời gian bắn tới biên giới phía Tây nước Nga chưa đến 10 phút.
Hồi tháng 10/2016 Phó Cục trưởng Cục tác chiến Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nga, Trung tướng Viktor Poznikhir cho biết hệ thống phóng thủ tên lửa của Mỹ có tiềm năng chống tên lửa, chống thiết bị vũ trụ và cả khả năng tấn công.
Đây là một phần trong hệ thống tấn công chiến lược của Mỹ. Nhiệm vụ chính của hệ thống này tại các khu vực là phong tỏa lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga.
Hệ thống phòng thủ tên lửa Mk41 của Mỹ có thể được sử dụng để phóng các tên lửa tấn công siêu thanh hiện đang được Mỹ phát triển.
Năm 2002, Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước về phòng thủ tên lửa ký năm 1972. Sau đó, Washington bắt đầu phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa, trong đó có các thành phần được triển khai ở châu Âu.
Mỹ cho rằng hệ thống phòng thủ tên lửa NMD đặt tại châu Âu là nhằm bảo vệ các đồng minh châu Âu trước các hiểm họa bằng tên lửa của Iran hay Triều Tiên.
Nga đã bác bỏ lập luận này và cho rằng "lá chắn tên lửa" của Mỹ thực chất là nhằm vào Nga và phá vỡ thế cân bằng quân sự chiến lược tại châu Âu./.
TTXVN