(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 16/2, chính quyền Tổng thống Joe Biden Mỹ đã cảnh báo về nguy cơ bùng phát dịch bệnh Ebola, cho rằng thế giới không đủ khả năng "đảo ngược tình hình" sau khi xuất hiện một số ca mắc bệnh chết người này tại Guinea và CHDC Congo.
Ngày 12/2, WHO tuyên bố kéo dài tình trạng khẩn cấp của dịch Ebola tại Cộng hòa Dân chủ Congo (CHDC Congo), mặc dù số trường hợp nhiễm bệnh được coi là "cực kỳ tích cực" và đã điều chỉnh giảm mức độ đe dọa trong thời gian gần đây.
Phát biểu với báo giới, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cảnh báo dịch Ebola đã xuất hiện trở lại tại Trung và Tây Phi, đồng thời khẳng định Mỹ sẽ hợp tác với các quốc gia bị ảnh hưởng và Tổ chức y tế thế giới (WHO) nhằm ngăn chặn sự lây lan này. Theo bà Psaki, thế giới không đủ khả năng "đảo ngược tình hình" và phải dốc sức để giải quyết nhanh chóng và hiệu quả dịch bệnh này.
Trước đó, Guinea thông báo về 5 trường hợp tử vong do bệnh Ebola, đánh dấu sự bùng phát dịch đầu tiên tại khu vực Tây Phi kể từ đợt dịch trong giai đoạn 2013-2016, đã cướp đi sinh mạng của 11.300 người tại Guinea, Liberia và Sierra Leone.
Trong khi đó, CHDC Congo đã triển khai tiêm vaccine phòng ngừa Ebola sau khi nước này ghi nhận 4 ca mắc Ebola, hai người trong số này đã tử vong.
Trước nguy cơ bùng phát dịch Ebola tại Tây Phi, chính quyền các nước và WHO cho rằng khu vực này đã được chuẩn bị tốt hơn so với 5 năm trước, đặc biệt nhờ vào tiến bộ trong công tác tiêm chủng vaccine ngừa bênh.
Virus gây bệnh Ebola được cho là được tìm thấy trên dơi. Dịch bệnh này xuất hiện lần đầu tiên tại CHDC Congo vào năm 1976 và nó vẫn thường xuyên xuất hiện trở lại ở quốc gia này. Người mắc Ebola thường có triệu chứng sốt cao và trong trường hợp nguy cấp nhất có thể bị máu khó đông.
Thanh Hương/TTXVN