(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 12/2, WHO tuyên bố kéo dài tình trạng khẩn cấp của dịch Ebola tại Cộng hòa Dân chủ Congo (CHDC Congo), mặc dù số trường hợp nhiễm bệnh được coi là "cực kỳ tích cực" và đã điều chỉnh giảm mức độ đe dọa trong thời gian gần đây.
Theo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Cell ngày 13/12, các nhà khoa học tại Mỹ vừa phát hiện một protein của người có khả năng giúp ngăn chặn virus Ebola.
Theo phóng viên TTXVN tại khu vực châu Phi, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Gebreyesus khẳng định dịch bệnh Ebola phải tiếp tục đặt trong trường hợp khẩn cấp vì sức khỏe cộng đồng quốc tế, và ngay cả trong trường hợp chỉ có một trường hợp mắc bệnh Ebola ở khu vực nguy hiểm và không ổn định như phía Đông CHDC Congo, khả năng tồn tại dịch bệnh lớn hơn nhiều vẫn còn. Ông Tedros hy vọng rằng tình trạng khẩn cấp này có thể được gỡ bỏ trong 3 tháng tới.
Trước đó, WHO đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên phạm vi quốc tế vào tháng 7/2019 đối với dịch bệnh này. Điều đó cho phép WHO thực hiện các biện pháp tăng cường liên quan đến việc hạn chế đi lại hoặc gây quỹ.
Dịch Ebola bùng phát vào tháng 8/2018 tại Mangina và đang hoành hành ở các khu vực Bắc Kivu và Ituri, khiến khoảng 2.300 người thiệt mạng. Ông Tedros khẳng định nếu không có trường hợp nào ghi nhận trong 42 ngày, thì dịch bệnh sẽ kết thúc, khi đề cập đến thời gian an toàn tương ứng với 2 lần của thời gian ủ bệnh.
Người đứng đầu WHO cho biết ông sẽ đến CHDC Congo trong ngày 13/2 để gặp Tổng thống Félix Tshisekedi và trao đổi riêng về việc tăng cường hệ thống y tế của đất nước Trung Phi này.
Tấn Đạt/TTXVN