Dịch Covid-19 đe dọa cả một thế hệ, kéo lùi mục tiêu phát triển trẻ em

Thứ Năm, 11/3/2021, 14:57 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Các trường học đóng cửa, tỷ lệ nghèo đói gia tăng, nguy cơ tảo hôn và trầm cảm- một năm sau ngày Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu, hầu hết các số liệu đánh giá trong lĩnh vực phát triển con người, đặc biệt là trẻ em và trẻ vị thành niên, đều ảm đạm.

Đại dịch Covid-19 và khoảng tối trong tuổi học trò của trẻ em Mỹ Latinh

Đại dịch Covid-19 và khoảng tối trong tuổi học trò của trẻ em Mỹ Latinh

Cũng giống như khoảng 890.000 học sinh khác tại khu vực Mỹ Latinh, trong suốt một năm qua, Brithany, 8 tuổi ở Panama, đã không được tới trường học của mình do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Đây là cảnh báo mà Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đưa ra ngày 11/3 kèm theo nhận định về "một bước thụt lùi sẽ để lại vết sẹo khó mờ cho cả một thế hệ".   

Trong thông báo mới đưa ra, Giám đốc điều hành Quỹ hỗ trợ khẩn cấp trẻ em quốc tế của LHQ, Henrietta Fore đã đề cập tới một thực trạng đáng buồn rằng số lượng trẻ em rơi vào cảnh đói ăn, côc độc, bị lạm dụng, tâm lý lo lắng, sống trong nghèo khổ và kết hôn ép buộc đều tăng. Ngược lại, cơ hội tiếp cận giáo dục, xã hội hóa và những dịch vụ cơ bản như chăm sóc y tế, dinh dưỡng và bảo vệ dành cho các em đều suy giảm.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho trẻ em. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo bà Fore, đây đều là những dấu hiệu buồn cho thấy đại dịch COVID-19 sẽ để lại những vết sẹo khó mờ, kéo dài trong nhiều năm với thế hệ trẻ em ngày nay. Trước những tác hại của đại dịch COVID-19, quan chức LHQ kêu gọi đặt trẻ em làm trung tâm mọi nỗ lực phục hồi, đặc biệt là ưu tiên mở cửa các trường học trước tiên trong các kế hoạch mở cửa trở lại trên thế giới.   

UNICEF đã dẫn chứng hàng loạt dữ liệu đáng lo ngại củng cố cho những nhận định của bà Fore. Đại dịch COVID-19 không chỉ tác động nghiêm trọng tới nhóm người cao tuổi mà cả nhóm trẻ em và trẻ vị thành niên dưới 20 tuổi cũng ảnh hưởng nặng nề. Nhóm tuổi này chiếm tới 13% trong tổng số 71 triệu ca bệnh COVID-19 ghi nhận tại 107 quốc gia có cung cấp dữ liệu độ tuổi trong thống kê ca bệnh.

Tại các quốc gia đang phát triển, các mô hình dự báo cho thấy tỷ lệ trẻ em rơi vào cảnh nghèo đói tăng 15%. Nhóm trẻ nguy cơ suy dinh dưỡng tăng thêm khoảng 6-7 triệu trẻ trong năm 2020, tương đương mức tăng 14%. Mức tăng này có thể dẫn tới số ca tử vong ở trẻ em trên toàn thế giới tăng thêm hơn 10.000 trẻ em, chủ yếu ở khu vực châu Phi phía Nam sa mạc Sahara và Nam Á.Trong tổng số 168 triệu học sinh trên toàn thế giới không thể đến trường trong gần một năm qua, có tới 1/3 không có cơ hội tiếp cận hình thức học tập trực tuyến.

Hậu quả của tình trạng đóng cửa trường học và kinh tế suy giảm là khoảng 10 triệu trẻ em trên thế giới có thể bị ép buộc kết hôn tính đến năm 2030. Trong năm qua, tối thiểu là 1/7 trẻ em hoặc trẻ vị thành niên trên thế giới đã phải ở nhà trong phần lớn thời gian, làm gia tăng cảm giác lo lắng, cô độc và áp lực. Đại dịch COVID-19 cũng cản trở các chiến dịch tiêm chủng phòng những căn bệnh khác- điển hình là tiêm chủng phòng sởi- tại 26 quốc gia, làm gia tăng nguy cơ y tế với nhóm không được tiêm chủng.

Lê Ánh/TTXVN

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến