(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9h00 ngày 3/10 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 34.823.216 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.033.174 ca tử vong. Số trường hợp được điều trị khỏi bệnh là 25.889.974 người.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 2/10 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 34.568.495 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.029.011 ca tử vong. Số trường hợp được điều trị khỏi bệnh là 25.730.365 người.
Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh với 7.549.323 ca mắc và 213.524 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ, với 6.471.934 ca mắc bệnh, trong đó có 100.875 ca tử vong. Đứng thứ 3 là Brazil với 4.882.231 ca bệnh và 145.431 trường hợp không qua khỏi.
Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận ông và phu nhân là bà Melania Trump đã có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Bác sĩ của Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ cùng phu nhân trong tình trạng sức khỏe ổn định, chỉ có các triệu chứng nhẹ và đang có tinh thần tốt. Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện đang được điều trị tại Trung tâm Y tế Quân đội Walter Reed ở bên ngoài Washington.
Việc Tổng thống Trump mắc COVID-19 đã làm dấy lên một số lo ngại về tình trạng của những người đã tiếp xúc với nhà lãnh đạo Mỹ trong những ngày gần đây. Một số nhân vật hàng đầu của chính quyền Mỹ đều đã xét nghiệm âm tính với COVID-19 như Phó Tổng thống Mike Pence và vợ là Karen Pence, Bộ trưởng Tư pháp William Barr, Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin, Ngoại trưởng Mike Pompeo, Bộ trưởng Y tế Alex Azar cùng một số thành viên gia đình Tổng thống Trump như con gái Ivanka Trump và con rể Jared Kushner.
Các bác sĩ xác nhận ứng cử viên của đảng Dân chủ tranh cử Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng vợ là bà Jill Biden; ứng cử viên cho vị trí thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ - bà Amy Coney Barrett và ứng cử viên phó Tổng thống của đảng Dân chủ Kamala Harris cũng đã cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, theo một thông báo ngày 2/10, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa Ronna Romney McDaniel; Thành viên Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ - Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ Mike Lee đã mắc COVID-19.
Theo một báo cáo mới của các cơ quan y tế Mỹ, tỷ lệ trẻ em mắc COVID-19 ở nước này đã tăng 14% trong hai tuần qua. Hiện đã có 624.890 trẻ em ở Mỹ cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó 75.458 trường hợp được ghi nhận trong giai đoạn từ ngày 10/9 đến 24/9. Xét trên toàn quốc, trẻ em đang chiếm 10,5% trong tổng số người mắc bệnh tại Mỹ, khoảng 3,7% số trường hợp đang được điều trị tại bệnh viện và 0,26% số ca tử vong do COVID-19 tại nước này.
Tình hình dịch bệnh cũng đang diễn biến hết sức phức tạp tại châu Âu.
Trường đại học Northumbria nằm ở Đông Bắc vùng England (Anh) thông báo đã trở thành ổ dịch khi phát hiện ít nhất 770 sinh viên đang theo học ở trường bị nhiễm COVID-19 và 78 sinh viên khác đang có triệu chứng mắc bệnh. Hiện những sinh viên bị nhiễm và những người có tiếp xúc gần với những người bệnh đều buộc phải tự cách ly 14 ngày theo như quy định hướng dẫn của chính phủ.
Tổng số sinh viên bị nhiễm COVID-19 đã được ghi nhận tại 65 trường đại học của Anh hiện đã lên tới khoảng 2.000 người, buộc rất nhiều sinh viên phải tự cách ly trong khu ký túc xá sinh viên dù mới tựu trường được vài ngày. Số ca nhiễm COVID-19 ở Anh tăng mạnh trong những tuần trở lại đây, khiến chính quyền nhiều địa phương phải tăng cường thắt chặt giãn cách xã hội và một số nơi đã áp dụng lệnh phong tỏa.
Trong 24 giờ qua, Slovenia cũng đã có thêm 238 trường hợp mắc COVID-19 - số bệnh nhân ghi nhận trong một ngày cao nhất kể từ tháng 3 vừa qua, nâng tổng số người mắc bệnh tại nước này lên hơn 6.100 người.
Liên quan các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, ngày 2/10, Phó Tổng thống Venezuela Delcy Rodriguez thông báo lô vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên do Nga sản xuất đã được chuyển tới Venezuela và nước này sẽ tiến hành giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ 3 trong thời gian tới. Như vậy, Venezuela trở thành quốc gia Mỹ Latinh đầu tiên nhận được loại vaccine mang tên Sputnik-V này và khoảng 2.000 tình nguyện viên sẽ tham gia vào giai đoạn thử nghiệm ngay trong tháng 10 này ở thủ đô Caracas.
Hồi tháng 8, chính phủ Nga đã cấp phép cho vaccine Sputnik-V chỉ 3 tháng sau khi các nhà khoa học nước này nghiên cứu và phát triển, cũng như thử nghiệm trên người. Theo kết quả được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet sau đó, vaccine ngừa COVID-19 của Nga đã tạo ra phản ứng kháng thể ở tất cả những người tham gia thử nghiệm giai đoạn đầu.
Đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Nga - bà Melita Vujnovich nêu một trong những nguyên nhân chính khiến cho tỷ lệ người nhiễm COVID-19 trên thế giới tăng mạnh là do người dân đã mệt mỏi với các quy định cách ly. Bà Vujnovic lưu ý rằng virus hiện tác động nhiều hơn đến giới trẻ, vì chính họ thường bỏ qua các biện pháp phòng ngừa và cách ly.
Đại diện WHO kêu gọi người dân hợp tác với các cơ quan chức năng để tránh tình trạng đóng cửa quy mô lớn, điều mà theo bà, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, cũng như ảnh hưởng đến trạng thái tâm lý con người. Bà Vujnovic nhấn mạnh việc áp dụng trở lại các biện pháp cách ly có thể ảnh hưởng không chỉ đến nền kinh tế, mà còn ảnh hưởng đến hệ thống y tế, gây ra các vấn đề trong việc điều trị các bệnh tim mạch, ung thư và tiểu đường.
Trước đó, Phó Thủ tướng Nga Tatyana Golikova nói rằng điều kiện duy nhất để tránh việc áp dụng trở lại các biện pháp cách ly ở Nga là tuân thủ các biện pháp an toàn. Theo bà Golikova, 80-85% những người nhiễm COVID-19 không tuân thủ những biện pháp này.
Thanh Phương/TTXVN