(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 5/11 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 249.305.605 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 5.044.355 người không qua khỏi. Số bệnh nhân bình phục là 225.803.919 người. Hiện còn 18.457.331 bệnh nhân đang phải điều trị.
Ngày 4/11, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố các quy định nghiêm ngặt nhằm thúc đẩy hàng chục triệu người lao động Mỹ tiêm vaccine ngừa COVID-19 sẽ có hiệu lực vào ngày 4/1/2022.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, với 47.185.149 ca nhiễm, trong đó 772.227ca tử vong. Đứng thứ hai là Ấn Độ với 34.332.407 ca mắc và 459.875 ca tử vong, tiếp đến là Brazil ghi nhận tổng cộng 21.849.137 ca mắc, trong đó có 608.715 ca tử vong.
Số ca mắc mới trên thế giới đang có chiều hướng gia tăng với 503.976 ca ghi nhận được trong vòng 24 giờ qua, cao hơn so với một ngày trước đó. Mỹ tiếp tục đứng đầu thế giới về số ca lây nhiễm mới với 78.926 ca. Nga và Anh cũng chứng kiến sự gia tăng này, lần lượt ghi nhận 40.217 ca và 37.269 ca.
Đức cũng ghi nhận số ca mắc mới tăng cao với 35.662 ca trong vòng 24 giờ qua, mức cao nhất kể từ đầu dịch. Trừ số ca bệnh đã bình phục và tử vong, số ca đang mắc COVID-19 ở nước này hiện vào khoảng 264.600 ca. Hiện có hơn 2.300 ca đang được điều trị tích cực (tăng hơn 100 ca so với một ngày trước), trong đó hơn 1.200 ca thở máy xâm lấn.
Chỉ số lây nhiễm đặc biệt tăng mạnh ở nhóm tuổi từ 10 - 14 tuổi, khi tăng từ 240 lên hơn 350 ca/100.000 dân/7 ngày. Chỉ số lây nhiễm tiếp tục tăng cao hơn tại 15/16 bang ở Đức, trong đó bang có chỉ số tăng cao nhất là Thüringen với 357/100.000 dân/7 ngày, trong khi chỉ số của bang Bremen lại giảm xuống 83,1.
Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) đánh giá nguy cơ "rất cao" về sức khỏe đối với những người chưa tiêm đủ liều hoặc chưa tiêm bất kỳ mũi vaccine nào trong đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, nguy cơ đối với những người đã tiêm đủ liều cũng có dấu hiệu gia tăng khi số ca nhiễm mới ghi nhận ở nhóm đối tượng này tăng lên trong vài tuần qua. Mức đánh giá này đã được nâng cấp so với hồi tuần trước và xu hướng phát triển hiện nay là "rất đáng lo ngại". Theo RKI, nếu các biện pháp như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, giảm tiếp xúc không nhanh chóng giúp giảm số ca lây nhiễm, nguy cơ có thêm nhiều trường hợp bệnh nhân nặng và tử vong là khó tránh khỏi, trong khi các bệnh viện cũng sẽ bị quá tải.
Tại Italy, tổ chức nghiên cứu y tế Gimbe Foundation công bố báo cáo cho biết số bệnh nhân COVID-19 phải cấp cứu tại Italy đã tăng 12,9% trong tuần từ ngày 27/10-2/11, đi ngược lại xu hướng giảm đều đặn từ cuối tháng 8/2021. Số ca mắc mới cũng tăng 16,6% và số bệnh nhân phải nhập viện tăng 14,9%. Số ca tử vong vì COVID-19 trong tuần trước là 257 người, tăng nhẹ so với 249 người của tuần trước.
Đối với những người trên 60 tuổi, báo cáo của Gimbe ghi nhận những dấu hiệu đầu tiên của việc “vaccine giảm hiệu quả ở những ca bệnh nặng”. Báo cáo nêu rõ hiệu quả của vaccine đối với các ca bệnh nặng được xác nhận là rất cao, nhưng sẽ giảm dần và cho rằng việc đẩy nhanh tiêm mũi vaccine tăng cường là cần thiết để ngăn chặn số các ca bệnh nặng gia tăng trong số những người dễ bị tổn thương nhất trong mùa Đông này.
Các cơ quan y tế Italy hiện đang khuyến nghị việc tiêm mũi vaccine tăng cường cho tất cả các nhóm có nguy cơ cao và những người trên 60 tuổi cũng như nhân viên y tế và nhân viên chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, số đối tượng được tiêm mũi này cho đến nay vẫn chưa được mở rộng.
Cùng ngày, Trung tâm Thông tin y tế quốc gia Slovakia thông báo đã ghi nhận 6.713 ca mắc mới COVID-19 và 34 ca tử vong trong ngày 3/11. Đây là là ngày thứ ba liên tiếp quốc gia này ghi nhận số ca tử vong theo ngày trên 30 ca. Trong khi đó, số bệnh nhân nhập viện tăng nhanh với 1.890 người, mức cao nhất kể từ giữa tháng 4 năm nay.
Theo phát ngôn viên Bộ Y tế Slovakia Zuzana Eliášová, tốc độ lây lan dịch bệnh tăng nhanh là do gần 80% trong số ca mắc là những người chưa tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19. Slovakia là một trong những quốc gia ở Liên minh châu Âu (EU) có tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 thấp nhất, vì vậy số người mắc bệnh đã tăng nhanh kể từ tháng 9 vừa qua và tình hình trở nên tồi tệ hơn trong những ngày gần đây.
Tại Nhật Bản, Bộ Y tế, lao động và phúc lợi (MHLW) nước này đã phê duyệt sử dụng liệu pháp hỗn hợp kháng thể cho đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh hoặc chưa tiêm vaccine như một biện pháp ngăn ngừa mắc COVID-19. Trên cơ sở ý kiến thống nhất của các chuyên gia tại cuộc họp diễn ra ngày 4/11, bộ trên đã phê duyệt sử dụng liệu pháp “hỗn hợp kháng thể” gồm hai loại kháng thể trung hòa là “casilibimab” và “imdevimab” vào mục đích ngăn ngừa lây nhiễm virus SARS-CoV-2.
Theo đó, đối tượng được chỉ định sử dụng liệu pháp này sẽ được mở rộng thêm gồm bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng, những người tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc COVID-19 hoặc người chưa tiêm vaccine. Bên cạnh đó, phương pháp thực hiện cũng được bổ sung là tiêm dưới da, thay vì truyền tĩnh mạch như hiện nay vốn mất nhiều thời gian hơn.
Đại diện hãng dược phẩm Chugai, đơn vị được cấp phép phân phối tại Nhật Bản, cho biết kết quả thử nghiệm được thực hiện ở nước ngoài đã cho thấy liệu pháp “hỗn hợp kháng thể” đã giảm tới 81% nguy cơ nhiễm bệnh hoặc bệnh chuyển biến nặng.
Thanh Hương/TTXVN