(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h00 ngày 2/11 theo giờ Việt Nam, thế giới đã ghi nhận 247.821.194 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 5.020.034 ca không qua khỏi. Số ca đang phải điều trị hiện là hơn 18,2 triệu ca, trong đó có hơn 73.350 ca trong tình trạng nguy kịch.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h00 ngày 1/11 theo giờ Việt Nam, thế giới đã ghi nhận 247.446.503 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 5.014.748 ca không qua khỏi.
Bộ Lao động Hàn Quốc cho biết vào cuối tháng 11 này nước này sẽ dỡ bỏ dần các hạn chế nhập cảnh đối với lao động người nước ngoài, được áp dụng trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát. Theo đó, người lao động nước ngoài thuộc diện được các nước phái cử sẽ được phép nhập cảnh Hàn Quốc nếu có xác nhận đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở trong nước và có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính.
Ngoài ra, Hàn Quốc cũng bãi bỏ giới hạn về số lượng lao động nhập cảnh tính theo ngày và theo tuần. Bộ Lao động cho biết cuối tháng trước có khoảng 50.000 người nước ngoài đã được cấp phép lao động nhưng chưa thể nhập cảnh do các hạn chế mà nhà chức trách Hàn Quốc đang áp dụng.
Cũng trong động thái nới lỏng hạn chế nhập cảnh, Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ giảm thời gian tự cách ly đối với người nhập cảnh vì mục đích kinh doanh xuống còn 3 ngày thay vì 10 ngày như hiện nay. Dự kiến quy định này sẽ được áp dụng chính thức từ ngày 8/11 tới. Điều kiện là người nước ngoài nhập cảnh Nhật Bản phải hoàn thành tiêm chủng 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 (loại vaccine đã được nước này phê duyệt) và phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh.
Doanh nghiệp tại Nhật Bản phải chịu trách nhiệm quản lý hành vi, di chuyển của người đó trong thời gian 3 ngày tự cách ly. Sang ngày thứ 4, nếu có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 thì người nhập cảnh được bắt đầu tham gia các hoạt động bình thường, bao gồm đi lại, ăn uống cũng như sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.
Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản cũng cân nhắc nới lỏng các biện pháp hạn chế nhập cảnh đối với người nước ngoài lưu trú ngắn hạn vì mục đích kinh doanh và lưu học sinh. Tuy nhiên, điều kiện bắt buộc là doanh nghiệp hoặc trường đại học phía Nhật Bản phải cam kết quản lý hành vi của những người này trong thời gian tự cách ly. Cũng trong lộ trình nới lỏng hạn chế nhập cảnh, dự kiến, Chính phủ Nhật Bản sẽ nâng số lượng người nước ngoài được phép nhập cảnh nước này từ 3.500 người/ngày lên 5.000 người/ngày, bắt đầu áp dụng từ cuối tháng này.
Tại Đức, Bộ trưởng Y tế Jens Spahn đã kêu gọi nhà chức trách tất cả các bang trong cả nước mở cửa trở lại các trung tâm tiêm chủng nhằm đẩy nhanh tỷ lệ tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 cho người cao tuổi. Theo ông Spahn, chiến dịch này cần phải triển khai sớm để càng nhiều người được tiêm nhắc lại mũi thứ ba càng tốt.
Trong bối cảnh mùa Đông đang đến, số ca mắc mới COVID-19 gia tăng trở lại trong những ngày qua tại Đức, ông Spahn cho biết chính phủ nước này muốn thúc đẩy việc tiêm mũi vaccine tăng cường cho người cao tuổi và những người mắc bệnh mãn tính để tăng cường phản ứng miễn dịch đối với virus SARS-CoV-2. Bộ Y tế Đức đề nghị giới chức trách thông báo tiêm phòng mũi thứ ba một cách cụ thể cho tất cả những người trên 60 tuổi.
Trong khi đó, Hội đồng Y tế cấp cao của Bỉ cho rằng không cần thiết phải tiêm liều vaccine tăng cường cho toàn bộ dân số trong giai đoạn này vì hiện tại không có dữ liệu dịch tễ học nào chứng minh sự cần thiết của liều vaccine thứ ba. Vấn đề này sẽ được đề cập vào năm 2022. Tuy nhiên, đối tượng được ưu tiên tiêm liều thứ ba hiện nay là các nhân viên y tế để giảm lây nhiễm khi hàng ngày họ phải thường xuyên chăm sóc bệnh nhân.
Việc tiêm liều vaccine tăng cường cho nhân viên y tế tại Bỉ sẽ được tiến hành từ giữa tháng 11 này, với vaccine của Pfizer hoặc Moderna. Mũi tăng cường sẽ được tiêm 4 tháng sau liều cuối cùng đối với vaccine của AstraZeneca hoặc Johnson & Johnson, hoặc 6 tháng đối với vaccine của Pfizer và Moderna. Từ ngày 15/9, Bỉ đã triển khai tiêm mũi ba cho người trên 65 tuổi và những người bị suy giảm miễn dịch.
Bộ Ngoại giao Iran ngày 1/11 xác nhận Ngoại trưởng Hossein Amir Abdollahian đang phải thực hiện chế độ cách ly. Thông báo này được đưa ra sau khi truyền thông địa phương đưa tin ông Amir Abdollahian mắc COVID-19. Hãng thông tấn chính thức IRNA dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh thông báo: “Sức khỏe của Ngoại trưởng Amir Abdollahian trong tình trạng tốt và ông đang thực hiện các công việc hằng ngày trong chế độ cách ly”.
Trần Quyên/TTXVN