Phan Mạnh Quỳnh: 'Giải Cống hiến là kim chỉ nam sự nghiệp của tôi'

Thứ Ba, 31/3/2020, 11:35 (GMT+7)

Chú thích ảnh

  (Thethaovanhoa.vn) - Năm 2019, cái tên Phan Mạnh Quỳnh được đông đảo công chúng âm nhạc biết đến qua bài hát trong phim Mắc biếc và dự án của Hà Anh Tuấn. Anh cũng là người đã đoạt giải Nhạc sĩ của năm - giải Âm nhạc Cống hiến lần 15-2020, giải thưởng mà theo anh là rất quan trọng với sự nghiệp sáng tác của mình.

Lần đầu tiên Giải Âm nhạc Cống hiến có 'poker'

Lần đầu tiên Giải Âm nhạc Cống hiến có 'poker'

Ngày 25/3, Ban tổ chức giải Âm nhạc Cống hiến lần 15 - 2020 của Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) đã thông báo đến quý cơ quan báo, đài về quá trình bầu chọn, kiểm phiếu và kết quả bầu chọn của giải thưởng.

Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có chuộc trò chuyện với Phan Mạnh Quỳnh.

“Giải thưởng lớn nhất trong sự nghiệp”

* Nhận cúp Cống hiến giữa lúc đang có đại dịch, cảm xúc của anh như thế nào?

- Đây là giải thưởng lớn nhất trong sự nghiệp, tôi đã chờ đợi nó từ lâu, nên khi nghe tin được giải, tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Trong giới làm nhạc, tôi không biết mọi người thế nào, chứ bản thân luôn mơ ước có một ngày nào đó được bước trên thảm đỏ và bước lên sân khấu nhận giải Cống hiến. Giải Cống hiến này là kim chỉ nam sự nghiệp của tôi, chắc chắn là vậy. Không phải tôi thích sự hào nhoáng, nhưng thật sự cái không khí của các đêm Cống hiến - tôi từng xem trực tiếp - có sự trang trọng, thanh nhã và quyến rũ lắm.

Nhưng Covid-19 là vấn nạn chung của cả thế giới, nên dù có tiếc nuối một chút, thì cũng phải tập hài lòng với hoàn cảnh đặc biệt. Cách trao cúp của Ban tổ chức tuy giản dị, nhưng vẫn đủ sự trân trọng, ấm cúng. Khi nghe Ban tổ chức nói không dám mời các nghệ sĩ và báo chí đến để trao cúp cùng lúc, nhằm tăng cường sự an toàn và an tâm cho mọi người, tôi thật sự xúc động, hoàn toàn chia sẻ với tình huống đặc biệt này.

* Anh nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng: năm 2019 là đỉnh cao trong sự nghiệp của Phan Mạnh Quỳnh, tính cho tới hiện tại?

- Có thể vậy, vì năm qua tôi đã làm việc rất nhiều, lại may mắn có được các sản phẩm thành công. Càng may mắn hơn khi các sản phẩm cũ được khán giả tìm xem lại, nghe lại, chia sẻ nhiều hơn, nên dấu ấn của tôi - xin tạm nói như vậy - tự nhiên thấy đậm nét hơn. Hơn nữa, năm vừa rồi nhờ được làm các dự án quy mô với anh Victor Vũ, với anh Hà Anh Tuấn…, thành ra các tác phẩm của tôi được cộng hưởng để nổi bật hơn.

Chú thích ảnh
Nhạc sĩ Phan Mạnh Quỳnh. Ảnh:Văn Bảy

* Khi cộng tác với các nghệ sĩ, ca sĩ khác, anh thấy điều gì là thú vị, điều gì khó khăn?

- Thú vị là mình được thử thách trong nhiều diện mạo, cá tính khác nhau. Với một người sáng tác, thử thách này rất quan trọng, nó giúp mình luôn tìm tòi, đổi mới để thích nghi. Còn khó khăn, nếu phải nói vậy, là ngoài cá tính sẵn có của bản thân, mình phải cân đo xem tác phẩm đang viết có phù hợp với tâm tư, định hướng của người đặt hàng không, phải lắng nghe tâm sự và yêu cầu của họ, để làm sao tác phẩm đáp ứng được mong đợi chung.

Viết cho mình và viết cho người cũng là viết, nhưng viết cho mình hát thì dễ hơn, mình đã biết được quãng giọng, thế mạnh thế yếu. Hơn nữa, khi viết đã có sẵn cảm xúc, nên hát thì cứ vậy mà thể hiện, trong khi người khác hát bằng cảm xúc khác, nên việc tìm tiếng nói chung, một chút tính toán luôn là ưu tiên. Không có được tiếng nói chung, sự hợp tác xem như thất bại.

* Có lời đồn rằng mấy năm trước, do thấy bế tắc trong việc tìm tiếng nói riêng, anh đã bỏ phố về quê hái rau, bắt cá. Lời đồn này có đúng không?

- Vừa đúng, vừa chưa đúng. Đúng là tôi đã về quê trong một thời gian dài, lấy việc hái rau, bắt cá để tĩnh tâm, tư duy, tìm cảm hứng. Còn chưa đúng là việc viết nhạc, làm nhạc ngày nay có nhiều thuận lợi hơn về mặt kỹ thuật, chỉ cần máy tính và mạng là ngồi đâu cũng làm được, không cần phải mang theo ban nhạc cồng kềnh.

Điều quan trọng nhất khi ở quê là giúp tôi tập trung và xác tín lại một điều: Mình phải làm gì và làm như thế nào? Câu trả lời của tôi sau thời gian tuyệt vời ở quê là: Mình phải tập trung và ưu tiên cho sáng tác, phải làm sao để trở thành người viết nhạc hay và hấp dẫn.

Trong thời gian ở quê, tôi có làm việc qua mạng với Mỹ Tâm, Hà Anh Tuấn… các anh chị đã góp ý và phản biện rất nhiều, tôi cũng đã tiếp thu một phần, tự sửa chữa mình nhiều phần, để khi trở lại Sài Gòn là vững tin hơn trên còn đường vạch ra.

Chú thích ảnh

Viết với cảm xúc thật sẽ lay động khán giả

* Anh nghĩ sao về việc khai thác lại các giá trị truyền thống cho âm nhạc?

- Tôi thấy đây là một cách thức rất hay, rất hợp với tinh thần đương đại, bởi khi chúng ta muốn hòa nhập với thế giới thì phải có gì đó riêng, độc đáo để thể hiện. Tôi cũng là người rất ý thức với việc này, bản thân lại rất yêu thích văn hóa, văn học nghệ thuật của Việt Nam. Trong năm qua tôi cũng có may mắn làm được một vài tác phẩm theo hướng này. Nhưng thẳng thắn mà nói thì phải dành sự vỗ tay cho nhiều nghệ sĩ và ê-kíp âm nhạc khác, ví dụ Hoàng Thùy Linh, Đức Phúc… họ đã rất thành công trong hướng đi này. Sự thành công của họ mang lại cảm hứng cho việc dạy học, ôn lại lịch sử, tự hào về văn hóa nghệ thuật của nước nhà.

* Điều cốt lõi giúp “Có chàng trai viết lên cây” tạo được sức hút rộng rãi là gì?

- Nó có được sự chân thành, gần gũi vì đó cũng là một phần chuyện đời của tôi thời tuổi trẻ. Tôi nghĩ rằng cứ viết với cảm xúc thật, chuyện thật, dù có riêng tư, thì cũng dễ nhận được sự đồng cảm, chia sẻ. Nhiều khán giả nói với tôi rằng khi nghe bài hát, tự nhiên họ nghĩ lại chuyện đời đã qua, rồi nhận ra rằng nó khá thật, khá gần với họ.

Tác phẩm Mắt biếc của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã đi vào trái tim vô vàn độc giả trong suốt nhiều năm qua, đạo diễn Victor Vũ lại đang rất hút khán giả, cho nên Có chàng trai viết lên cây có thêm nhiều cơ hội để nhận được sự đồng cảm, chia sẻ. Tôi rất biết ơn khi phim Mắt biếc chọn ca khúc này, làm cho nó lại được vang lên, được yêu mến nhiều hơn nữa.

* Anh có thể chia sẻ về cách để tạo ra được những bài hit?

- Thật sự thì không có cách nào cụ thể, tôi chỉ biết làm tốt nhất có thể mà thôi. Khi viết Vợ người ta, nhiều người đã chê đây là ca khúc xàm xí, dễ dãi, nhưng tôi thì nghĩ đến mục đích của ca khúc: Đó là một cái đám cưới ở quê, nó cần giản dị, bình dân. Trước đó tôi cũng đã có những ca khúc nghiêm túc, tạm ổn, nên không thể nói tôi không biết sáng tác nghiêm túc. Nhưng khi đã làm gì, thì tôi muốn làm cho rõ, đi tới cùng, bình dân cho ra bình dân.

Cũng thẳng thắn nhìn nhận lại, chính sự yêu mến và phân tích, phê phán của nhiều người với Vợ người ta, tôi đã bình tĩnh định hướng lại việc sáng tác, biết chọn lựa vài lối đi trong nhiều lối đi.

Hơn 15 năm trước, tôi thật sự chưa biết giải Cống hiến, mà chỉ biết Bài hát Việt, sau này biết đến Cống hiến, biết sự quan trọng của giải thưởng này, nên đã dần dần định hướng con đường đi, với mơ ước một ngày mình phải được giải nhạc sĩ. Nếu không được thì phải cố gắng nhiều hơn cho xứng đáng, vì đây là một kim chỉ nam, như đã nói. Có thể nói giải Cống hiến năm nay đã cho thấy định hướng, chọn lựa của bản thân đang đúng, tôi như hoàn thành chặng đường thứ nhất trong sự nghiệp của mình.

* Cảm ơn anh, chúc anh thành công.

Việt Hằng - Như Hà (thực hiện)

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 321/GP-BTTTT ngày 15/06/2016 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến