Nhạc sĩ Đỗ Bảo: Cống hiến nên thêm hạng mục 'Nhà sản xuất âm nhạc'

Chủ Nhật, 10/4/2016, 7:25 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Tiếp theo Bài hát của năm, Nghệ sĩ mới của năm, đến mùa giải 2016 này, Cống hiến đã có thêm một hạng mục nữa là “Music Video của năm” nâng tổng số hạng mục của Giải lên con số 8.

>>> Chuyên trang giải Âm nhạc Cống hiến

Có thể nói, việc thay đổi này mang tính cập nhật với sự phát triển của âm nhạc diễn ra từng năm. Tuy nhiên, mức độ cập nhật như vậy liệu đã đủ, có tính thực tiễn hay vẫn còn những thiếu sót?

Cuộc trò chuyện của Thể thao & Văn hóa Cuối tuần với nhạc sĩ Đỗ Bảo sẽ có những góc nhìn về vấn đề này.

* Anh nhận định thế nào về sự cập nhật của giải thưởng trong những năm qua?

- Tôi thấy việc cập nhật như vậy là bình thường và để bắt kịp xu hướng hoạt động âm nhạc chung, tôi thấy điều đó nên làm.

* Nếu có thể thay đổi, anh sẽ bỏ hạng mục nào, thêm hạng mục nào? Vì sao?

- Tôi nghĩ, nên có hạng mục cho nhà sản xuất âm nhạc. Nhà sản xuất có thể bao gồm một ê kíp nhà sản xuất, nhạc sĩ hòa âm, phòng thu mix âm...  Nhìn chung, tôi nghĩ nên xây dựng các hạng mục theo thứ tự ưu tiên: lý luận phê bình, nhạc sĩ sáng tác, nhà sản xuất, ca nghệ sĩ, cùng với đó là albums, chuỗi chương trình, chương trình, cùng các sản phẩm đơn của năm như bài hát, MV...  

Ngoài ra Nghệ sĩ mới của năm là hạng mục có thể bỏ, chỉ gộp lại thành ca sĩ, nghệ sĩ của năm với nhiều đề cử hơn, cùng với nó là đầy đủ những tiêu chí đủ khắt khe cho đề cử và khắt khe hơn cho xét chọn giải.


Nhạc sĩ Đỗ Bảo từng 2 lần được vinh danh ở hạng mục Nhạc sĩ của năm tại Giải thưởng âm nhạc Cống hiến lần thứ 4 - 2009 và lần thứ 9 - 2014; và 1 lần được vinh danh ở hạng mục Album của năm (với Cánh cung) năm 2014.

* Đã có những đề xuất về sự cần thiết phải có hạng mục Nhạc sĩ phối khí của năm hay Nhà sản xuất của năm - thậm chí chúng được coi là quan trọng hơn cả hạng mục MV của năm. Ý kiến của anh về những đề xuất này?

- Các nhà báo không phải giới chuyên môn âm nhạc nên ôm đồm nhiều hạng mục nặng chuyên môn có thể cũng rối. Tôi nghĩ, báo giới có thể đánh giá một cá nhân hay nhóm sản xuất hiệu quả cho một sản phẩm hay một sự kiện nào đó, và ý kiến của tôi là nên tập trung cho hạng mục Nhà sản xuất của năm là đủ.

Sản xuất là khái niệm phổ biến dễ nhận biết đánh giá hơn là đi sâu vào tiểu tiết như hòa âm, ghi âm, mix âm..., mỗi công việc đó đều là một chuyên môn rộng, rất cần giới chuyên môn đánh giá, bình chọn.

* Với anh, giải thưởng Cống hiến trong tình hình âm nhạc hiện nay có giá trị như thế nào? Mặt được và chưa được?

- Giải thưởng âm nhạc Cống hiến đến nay vẫn là một hoạt động tích cực cho thấy thang giá trị riêng và có thể nói là khá quan trọng của giới làm báo âm nhạc, cho thấy điều mà truyền thông thực sự ghi nhận về chất lượng âm nhạc mỗi năm.

Tuy nhiên, làm sao để thang giá trị này luôn được duy trì trong hoạt động báo chí hàng ngày lại là điều mà đôi khi tôi thấy băn khoăn.  

Mỗi năm, báo giới chọn ra những dấu ấn âm nhạc "cống hiến" đấy, nhưng nếu cả năm, phần lớn tin bài lại quảng cáo những giá trị khác hoặc đơn giản là mải mê chuyện tầm phào về đời tư nghệ sĩ chẳng hạn, thế thì giải thưởng âm nhạc của 100 nhà báo âm nhạc chuyên nghiệp cũng còn khía cạnh nào đó khôi hài.

Nếu xem giải âm nhạc Cống hiến là “phương” chính chuyên cho chúng ta ngợi ca, thì “9 phương” còn lại mong sao các tác giả báo chí âm nhạc cũng giữ được phẩm chất nhất định, tôi xin nói thật lòng như thế mong không ai giận.    

* Sự vinh danh của giải thưởng dành cho các nghệ sĩ “Có những khám phá, sáng tạo đóng góp thiết thực vào sự phong phú và phát triển của đời sống âm nhạc đại chúng” trong những năm qua, có bỏ sót những gương mặt nào không, theo anh?

- Thật khó để mong đợi sự hoàn hảo, tôi không thích nhưng tôi có thể chấp nhận việc một giải thưởng có lúc bỏ sót ai đó hay một sản phẩm nào đó. Chẳng hạn như năm có trường hợp anh Trần Lập từng vào đề cử nhưng vẫn không có giải thưởng, thì đó là một ví dụ, trên thực tế anh ấy cùng ban nhạc Bức Tường đóng góp rất nhiều điều thiết thực vào đời sống nhạc rock ở nước ta.

* Tiêu chí của giải thưởng là dựa trên yếu tố phát hiện và công luận khi đánh giá dựa trên tình hình thực tế của âm nhạc hiện nay. Tuy nhiên cũng có cái khó là chưa hẳn những nhân tố được công luận biết đến là giá trị thực, trong khi yếu tố phát hiện lại cần phải thời gian mới thuyết phục được công luận. Anh nghĩ thế nào về vấn đề này?

- Nếu nói về câu chuyện đó thì lại đáng buồn, bởi xét cho cùng, báo giới cũng chính là nơi công luận được nhận biết. Tôi vẫn thầm mong bên cạnh giới nhạc, những người cầm bút cũng là người trí thức luôn xác lập được tư thế của họ là những người tiên phong về thẩm mỹ và bản lĩnh, để thông qua những cọ xát thông tin nơi công luận mà hướng đời sống đến với những giá trị thật, thay vì ta chỉ chạy theo diễn tả thực tế một cách máy móc, hoặc đó còn là cách để tảng lờ lợi ích văn hóa xa rộng của cộng đồng.

Giá trị thật có thể không phải là một sản phẩm hay cá nhân tập thể hoàn hảo ngay lúc này, nhưng thà vậy chứ không nên là thứ có vẻ hoàn hảo bởi vay mượn, đổi chác và đắp điếm. Từ những điểm 7 điểm 8 hay 9 thực chất được ghi nhận mà nghệ sĩ  trưởng thành lên, nhân rộng hơn, thì cộng đồng nhạc Việt mới có hoạt động âm nhạc lành mạnh và sức vóc riêng.

* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Lễ trao giải Âm nhạc Cống hiến lần thứ 11 - năm 2016 dự kiến sẽ diễn ra vào 20h ngày 23/4 tại FLC Sầm Sơn Resort (Thanh Hóa) do báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) phối hợp với Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC tổ chức.

Ngọc Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến