Tìm giới hạn cho những cuốn hồi ký

Chủ Nhật, 7/2/2016, 7:10 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Hồi ký được chú ý khi nhân vật chính là chủ thể của tác phẩm này thường là những người nổi tiếng. Người Việt lâu nay viết hồi ký khá nhiều, thể loại này giúp họ kể lại cuộc đời nhiều thăng trầm của chính mình, đồng thời gửi đi những thông điệp về những gì họ đã trải qua đến mai sau. Tuy nhiên, giới hạn nào trong thể loại hồi ký để các câu chuyện tưởng rằng riêng tư, không bị đám đông ném đá, không xâm phạm đời tư người khác, lại là một câu chuyện khác.

Hồi ký của giới văn nghệ sĩ, những người của công chúng, luôn được người đọc quan tâm từ sự nổi tiếng của nhân vật. Nhưng không phải hồi ký nào cũng được đón nhận để từ đó người đọc tìm ra điều hay, cách sống đẹp sau khi đọc xong hồi ký. Nhiều năm trước, hồi ký Lê Vân yêu và sống đã hứng chịu nhiều điều tiếng khi nội dung trái chiều với đạo đức của số đông người Việt.

Nhiều năm trước nữa, một tổng giám đốc một ngân hàng có hồi ký về chính mình với quá khứ đẹp lung linh như truyện cổ tích. Kết cuộc, hồi ký của ông tổng giám đốc ngân hàng vừa ra thì ông bị bắt do tắc trách trong làm ăn. Từ chuyện ông phạm tội, dư luận lôi ra cuốn hồi ký này với nhiều tô vẽ cho bản thân của ông. Hóa ra thể loại hồi ký tưởng là chuyện riêng của một cá nhân lại trở thành “trò hề”, “mua vui” cho thiên hạ.

Với người nổi tiếng sau một đời cống hiến cho nghề nghiệp của mình, họ thường viết hồi ký để kể lại quãng thời gian đã sống. Mới đây, diễn viên Thương Tín cũng không ngoại lệ khi chọn hồi ký để kể lại và ông cũng là nhân vật có câu chuyện mà người mến mộ ông quan tâm. Thế nhưng, hồi ký là một thể loại khó, đòi hỏi sự trung thực của người kể với chính bản thân, sự kiện và những người liên quan.


Hồi ký Thương Tín - một đời giông bão

Bởi như đã nói, vẫn có nhiều hồi ký được viết ra để đánh bóng tên tuổi hay “ngụy tạo” quá khứ toàn một màu hồng với nhiều lung linh huyền thoại của nhân vật chính. Những loại hồi ký như thế rất khó để người đọc học được, dẫu là chút ít, ý nghĩa cuộc sống mà nhân vật từng trải qua.

Nghệ sĩ Thương Tín đã cam đoan khi viết hồi ký này: “Một nửa chiếc bánh mì thì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật thì không còn là sự thật nữa. Các câu chuyện tôi đã kể tại đây hoàn toàn là sự thật, dù đôi khi sẽ làm đắng lòng người trong cuộc”. Vì sợ những người được nhắc đến trong hồi ký “đắng lòng”, nên nhiều tên riêng đã được viết tắt. Dẫu vậy, lĩnh vực Thương Tín hoạt động được khá nhiều người mê phim ảnh quan tâm, nên dẫu nhiều tên riêng viết tắt vẫn không khó nhận biết người đó là ai khi họ đều là người nổi tiếng trong giới.

Hồi ký tức là nhớ lại và viết ra thành câu chữ. Có những ký ức buồn, thậm chí sợ hãi, có những niềm vui khôn tả theo mãi kiếp người. Chẳng hạn, Thương Tín thừa nhận ông từng bị lạm dụng tình dục khi mới 13 tuổi. Tuổi 13 Thương Tín bỏ nhà từ Phan Rang ra Nha Trang chơi, đêm đầu tiên ngủ tại phố biển này đã bị một thiếu phụ cho ông biết quan hệ xác thịt là thế nào. Đêm thứ hai rồi đến đêm thứ ba thì Thương Tín hoảng sợ và trốn đi vì quan hệ như thế là bị cưỡng ép chứ không vì rung động của tình cảm.

Rời Nha Trang, thay vì về lại nhà ở Phan Rang, Thương Tín đón xe lên Buôn Ma Thuột xin vào “chạy cờ” trong một gánh hát “bồ tèo” hạng “tiểu bang”, hát ở đình ở chợ. Đêm đầu tiên ở gánh hát này, Thương Tín đã bị ông bầu tên Xuân bắt quan hệ đồng tính. Ở tuổi 13 thời Thương Tín hay hiện nay, tuổi đó vẫn luôn được bao bọc bởi gia đình và cộng đồng, dù hình thể bề ngoài của ông có thể phổng phao hơn so với người cùng tuổi. Kể lại những chuyện riêng của mình như thế cũng cần sự dũng cảm lắm thay!

Nếu chỉ dừng lại ở việc tự “tổn thương chính mình” khi nhắc nhớ lại quá khứ, hồi ký của Thương Tín đã không hứng chịu nhiều búa rìu dư luận như thời gian qua.

Vậy nhưng, sự thật trong hồi ký của Thương Tín lại cũng chính là giới hạn của cuốn sách này. Đành rằng phải “bạch thoại” tất cả những sự việc, những quan hệ trong đời mình, nhưng Thương Tín quả thật không tránh khỏi những người liên quan đang còn sống và người thân của họ bị sốc. Thậm chí, có nhiều ý kiến cho rằng như thế là phạm luật, xâm phạm đời tư người khác.

Các câu chuyện về đời tư, tình ái của những người nổi tiếng luôn gây tò mò, nhưng công khai và tự mình kể về nó, và qua đấy, làm tổn hại đến biết bao số phận con người liên quan (kể cả con cháu của họ) thì lại khác.

Nhà báo, nhà thơ Đinh Thu Hiền, cho biết: “Thương Tín kể nhiều chi tiết tôi không dám viết vì quá khủng khiếp. Hoặc nếu chi tiết nào tôi đã viết thì cố gắng thể hiện một cách nhẹ nhàng nhất”. Dù Đinh Thu Hiền đã cố gắng thể hiện nhẹ nhàng nhất nhưng các câu chuyện vẫn quá khủng khiếp so với quy chuẩn đạo đức xã hội, làm tổn thương những người liên quan với các nhân vật (đã được viết tắt tên) trong hồi ký này vẫn hiện rất rõ.

Hồi ký Thương Tín: Bài học cuộc đời đắng chát

Hồi ký Thương Tín: Bài học cuộc đời đắng chát

Một người đàn ông mà các cô gái thời nay sẽ gọi là 'soái ca' - đẹp trai, đào hoa, phụ nữ đẹp cứ lao đến như thiêu thân - nay về già, bị coi là tàn tạ, viết sách vì 'chút tiền mua sữa cho con'...


Vấn đề đặt ra là, sự thật nào được chấp nhận trong thể loại hồi ký và sự thật nào cần lược bỏ? Và hồi ký khi nào vượt qua giới hạn hồi ức của một cá nhân để trở thành một tác phẩm văn học? Đành rằng “một nửa sự thật không phải là sự thật” nhưng sự thật đó làm tổn hại đến người khác thì dù có là sự thật hoàn toàn vẫn không phải là sự thật của lòng nhân ái và tính nhân văn.

Nhiều nhà văn cho rằng, giữa viết hồi ký dưới dạng ghi chép tất tần tật những gì nhân vật trải qua đến việc lược bớt và thậm chí làm tròn câu chuyện để không tổn thương các cá nhân liên quan và cộng đồng, thì nên chọn cách thứ hai. Bởi hồi ký không phải là câu chuyện “ích kỷ” để thỏa mãn một cá nhân, nên nhớ rằng cuốn sách của bạn sẽ được người khác đọc, trong thế giới phẳng hiện nay lấy gì đảm bảo cuốn sách ấy không lan tỏa đến tận ổ cứng máy tính của từng người?!

Sinh thời, nhà văn Nguyễn Quang Sáng tuyên bố ông không bao giờ viết hồi ký. Lý do, Nguyễn Quang Sáng hiểu rằng thể loại này rất khó, viết thế nào cho khách quan để không sa đà vào việc tự ca ngợi bản thân và làm đau người trong cuộc. Dẫu rằng, hồi ký Thương Tín thể hiện được sự khách quan, nhưng cũng đã làm đau nhiều người trong cuộc, đây cũng là giới hạn khó vượt thoát của cuốn sách này dù Thương Tín có số phận “một đời giông bão”.

Trạc Tuyền
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

vmk  (07/02/2016 12:46:18)
vietmyca@yahoo.com
Hồi kí của giới nghệ sĩ có gì để giúp cho đời sau đâu mà đọc.
GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến