Giải Cống hiến 2015: 'Lobby là đánh giá thấp bản lĩnh nhà báo'
Thứ Năm, 19/3/2015, 11:10 (GMT+7)
(Ban tổ chức) -
Một bài báo đăng tải gần đây đề cập thông tin về hiện tượng “lobby” ở các giải thưởng âm nhạc của một vài nghệ sỹ trẻ. Điều này được cho là gây bức xúc, thậm chí thể hiện sự thiếu tôn trọng các nhà báo.
(Thethaovanhoa.vn) - Một bài báo đăng tải gần đây đề cập thông tin về hiện tượng “lobby” ở các giải thưởng âm nhạc của một vài nghệ sỹ trẻ. Điều này được cho là gây bức xúc, thậm chí thể hiện sự thiếu tôn trọng các nhà báo.
>> Trang chủ Giải Âm nhạc Cống hiến
Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến của báo Thể thao&Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) đang tiến gần hơn tới lễ trao giải lần 10 (diễn ra ngày 6/4/2015 tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh, truyền hình trực tiếp trên VTV2).
Trước các thông tin đã đăng tải trên, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Hữu Trịnh – Phó Ban tổ chức thường trực giải Cống hiến. Nhà báo Hữu Trịnh đã chia sẻ quan điểm riêng về hiện tượng “lobby” cũng như kỳ vọng của ban tổ chức giải Cống hiến vào sự công tâm, khách quan của chính các nhà báo bầu chọn.
* Mới đây, một tờ báo đăng thông tin về hiện tượng “lobby” (vận động hành lang) của một vài nghệ sỹ tại một giải thưởng âm nhạc uy tín. Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến của báo Thể thao&Văn hóa đang tiến tới gần Lễ trao giải lần thứ 10. Trước thông tin khá “nhạy cảm” đã nêu, anh có thể chia sẻ quan điểm?
- Nếu "một giải thưởng âm nhạc uy tín" như bạn nói được hiểu là giải Âm nhạc Cống hiến, thì trước hết phải khẳng định, "đối tượng" mà một vài nghệ sỹ muốn vận động hành lang là các nhà báo sẽ tham gia bầu chọn - những người quyết định kết quả của giải thưởng. Bản thân tôi và Ban tổ chức giải thưởng trong quá khứ và hiện nay đặt niềm tin tuyệt đối vào sự công tâm của các nhà báo tham gia bầu chọn. Showbiz đầy nhiễu nhương, giải thưởng liên quan đến showbiz bị ảnh hưởng sự nhiễu nhương cũng là điều không thể tránh được. Nhưng tôi vẫn tin rằng, "gian tà" không thể thắng "chính nghĩa."
Nhà báo Hữu Trịnh. Ảnh: PV/Vietnam+
* Bài báo kể trên cũng đề cập thẳng thắn tới chuyện một nhà báo khá bức xúc đã từ chối “món quà nhỏ” được ngầm hiểu là nhằm “lobby” bởi vì thấy bị thiếu tôn trọng, bị xúc phạm. Cũng là một nhà báo, anh nghĩ sao về phản ứng trên?
- Đó là một phản ứng "đầy kiêu hãnh."
* Từ trước tới nay, không ít giải thưởng âm nhạc tìm cách “tự vệ” để bảo vệ danh tiếng của mình. Như Làn Sóng Xanh từng yêu cầu khán giả phải viết thư tay kèm với phiếu bình chọn cho ca sĩ/bài hát mình yêu thích. Một số chương trình mà kết quả giải thưởng được quyết định bởi khán giả thì tìm cách loại tin nhắn rác hoặc mời các công ty kiểm toán độc lập của quốc tế tham gia... Ban tổ chức giải thưởng Âm nhạc Cống hiến sẽ làm gì để khẳng định sự công khai, minh bạch vốn có của giải thưởng được kỳ vọng là Grammy của Việt Nam này?
- Thực tế là sự công khai minh bạch đã được khẳng định từ lúc hình thành giải thưởng đến nay thông qua kiểm phiếu công khai. Vài mùa giải gần đây để bảo đảm bí mật tuyệt đối cho kết quả giải thưởng, Ban tổ chức chỉ tổ chức kiểm phiếu 50%, 50% còn lại Ban tổ chức tự kiểm phiếu. Nhưng ngay sau giờ trao giải, chúng tôi gửi bản scan tất cả phiếu bầu và bảng tổng hợp kiểm phiếu cho tất cả phóng viên đã tham gia bầu chọn. Vấn đề là các phiếu bầu có thực hiện với sự công tâm hay không? Như trên đã nói, chúng tôi tin tưởng tuyệt đối vào số đông nhà báo, những người trong 10 năm qua đã góp phần khá quan trọng trong việc tạo nên uy tín cho giải Âm nhạc Cống hiến. Còn theo bạn, "món quà nhỏ" của vài nghệ sỹ nói trên có thể điều khiển được nhà báo bầu chọn theo ý muốn của họ không? "nghệ sỹ lobby" đã đánh giá bản lĩnh nhà báo quá thấp.
* Còn điều mà anh muốn nhắn với chính các nghệ sỹ, các ê kíp chương trình được đề cử nói riêng cũng như các nghệ sỹ đang hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc nói chung?
- Nhiều nghệ sỹ trước đây chia sẻ rằng, chỉ được đứng vào đề cử giải Âm nhạc Cống hiến đã là một vinh dự. Đoạt được giải Âm nhạc Cống hiến là một vinh dự lớn. Giá trị bất biến của giải Âm nhạc Cống hiến là sự đánh giá công tâm, xác đáng của gần 100 nhà báo trên toàn quốc. Một đề cử nào làm công việc "lobby," nếu phá vỡ được sự công tâm, xác đáng đó cũng đồng nghĩa với việc phá vỡ giá trị của giải thưởng mà họ muốn đạt được. Đó là một việc làm vô nghĩa, nhưng như trên đã nói, chưa chắc họ làm được.
Tôi chỉ dám mạo muội gửi đến các nghệ sỹ trẻ có liên quan đến giải Âm nhạc Cống hiến suy nghĩ rất riêng của tôi. Âm nhạc thuộc lĩnh vực tâm hồn, với các nghệ sỹ vĩ đại của thế giới, tài năng của họ luôn song hành với những nghĩa cử cao đẹp. Những việc làm "mờ ám" sẽ khiến tài năng thui chột, tâm hồn mất dần sự trong sáng, cảm xúc không còn chân thành để có thể làm lay động hàng triệu con tim. Nếu một nghệ sỹ trẻ nào đã tiến hành "lobby," có lẽ đó cũng chỉ là một suy nghĩ bồng bột của tuổi trẻ. Nếu đã "lỡ dại" thì hãy dừng lại vẫn chưa muộn nếu muốn trở thành một nghệ sỹ thực thụ. Con đường tương lai luôn thênh thang ở phía trước nếu chúng ta chọn một hướng đi đúng đắn...
Theo PV /Vietnam+
GỬI Ý KIẾN (Vui lòng gõ tiếng
việt có đấu)