Kinh nghiệm du lịch - phượt Myanmar

Thứ Năm, 23/3/2017, 11:16 (GMT+7)

(Du lịch - Thethaovanhoa.vn) - Myanmar, đất nước của những ngôi đền tuyệt đẹp, là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất ở Đông Nam Á. Nếu các bạn đang lên kế hoạch khám phá Myanmar, hãy tham khảo bài viết trải nghiệm sau đây.


Mình quyết định book đi Myanmar do bị  đầu độc bởi bạn bè và đúng lúc Vietnamairlines có đợt khuyến mãi mùa hè - giá đi Myanmar 2 chiều bay thẳng cho 1 người có 2tr8/2 chiều full hành lý, ăn uống( trong khi book freeseat của AA transit tại Thái cũng rơi vào hơn 3tr, còn vé thông thường của VNA phải 4-5tr/chiều).

Dù đã đọc nhiều bài về Myanmar trước khi đi, hầu hết đều nói rằng vì là low-season (mùa thấp điểm) nên ko cần đặt trước gì cả, nhưng mình thành thật khuyên mọi người nếu có thể nên đặt trước mọi thứ (như vé xe bus, taxi, xe ngựa, khách sạn…) sẽ được giá tốt hơn nhiều và chủ động hơn nhiều.

Ở Myanmar vé máy bay nội địa có thể booking online và thanh toán bằng thẻ tín dụng, các khách sạn cũng có thể book qua Agoda, Booking.com, Asiantravel,,, tuy nhiên hầu hết dịch vụ đặt qua agency giá tốt hơn hẳn. Hãy cứ tham khảo giá của nhiều agency và so với giá mình tự đặt, rồi lựa chọn.

Trươc khi đi mình đã liên hệ với 1 số agency bên Myanmar, tuy nhiên trong 4 người mình liên hệ thì có Minthu đưa ra giá tốt nhất và trả lời có vẻ nhanh nhẹn nên mình đã nhờ Minthu book hộ  vé xe bus, vé máy bay Bagan-Heho, guesthouse và xe ngựa ở Bagan. Còn phòng resort ở Inle mình book qua Agoda được giá tốt bất ngờ, lại thanh toán được bằng VNĐ nên ko mất phí chuyển đổi ngoại tệ như web khác.

Ngoài ra, bạn nào định dùng máy bay làm phương tiện di chuyển ở Myanmar thì có thể tham khảo qua hãng máy bay này, giá rất tốt chỉ bằng 1/2 hãng khác: gmairlines.com. Hôm mình định book vé Bagan-Heho thì check các hãng khác thì khoảng 90-116$/ chiều, check hãng này thì có 40$/chiều cả thuế và hành lý. Tiếc là khi mình bay thì đường bay này chưa mở.

*Ngày 1



Di chuyển bằng xe bus Elite Express ở Yangon rất tiện lợi

Giờ bay là 16g50' nên bọn mình đặt taxi ra sân bay từ 2g chiều cho thoải mái. Đến Myanmar là 18h40' theo đồng hồ trên tay, nhưng bạn nhớ chỉnh lại theo giờ Myanmar là 6g10' ( chậm hơn 30'). Sau khi làm thủ tục, lấy đồ và đổi tiền ở sân bay thì lúc đó khoảng 7h kém 10'.

Quầy đổi tiền của các ngân hàng trong sân bay rất nhiều, giá cũng ko chênh lệch nhiều, cứ xem bảng giá xem bên nào đổi hời nhất thì đổi. Vì không có nhiều thời gian, nên bọn mình đổi  một thể luôn mỗi người 200$ ( nếu không mua quà nhiều và kết hợp trả bằng $ trong quá trình đi thì mình thấy vậy là vừa đủ), thời điểm mình đổi tiến thì 1$ = 964kyats.

Ra đến gần cửa mình thấy có 1 quầy Taxi Express ngay sát cửa ra vào. Định bụng vào hỏi giá nếu đắt thì ra ngoài bắt taxi, nhưng giá của lễ tân đưa ra rất hợp lý và gần như không phải mặc cả gì: Đi về trung tâm thành phố giá 8000 kyats còn ra bến xe bus ngược phía thành phố (AUNG MIN GA LAR high way Bus station) là 7000 kyats.

Vì còn những 2 tiếng rưỡi nữa mới đến giờ xe bus chạy nên bọn mình quyết định đi vào trung tâm thành phố thăm chùa vàng Shewgadon rồi mới quay ra bến xe, vì nghĩ hôm sau chỉ ở Yagon ngày cuồi tới 5g chiều nên sẽ ko có cơ hội ngắm ngồi chùa lấp lánh này vào buổi tối.  Giá taxi lễ tân đưa ra bao gồm cả chờ bọn mình vào chơi chùa là 20.000kyats, mình mặc cả được còn 18.000

Đi rồi mới thấy đây là lựa chọn khá là rủi ro, vì giao thông ở Yagon hơi tệ, tắc đường kinh khủng dù lúc đó là gần 7 rưỡi tối.  Cứ tưởng gần mà đi từ sân bay về chùa Shwegadon mất toi 40 phút dù bác tài phóng như bay.

Yagon chào đón bọn mình bằng một không khí mát mẻ tuyệt vời, trời như vừa mưa xong và nhiệt độ ngoài trời chỉ 30 độ, ko nồm ẩm như Hà Nội. Khi bước vào chùa Shwegadon, một cảm xúc kỳ lạ dâng trào, chả biết miêu tả thế nào nhưng mình đã cảm thấy thực sự xúc động, thấy thật may mắn vì mình đã không bỏ qua cơ hội ngắm nhìn ngôi chùa này vào buổi tối. Bọn mình chỉ có 30' trong chùa, cũng chỉ kịp ngắm nghía 1 phần, chụp choẹt linh tinh rồi 8h 10' phải ra xe đi luôn.

Đường đi ra bến xe Aung Min lại phải  quay ngược về phía sân bay và gấp đôi đường nên mất ~ 1 tiếng đông hồ dù đi nhanh. Đến bến xe lúc hơn 9g, do đã book vé trước nên việc tìm xe, và làm thủ tục khá nhanh chóng. Bọn mình vẫn còn chút thời gian ăn tối ở bến xe. Ăn tối siêu rẻ 4 người cả beer hết 5200kyats (hơn 100k tiền Việt)

Tại sao nói nên book trước vé xe bus ở Yagon, vì bến xe bus mình thấy rất rộng,  nhièu mặt vào, rât nhiều line xe bus của nhiều hãng, mỗi hãng lại có những line xe khác nhau theo điểm đến, thòi gian tìm xe không it, nếu đã có vé sẵn thì chỉ cần đưa cho lái xe sẽ nhanh hơn nhiều … Trừ khi xác định ở qua đêm đầu tiên ở Yagon hoặc đi chuyến muộn mà ko vào thành phố tham quan, còn đâu nếu bạn không book trước sẽ rất rủi ro.

Ban đầu mình định book xe của JJ Express theo review của những người đi trước, nhưng đến phút cuối Minthu có liên hệ báo là JJ chạy lúc 8pm (check in 7.30pm) nguy cơ không kịp là cao ( vì từ sân bay ra bến xe đã mất 30'), nên chuyển cho mình sang Elite Express, cùng chất lượng mà an toàn về thời gian, giá lại rẻ hơn, xe chạy lúc 9.30pm (check in 9pm). Giá JJ là 20.000kyats, Elite là 16.000 kyats. Thành ra bị phát sinh thêm vụ  thăm chùa vàng ngay tối hôm đó.

Chú lái xe taxi cho bọn mình đáng yêu lắm, nói tiếng Anh lại dễ hiểu, giá hợp lý vậy nên tụi mình đã xin số chú để ngày cuối về Yagon nhờ chú đón và đưa đi tham quan Yagon. Chú còn mời bọn mình về nhà chú nghỉ ngơi, cất đồ, tắm rửa vào ngày cuối khi trở lại Yagon để đỡ tốn tiền thuê khách sạn nữa chứ.

Khi đến Yagon, nếu không qua quầy Taxi thì mọi người có thể liên hệ chú Aung Than Soe 0973110839, chú này hay cái hiểu biết nhiều về Myanmar và cả văn hoá của khách, nên cách chú nói chuyện dễ hiểu và thêm nhiều hiểu biết cho mình đấy.

Phải nói ở Myanmar, đi xe bus như đi máy bay và đi máy bay thì không khác gì xe bus. Thời gian ngồi trên chuyến xe này là thời gian mình thấy enjoy nhất trong cả chuyến đi. Xe Elite đẹp sạch sẽ, ghế nhung êm ái, mỗi ghế đều có màn hình cảm ứng ở trước kèm tai nghe, với kho phim, nhạc, thông tin du lịch, có khăn mặt bàn chải kem đánh răng, có cafe và bánh ngọt mời…, tiếp viên thì xinh, dịu dàng và nhẫn nại, thật nói không ngoa hơn đứt đi máy bay ở VN ( trừ vụ không có nhà vệ sinh trên xe). Có điều đi xe bus ở Myanmar thì bạn nhớ mặc quần áo dài + mang theo khăn vì tuy đã được phát chăn trên xe nhưng vẫn lạnh như trong tủ đá vậy, càng gần sáng càng lạnh, giờ mình đã hiểu cảm giác máy con tôm, con cá bị vứt vào ngăn đông ra sao.

Lên xe, cũng là lúc chuyến hành trình về quá khứ của mình thực sự bắt đầu. Không sóng điện thoại, không wifi, không internet…., cắm tai nghe vào chọn thư mục nhạc Tiếng Anh, những bản nhạc xưa cũ vang lên đều đều : "When I was young, I'd listen to the radio. Waiting for my favorite songs. When they played I'd sing along. It made me smile….". Đã lâu lắm rồi mình không thấy có cảm giác như vậy, như những ngày học sinh, bình yên vô cùng...

*Ngày 2


Bagan nhìn từ chùa Shwesandaw

Xe đi hơi muộn và dừng hơi lâu nên 7g sáng mới tới Bagan. Ra bến xe đã thấy xe của nhân viên Minthu chờ sẵn giơ tấm bảng: "Dory & Party". Đến Bagan mới thấy giá taxi ở Yagon rẻ thế nào. Nếu ở Yagon mất 20.000 đi xe vòng vèo trong hơn 2 giờ thì ở Bagan, xe đón từ bến xe bus về trugn tâm Old Bagan có 20 phút chạy xe mà đã mất 20.000. Bàn đầu bọn mình tưởng bị Minthu chém, nhưng trong thời gian ở Bagan thì mình thấy giá Minthu đưa ra là giá chung rồi. À các bạn lưu ý giờ ở bagan có bến xe bus mới xa trugn tâm Oldbagan hơn nên chỉ có xe car đưa đón chứ agency ko nhận đón xe ngựa như bến cũ nữa nhé.

Ban đầu mình định nhờ Minthu đặt 1 khách sạn khá đẹp ở New Bagan tuy nhiên Minthu có nói là bên đó đang sửa chữa nên rất ồn ào, nên khuyên mình book ở Winner Guesthouse, giá rẻ = 1/3 là 20$/ đêm có ăn sáng, quảng cáo là sạch đẹp có wifi, nước nóng ( nhiều bạn đã đi khác cũng recommend Winner nên mình ok luôn ).. Nhưng lúc đến thì bị thất vọng nặng nề, cứ như dãy nhà trọ sinh viên vậy, phòng đủ điều hoà, phòng tắm vs bên trong, nhưng phòng sơn xanh như bệnh viện, trong phòng có 2 chiếc giương đơn bằng inox và 1 cái bàn cũng bằng inox luôn. Haizz thôi nghĩ có chỗ nghỉ ngơi mát mẻ, tắm rửa là ok rồi.

Đến hôm sau mình vào xem 1 Guesthouse khác ngay bên cạnh Winner là New wave thì phòng đẹp hơn rất nhiều, như khách sạn 2-3 sao, dịch vụ cũng nhiều hơn, mà giá sau khi mặc cả còn có 25$/đêm bao

gồm ăn sáng nên mình đã chuyển. Chủ khách sạn nói giá online là 65$ nên bạn nào định đến Bagan có thể gọi/email  đặt trực tiếp, hoặc đến tận nơi đặt bảo là có bạn giới thiệu thì mới được giá tốt hơn.

Được cái, vị trí của 2 Guesthouse này ngay trung tâm Oldbagan rất nhiều quán ăn uống ngon ở xung quanh và tiện đi chơi thăm thú. Do có phòng trống nên bọn mình được nhận phòng luôn và đặt 2 xe ngựa 9 giờ sáng sẽ đi chơi Bagan. Tuy nhiên, tốt nhất mình khuyên các bạn đừng đi xe ngựa luôn như bọn mình vì Bagan từ 9g sáng - 4g chiều  rất nóng, đi chơi mệt mà không có cảm giác, vì mệt quá nên bắt đầu lục đục từ đấy.

Tốt nhất nên về phòng nghỉ ngơi, ăn trưa, book xe ngựa đi nửa ngày từ 4g chiều đến 7g tối, đi những điểm xa và quan trọng ở Bagan như chùa Shwezigon , Ananda, Shwegugyi và tầm 6g quay ra chùa Shwesandaw- chùa này rất cao và có bậc lên bên ngoài nên có thể nhìn toàn cảnh Oldbagan - ngắm hoàng hôn và bình minh rất đẹp. Mùa này thì đi Bagan sẽ không có cơ hội ngắm khinh khi cầu, vì trời nóng, dân ở đó bảo chỉ có tầm tháng 1-2 là nhiều khinh khí cầu, bị hụt vụ này hơi tiếc.

Ngôi chùa mình để lại ấn tượng nhiều nhất với mình là Ananda. Không có những mái chùa , tháp dát vàng hoành tráng, ananda là 1 chùa lớn với rất nhiều gỗ cổ và nhiều tượng phật đặc biệt được xây dựng từ thế kỷ 11. Ở Ananda hãy mua lá vàng giá 1000kyast/người để xát lên tượng, sau đó sẽ được cậu bé bán lá dẫn đi xem và thuyết minh rất chi tiết về từng điểm đặc biệt, từng bức tượng ở đây: những bức tượng phật nhiều sắc mặt thay đổi, đâu là phật mang dáng dấp Ấn Độ, hay Trung Quốc, ý nghia của những bức tường, cánh cửa… Sau đó nhớ típ cho cậu bé.


Đồ ăn ở Myanmar khá dễ ăn

Ở Bagan, bạn có thể mua ít đồ lưu niệm tại các chùa, ở đây sẽ đắt hơn mua ở chợ Yagon, nhưng thực sự mình thấy đồ mỹ nghệ lưu niệm ở Myanmar vừa rẻ lại vừa đẹp, vì thế, hãy mặc cả vừa pảhi, phù hợp với giá trị bạn nghĩ cho sản phẩm đó, đừng nghĩ mình bị hớ. Mình vẫn cứ day dứt mãi chỉ vì mua 1 lốc post card từ 1 cậu bé bán dạo ở chùa, cậu bé nói giá 2000 kyats ( tức là có hơn 40k tiền việt) mà mình cứ theo thói quen mặc cả còn 1500 :(, đến khi đi rồi mới thấy mình dở hơi.

Về ăn uống, xung quanh Guest house rất nhiều quán ăn ngon mà rẻ, ở Bagan bạn cứ vào những nhà hàng đẹp nhất mà ăn,  không hề đắt mà ngon. Ví dụ như nhà hàng Queen, cách ks chỉ 3-4 nhà, ăn trưa và tối đều được, bọn mình gọi nhiều ăn bẹt hết có 19.900 (~20$) cho 4 người. Hay nhà hàng Nada ăn tối tuyệt vời, khung cảnh sang trọng, tại đây bạn cũng sẽ được thưởng thức nghệ thuật múa rối dây của Myanmar, nghe các nhạc cụ dân tộc, đồ ăn rất ngon chỉ có chờ hơi lâu ( 4 người ăn hết tầm 23-24$).

Nếu bạn muốn thưởng thức đồ ăn Myanmar có thể ăn buffet ở quán Myanmar Foods House, quán kiểu bình dân, nói là buffet nhưng họ sẽ mang tận bàn tất cả các món, ăn thêm gì thì gọi sau, giá 3500 (có chưa đến 80k/ng). Đồ ăn ở Myanmar nói chung là khá giống món ăn Việt nên khá là dễ ăn, có điều hơi nhiều dầu mỡ và vị mặn nên ăn cũng mau ngấy, nhiều loại ra vị để riêng như món ăn khá lạ.

À, chỉ có 1 quán mà mọi người khen bọn mình đi ăn thì tệ, là quán đồ nướng Harmony BBQ- nằm sát khách sạn mình ở luôn, quán rất đông người bản địa, nhưng phục vụ chậm, đồ nướng không tươi lắm, và vị nấu món khác không hợp vị. Xe ngựa chỉ ngồi dược 2-3 người nên bọn mình phải thuê 2 xe, giá thuê 1 ngày là 25.000, nửa ngày là 20.000, đặt qua Minthu luôn.

*Ngày 3


 Sáng bọn mình thuê xe đạp điện để đi ngắm bình minh và thăm thú cảnh sắc Bagan. Xe đạp điện giá bây giờ đã lên 7000/xe, mình thuê 4 xe được giảm còn 6.000/xe.

Quãng thời gian từ 5g tới 8g sáng là quãng thời gian đẹp nhất ở Bagan, nhất định không nên bỏ qua. Cảm giác đạp xe trong một không khí mát mẻ trong lành ở Bagan tuỵệt vời vô cùng, thanh bình vô cùng. Bọn mình quay lại chùa Shwesandaw để ngắm bình mình, chụp ảnh.

Bagan gần như là 1 khu bảo tồn chùa cổ với cả nghìn ngôi chùa. Nếu bạn muốn đi nhiều chỗ mới, muốn có nhiều cảm giác mới, muốn 1 không gian nhộn nhịp, hiện đại, thì thực sự Bagan không phải nơi dành cho bạn, hãy chỉ đi Bagan 1 ngày 1 đêm là đủ. Còn nếu bạn là ng hoài cổ,  thích cảm giác bình yên, đạp xe chầm chậm qua những di tích, ngắm nghía những ng qua đường, cảm nhận từng hơi nắng.. thì thực sự hãy ở Bagan thêm.

Khi rời Bagan vào ngày hôm sau, điều nuối tiếc nhất của mình là đã đi xe đạp quá ít, đã quá lười và đã không làm điều mình thực sự thích, Giá như mình dành ngày thứ 2 từ 5g-9g chiều từ 4g-7g tối…. không chỉ đến những điểm đến đã được giới thiệu sẵn, có khi chỉ là đi xe tản mạn, ghé lại 1 mái chùa cũ, ngắm nhìn những vạt nắng bên sông, vào quán uống  ly nước ven đường, hay đi thuyền dọc sông… thì sẽ tuyệt biết mấy.

Đến giờ mình vẫn bị ám ảnh bởi hình ảnh 1 anh Tây, ngồi trên nóc 1 ngôi chùa cũ tren đường ( mà không biết cách nào leo được lên), ngồi một mình thật lâu -  mắt nhìn xa xăm ngắm hoàng hôn. Đối với mình, đấy mới là cảm giác thưởng thức Bagan 1 cách trọn vẹn. Cũng như cách mình đã yêu Huế, không phải là lăng tẩm đền đài thắng cảnh đặc biệt, chỉ là cảm giác thư thái tản bộ, ngắm cảnh sắc, con người, khám phá những món ăn đặc trưng…

Chiều về khách sạn, mình book vé máy bay đi Heho, giá của Minthu vẫn là tốt nhất 86$ đi của AirBagan, lại còn khuyến mại free xe đưa ra sân bay ( giá 6000). Nhưng sau khi trải qua cảm giác đi máy bay ở Myanmar, mình nghĩ lịch trình hay hơn cả là mọi người đi xe bus từ Bagan tới Inle . Bởi vì giờ đã có xe chất lượng cao tuyến Bagan- Inle. Mà xe bus tới Nangshwe - thị trấn trung tâm của Inle là lúc 5-6g sáng, sau khi nghỉ ngơi các bạn sẽ có 1 ngày trọn vẹn đi thuyền trên sông.

*Ngày 4


Đi thuyền dài ở hồ Inle

Như đã nói ở trên, việc di chyển từ Bagan tới Inle bằng máy bay có vẻ là cách không hay và tốn kém hơn hẳn. May bay ở Myanmar đúng là kinh khủng. Máy báy cánh quạt ATR bé tẹo, nóng nực, đi như đi tàu lượn cao tốc, hay biểu diễn trên không, ruột gan cứ gọi là lộn tùng phèo. Bạn nhà mình chưa bao giờ say mà cũng bị li-vơphun.

Đã thế máy bay đi theo kiểu bắt khách của xe bus. Nghĩa là, từ Bagan muốn bay tới Heho sẽ phải hạ xuông Mandalay (cách Bagan có 150km)  tầm 15-20' để thêm khách, rồi mới bay tiếp, còn ai muốn đi từ Bagan về Yagon sẽ trải qua chặng vòng tròn: Bagan- Mandalay- Heho - rồi mới tới Yagon, mà mỗi lần máy bay cát cánh hạ cánh thì còn đau tim hơn cả trò chơi mạo hiểm.

Vé máy bay đắt gần 5 lần vé xe bus, đã thế bẩn và xấu hơn xe bus, lại về Heho xong thủ tục đã phải 10g, về đến khách sạn là 11g nên không kịp đi thuỳen ra chợ cũng như đi các điểm khác ở hồ Inle, rất nhiều bất tiện so với đi xe bus.

Tới sân bay Heho đã có xe resort đón ở sân bay. Ở đây xe nhỏ chỉ chở tối đa 3 người, nên bọn mình pảhi đi 2 xe giá 20.000 kyats/xe. Nếu bạn bắt xe ở sân bay thì giá sẽ là 25.000/xe tuy nhiên có thể đi được cả 4 ng nên tiết kiệm hơn.

Do là vùng cao nguyên nên thời tiết Heho- Inle cực kỳ tuyệt vời, đường từ sân bay về Nyang Shwe mát lạnh, trong lành, như không khí Sapa vậy.

Lựa chọn nơi nghỉ ở Inle quả thật là may mắn tuyệt vời của mình. Lúc trước khi đi thì do muốn thưởng thức cảm giác qua đêm trên hồ, định vợ chồng mình sẽ đặt ở Paramount Inle resort  giá khoảng 1tr4/ phòng cả thuế đặt trên Agoda, đây đã là giá tốt nhất mình tra được. Còn 2 bạn còn lại sẽ định ở 1 guesthouse nào đó trong NyangShwe cho tiết kiệm chi phí.



Phòng ốc ở View point lodge & Cuisine rất tốt, view đẹp

Trong lúc tra trên Agoda mình thấy cso View point lodge & Cuisine và Inle Princcess resort được vote rất cao tuy nhiên vì đắt nên không định đặt ( giá Viewpoint khoảng 1tr7 cả thuế cho phòng superior, còn IP thì phải 2,5tr). Thế là mấy ngày cứ quay đi quay lại Agoda ngắm nghía mãi, đến ngày cuối cùng trước khi đi mới book.

Nhờ đó, phát hiện ra Agoda có giá vé cận ngày tốt nhất ( mình đoán là cứ view đi view lại chỗ định ở mà không đặt thì sát ngày nó tung ra cái này để bán, low season mà), đặt được Viewpoint cả 2 phòngvới giá khoảng 1tr250k cho phòng Superior, rẻ nhất theo như mình xem review ở trên Tripadvisor.

Phòng suporior thôi mà mỗi phòng là 1 căn bungalow riêng, rộng rãi khoảng ~30 m2 (phòng deluxe villa 2tr1 thì còn sướng thế nào nữa, giá tốt lại đã bao gồm ăn sáng, rượu vang, mỹ phẩm tự nhiên, hoa quả free lúc nhận phòng, dịch vụ và đồ ăn ngon không chê vào đâu được, có lẽ là resort tốt và rẻ nhất mình từng được ở.

Ở Myanmar ngoài đi chợ ra hầu như không có chặt chém khách du lịch, bạn không cần ra ngoài tìm những dịch vụ rẻ nhất, mọi thứ cứ đặt trong khách sạn, giá tốt như ở ngoài mà được chăm soc tận nơi. Thuyền ra hồ Inle mình đặt ở khách sạn là 20.000/ngày, đi đến cả chợ trên cạn ở cuối hồ thì sẽ là 25.000.

Thuyền ở Inle không tính theo thời gian bạn đi bao lâu, mà sẽ tính bạn đi bao xa ( từ bến thuyền ra giữ hồ cũng pahir mất tới 1g30'), nên hôm đầu đến muộn, mình chỉ book thuyền đi từ 4-7g để ngắm hoàng hôn cũng trả 20.000. Bọn mình phải thuê thuyền 2 hôm liền vì hôm sau sẽ đi xe bus về Yagon lúc 6pm sẽ không kịp để ngắm hoàng hôn trên hồ.

Mình hơi bị hụt hẫng vì thuyền chạy bằng máy khá ầm ĩ, ko được tận hưởng cảm giác yên tĩnh thanh bình như tưởng tượng , tuy nhiên hồ rộng thế đi bằng máy dã mất 1 tiếng rưỡi mới ra giữ hồ thì lấy đâu thuyền chèo tay :P. Cảnh sắc hoàng hôn trên hồ Inle thật là xao xuyến, mình thích tất cả những sắc màu hoàng hôn trên Inle, từ nắng vàng trời xanh mây trắng  nhạt, đến mặt trời đỏ ối, khi trời chuyển sắc cam hồng của ráng chiều, rồi sắc tím bủa vây khi mặt trời dần khuất núi…

Chiều này mình chỉ kịp lên 2 làng nghề dệt lụa từ sen, và làng nghề làm bạc, rồi ngắm hoàng hôn chư không còn nhiều thời gian. Mọi người lưu ý, giá bán ở các làng nghề nổi trên hồ rất đắt, đắt gấp 3-5 lần bạn mua ở chợ, được cái đồ tinh hơn, có chọn lọc, nên nhớ mặc cả nhiều ( không bán thì đợi ra chợ mua :D), à nhưng cô bạn mình mua được bộ quần fishman + áo đũi thêu ở làng nghề dệt có 7$/c.

Resort Viewpoint nằm ở địa điểm cực kỳ thuận tiện, hầu như toàn bộ resort nằm trên mặt nước ngay sát bến thuyền, nhưng lại nối với đất liên luôn, nên bạn sẽ vừa có được cảm giác ở trên hồ, vừa đi bộ vào chơi thị trấn được. Buối tối định vào thị trấn ăn cho rẻ mà đi lạc nên ca rlux lại cúp đuôi về resort ăn. Chỗ này nấu ăn rất ngon, có điều đắt gấp đôi những nhà hàng ở Bagan, tuy nhiên biết cách gọi đồ thì ăn cũng chỉ tầm 8- hơn 10$/ng cho bữa ăn)

*Ngày 5


Sáng ra ăn sáng tại khách sạn, quá bất ngờ vì đồ ăn sáng nhièu mà ngon khủng khiếp. Ăn sáng xong, bọn mình lại thuê thuyền cả ngày để đi chợ và đi những điểm chưa đến. Lễ tân resort rất là tuyệt, khi mình nói mình đi thuyền sợ không về kịp 12g để checkout, họ đồng ý cho mình giữ lại 1 phòng miễn phí đến lúc xe bus đến đón bọn mình (5h30 chiều).

Đi thuyền buổi sáng, Bạn có thể ngắm nghia cuộc sống ban ngày ở Inle, nhưng người đánh cá chèo thuyền 1 chân… như đã được kể, ngắm những vuồn cà chua, giàn bầu nổi trông trên mặt nước, đi những ngôi chùa 2 bên hồ nếu muốn, mình háo hức di làng có những cô gái cổ dài nhưng hoá ra chỉ là 1 nhà bán đồ lưu niệm có 3 ng phụ nữ cổ dài đeo kièng để cho mọi người chụp ảnh mà thôi, cả nhiều địa điểm nữa, nhưng thú vị nhất là đi thuyền ngắm cảnh trên hồ và đi chợ. Theo lời khuyên của chú phục vụ ở ks, thay vì đi chợ nổi ở giữa hồ thì bọn mình đi đến cuối hồ, lên 1 chợ địa phương trên đát liền ở cuối hồ, đồ ở đây rẻ hơn rất nhiều, và bạn có thể vào trogn chợ tham quan việc buôn bán của dân địa phương.

Chỉ có 2-3 hàng đầu là bọn mình bị mua dắt còn đâu ở đây rẻ bất ngờ, nhó mặc cả vì nói đắt gấp 2-3 ( nhưng như nói ở trên, dừng trả giá quá rẻ, hãy mua với tầm tiền bạn thấy hợp lý với công sức làm ra, vì mình thấy giờ ở đây nói cũng thách thế này chắc do bị mặc cả quá nhiều thôi). Ví dụ như 1 chiếc longi thổ cẩm, dệt hoa văn đẹp và dày dặn ( chất lượng hơn hẳn longi mua ở Bagan) ở làng nghề dệt nói mình là 25$, chỉ bớt còn 20$ không trả giá được, thì ở đây họ chỉ nói có 12$ và đồng ý bán cho mình 5$ khi mình mua cùng 3 đồ nữa.

Ở Nyang Shwe, nhất định bạn phải đi xe đạp. Do mệt và tính lịch trình chưa hợp lý, nên bọn mình đã không có thời gian đạp xe đi thăm hầm rượu vang hay vào rừng như mọi người đã dặn. Chỉ có trong lúc chờ xe bus 30' mình mượn xe đạp ngay bến xe và 2 vợ chồng đi dạo loanh quanh thị trấn Nyang Shwe, mới thấy mình đã bỏ phí thế nào. Thị trấn Nyang Shwe nhẹ nhàng, mát mẻ, 1 dọc con phố cho Tây balo kiểu như Hội An nhà mình đủ hàng quán chứ ko vắng vẻ như Bagan, bạn có thể đạp xe ngắm nghía những rặng hoa, những quán hàng xinh xẻo, dừng chân ăn kem Myanmar ( ngọt lắm hic)… Nếu được làm lại thì mình sẽ dành 1 buổi chiều để đạp xe như mọi người đã bảo.

6g30' tối xe chạy, mình đã nhờ Minthu book JJ Express về Yagon, giá 17.800 kyats, đã bao gồm 1 phiếu ăn tối, phí pickup tận khách sạn là 500kyats/ng, nhưng vì rất gần có thể đi bộ nên mình nghĩ chả cần pickup. Xe JJ to rộng và chỉ có 3 hàng ghế, dịch vụ tốt nhưng mình vẫn thích Elite hơn cảm giác êm hơn và có nhạc nhẽo để nghe.

Lời khuyên chân thành là các bạn đừng đi xe bus từ Inle về Yagon, do là cao nguyên nên đường xuống quanh co kinh khủng, rất mệt và nôn nao. Tốt nhất bạn nên book vé máy bay sáng hôm sau đi Yagon, sáng dậy tắm rửa rồi ra sân bay đến yagon lúc 10g thì đỡ mệt hơn mà ko cần thuê thêm ks để để đồ và tắm rửa nữa. Yagon cũng chỉ có chợ trung tâm và 1 số ngôi chùa nổi bật, ko có gì khác vì hơi giống mấy thành phố của mình ngày trước nên từ 11g-5g chiều là thoải mái.

*Ngày 6

 Đến Yagon luc gần 6g sáng, do không liên hệ được với chú Soe nên bọn mình đành bắt xe taxi khác vào trung tâm chỗ khách sạn Onikawa. Mình không định thuê khách sạn ở Yagon nên đã không book trước.  Khách sạn bên ngoài khá xinh xắn và trong xấu và bí, mà giá 26$/ phòng từ sáng tới chiều,  nên cả bọn quyết định đi bộ tìm nhưng nhà nghỉ khác.

Đi 1 vòng mới thấy hoá ra Onikawa chắc khả dĩ nhất vì khách sạn trung tâm Yagon ko book trước đắt kinh khủng, vừa xấu vừa đắt, 1 cái 60$ có khi chỉ tương đương cái 200k/đêm ở HN. Cuối cùng, bọn mình cũng tìm được 1 chỗ, nói thật là bẩn thỉu và nhem nhuốc với giá 15$/phòng nhưng có nhà tắm bên trong và điều hoà ( nói thật lúc đó mình vào phòng mà không dám tắm vì mở cửa phòng tắm thấy bẩn quá, không ngủ nghỉ gì được luôn vì buồn do có chút ko hợp với bạn đồng hành).

Mình tìm mọi cách liên hệ lại với chú Soe vì tiếng Anh của những người khác bọn mình đã gặp thật kinh khủng quá). Thật may mắn cuối cùng đã liên hệ được với chú, thuê taxi chủ 6000kyats/ giờ. 10g bọn mình bắt đầu lên xe đi, chú chở bọn mình qua chợ. Chợ Yagon có tất cả những đồ bạn cần, giá rẻ, cứ mặc cả khoảng 40-50% xong nâng dần  là được, có rất nhiều thứ hay ho để mua, mình thích nhất mua đồ bạc và đá ở đây.

Ở cạnh chợ có 1 nhà thờ tin lành rất to đẹp nên vào chụp ảnh. Bọn mình shopping ở chợ đến 12g thì nhờ chú chở đi ăn trưa, nhà hàng HLA Myanmar ( đọc là Khờ - la Myanmar, nghia là Beautiful Myanmar - chú Soe giải thích). Đây là 1 nhà hàng bình dân đặc trưng các món Myanmar và Ấn Độ, và nấu đúng kiểu, ngon, hợp khẩu vị, có điều đường khá khó tìm.

Bọn mình mời chú Soe ăn cùng nhưng chú ko ăn, chú bảo chú đã tự ăn trưa rồi (ôi khác hẳn chú lái xe ngựa ở Bagan), chú còn cẩn thận đi cùng vào để xem liệu mình có chọn được món ăn không. Quán rát đông người Myanmar và người Ấn, bác phục vụ còn tư vấn mình khôg nên ăn món gì vì khó ăn, hay can mình vì mình đã gọi quá nhiều cho 2 người.

Sau đó chú chở mình đi tham quan lại chùa Shwegadon vào ban ngày, chùa vào ban ngày cũng vẫn đẹp nhưng ko còn cảm úc như đêm đầu tiền mình nhìn thấy, ban ngày lại thấy thu phí những 8000/ng nên thôi chỉ ngó qua loa rồi đi tiếp. Chùa tiếp theo mình không biết tên, có tượng phật nằm khổng lồ, có Real-eyes, đôi mắt sống, đôi bàn chân đặc biệt khắc những hình tượng bên phật giáo, rát đẹp.

Do sợ giao thông Yagon nên bọn mình vê luôn nhà nghỉ, để nghỉ ngơi và pack đồ, 4 giờ kém 15' đã checkout ( dù 7g10 mới bay), đường Yagon lại tắc kinh khủng. Lên xe cũng là lúc trời bắt đầu mưa, mưa rất to, thật may mắn vì nếu chậm 1 chút thôi chỗ mình ở sẽ bị ngập. Ngồi trên xe ra sân bay, mưa tầm tã ngoài cửa kính, bất chợt mình thấy càng buồn hơn, nuối tiếc quá những ngày ở Myanmar.

Myanmar không phải là nơi dành cho tất cả mọi người, không phải ai cũng thấy thích thu khi đi. Nếu bạn thực sự thích cảm giác trở về quá khứ, hãy đi Myanmar và cảm nhận từng hơi thở của đất nước nhỏ bé này, và hãy chọn cho mình những người bạn đồng hành thật phù hợp để có chuyến đi trọn vẹn nhất.

*MỘT SỐ LƯU Ý

+Cố gắng đặt trước mọi dịch vụ có thể như đã nói ban đầu

+Ở Myanmar gần như là cắt mọi liên hệ, vì bọn mình đã đăng ký roaming với Vinaphone nhưng sáng chả có tí sóng nào, không biết Viettel và Mobi thì có được không. Sim điện thoại ở Myanmar không thể dùng vỉ nước này dùng mạng CDMA, sim bt không dùng được trên máy GSM của mình, nếu muốn dùng sim Myanmar tốt nhất bạn nên mang theo 1 chiếc điện thoại CDMA hoặc mua sim dùng được cả 2 mạng giá 100$

+Mạng Wifi đã phủ sóng ở hầu hết thành phố du lịch, tuy nhiên chỉ có ở sân bay Yagon thực sự là mạng tốc độ cao, còn ở những nơi khác rất phập phù.

+Nếu đi quảng thời gian như mình, bạn đổi khoảng 400-500$ tiền 100$ là đủ, tờ 100$ ko có ký hiệu hay không nát mới đổi được và có giá trị cao nhất.

+Lich trình tốt nhất với thời gian 5,5 ngày theo mình là : Hà Nội - Yagon bằng máy bay, Yagon- Bagan bằng xe bus, chiều ngày đầu ở Bagan đi xe ngựa, cả ngày thứ 2 ở Bagan đi xe đạp điện, tối ngày thứ 2 thì đi xe bus từ Bagan-Inle, ngày đầu tiên ở Inle thuê thuyền đi hồ cả ngày,ngày hôm sau ở Inle thuê xe đạp dành cả ngày thưởng thức Nyangshwe, nghri 2 đêm ở Inle, ngày cuối cùng sáng sớm bay về Yagon thuê xe taxi theo giờ đi quanh Yagon tới giờ bay.

+Check vé máy bay nội địa online tại: airmandalay.com. airbagan.com, gmairlines.com ( hãng vé rẻ)

+Tip đặt phòng ở agoda nói như phần trên: lưu ý check lại giá phòng vào ngày cuối trước khi đi để có thể có vé cuối giờ đặc biệt, và đăng nhập agoda trước khi check giá để có thể có giá cho thành viên.

Bài: D.Quỳnh, Ảnh: Lê Trường - D.Quỳnh

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến