Du lịch – phượt Bangkok cần chú ý những gì?

Thứ Ba, 11/7/2017, 10:15 (GMT+7)

(Du lịch - Thethaovanhoa.vn) - Bangkok thiên đường mua sắm. Bangkok sầm uất, ồn ào, náo nhiệt. Bangkok nổi tiếng ăn chơi và tiêu biểu cho một Thái Lan hiện đại...Có quá nhiều thứ để nói về thủ đô của vương quốc Thái Lan. Sau đây là một số chia sẻ của bạn Trâm Nguyễn sau chuyến đi Bangkok.


Khách sạn Amari Watergate

1. Vé máy bay: Mua càng sớm càng rẻ, canh lúc nào có khuyến mại để mua (Cái này là đương nhiên). Ngày lễ, ngày nghỉ dài như 30/4, 2/9 đương nhiên đắt.

+Vietnam Airlines và Thai Airways vé đắt, giờ bay đẹp, có 25kg hành lí đi kèm. Vé thường từ 4-8 triệu khứ hồi, có lúc mua được khuyến mại Vietnam Airlines giá tốt khoảng 3 triệu.

+ Air Asia, hãng hàng không giá rẻ, vé lúc khuyến mại có lúc 60 đô khứ hồi, giá bình thường khoảng 100-150 đô, bay sân bay Don Muang xấu hơn chút. Phải mua hành lí đi kèm và đặc biệt là phải bay về lúc sáng sớm 6h30 sáng --> tức là phải dậy từ 4h sáng ra sân bay. Nên cân nhắc nếu đi gia đình hoặc mải chơi không dậy được.

+Vietjet Air, mua đúng lúc khuyến mại có khi vé tầm 1 triệu 5 – 2 triệu, vé bình thường tầm 3 triệu. Cũng phải mua thêm hành lí đi kèm.

+Quatar Airways, hãng hàng không 5 sao, giá hợp lí, kèm 30kg hành lí, giờ bay không được đẹp lắm nhưng máy bay to đẹp, dịch vụ tốt, gate gần.

+Jetstar mới có đường bay từ 2015: giá cũng ngang tầm Vietjet, lúc khuyến mại thì khá rẻ.

Các hãng giá rẻ như Air Asia, Vietjet phải mua thêm hành lí, nên có khi rẻ thành không rẻ, mọi người nên so sánh check giá các hãng để đi.

Em toàn tự vào trang web xem, vì kinh nghiệm cho thấy phòng vé thường không rẻ hơn mà còn mát phí dịch vụ. Thanh toán vé online bằng thẻ Visa/Master như mua vé xem phim Mega, không có gì phải lo lắng cả.

2. Tiền

1 USD = khoảng 35 baht Thái. Tính ra thì 1 baht = 630-680 đồng ( tuỳ thời điểm). Hiện tại thì đổi bath ở Hà Trung rẻ hơn sang Thái một chút xíu. Có bạn hỏi mình đổi hàng nào thì mình đổi ở tất cả các hàng trừ Quốc Trinh. Đổi sẵn ở nhà hoặc mang đô Mỹ sang chỗ đổi ở khắp nơi.

3.Ngôn ngữ

Cứ nói tiếng Anh cơ bản, số đếm là xong, hỏi đường thì nói tên địa điểm, người Thái cũng nhiệt tình, nhưng cũng lừa nếu có cơ hội, không khác gì Việt nam. Nên tìm hiểu địa điểm định đi, tiền bạc cất kĩ.

4. Khách sạn, chỗ ở: Thường mọi người sang hay ở 2 khu: Pratunam/Siam và Khaosan

+Pratunam/Siam: 2 khu này sát nhau, thiên đường shopping từ rẻ đến đắt. Trung tâm xịn đẹp ngất trời nhưng bước ra khỏi cửa là hàng rong vỉa hè bán đồ rẻ, đi vài bước là đến chợ/ chợ máy lạnh, đi tiếp có khi lại là trung tâm thương mại. Nói chung là đi đánh hàng/shopping và ăn vỉa hè thì cứ ở khu này.


Khu phố tây Khaosan

+Khaosan: khu phố Tây, đại khái trông gần giống Tống Duy Tân mà phong cách thì lại như Tạ Hiện nhưng quy mô hơn vài chục lần. Các bạn đi bụi, hoặc đi chơi không thích mua sắm nhiều mà thích bước chân xuống khách sạn là ngồi nhậu vỉa hè, uống bia bụi thì thường ở khu này. Nhạc xập xình cả ngày cả đêm, Tây Tàu đủ cả ( mấy anh Tây hay ngồi uống bia đẹp zai lắm lắm huhu ), đồ ăn sẵn có, cũng có nhiều hàng rong bán đủ thứ.

Ngoài ra nếu đi gia đình, nhóm bạn đông, có thể thuê căn hộ ở Sukhumvit, SanamPao hoặc Siam. Căn hộ 2-3 phòng ngủ đẹp lắm, có phòng khách, bếp, lò vi song đầy đủ. Có lần mình ở Abloom Apartment ở Sanam Pao rất đẹp và mất 3 phút đi ra BTS.

Khách sạn thì mời mọi người lên Agoda.com hoặc Booking.com , bạt ngàn tầm hơn 1000 khách sạn ở Bangkok. Trang web có bản bằng tiếng Việt cứ lên mà đọc, ở khu nào thì chọn khu đấy, xem cái nào hợp lí, review tốt thì book.

Em recommend 1 vài khách sạn khu Pratunam vì em chuyên ở đây ( khu này và khu Siam khách sạn khá đắt )


Khách sạn Metz Pratunam

+Giá 1-2 triệu: đầu bảng là Amari Watergate, Centara Grand, Centara Watergate, Glow, Huachang Heritage ( khu Siam) vv.. vì vị trí và thuận tiện. Rất nhiều người sang ở Baiyoke Sky vì nổi mà khách sạn cũ rồi, không tiện không đẹp nữa. Cá nhân em thích nhất Amari watergate. Arnoma cạnh Big C thì cực kì tiện nhưng khách sạn cũng cũ rồi. Có thể ở Aisa Hotel giá tầm 900-1 triệu 1 cực kì tiện vì thông với bến tàu, khách sạn rộng rãi sạch sẽ.

+Giá dưới 1 triệu: đi đánh hàng thì hay ở Myhotel, First house vv.. có cái người Việt thuê lại kiểu Đức chính bên Quảng Châu chuyên cho dân đánh hàng tự nhiên quên tên haha, mà thôi ai đi buôn thì tự tìm hiểu. Khách du lịch thì có mấy cái Lemontea, Pakadee, Metz Pratunam đều mới, giá tầm 500-800n ở ngay mặt đường chính ( các khách sạn ở trong ngõ – tiếng Thái là Soi – thì giá có thể rẻ hơn nhưng đi bộ cũng xa hơn)

Đợt trước mình có recommend Metro resort vì khá mới, ở ngay mặt đường chính nên tiện, bên trái có McDonald  và chợ Pratunam, bên phải là 7Eleven, chéo bên đường là Platinum, đi 10 phút đến BTS. Giá sau tax phí khoảng 29 đô - Agoda. Các bạn đi shopping thì ở đây tiện, đi bộ 8-10 phút là đến Central world, có đường tắt sang cổng sau Siam Paragon mất 15 phút, hỏi dân người ta chỉ cho chứ khó tả lắm. Nhưng dạo này chất lượng đi xuống, nhân viên láo lắm :)) Thử chuyển sang cái khác xem.

Có Bangkok City Inn ở ngõ ngay đối điện Central world, giá khoảng 700k ở cũng oke vì địa điểm quá tốt nhưng hơi cũ. Nói chung là phòng 500k ở khu trung tâm thì mức độ nó cũng vừa phải thôi, mọi người đừng kì vọng quá, nếu xác định sang chỉ để đi chơi shopping thì khách sạn sạch sẽ có điều hoà đối với mình là ổn.

+Trên 2 triệu: Sheraton, Intercontinental, Mercure vv.. nhiều lắm ạ

5.Đi lại

+Từ sân bay về khách sạn thường đi taxi hoặc tàu. Đi taxi thì đi xuống 1 tầng là có Taxi meter, có quầy ghi giấy là mình về đâu trong trường hợp có khiếu nại, tầm 300 – 450 bath về khách sạn.

Đi tàu thì xuống tầng dưới cùng, search từ trước xem khách sạn mình gần Station nào rồi đi về. Có 2 line là City line và Express line. Khác nhau là City line sẽ dừng ở 8 ga, Express line chạy thẳng về Makkasan station.

Giá rẻ nếu đi 1-2 người vì mất khoảng 40-50 bath/người chứ 4 người trở lên thì cứ taxi cho mát với tiện.

*Đi lại hàng ngày


Xe tuk tuk rất phổ biến ở Bangkok

- Taxi: taxi ở Thái chỉ có 1/100 cái chắc chịu đi meter, còn lại là nói điểm đến, nói giá rồi mặc cả, câu cửa miệng là 200 baht nhé vì biết mình là khách du lịch. Nói chung đi nhiều thì biết khoảng giá, không thì google map quãng đường xem xa không để mặc cả. Không thì mặc cả từ 60-80 baht rồi mặc cả dần lên.

-Tuk tuk: Thường đắt hơn cả taxi, nhưng đi vui, hơi nóng, phóng ẩu. Nên thử cho biết đặc sản Thái Lan. Thỉnh thoảng có ông nào đồng ý giá rẻ ( ví dụ đi 4 người hết 40 bạt) thì ngồi lên xe là nó gạ đi xem đồ lưu niệm, và may quần áo trước khi đi đến điểm mình yêu cầu ( họ được phiếu xăng dầu và ăn % nếu mình mua)

-Sky train: Tiện nếu khách sạn bạn ở gần bến tàu và điểm bạn đến cũng gần. Giá rẻ, sạch sẽ, mát mẻ, không một cọng rác, ý thức cao hơn dân Việt Nam. Cách đi cũng dễ thôi, có máy bán vé tự động, quẹt hoặc nhét thẻ vào gần giống ở Sing. Tìm hiểu trước xem bạn định đi chỗ nào, gần bến nào ---> nhìn bản đồ để biết đi hết bao nhiêu tiền ----> ra mua vé chọn giá tiền rồi mua. Có loại vé trọn gói 1 ngày / 2 ngày nhưng nếu đi nhiều thì có lợi không thì lần nào đi thì mua.

- Xe ôm: không khác gì Việt Nam, hay đứng ở đường mặc áo gile hồng và vàng. Đi 1 đoạn ngắn mà ngại đi bộ thì cứ nhảy xe ôm, giá 30-50 baht cho quãng ngắn.

- Đi bộ : đi bất cứ phương tiện gì thì sang Thái đi bộ cũng rất nhiều, riêng đi trong trung tâm thương mại đã đủ chết. Các bạn nên chuẩn bị tinh thần, sức khỏe, tối mỏi thì đi matxa chân 200 baht/45 phút đến 1 tiếng nhé.

6. Sim điện thoại

Vào 7eleven mua, dạo này bán cả sim cho ip4 và 5 ở đây luôn rồi, không thì lên tầng 4 Central World / Siam Paragon có đủ các hãng điện thoại và nhà mạng để mua sim, hoặc lên tầng 3 Pantip Plaza có chỗ bán.

Sim 3G dạo này đắt hơn, thường là 300bath/ sim, 3G dùng mất khoảng 50bath/ngày nếu dùng nhiều. Sim thường thì rẻ, 50bath thì phải, rồi mua thẻ top-up card nạp vào là oke.

7. Shopping


Trung tâm mua sắm lớn Siam Center

Nổi nhất là hệ thống Siam Paragon – Siam Center – Siam Discovery : rộng mênh mông, mê mải, ai đi lần đầu cũng hơi choáng. Mall sang đẹp, hiện đại, không quê quê như Royal City đâu.

+Central world: cũng to lắm, trong còn bao gồm khu của Zen với Isetan, nói chung riêng hàng Forever21 ở đây đã to bằng 1 tầng Vincom Bà triệu rồi =)) xác định nếu đi để mua thì cứ tưng bừng lên :>

+Emporium ở Sukhumvit, cũng nổi tiếng, đầy đủ các hãng, quy mô bé hơn

+Mall đẹp có Terminal 21 ( trang trí đẹp, mỗi tầng là 1 nước, nhà vệ sinh cũng theo phong cách nước đấy), Gateway Ekamai ( phong cách Nhật )

+Rẻ hơn có MBK, có 1 ít đồ hãng, phần lớn là đồ rẻ, cũng rộng lắm.

+Platinum: chợ trong điều hòa, giống phong cách chợ bên Quảng Châu

+Đối diện Platinum có Shibuya19 mới mở, đồ tương tự

+Đối diện Platinum là chợ Pratunam, đồ rẻ, ngoài trời nên nóng.

+Cạnh Platinum là Pantip Plaza bán đồ điện tử, các thiết bị, phụ kiện liên quan.

+Chợ Chatuchak : chỉ mở vào cuối tuần, cực kì đông, là chợ đặc trưng cho Bangkok. 40.000 gian hàng từ chó mèo, đồ nội thất, tinh dầu, quần áo, túi, giày dép vv.. nói chung không thiếu gì, đi mãi không hết. Đồ rẻ nhưng cũng phải mặc cả. Hàng đồ ăn bán khắp nơi đủ món hấp dẫn và màu sắc. Nhược điểm là NÓNG vô cùng NÓNG. Cách đi dễ nhất là đi bằng Skytrain đến bến Mochit.


Chợ Pratunam

+Hoa quả thì chợ Bò bê nổi tiếng nhưng mà chẳng rẻ, người bán nói tiếng Việt leo lẻo. Mua ít thì nói thật mua luôn ở siêu thị cho nhanh, mọi người thích đi chợ thì đi chợ Saphan Khao nhé ( chợ này nằm khá gần Pratunam và Khao San, đi mất tầm 15 phút)

+Đồ nội thất, đồ dùng gia đình, quần áo thì đi khu Mega Bagna, tổ hợp 5 cái siêu thị. Đi Skytrain đến BTS Udomsak rồi đi taxi mất 10 phút hoặc có xe miễn phí của Ikea đưa vào nhé. Còn ở các trung tâm nào cũng có khu đồ gia đình.

Dầu gội đầu, sữa tắm, đồ ăn mua ở siêu thị ( tầng hầm Paragon, tầng 7 Central world hoặc Big C nhé )

Ngoài ra thì ở Thái bất cứ chỗ nào bán được là bán, vỉa hè chồng chất các hàng bán đủ thứ trên đời, nhiều cái cũng đáng iu, hấp dẫn

8. Ăn uống ở Bangkok

- Đi trong trung tâm thương mại thì cứ xuống tầng hầm ( Siam Paragon) hoặc lên tầng trên cùng (vd Central world, Platinum ) thì tấp nập hàng ăn, food court bạt ngàn. Mê nhất là food court Paragon ăn mãi không hết, nhìn gì cũng ngon ngon, giá hợp lí tầm 100-200k 1 người gọi được 3 món chính, phu, tráng miệng. Quán ăn cũng rất nhiều đủ loại lẩu lá, sushi, Hàn quốc, Nhật, Tây Tàu. Dạo này đang nổi hàng bắp răng bơ Garrets và hàng kem lúc nào cũng phải xếp hàng mấy chục người.

-Vỉa hè lúc nào cũng tấp nập hàng ăn vặt đến ăn chính, từ cơm, bún ( trông hơi khó ăn, thường là green curry hoặc red curry, thường bỏ vào bịch nilong), đồ nướng ( thịt, gà, mực, cá viên… cái nè ngon), xôi xoài, hoa quả, nước hoa quả các loại, bánh trái, me đường, trà sữa Thái vv.. Nói chung hàng vỉa hè Thái lan nổi tiếng thế giới

- Tối thì người Việt hay đi ăn ở China town ( Yao-wa-rạt) hoặc vỉa hè cạnh Central world. Đi China town đến ngã 4 có 2 hàng mặc áo xanh- áo đỏ thì xông vào. Menu có hình ảnh, nhiều món hải sản, tomyum, giá hợp lí mỗi người 500 bath ăn uống bét nhè uống nhiều bia. Hàng áo xanh giá rẻ hơn chút nhưng mình thích ăn áo đỏ vì có anh người yêu râu quai nón phục vụ, có lần đi ăn lúc 2h sáng ảnh còn nhất định bảo đợi anh làm xong anh đưa về khách sạn =)).

Nói chung có thể thì cứ ăn cả 2 hàng vì món cũng hơi khác nhau. Đặc biệt ở hàng áo đỏ có kem dừa ngon hết nấc, 100bath 1 quả ăn đập chết kem dừa khác luôn, bình thường kem dừa bán khắp nơi giá chỉ 30 bath thôi. Có chè yến nữa cũng ngon lắm.

Vỉa hè cạnh Central world có 1 dãy các hàng ăn vỉa hè, có cá nướng, mực, tomyum, miến xào, nộm miến, nộm đu đủ ngon. Giá cả tương tự. Mấy hàng này mở đến 2-3h sáng

9. Chơi: Bangkok nổi tiếng vì 3 thứ : Chùa – shopping – night life (Cuộc sống về đêm)


Cung điện Hoàng Gia nổi tiếng ở Bangkok

+Shopping nói rồi nhé

+Chùa: đặc trưng thì có Hoàng cung – Chùa Phật Ngọc ở cạnh nhau. Tự đi cũng được, đến mua vé, không thì mua tour ở khách sạn/ agency / hotels2thailand. Giá tour khoảng 500n 1 người đi mất 3 tiếng.

Ngoài ra có Wat Arun, Chùa Phật nằm, Phật bốn mặt vv.. Wat Arun là chùa nổi tiếng nhất ở Bangkok, đi đến bằng thuyền. Phật bốn mặt nổi tiếng thiêng, lúc nào cũng tấp nập người đến, ở ngay gần Gaysorn mall, cạnh khách sạn Erawan ( Google map ra hết, hoặc bảo taxi/ tuk tuk đảm bảo biết ). Trước cửa Central world có tượng đầu voi cũng nổi tiếng thiêng, trước khi shopping mua hương hoa cầu cho con vào shopping mua được nhiều món đẹp rẻ, đang đi con gặp được vị hoàng tử nào mua cho con cái oto bày trên tầng 4 Siam Paragon nghe cũng hợp lí ạ =)).

*Night life (Cuộc sống về đêm)

-Kiểu ở nhà đi Lift, đi Taboo thì sang Bangkok đi Route66, Slim and Fix vv.. ở Sukhumvit.

+Kiểu mấy bar như Dragon Fly, Funky Buddha thì ra Khaosan.

+Bar trên cao sang chảnh kiểu như ở Sofitel, Cielo13 ở nhà thì đi mấy skybar ở khách sạn xịn dạng Iebua, So Sofitel.

10. Khác

- Hoàn thuế : mới điều chỉnh mức thuế, bây h được hoàn khoảng 5-6%, chỉ được hoàn khi mua ở trung tâm thương mại cho hóa đơn từ 2000bath trở lên. Mang theo hoặc nhớ số passport để điền tờ khai, xong ra sân bay lấy. Ra sân bay xuống Gate 10 cuối cùng bên phải đóng dấu rồi vào trong để lấy tiền. Nên ra sân bay sớm một chút để có thời gian lấy thuế.

- Nên đi Asiatique, khu vui chơi mới. Cách đi là đi Skytrain đến BTS Saphan Taskin rồi xuống bến tàu, đi tàu miễn phí ra, hoặc đi taxi từ khu trung tâm tầm 200 baht. Có chợ đêm, quán ăn, đu quay vv..

- Xem show ladyboy : cá nhân là k thích, nhảy múa hát hò 1 tiếng, nhưng nhiều người cũng tò mò muốn xem thì ở Bangkok có thể đi xem Calypso show ở Asiatique, hoặc xem ở Asiahotel.

- Chuyện xuất trình 700 đô để nhập cảnh là ở cửa khẩu đường bộ. Lí do vì người Việt sang lao động và trốn ở lại nhiều, còn ở sân bay không bao h bị hỏi nhé.

- Mình không liệt kê mấy điểm tour hay đi như Safari, trại rắn/ cá sấu, công viên trò chơi vì mình sang toàn đi shopping/ăn/chơi còn thiếu thời gian. Moị người có thể vào Hotels2thailand.com để tham khảo loại hình tour và giá tour nhé.

- Tự trang bị cho mình kiến thức du lịch, tiền và hộ chiếu cất kĩ, tìm hiểu nơi mình định đi ( cách đi, khoảng giá ..), cảnh giác với lừa đảo ví dụ như bảo : Hôm nay hoàng cung đóng cửa rồi, rồi giới thiệu chỗ khác để đi. Rất nhiều người lên taxi cứ bị taxi bảo là China town hôm nay đóng cửa, đi chỗ khác ăn đi. Thực tế là nó gạ đi ăn chỗ khác nó được %, chẳng bao giờ đóng cửa hết.

 

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến