Tôi yêu Phú Quý

Thứ Hai, 20/3/2017, 12:55 (GMT+7)

(Du lịch - Thethaovanhoa.vn) - Phú Quý, hay còn có tên gọi khác là Cù Lao Thu, bởi nếu nhìn từ phía bắc, hòn đảo nổi lên trông giống như con cá thu khổng lồ giữa biển. Thiên nhiên đã ưu đãi ban tặng cho hòn đảo nhỏ này một vẻ đẹp tuyệt mỹ với bãi cát trắng trải dài và những rạn san hô đầy màu sắc lung linh bên dưới hàng phi lao to lớn vững chãi.

Tất cả các màu xanh hội tụ trên bảng màu

Tôi đến nơi đây theo lời rủ rê của một người bạn về một cảnh sắc chẳng những hoang sơ, thuần khiết mà lại còn rất đậm nét văn hoá đền chùa.

Sau hơn 6 giờ lênh đênh trên biển bằng chiếc thuyền cá của ngư dân, Phú Quý trước mắt tôi hiện ra không giống như Hawaii hay đảo Jeju Hàn Quốc với bãi cát trắng phau cùng khu resort sang trọng kéo dài. Phú Quý hiền hòa, giản dị với những kiến tạo lạ lùng của gành đá đen và một màu xanh ngăn ngắn của cỏ cây đúng như tên gọi.

Tôi bước xuống tàu, người vẫn chưa khỏi chuếnh choáng bởi cơn say sóng, thì đã được chú Chung niềm nở đến bắt chuyện với “tour xe ôm” trọn gói một ngày quanh đảo là 200 ngàn đồng, còn tự thuê xe máy là 100k/ngày, xăng tự đổ.


Phú Quý "hội tụ tất cả các màu xanh trên bảng màu"

Sau một thoáng lưỡng lự, tôi quyết định chọn đi tour để có người bạn bản xứ kể chuyện đảo cho nghe. Phú Quý trong tôi đẹp ngỡ ngàng với cung đường nhựa uốn lượn quanh đảo qua các bãi cát trắng mịn giữa tiết trời đầu hè oi ả. Biển trong veo xanh ngắt một màu xanh không bút viết nào tả xiết. Mùi muối biển nơi nào cũng thế, nhưng mùi muối nơi này lại lạ lùng thơm lừng lựng hương cỏ cây rừng, hương hoa dừa thoang thoảng.

Và tuyệt nhất vẫn là cảm giác đứng từ trên hải đăng Phú Quý nhìn xuống toàn đảo. Dường như tất cả các màu xanh trên bảng màu hiện ra trước mắt sống động, rực rỡ đến vô cùng. Phía xa xa đôi cánh quạt phong điện xoay xoay bên những chiếc tàu cá giương buồm trắng phau căng phồng sức gió nhấp nhô trên sóng nước.

Tôi cứ đứng như thế thật lâu, nhìn mặt trời ngả màu ráng chiều, ám lên một sắc vàng pha đỏ đầy ma mị, một cánh hải âu chao nghiêng trước gió, ánh đèn hải đăng xoay lia chớp nháy gọi tàu về nghỉ.

Bỗng điện thoại rung lên, chú Chung gọi về rủ đi ăn ở một quán địa phương mà chủ quán là hai chị gái gốc người Phú Yên. Với chất giọng đặc sệt miền Trung xứ Nẩu, chị mang ra đĩa cá đuối sốt mỡ ăn kèm bánh tráng, không quên giới thiệu món cua huỳnh đế tươi đầy gạch béo lịm mà người dân vừa đi lưới lên - đây là món sản vật quý mà chỉ có ở đảo ngọc Phú Quý.

Nhấp một chén cay, chú Chung kể, đa số ngưới dân đảo có nguồn gốc ở Phú Yên, từ ngày xưa lắc xưa lơ rồi vì đánh cá xa bờ, bị giông bão mà lạc đến nơi đây, rồi xây ấp lập làng. Nếu nhìn kỹ sẽ thấy ở đôi chân họ ngón út xòe ra, còn nghe giọng thì cứ sệt lại. Riêng chú là người thành phố Bình Thuận, nhưng lỡ yêu cô gái đảo nên bỏ nhà ra đây làm xe ôm cho khách du lịch.

Mỗi người dân có 2 nhà để sống theo mùa

Bình minh Phú Quý rực rỡ từ 4h30, nắng chói chang qua ô cửa sổ, tôi mơ màng vươn vai vài động tác khởi động, bắt đầu lịch trình thăm Mũi Doi Thầy (Mộ Thầy), Gành Đá đen, Gành Hang, Hòn Tranh, Bãi Doi Dừa, Bãi Triều Dương, bãi Dọc Cái, hòn Trào, hòn Chén, Núi Cao Cát và chùa Linh Quang nằm trên đỉnh Cao Cát, một trong những ngôi chùa nổi tiếng được xây dựng vào thế kỷ 18 và là di tích văn hoá - lịch sử cấp quốc gia, góp phần tạo nên sức hấp dẫn cho du lịch của đảo.

Ngôi chùa được xây kiên cố nhưng lại đầy tính thẩm mỹ, tinh tế nương theo những vách đá đen bị phong hóa thành nhiều hình dạng kỳ thú khác nhau tuyệt đẹp. Một không gian tĩnh lặng, thư thái ngập ngụa trong mắt, trong tai, trong lồng ngực khi gió quật thẳng vào. Nắng thì không quá gắt, biển thì xanh, mây lại trắng, đôi mái ngói đỏ tươi bên dưới điểm xuyết giữa không gian.

Quả đúng như tên gọi Phú Quý, nghĩa là “trù phú và quý giá”, hòn đảo có trữ lượng tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là hải sản cực kỳ đa dạng và dồi dào với vô số loài cá, tôm, cua quý hiếm; đặc biệt là mực. Mực ở đây chỉ những nhiều về số lượng mà lại có chất lượng ngon bật nhất, về độ dai và ngọt.

Đa số dân trên đảo ai cũng có 2 nhà để sống theo mùa, cứ gió mùa nào thì sống ngược lại mùa đó, vì thế mà ở Phú Quý cũng có 2 cảng trước và cảng sau, quanh năm tấp nập cảnh mua bán nhộn nhịp. Từ tờ mờ sớm, các mợ các thím đã tay xách nách mang những chiếc giỏ lác ra mua cá, mua mực về ăn cho bữa cơm; đầu nậu đằng kia thì ồn ã phân loại, trả giá, thu gom đóng hàng gửi về đất liền.

Thoắt cái mà đã hai ngày trôi qua, đến giờ phải lên tàu về đất liền, tôi vẫy tay chào mọi người, lưu số điện thoại nhau, mừng mừng tủi tủi mà quên chụp cho nhau tấm hình kỷ niệm. Con tàu lướt em, tôi ngoảnh mặt nhìn hòn đảo ngọc Phú Quý một lần nữa, rơm rớm nước mắt, nhủ lòng, nhất định sẽ trở lại.

Bài & Ảnh: Lê Viên
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến