Xuôi dòng Cửu Long (kỳ 1)

Thứ Tư, 12/7/2017, 10:16 (GMT+7)

(Du lịch - Thethaovanhoa.vn) - Cuối tháng 4, chúng tôi theo tàu xuôi theo dòng Cửu Long giang. Sau nhiều năm, giờ mới có dịp thực hiện chuyến đi này giữa lúc miền Tây đang bị giặc mặn và nạn hạn hán hoành hành. Chưa bao giờ mà vấn nạn về môi trường lại tác động lên cuộc sống người Việt cụ thể đến thế, trực tiếp đến thế và kinh hoàng đến thế. Trôi trên dòng Mekong rộng lớn và thấp thỏm mang trong mình một mối lo cho những địa danh vốn nổi tiếng trù phú một thời.

Chợ nổi Cái Bè - cửa ngõ hành trình

Chợ nổi Cái Bè dù chưa khi nào được đánh giá cao bằng chợ Cái Răng, Phong Điền hay Phụng Hiệp về độ sầm uất bán buôn và hấp dẫn, nhưng vẫn luôn là cửa ngõ cho du khách bắt đầu một hành trình khám phá dòng Mekong và những cù lao nức tiếng vùng châu thổ.

Chợ nổi Cái Bè của tháng 4/2016 đìu hiu hơn hẳn những năm trước. Nhưng những căn nhà sàn hai bên sông ở khu vực này thì hầu như không mấy thay đổi, ngoại trừ sự biến mất của những làng nghề mà tôi từng đặt chân tới: làng gốm Vĩnh Long đã mất tên, những lò gạch bông theo phương pháp cổ truyền từng được du khách rất say mê cũng đã không còn.


Bình minh trên Sông Tiền

Thay vào đó là những điểm dừng chân giống hệt nhau: Lò làm kẹo dừa, bánh tráng, làm cốm, nấu rượu, những quầy lưu niệm bán tranh chép, thổ cẩm, lưu niệm Trung Quốc… Những quầy hàng san sát nhau trong cái nóng hầm hập, dù là ngay bên bờ sông. Những em bé níu kéo du khách mua thiệp, những người dân ngồi bên sạp hàng thờ ơ nhìn khách qua lại.

Dù không có cảnh nườm nượp như đi trẩy hội mà tôi luôn thấy tại các điểm tương tư tại Mỹ Tho, Bến Tre, nhưng quang cảnh đó cũng làm bất cứ người nào đã biết một Cái Bè, Vĩnh Long mộc mạc, hồn hậu khi xưa phải nhói lòng.

Tưởng như chạm được vào quê hương, thật gần…

Tương truyền, từ thời khẩn hoang tới khi người Pháp đặt chân tới đây, vùng Cái Bè là nơi sinh sống của hai dòng họ đầy quyền lực và và danh tiếng là Phan và Trần. Vì vậy, đa số các ngôi nhà lớn, cổ kính được xây dựng trước 1945 hầu như đều thuộc về hai dòng họ này, tập trung tại Hòa Khánh và Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè. Nổi tiếng nhất có ba ngôi nhà của ông Cai Huy (1868), ông Út Kiệt (1838) và nhà ông Ba Đức (1938).

Thuyền chúng tôi cập bến tại Đông Hòa Hiệp, một ngôi làng cổ hình thành từ thế kỷ 18. Có hơn 3.000 hộ dân đang sống tại 6 ấp, chủ yếu nhờ vào những vườn cây ăn trái: Những mái nhà thấp thoáng giữa vườn cây ăn trái. Nhà nào cũng có hàng rào bông bụt trổ bông đỏ rực và khu vườn lớn. Con đường nhỏ men theo sông, đón gió mát rượi.

Ngôi nhà gỗ của ông Trần Tuấn Kiệt, một trong những ngôi nhà cổ nhất làng, là nơi chúng tôi chọn ghé thăm. Được biết, trong khuôn khổ của một dự án trùng tu nhà cổ Nam bộ do tổ chức JICA của Nhật tài trợ, ngôi nhà có niên đại 1838 này đã vượt qua 355 ngôi nhà cổ khác tại Tiền Giang và là một trong 9 ngôi nhà cổ trên toàn quốc được dự án này chọn trùng tu vào năm 2003.


Phong cảnh trên sông

Toàn bộ kiến trúc kiểu chữ Đinh, 5 gian 3 chái, với những cây cột bằng gỗ căm xe núi rất quý hiếm, đã được gìn giữ gần như nguyên vẹn. Mái nhà lợp ngói thấp giống như hầu hết các nhà đồng bằng Nam bộ, và “bức tường” nơi mặt tiền nhà là những lam gỗ, vừa có tác dụng đón khí, vừa lọc và lấy sáng, tạo ra một cảm giác vô cùng dễ chịu.

Có một không khí xưa mà không cũ, hiển hiện rất rõ trong những chái nhà. Giữa trưa hè oi nóng, ngồi trên bộ bàn ghế khảm xà cừ đã lên nước đen bóng, giữa những diềm cửa, bao lam bằng gỗ gõ sừng, giữa những hoa văn mai, lan, cúc, trúc… thân thuộc, nhìn ra khu vườn xanh mướt một màu cây ăn trái chìm trong hương thơm quấn quít của nguyệt quế, mai chiếu thủy… tưởng như chạm được vào quê hương, thật gần.

Về “Nhà Người tình” ở Sa Đéc

Rời Cái Bè, tàu đưa chúng tôi xuôi dòng sông Tiền về Sa Đéc. Không thể phủ nhận rằng, thành phố nhỏ bên bờ sông Tiền này có một sức cuốn hút ghê gớm ở sự duyên dáng mà hiếm có thành phố nào trong vùng có được. Mỗi năm tôi đi Sa Đéc tới 3-4 lần, vào những mùa khác nhau, mà vẫn luôn thấy có nhiều điều để khám phá.

Lần này là một tour xe đạp hơn 10km, vòng vèo trên những con đường phía nam làng hoa Tân Qui Đông, tránh khu trung tâm của làng luôn đông đúc du khách. Con đường làng không một bóng người, mát rượi với tre trúc, những cổng hoa và cây trái um tùm, chạy dọc theo một con kênh có những cây cầu tre lắt lẻo bắc ngang…

Đến Sa Đéc, không thể không ghé thăm ngôi nhà cổ nổi tiếng của ông Huỳnh Thủy Lê mà giờ đây du khách quen gọi là “Nhà Người tình”, dựa theo câu chuyện tình diễm lệ và tiểu thuyết của nữ văn sĩ người Pháp M.Duras.


“Nhà Người tình” của ông Huỳnh Thủy Lê ở Sa Đéc

 

Ngôi nhà được thương gia người Hoa tên Huỳnh Cẩm Thuận, cha của ông Huỳnh Thủy Lê, xây bằng gỗ theo kiểu Quảng Châu vào năm 1895. Năm 1917 ông cho sửa mặt tiền theo kiểu Pháp, nhưng bên trong vẫn giữ lối kiến trúc và nội thất kiểu Hoa với những bao lam sơn son thiếp vàng và án thờ Quan Công ngay giữa nhà. Gạch lát nền nhà được nhập từ Pháp vào năm 1917, đến nay vẫn còn như mới.

Khác với những ngôi nhà cổ ở Cái Bè hay Bến Tre, Bạc Liêu, có lẽ nhà cổ của “Người tình” hút khách chủ yếu nhờ cuốn tiểu thuyết và bộ phim cùng tên. Nhiều người còn đặt phòng qua đêm tại đây với hy vọng thưởng thức được không khí như trong tiểu thuyết, dù nhân vật chính hầu như ít sống trong ngôi nhà này.

Ấn tượng nhất với tôi trong ngôi nhà là những chi tiết của bao lam, những chạm khắc tinh xảo motive chim, hoa bằng gỗ sơn son thếp vàng và sự kết hợp đẹp của cách trang trí Đông - Tây trên những cánh kính.

 Ngoài ra thì ngôi nhà cổ này toát lên một uể oải và trễ nải, vì thiếu sự chăm sóc và đã khá xuống cấp, nhất là phần la phông trần, khu vực sân trước (làm chỗ để xe), logia (dùng để bàn nước) và toàn bộ khu vực phía sau nhà có phần lộn xộn.

Đó cũng là tình trạng chung trong khá nhiều di tích tại Việt Nam. Đây đó vẫn thấy thiếu một bàn tay chăm chút cho những gì cần được trân trọng và giữ gìn. Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng rõ ràng là "trình" quản lý di tích của nhà cổ ông Kiệt tại Cái Bè hơn đứt di tích nhà cổ Huỳnh Thuỷ Lê tại Sa Đéc về nhiều phương diện. (Còn tiếp)

Bài và ảnh: Họa sĩ Trần Thùy Linh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến