(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!
Những ngày này, đường phố Hà Nội chưa bao giờ vắng vẻ đến thế. Đặc biệt, từ chiều 25/3, khi Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu tạm thời đóng cửa các cửa hàng không thiết yếu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 của thành phố, số lượng người và xe di chuyển trên nhiều tuyến đường có thể đếm được.
Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 tại Việt Nam chúng tôi tuần này đã chuyển sang giai đoạn mới. Bắt đầu từ 0h ngày 1/4/2020, chúng tôi phải thực hiện “cách ly toàn xã hội” trong vòng 15 ngày trên phạm vi toàn quốc.
Có thể Sophia cũng biết, “cách ly” là một cụm từ rất nhiều nghĩa. Trong cuộc sống hàng ngày, nhất là khi chúng ta đang phòng chống dịch bệnh như hiện nay, từ “cách ly”được hiểu theo nghĩa là “giữ khoảng cách trong xã hội”, nhằm tránh lây nhiễm bệnh. Người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật cần thiết, thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp…
Nhưng tôi phải nói lại với cô rằng, ngôn ngữ trong tiếng Việt của chúng tôi rất phong phú về mặt ngữ, nghĩa. Với nhiều tình huống, “cách ly” chỉ mang ý nghĩa về khoảng cách địa lý, chứ còn tình cảm và tấm lòng cũng như sự động viên khích lệ dành cho nhau thì không hề có khoảng cách nào cả. Tôi xin kể một vài ví dụ cho cô.
Sophia thân mến!
Trong thời kỳ thủ đô Hà Nội của chúng tôi còn bị chiến tranh phá hoại, cao điểm của cuộc chiến khi ấy là khoảng thời gian 12 ngày đêm năm 1972, máy bay B52 thả bom xuống các khu vực trong thành phố. Do tính chất nguy hiểm, nhằm tránh thiệt hại về người cho nên thành phố yêu cầu thường dân di chuyển ra khỏi các khu vực đông dân cư, đi về các vùng ngoại thành, những địa phương gần sát với Thủ đô để đảm bảo an toàn. Khi ấy tôi còn bé cho nên cũng chỉ ở lại Thủ đô 1, 2 ngày đầu, sau đấy phải theo bốvề nơi cơ quan ông đang đóng, tại một nơi xa Thủ đô. Những chuyến đi như thế chúng tôi hay gọi là đi sơ tán, tránh xa khỏi khu vực có nguy hiểm.
Cho dù khi ấy mẹ tôi và các chị ở xa không lên thăm được. Nhưng đã có những lá thư viết tay, những gói đồ tiếp tế gửi qua các chuyến xe cho 2 bố con. Cả nhà vẫn chia sẻ, biết được tình hình sinh hoạt, học tập của tất cả các thành viên. Có thể nói tình cảm và tấm lòng vẫn hướng về nhau.
Dịp cuối năm 1989, tôi nhận lệnh chuyển đơn vị vào miền Nam. Lúc ấy đơn vị cũ tôi đang đóng quân ở khá gần, ngày nghỉ chỉ cần đi xe buýt khoảng 45 phút là về đến nhà. Thế mà bây giờ vào đơn vị mới ở cách xa những hơn một ngàn cây số, phương tiện đi lại cực kỳ khó khăn. Mặc dù là đi làm nhiệm vụ, việc ở xa hay ở gần nhà không phải là vấn đề nhưng với chúng tôi khi ấy, xa nhà cũng là một thiệt thòi. Hiểu theo cách nào đó thì “cách ly” lúc này là xa cách về mặt địa lý với người thân của mình.
Cách xa như thế nhưng qua những lá thư, những tấm ảnh, tôi vẫn chia sẻ tình cảm với gia đình, tâm sự với bạn bè đồng đội ở xa mặc dù nhiều lần thư từ vì những lý do khác nhau có khi hàng mấy tháng mới nhận được. Nhưng không sao cả, mọi người vẫn động viên nhau được, cùng có niềm tin ngày về sắp đến cho nên công việc tiến triển rất tốt. Tuy xa nhưng cảm giác thấy thực sự vẫn rất gần gũi trong tình cảm.
Giờ tôi quay lại vấn đề “cách ly xã hội” để cho cô hiểu rõ hơn.
Sophia có thể hiểu, cách ly xã hội bao gồm: Giữ khoảng cách trong xã hội để đối phó với các tình huống bùng phát nguy hiểm của dịch bệnh; giữ khoảng cách người với người, cộng đồng với cộng đồng, không phải là ngăn cấm giao thông, chưa phải phong tỏa xã hội… Nguyên tắc chính của cách ly toàn xã hội là: Gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện và tỉnh cách ly với tỉnh. Các phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.
Giống như những trải nghiệm của tôi trước đây, 15 ngày cách ly toàn xã hội bây giờ nhiều chuyện thậm chí còn thuận tiện hơn nhờ có công nghệ cao. Các đại gia đình có thể không gặp nhau nhưng vẫn có thể chat qua Internet, nhắn tin hỏi thăm, giúp đỡ nhau việc này việc kia được. Mọi người vẫn có thể đi chợ mua hàng, ra ngoài làm những việc thực sự cần thiết miễn là đảm bảo đúng các yêu cầu phòng dịch.
Cái quan trọng nhất tôi nghĩ là cho dù có cách ly xã hội như thế nhưng người dân đều đồng tình ủng hộ, tất cả đều một lòng hướng về những “chiến sĩ tuyến đầu chống dịch bệnh”, ai cũng tin rằng việc “cách ly xã hội” được tuân thủ thế này thì sẽ sớm có được chiến thắng trong cuộc chiến chống Covid-19. Đó cũng là tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái. Là điều mà bất cứ cộng đồng đồng nào cũng cần phải có trong các cuộc chiến chống giặc hay chống dịch bệnh, thiên tai…
Cho nên “cách ly” nhưng không được “cách lòng”, tất cả phải đồng lòng, chung sức, phải vậy không Sophia?
Xin chào cô, hẹn gặp lại thư sau!
Quốc Thắng