(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!
Trong bối cảnh cả nước đồng lòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, những thông điệp dưới đây đã góp phần làm lan tỏa mạnh mẽ tinh thần chống dịch và tình yêu Tổ quốc của người dân Việt Nam.
Câu chuyện hàng trăm người đến ký túc xá (KTX) Đại học Quốc gia TP.HCM - nơi được trưng dụng làm khu vực cách ly tập trung cho người dân từ nước ngoài về - để tiếp tế nhu yếu phẩm, đồ dùng…đang được bàn tán ầm ĩ tại Việt Nam chúng tôi suốt mấy ngày nay.
Nói đến chuyện gửi đồ ăn, tôi bỗng nhớ lại một kỷ niệm từ mấy chục năm trước, khi chúng tôi bắt đầu cuộc sống trong quân ngũ. Xin kể lại cho Sophia nghe.
Những ai đã từng trải qua những năm tháng trong đời bộ đội chắc sẽ chẳng thể nào quên được 3 tháng tân binh. Đó là những ngày đầu tiên chúng tôi bắt đầu cuộc sống của người lính, biết thế nào là gian khổ, vất vả trong học tập và rèn luyện. Cũng dễ hiểu thôi khi mà mọi người đang quen cuộc sống gia đình, tiện nghi sinh hoạt sẵn có, được sống theo ý mình. Giờ chuyển sang sống tập thể, tất cả các công việc được đưa vào khuôn khổ, phải tuân thủ kỷ luật cho nên chuyện ban đầu bỡ ngỡ, chưa thích nghi trong sinh hoạt là bình thường. Nhất là chuyện ăn uống hàng ngày.
Nhưng với một số gia đình, một phần cũng vì tình thương, mặt khác cũng do ở nhà hay “cưng chiều” con em mình thành ra lo rằng họ sẽ không chịu được khó khăn. Từ đó mới phát sinh chuyện “gửi đồ ăn” tăng cường.
Việc gửi đồ ăn thường diễn ra lẻ tẻ, tự phát vào các ngày Chủ nhật trong 1,2 tuần đầu tiên với những thực phẩm khô kiểu như ruốc thịt, muối vừng, gói gia vị. Hồi đó, đời sống nói chung còn khó khăn, đâu có nhiều đồ ăn thức uống như bây giờ.
Trước tình trạng này, cán bộ chỉ huy thường thông báo cho các gia đình và quán triệt, nhắc nhở mọi người rằng: Cuộc sống người lính có khó khăn nhưng cũng chưa đến mức là không chịu được, cần phải rèn luyện tính chịu đựng, đó cũng là một trong những phẩm chất của người lính.
Hồi đó, chỉ sau vài tuần làm tân binh, tôi đã sớm nhận ra rằng, việc “luyện khổ thành tài”là điều mà bất cứ người lính nào cũng phải trải nghiệm, không nên có tâm lý trông chờ đồ ăn gửi thêm. Cuộc sống tuy khó khăn, nhưng vẫn đảm bảo được tiêu chuẩn dinh dưỡng, cộng thêm được rèn luyện, khiến chúng tôi càng khỏe mạnh lên. Cho nên việc gửi đồ ăn lúc ấy chưa chắc đã là “tình thương” hợp lý.
Sophia thân mến!
Yêu thương, lo lắng cho người thân vốn là bản năng rất tự nhiên của con người. Trong đại dịch Covid-19 đang diễn ra, tại Việt Nam chúng tôi, tình thương yêu đồng bào mình, chia sẻ giúp đỡ nhau trong phòng chống dịch cũng được thể hiện rất rõ.
"Các điều kiện sinh hoạt, cơ sở vật chất trong khu cách ly khá đầy đủ, không thiếu thốn…” - như chia sẻ của một thành viên Ban quản lý KTX Đại học Quốc gia TP.HCM, với yêu cầu và mục đích cao nhất của cách ly tập trung là bảo đảm an toàn cho người được cách ly, đặc biệt cho cộng đồng.
Thời gian đi cách ly có 14 ngày, khi mà các khu vực cách ly tập trung tốt như vậy, liệu có cần phải tiếp tế? Có cần thiết phải mua sắm đủ hàng hóa các loại, từ đồ ăn, trái cây cho đến các đồ dùng như quạt gió, chăn nệm, quần áo? Thậm chí có gia đình còn mang cả tủ lạnh, ngụy trang các thùng bia để gửi vào cho người thân?
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cũng đã cảnh báo: “…Các gia đình có thân nhân đi cách ly tập trung thì yên tâm vì đang được phục vụ rất tốt. Không cần phải gửi đồ đạc, đồ ăn. Không nên quá lo lắng, nếu mua đồ ăn mà không được khử khuẩn, rồi đưa vào khu cách ly tập trung thì rất nguy hiểm…”.
Sophia thân mến!
“…Nếu ta nhân danh tình thương rồi cứ làm theo kiểu của mình, thì rốt cuộc chẳng giúp được gì mà còn làm cho nỗi khổ lớn thêm…”- tôi có đọc được một bài viết như thế.
Cho nên, nếu đã thật sự thương nhau thì ta cũng phải luôn biết và hiểu được những gì đang xảy ra để có những hành vi ứng xử phù hợp. Tình thương cũng phải được đặt vào đúng nơi, đúng chỗ.
Xin chào Sophia, hẹn gặp lại thư sau!
Quốc Khánh