(Thethaovanhoa.vn) -Về Việt Nam và xuất hiện ở một talkshow về… giáo dục giới tính, nhà văn Đỗ Hoàng Diệu đã có cuộc trò chuyện khá cởi mở với Thể thao &Văn hóa (TTXVN) quanh chủ đề thời sự này.
Sự kiện mà Diệu tham dự diễn ra vào tuần qua, khi Công ty Tân Việt và NXB Phụ nữ ra mắt bộ sách 10 tập có tên Giáo dục giới tính.
*Nhiều người ngạc nhiên, khi thấy chị bất ngờ xuất hiện trong vai trò diễn giả ở sự kiện này?
- Tôi đang trong thời gian về Việt Nam nghỉ hè cùng gia đình. Còn việc xuất hiện trong sự kiện này bắt nguồn từ lời mời của một người bạn. Dù sao, ở góc độ cá nhân, tôi cũng sẵn sàng chia sẻ cái nhìn của mình - khi nạn ấu dâm, cũng như nhu cầu giáo dục giới tính cho con trẻ đang nổi lên như một điểm nóng trong đời sống Việt Nam hiện nay.
Nhìn chung, đó là một điều rất mừng. Đúng như nhiều người đã nói, đúng là trong một thời gian rất dài, chúng ta chưa ý thức đủ nhiều về hai vấn đề vốn dĩ có liên quan đến nhau này. Sự thiếu hụt ấy là do những hạn chế về hoàn cảnh, và cả những định kiến ít nhiều tồn tại trong quá khứ.
Nhưng, tiếp sau cao trào ấy là gì, đó lại là một câu hỏi mới. Thực tế, truyền thông, và đặc biệt là hệ thống mạng xã hội, đang có sức ảnh hưởng cực lớn và luôn cuốn dư luận vào những vấn đề thời sự đang có. Thế nhưng, ở rất nhiều trường hợp, dư luận cũng chỉ rộ lên một thời gian, rồi lại lắng xuống để chạy theo những câu chuyện mới.
*Vậy, ở câu chuyện về vấn nạn ấu dâm, chị nghĩ chúng ta đang thiếu những gì để có một trào lưu dài hơi?
- Có những vấn đề không thể giải quyết chỉ trong một sớm một chiều. Chẳng hạn, tại Việt Nam, nhất là ở nông thôn, vẫn còn rất nhiều phụ huynh ngần ngại, hoặc e dè khi nói với con về giáo dục giới tính, hoặc chuyện xâm hại trẻ vị thành niên. Như đã nói, theo văn hóa Phương Đông, chúng ta vẫn coi đó là chuyện riêng tư và quán tính ấy không dễ bỏ.
Thậm chí, ở góc nhìn khác, chính cách chúng ta đẩy câu chuyện lên quá cao đôi khi cũng dẫn tới sự mệt mỏi và tiêu cực. Chẳng hạn, khi cụm từ “ấu dâm” được nhắc đến quá nhiều như vừa qua, tôi nghĩ sẽ có những cặp phụ huynh sẽ thấy giật mình, thậm chí ám ảnh , ngay khi thấy một ai đó tình cờ bế con mình.
Hậu 'Bóng đè' ở đây không phải 'Lam Vỹ', cuốn tiểu thuyết vừa được Đỗ Hoàng Diệu ra mắt sau 11 năm kể từ tập truyện ngắn trước.
Để thay đổi, và đạt tới sự cân bằng cần thiết, có lẽ chuyện phổ biến kiến thức về giới tính và cách tự bảo vệ cho trẻ vẫn là giải pháp căn cốt và cơ bản nhất. Còn truyền thông, thay vì mổ xẻ quá sâu ở mỗi vụ việc, tôi cũng mong đưa ra thêm những góc nhìn ở khía cạnh giúp phụ huynh tự bảo vệ con cháu mình.
*Đang sống tại Mỹ, chị có thể kể về chuyện giáo dục giới tính cho các con của mình?
- Ở trường học, hai con tôi cũng được trang bị kiến thức khá cơ bản về vấn đề này. Chẳng hạn, ngay từ cấp tiểu học, các cháu đã được giảng dạy kĩ về cơ thể, về những gì cần tránh trong giao tiếp với người lạ. Thậm chí, con gái tôi sắp lên 10. Thêm một thời gian ngắn nữa, dù chỉ sắp tới tuổi dậy thì, các cháu cũng sẽ được giảng về chuyện “nhạy cảm” của phụ nữ, thậm chí được hướng dẫn chuẩn bị sẵn băng vệ sinh trong ba lô, để một ngày nào đó không phải lúng túng và sốc khi trường hợp ấy xảy ra với mình.
Nhưng, nói thế không có nghĩa là mọi chuyện đều có thể khoán cho nhà trường. Vợ chồng tôi vẫn trò chuyện, giải thích và tìm cách từng bước hướng dẫn thêm cho các cháu về vấn đề giới tính,cũng như giữ an toàn trước người lạ. Thông thường, tôi hướng dẫn con gái, còn chồng tôi sẽ hướng dẫn bé trai. Có lẽ, ở đâu cũng vậy thôi. Muốn giữ an toàn và bảo vệ cho con mình, phụ huynh vẫn phải là những người đầu tiên, rồi mới đến nhà trường và xã hội.
*Xin cám ơn chị về cuộc trò chuyện này.
Dành cho trẻ em, bộ sách 10 tập Giáo dục giới tính được Nhà sách Tân Việt mua bản quyền của Hàn Quốc và chuyển ngữ. Sách cung cấp những tình huống, và vấn đề cơ bản về giới tính, giải đáp những thắc mắc của trẻ em một cách ngắn gọn và dí dỏm theo nội dung từng cuồn như Con được sinh ra như thế nào? Khác biệt giới tính; Không phải lỗi của con ; Mình đã lớn rồi; Nói “Không”; Những trò đùa ác ý; Luôn cảnh giác với người lạ. |
Hoàng Nguyên (thực hiện)