Đỗ Hoàng Diệu: Đề xuất dịch 5 tác giả đương đại VN sang Nhật

Thứ Tư, 1/4/2009, 11:11 (GMT+7)
(TT&VH) - Đỗ Hoàng Diệu đang ngây ngất sau chuyến đi Nhật Bản 15 ngày được tài trợ bởi Japan Foundation (JF) (chương trình diễn thuyết của các nhà văn châu Á do nhà văn quá cố Takeshi Kaiko khởi xướng - theo đó thì mỗi năm, một nhà văn châu Á sẽ được mời đến Nhật theo chương trình này). Trong thư gửi cho bạn bè, Đỗ Hoàng Diệu bày tỏ: “Chuyến đi mang lại cho Diệu quá nhiều cảm xúc, không làm sao có thể diễn tả được. Diệu như được tiếp thêm sinh lực mới, cảm thấy đôi mắt của mình sáng hơn, sức khỏe của mình tốt hơn và trên hết, cảm thấy muốn viết thật nhiều”.
 
* Ấn tượng nhất trong chuyến đi Nhật Bản này của chị là gì?

- Bốn thành phố tôi đã đến, đã nói chuyện, nơi đâu người Nhật Bản cũng làm tôi xúc động vì sự nhiệt tình và lòng cảm mến. Tôi nghĩ mình quá may mắn. Đặc biệt, việc gặp gỡ, trò chuyện cùng nhà văn nữ Takagi Nobuko ở Osaka đã làm tôi thao thức cả đêm. Bà đã 60 tuổi nhưng trông rất trẻ và vô cùng tinh tế. Bà có sự quan tâm đặc biệt đến văn học Việt Nam, đồng thời cũng đã đọc những tác phẩm của tôi và có nhiều nhận xét tinh tế đến mức tôi vô cùng ngạc nhiên.

Takagi Nobuko là một trong những nhà văn có uy tín và có sách bán chạy của Nhật Bản hiện nay. Người thứ hai mà tôi được gặp là nam nhà văn trẻ Hoshino Tomoyuki, sinh năm 1964. Anh đã có 11 tác phẩm được xuất bản tại Nhật. Tôi nghĩ đó là một nhà văn giỏi, đầy nhiệt huyết. Nhiều người Nhật Bản cho tôi biết sách của anh rất hay. Nhưng tiếc là tác phẩm của anh chưa được dịch sang tiếng Việt. Trước khi tôi về, Hoshino có chọn tặng tôi một tác phẩm, nhưng vì không biết tiếng Nhật nên tôi không đọc được. Tôi mong một ngày không xa sách của hai nhà văn này sẽ ra mắt độc giả Việt Nam.

* Vậy chị có biết lý do nào khiến mình được JF chọn không?

- Tôi băn khoăn mãi điều đó. Đến Nhật Bản tôi mang băn khoăn của mình hỏi ông Chủ tịch Quỹ JF, hỏi độc giả, người ta cười và nói tôi khiêm tốn! Tôi nhận được lời mời miệng của ông Chủ tịch Quỹ trong buổi tiệc kỷ niệm 35 năm quan hệ ngoại giao Nhật Bản và thành lập Trung tâm Văn hóa Nhật Bản. Tháng 6/2008, tôi nhận được lời mời chính thức. Tháng 10/2008 người của JF đến VN và cùng tôi ký một thỏa thuận. Trước chuyến đi, cả tôi và phía JF ở Nhật Bản cũng như Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Hà Nội đã phải chuẩn bị nhiều việc. Ông đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam cũng quan tâm và dành cho tôi nhiều ưu ái. Phía Nhật Bản đã chuẩn bị chu đáo đến mức tôi không thể phàn nàn bất cứ điều gì.
 
Đỗ Hoàng Diệu và nhà văn Nhật Bản Hosino Tomoyuki
 
* Qua quá trình tìm hiểu tại Nhật và giao lưu với nhà văn, báo giới Nhật Bản, chị thấy văn học VN được phổ biến tại Nhật như thế nào?

- Ở Nhật Bản, văn học VN chưa được dịch nhiều. Nổi tiếng nhất vẫn là Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, trước đây đã có hai bản dịch, nhưng đều dịch từ bản tiếng Anh sang tiếng Nhật. Khi tôi đến cũng là lúc có bản dịch thứ ba, dịch thẳng từ tiếng Việt sang vừa ra mắt... Ngoài ra, có một số cuốn tuyển chọn truyện ngắn VN. Mùa lá rụng trong vườn của nhà văn Ma Văn Kháng thì được dịch từ những năm đầu 1990. Cơ hội của chúa của nhà văn Nguyễn Việt Hà vẫn đang được tiến hành, chẳng rõ bao giờ thì xong...

Nói chung, người Nhật không biết nhiều về văn học VN. Phần nhiều họ chỉ biết Việt Nam của chiến tranh trong quá khứ và Việt Nam đang phát triển kinh tế hiện nay mà thôi. Tôi hy vọng, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam mới được thành lập sẽ làm cầu nối để hai nền văn học biết đến nhau, và quan trọng là độc giả hai nước được đọc những tác phẩm thực sự có chất lượng của nhau.

* Truyện ngắn của chị hẳn được dịch sang tiếng Nhật nữa chứ?

- Để phục vụ cho chuyến đi, giáo sư Kato đã dịch hai truyện ngắn Bóng đè Dòng sông hủi sang tiếng Nhật. Chuyến đi của tôi thành công, một phần cũng bởi chị Kato đã dịch truyện ngắn của tôi quá xuất sắc. Những người Nhật Bản biết tiếng Việt đã nói với tôi rằng: đây là tác phẩm văn học VN được dịch tốt nhất từ trước tới nay. Tôi nghĩ có lẽ đúng vậy, vì đã nhận được rất nhiều ưu ái của độc giả, của khán giả đến nghe tôi diễn thuyết. Những nhà báo Nhật Bản đã phỏng vấn tôi cũng cho biết đó là những bản dịch thăng hoa.

* Về phía Nhật Bản, họ có quan tâm đến tình hình văn học Nhật Bản ở VN không?

- Dĩ nhiên là có chứ. Họ hỏi tôi tác giả Nhật nào được biết đến nhiều nhất tại VN. Tôi trả lời là hai nhà văn Haruki Murakami và Banana Yashimoto. Một số người cho rằng đó không phải là hai nhà văn tiêu biểu nhất cho văn học Nhật Bản hiện đại , rằng còn nhiều, rất nhiều những tác giả xuất sắc khác. Thế nên ông chủ tịch JF rất quan tâm đến việc tài trợ để dịch những tác phẩm thực sự chất lượng của văn học Nhật Bản sang tiếng Việt thời gian tới. Ông đã nêu cụ thể với tôi vài cuốn mà ông muốn giới thiệu với tôi cũng như độc giả Việt Nam. Đồng thời, ông cũng dành cho tôi ưu ái khi hỏi tôi có đề nghị nào để giúp văn học Việt Nam phát triển, JF sẽ xem xét.

* Và chị đã có những ý kiến gì?

- Tôi đưa ra vài đề xuất, trong đó có một đề xuất là dịch tuyển tập truyện ngắn của năm tác giả đương đại ở VN sang tiếng Nhật. Trong năm tác giả đó có Nguyễn Ngọc Tư và Nguyễn Ngọc Thuần. Ông chủ tịch đã đồng ý, chỉ còn việc tiến hành.

* Nhưng việc đưa văn học VN vào Nhật Bản không phải là điều đơn giản?

- Đúng vậy. Các NXB Nhật Bản không mặn mà gì với văn học VN. Và dịch giả Nhật Bản cho tiếng Việt thì rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay như vợ chồng giáo sư Kato, giáo sư Imai, giáo sư Kawaguchi...

* Cảm ơn chị về cuộc chuyện trò này.
Việt Quỳnh (thực hiện)
GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến