(Thethaovanhoa.vn) - Áp phích - một danh từ tiếng Việt khá quen thuộc. Đây là một từ gốc Pháp (viết là “affiche”). “Từ điển tiếng Việt” (Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2017) giải nghĩa: “tờ giấy lớn có chữ hoặc tranh vẽ, dán ở nơi công cộng để tuyên truyền cổ động hay để quảng cáo”.
Nếu quay ngược thời gian chừng 20 năm trở về trước, chắc chắn mọi người Việt Nam sẽ hiểu từ "tự sướng" theo một nghĩa, mà nếu nói trong một ngữ cảnh nào đó thì có người sẽ phải đỏ mặt.
Đi trên đường phố, các khu đô thị hay vào các trung tâm kinh tế, thương mại, văn hóa hẳn là sẽ nhìn thấy không ít các tấm áp phích lớn nhỏ, đa màu sắc, đa nội dung. Áp phích được coi là sản phẩm cần thiết cho truyền thông đại chúng: vừa đơn giản (về maquette và hình họa), vừa sinh động (có màu sắc, bắt mắt), vừa hiệu quả (tác động trực tiếp, nhanh, có tính thuyết phục cao) v.v...
Áp phích được xếp cùng thể loại với bố cáo (văn bản thông báo cho cộng đồng biết về một sự kiện), yết thị (văn bản thông báo dán ở nơi công cộng cho mọi người biết một tin gì đó). Các kết quả khảo cổ học ở Thành phố Thèbes (Ai Cập) cho thấy áp phích đầu tiên trên thế giới là một tờ papyrus (một loại giấy cói, có từ năm 3000 TCN). Áp phích này công bố một giải thưởng cho người nào tìm thấy một nô lệ đang chạy trốn vì bị truy nã.
Ở Trung Quốc, nhờ phát minh ra giấy, mực, người ta đã có những bản bố cáo vẽ hình người cần truy nã dán ở nơi công cộng. Người La Mã cổ đại lại có những "áp phích" được gọi là album. Không giống như album bây giờ, đó là những tờ giấy cứng, đóng thành tập, có dán ảnh. Album của người La Mã cổ là những khoảng tường trắng (al-bus-um có nghĩa là "trắng"), được đánh bóng, có mái che, chia thành những ô, quét vôi. Trên đó, người ta dùng than củi hoặc son đỏ viết những điều cần thông báo cho dân chúng. Những album này có khi còn thông báo về các buổi diễn kịch, những ngày hội, công việc buôn bán hàng hóa và cả dịch vụ cho thuê đủ thứ...
Áp phích như chúng ta thấy ngày nay thì tới năm 1477 mới bắt đầu xuất hiện. Đó là tấm áp phích do một bác sĩ người Anh tên là W.Caston cho in để thông báo việc chữa bệnh bằng phương pháp sử dụng suối nước nóng ở vùng Salisbury. Ở góc áp phích người ta thường ghi thêm “Xin đừng xé!”. 5 năm sau, 1482, một người Pháp tên là Jean du Pré đã sáng tạo một áp phích có hình vẽ, thông báo về cuộc họp quan trọng của các thầy tu vùng Reims. Song mãi đầu thế kỷ 19, châu Âu mới áp dụng đại trà và áp phích được phát triển mở rộng khắp nơi.
Ở Việt Nam, áp phích được sử dụng nhiều trong việc tuyên truyền khá rộng rãi, đặc biệt là những năm trước đây. Những tấm áp phích lớn được treo trong các cuộc hội họp, mít tinh, trên đường phố đã cổ vũ nhân dân tham gia, hưởng ứng mọi phong trào nhằm đem lại thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Giơ cao ngọn đuốc hòa bình
Những tờ áp phích biến thành biểu trưng...
PGS-TS Phạm Văn Tình