Chữ và nghĩa: 'Tự sướng' - tiếng Việt cần thêm nghĩa mới

Thứ Tư, 4/12/2019, 7:21 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Nếu quay ngược thời gian chừng 20 năm trở về trước, chắc chắn mọi người Việt Nam sẽ hiểu từ "tự sướng" theo một nghĩa, mà nếu nói trong một ngữ cảnh nào đó thì có người sẽ phải đỏ mặt.

Chữ và nghĩa: 'Khen đểu' - ngày xưa có thế?

Chữ và nghĩa: 'Khen đểu' - ngày xưa có thế?

Chuyện cầu thủ bóng đá cãi lộn, chửi bới, thậm chí gây gổ đánh trọng tài ở xứ ta không hiếm. Nhưng gần đây, báo chí đột nhiên rộ lên về một hiện tượng được coi là “hiệu ứng ngược”. Đó là chuyện trọng tài - những ông vua sân cỏ - lại là người “ra đòn” trước.

Có gì mà phải đỏ mặt nhỉ? "Tự" là "chính bản thân một chủ thể nào đó", "sướng" là "có cảm giác thích thú, thỏa mãn đến cao độ (đồng nghĩa với "khoái")". "Tự sướng" là "tự mình cảm thấy sướng". Mà sướng thì có nhiều tình huống trong cuộc sống đời thường chứ? Bác nông dân khoan khoái thở khói lên trời sau khi rít một hơi thuốc lào. Công chức nọ thưởng thức một li cà phê ngon lành vào buổi sáng. Cầu thủ X đột nhiên ghi “siêu phẩm” trong một trận cầu quyết định... Đó cũng là những trạng thái của "sướng". Nhưng tổ hợp "tự sướng" theo cách dùng lâu nay lại có một nét nghĩa khác.

“Tự sướng” theo giải thích trong y học là "hành động kích thích làm cho bản thân cảm thấy thoả mãn và sung sướng ngay cả khi không quan hệ trực tiếp với người khác giới". Người ta còn gọi hành vi sinh lý này là “thủ dâm”. “Tự sướng” trong tình dục giúp bản thân người thực hiện giải phóng bớt năng lượng để bản thân có thể trở về trạng thái tâm sinh lý bình thường. Vậy thì hành vi này không phải là quá xa lạ, là một nhu cầu tự thân (không phải là xấu, chỉ có điều không nên lạm dụng, sa đà quá độ) nhưng thường được thực hiện một mình, kín đáo. Nếu ai đó biết được, nghe được thì dễ gây phản ứng không tích cực.

Nhưng bây giờ, "tự sướng" lại được cấp một nghĩa hoàn toàn mới. Cũng bởi đang có trào lưu tự chụp ảnh. Đó là từ dịch từ “selfie” tiếng Anh, chỉ ai đó tự chụp mình bằng điện thoại thông minh (hoặc webcam) rồi tự thưởng thức, tự ngắm nghía ảnh của mình và... tự cho là đẹp. Ảnh đó cũng rất hay được tung lên mạng xã hội (nhất là Facebook) để cả cộng đồng (thậm chí cả thể giới) cùng thưởng thức.

Chú thích ảnh
Trào lưu tự chụp ảnh. Nguồn: Internet

Chuyện tự vẽ chân dung mình (chân dung tự họa) đã có từ lâu, nhất là trong giới nghệ sĩ. Còn việc tự chụp ảnh cũng đã có khi xuất hiện máy ảnh. Tự chụp ảnh chân dung đã có từ năm 1839, khi Robert Cornelius chụp một bức ảnh cho mình bên ngoài cửa hàng của gia đình ông ở Philadelphia (Mỹ).

Việc tự chụp ảnh trở nên phổ biến trong những năm 1970, khi máy ảnh Polaroid (máy chụp ảnh và tự in ngay) phát triển mạnh. Nó giải phóng các nhiếp ảnh gia nghiệp dư không còn bị lệ thuộc vào các phòng tối với quy trình rửa ảnh cầu kỳ. Cho đến khi có phát minh ra kỹ thuật số, kết quả của việc chụp và có hình ảnh mới nhanh tức thời và cho đến khi các máy ảnh kỹ thuật số nhỏ gọn được phát minh, “selfie” đã bùng nổ phổ biến và trở thành hiện tượng toàn cầu.

Thuật ngữ “selfie” được ghi nhận xuất hiện lần đầu vào tháng 9/2002 trên một diễn đàn mạng ở Australia. Đó là khi một người đàn ông say rượu đột nhiên bị ngã trượt cầu thang và bị rách môi. Ông ta đã tự chụp hình mình ngay tại hiện trường rồi đăng lên diễn đàn và gọi đó là một “selfie”.

Chính mạng xã hội đã giúp cho "selfie" trở thành một từ phổ biến. Từ khóa này đã lập nên kỷ lục về tần suất sử dụng trong cộng đồng những người nói tiếng Anh.

Năm 2013 “selfie” đã được Ban biên tập NXB Oxford English Dictionary (Anh) bình chọn là “Từ khóa của năm” (Word of the Year). Việc chụp ảnh tự sướng đăng lên trang cá nhân đã trở thành nhu cầu rất thiết yếu và quen thuộc với nhiều người. Nó phản ánh một thị hiếu, một xu hướng mới trong đời sống xã hội hiện đại. Đôi khi người ta còn “selfie” bằng một phương tiện “nối dài”, gọi là gậy hỗ trợ (monopod, selfie stick).

“Selfie” trong tiếng Anh bắt nguồn từ tiền tố "self", có nghĩa là “bản thân”, "cái tôi", có kết hợp có thêm hậu tố “ie”… Khi vào tiếng Việt, ai đó đã dịch là "tự sướng". Thật ra, đó là cách nói “tỉnh lược, rút gọn” của tổ hợp “chụp ảnh tự sướng”.

Trào lưu chụp ảnh tự sướng nhanh chóng lan tỏa ở Việt Nam (nhất là giới trẻ) với tốc độ chóng mặt. Nhiều người cho là việc tự chụp ảnh và lưu giữ kỷ niệm cũng như những thay đổi của bản thân như là "một nhật ký trực quan" để có thể nhìn lại và “thưởng thức” mình ở một thời điểm cụ thể. Nó cũng là sở thích hoặc thú vui cần thiết, làm phong phú thêm cuộc sống cá nhân trong đời sống đa chiều, nhiều áp lực.

Tiếc là, từ điển tiếng Việt hiện nay chưa có từ “tự sướng”. Nên chăng sắp tới, các nhà từ điển cần bổ sung từ này với 2 nét nghĩa cần phân biệt.

TỰ SƯỚNG đg. 1. hành động (dùng tay hay bộ phận nào đó của cơ thể) tự kích thích làm cho bản thân cảm thấy thoả mãn khoái cảm mà không cần quan hệ tình dục trực tiếp với người khác giới (đồng nghĩa với “thủ dâm”); 2. (Anh: selfie) hành động dùng thiết bị ứng dụng công nghệ kỹ thuật số, tự ghi lại hình ảnh của chính mình hay mình với nhóm bạn bè để thỏa mãn sở thích hay thú vui cá nhân. Ví dụ: Cứ xem ảnh “tự sướng” của nàng thì ối chàng lác mắt; Suýt xảy ra tai nạn vì mải chụp ảnh “tự sướng” bên kè đá v.v….

PGS-TS Phạm Văn Tình

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến