(Thethaovanhoa.vn) - Bắt đầu từ 0h ngày 28/3/2020 đến hết ngày 15/4/2020: Tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ, trừ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng.
Hưởng ứng lời kêu gọi toàn dân phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, đội ngũ y tế, lực lượng quân đội, công an, tình nguyện viên, chính quyền địa phương đang ngày đêm căng mình chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội, an toàn đời sống và sức khỏe của nhân dân.
Và như thế bắt đầu từ tuần này, những người buổi sáng hay ngồi cà phê đọc báo như tôi buộc phải thay đổi thói quen lâu năm của mình. Thay vì ra quán thì ngồi nhà làm gói cà phê hòa tan hoặc pha ấm trà mạn thay thế. Đó cũng là giữ “khoảng cách” cho bản thân mình được an toàn….
Nói đến “khoảng cách”, tôi nhớ có mấy câu thơ của Trần Đăng Khoa: “… Cháu ơi đừng có chơi bời đâu xa/ Trồng rau, quét bếp, đuổi gà/ Thấy tàu bay Mỹ nhớ ra hầm ngồi…”. Bài thơ này được sáng tác vào thời kỳ đang có chiến tranh phá hoại, vì thế đừng có “… chơi bời đâu xa” để mỗi khi có báo động thì kịp thời “… nhớ ra hầm ngồi”. Đấy chính là giới hạn an toàn tất cả mọi người khi ấy phải ghi nhớ.
Những năm tôi còn trong quân ngũ, bài học về “khoảng cách”, về cự ly thì nhiều nhưng rõ nét nhất là những lần báo động hành quân dã ngoại. Hãy hình dung hành quân ban đêm, trời tối không đèn đuốc, chỉ còn biết bám vào nhau qua động tác với tay lên phía trước, nếu chạm được vào lưng là tốt, còn chưa chạm được thì phải khẩn trương bám đội hình, kẻo không bị đứt đoạn, dễ dẫn tới lạc đường.
Mệnh lệnh thì được truyền đạt tới mọi người theo cách người phía trước nhắc người đi sau cho nên phải giữ được cự ly phù hợp, vừa để bảo vệ được nhau, di chuyển mà vẫn biết được thông tin để tránh thương vong, hạn chế thấp nhất rủi ro. Đó là trải nghiệm quý giá về “khoảng cách”.
Trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19, “khoảng cách” cần được hiểu theo nhiều nghĩa, bên cạnh việc phải cách nhau tối thiểu 2m khi ở nơi công cộng, còn có những “khoảng cách” khác rất cần phải nhớ trong giai đoạn này.
Đối với mỗi người dân, phải luôn nhớ rằng việc đeo khẩu trang mỗi khi ra ngoài là việc bắt buộc. Việc “Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng” lúc này là cấp thiết. Đó chỉ là một quãng ngưng để hạn chế sự lây lan dịch bệnh cho cộng đồng. Hãy thực hiện những hoạt động ấy ngay tại nhà mình, kể cả việc tâm linh thì xa hay gần đâu có quan trọng, miễn là có tâm.
Bên cạnh đó, hãy chọn một “dấu cách” hợp lý để có thể hỗ trợ, giúp đỡ và chia sẻ với mọi người xung quanh. Kinh doanh sản xuất trong lúc này đúng là rất khó khăn. Trong nhiều vấn đề phải quan tâm, lo lắng thì theo tôi thời điểm này cần phải giữ được “khoảng cách” hợp lý với đời sống người lao động, những người làm thuê, làm mướn. Đó là sự chia sẻ, hỗ trợ phần nào về tài chính giúp cho họ yên tâm sống trong những ngày này. Đấy là những việc làm nhân văn, rất tình người.
Một chủ đề rất cũ nhưng vẫn phải nhắc tới, đó là chuyện của những thông tin thật và giả vì tuần mới này có ngày Cá Tháng Tư (ngày nói dối). Trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19 này cũng vậy, có những nơi nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh đã rất gần, thế nhưng do tâm lý chủ nên nhiều người vẫn nghĩ rằng nó còn xa. Đài báo nhắc nhở liên tục hàng ngày, Bộ Y tế nhắn tin khẩn cấp vào điện thoại… Có thể nói rằng, tin tức chính thống đã được đưa đến tận nơi cho mỗi người. Làm thế nào để cho những tin tức thật tiếp tục đến gần gũi hơn nữa với người dân, đồng thời đẩy lùi xa xa những tin giả, tin đồn thất thiệt? Đấy chính điều mà mỗi chúng ta cần phải chung tay giải quyết.
Tuần mới này “không cà phê” không tụ tập quán xá. “Hãy đứng yên khi tổ quốc cần” lúc này tức là chúng ta tạo ra và giữ được khoảng cách an toàn cho bản thân và cộng đồng.
Xuân An