Đạo diễn Lại Bắc Hải Đăng: Không tham vọng làm lò đào tạo kiểu Disney

Thứ Năm, 10/4/2014, 9:45 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Đồ Rê Mí Đôi là một bất ngờ của Giải Âm nhạc Cống hiến lần 9 - 2014, vì lần đầu tiên một chương trình âm nhạc dành cho thiếu nhi lọt vào giải thưởng âm nhạc toàn dành cho các chương trình của người lớn. Bản thân ê-kíp Đồ Rê Mí Đôi cũng bất ngờ.

Đạo diễn chương trình Lại Bắc Hải Đăng chia sẻ anh rất xúc động, vì đề cử đã cho thấy giải ghi nhận các em thiếu nhi trình diễn không khác gì các nghệ sĩ thực thụ.

TT&VH đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn Lại Bắc Hải Đăng.

* Ý tưởng chuyển Đồ Rê Mí thành Đồ Rê Mí Đôi bắt đầu có từ khi nào và nó có được chấp nhận ngay từ đầu không thưa anh?

- Khi sang Australia học 2 năm, theo dõi các chương trình nước ngoài, tôi thấy các em hát song ca, tam ca rất hay, nên tôi đã xây dựng format Đồ Rê Mí Đôi. Ý tưởng này về cơ bản được ủng hộ, mọi người chỉ băn khoăn duy nhất vấn đề chọn cặp đôi như thế nào? Cách đơn giản nhất là để các bé tự tìm đôi, rồi đăng ký với Ban tổ chức (BTC). Nhưng như thế sẽ mất đi tính bất ngờ, nên BTC quyết định tìm thí sinh đơn, sau đó BTC sẽ ghép đôi.

* Việc tổ chức thi đôi có giảm bớt tính "ăn thua" cho chương trình?

- Đúng là thi đôi, đến vòng loại sau cùng, một cặp bị loại sẽ khiến các em thấy nhẹ nhõm hơn là một mình bị loại. Tuy nhiên, phải khẳng định là dù thi đôi hay đơn thì tâm lý muốn đi tiếp của các em là như nhau.

Tại Australia vẫn có hai quan điểm: một là khuyến khích tổ chức các chương trình thi cho thiếu nhi, làm càng hay, càng kịch tính càng tốt; hai là cho rằng các chương trình thi thố khiến các thiếu nhi gặp phải áp lực không đáng có, ảnh hưởng đến tâm sinh lý của chúng.

Đến giờ Đồ Rê Mí đã có thương hiệu, chúng tôi vẫn luôn trăn trở làm sao cho chương trình phù hợp với tâm lý của các em, mặt khác vẫn đáp ứng được yêu cầu giải trí của một chương trình truyền hình. Đó là bài toán khó.


Đạo diễn Lại Bắc Hải Đăng

* BTC đã làm gì để tạo ra một môi trường “an toàn” cho Đồ Rê Mí?

- Chúng tôi biến các buổi tập luyện, ghi hình thành sân chơi, các em đến đây đều rất thoải mái. Các biên tập viên của chương trình luôn theo sát và rất thân thiết với các em.

Dù biết làm trực tiếp sẽ rất thu hút khán giả, nhưng chúng tôi quyết định chỉ thu rồi phát lại, để có thể hạn chế những cú “shock” từ truyền thông. Khi làm giám sát The Voice Kid, tôi chứng kiến lên sân khấu các em hát rất thoải mái, phản ứng của các em (nếu có) cũng rất vừa phải thôi. Nhưng hôm sau báo chí cứ làm bùng lên, rồi đưa quá nhiều thông tin so sánh em này với em kia, phong cho một số em là "tiểu diva". Điều đó ảnh hưởng không ít đến tâm lý của bọn trẻ.

* Nhiều khán giả nhận xét chương trình Đồ Rê Mí trang điểm cho các em nhiều lúc sắc sảo quá, phần này được kiểm soát ra sao thưa anh?

- Chúng tôi luôn ghi nhận mọi ý kiến. Nhưng phải nói thêm, nếu làm việc với bọn trẻ mới hiểu, với chúng, càng xanh đỏ, càng lóng lánh mới là đẹp. Trong show cho chúng tự chọn bài hát, tự lên ý tưởng trang phục, các anh chị hóa trang bị choáng luôn, vì yêu cầu của chúng đa dạng, phong phú khủng khiếp (cười).


Chương trình Đồ Rê Mí Đôi

* Với Đồ Rê Mí Đôi, giờ  phần các anh lo lắng nhất là gì?

- Khi nhận được đề cử Giải Âm nhạc Cống hiến của báo Thể thao & Văn hóa chúng tôi rất bất ngờ, rất hạnh phúc nhưng mặt khác cũng ngại, vì nếu giờ làm không tốt sẽ bị mọi người chê.

Khó khăn nhất là tìm được các cháu nhỏ hợp với chương trình. Năm nay ngoài việc đăng tin tuyển, vào tháng 5 chúng tôi sẽ đi 9 tỉnh tổ chức tuyển trực tiếp. Còn khó khăn thứ hai là, sau 7 năm "cày" giờ kho bài hát cạn thật rồi, chỉ có cách sử dụng lại ca khúc cũ thôi. Chúng tôi cũng cố gắng tìm từ mọi nguồn.

* Thiếu nhi hiện nay rất thiếu các sản phẩm băng đĩa ca nhạc do chính các bạn đồng lứa thể hiện. Đồ Rê Mí tập hợp được rất nhiều giọng ca hay, tại sao không tận dụng nguồn này để thực hiện? Chương trình có tiến tới làm lò đào tạo sao nhí?

- Nếu có đơn vị nào đó kết hợp với Đồ Rê Mí để ra đĩa cũng rất được vì mỗi năm chúng tôi làm tới 60 bài hát. Có điều, hiện tại chúng tôi đang gặp khó về nguồn thu.

Khi bắt đầu làm Đồ Rê Mí tôi rất hào hứng với mô hình của Disney, đào tạo ra các ngôi sao nhí. Nhưng giờ quan điểm của tôi đã thay đổi. Một mặt mình chưa đủ lực để làm, mặt khác nếu làm, thì điều này có thực sự có ích cho các em hay không? Tôi đã bị "cứng họng" khi thầy giáo nói: "Cậu thử nhìn lại xem những công chúa, hoàng tử của Disney ngày xưa, như Britney Spears chẳng hạn, có ai được làm trẻ con không". Đồ Rê Mí chỉ là một sân chơi cho các cháu vào dịp Hè, chơi xong lại về nhà.

* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

5 đề cử Chuỗi chương trình của năm

Bài hát Việt (VTV3) với phiên bản mới mang lại nhiều hiệu quả, tiếp tục cổ vũ trào lưu sáng tạo mới mẻ trong sáng tác ca khúc và nỗ lực tiếp cận thị trường âm nhạc.

Đồ Rê Mí Đôi (VTV3), là một chương trình có ý nghĩa, không chỉ hấp dẫn đối với thiếu nhi mà với cả người lớn.

Giọng hát Việt tiếp tục là một chương trình hấp dẫn, thu hút đông đảo khán giả và phát hiện một số nghệ sĩ trẻ có triển vọng như Cát Tường, Đức Hùng…

Luala Concert (Công ty DX) có nhiều đổi mới hấp dẫn sau 3 năm tổ chức, vẫn tiếp tục "xuống phố" mang âm nhạc cổ điển đến với công chúng.

Rock Storm (MobiFone) khơi dậy tình yêu rock trên khắp 3 miền đất nước với những chương trình chất lượng nghệ thuật cao, âm thanh ánh sáng hiện đại, công tác tổ chức chuyên nghiệp.


>>> Chuyên trang âm nhạc Cống hiến

Ngọc Diệp (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 321/GP-BTTTT ngày 15/06/2016 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến