Nguyễn Bá Thanh, Lê Huỳnh Đức & bóng đá Việt

Thứ Ba, 2/2/2016, 18:31 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 3/2/ 2016 (tức 25 tháng Chạp năm Ất Mùi), gia đình ông Nguyễn Bá Thanh sẽ tổ chức giỗ đầu cho ông. Những gì liên quan đến ông Nguyễn Bá Thanh đều thú vị, trong đó bóng đá không là ngoại lệ.

Từ một cuộc “rồng nước gặp nhau”

Hôm Đà Nẵng long trọng tổ chức ra mắt cuốn sách “Nguyễn Bá Thanh một người con của Đà Nẵng” của tác giả Kim Thành (NXB Thông tấn phát hành), trong nhiều người tham dự, có sự hiện diện của HLV Lê Huỳnh Đức. Anh ngồi trầm mặc, mắt đỏ hoe xúc động.

Chúng tôi kéo anh ra ngoài hành lang phỏng vấn, câu chuyện khá dài nhưng đọng lại, Đức bảo anh có được ngày hôm nay là cơ duyên. Thành công và tính cách anh luôn có bóng dáng của ông Nguyễn Bá Thanh.

Trong cuốn sách này có khá nhiều kỷ niệm của ông Nguyễn Bá Thanh với bóng đá

Trong cuốn sách, Huỳnh Đức cũng trải lòng. Nói về cơ  duyên, Huỳnh Đức chia sẻ đấy là năm 2003, anh nhận được cú điện thoại: “Chú là Nguyễn Bá Thanh đây. Chú muốn cháu về Đà Nẵng. Không biết Đức có muốn về Đà Nẵng thi đấu không”? Huỳnh Đức về bàn bạc với gia đình, và hôm sau anh đã nhận lời khi Bí thư Đà Nẵng điện lại.

Huỳnh Đức cũng chia sẻ khá thật, anh lấy làm tiếc khi 2 năm đầu không thành công trong màu áo Đà Nẵng. Ngay khi giải nghệ, được tạo điều kiện làm trợ lý, rồi thay HLV Phan Thanh Hùng nửa mùa giải năm 2008, thì vẫn chưa thành công. Phải đến năm 2009, đội bóng bên sông Hàn mới thăng hoa và vô địch sau 17 năm trầy trật. “Chú vui sướng lắm. Chú nói đây thực sự là một bất ngờ quá lớn, một bước ngoặt cho bóng đá Đà Nẵng”.

“Ở gần chú, tôi học hỏi được bản lĩnh, cách quản lý, làm việc khoa học, quyết đoán, dám nghĩ dám làm. Khi tôi thất bại, chú nói phải bản lĩnh lên, đứng lên để làm lại, không được nản. Chỉ một câu khích lệ, động viên thôi mà tôi thấy mạnh mẽ lên nhiều. Chú nói một câu tôi xúc động và ghi nhận đến tận bây giờ. Đó là: “Cuộc đời con người đừng nghĩ ai cũng thương mình hết”.

Lúc đó, Huỳnh Đức nghĩ rằng đưa bóng đá Đà Nẵng vô địch chắc chắn sẽ được nhiều người yêu mến, nhưng ông Nguyễn Bá Thanh nhấn mạnh: “Trong 10 người mà có 6 người yêu mình, thế là thành công…Chú Thanh ra đi, cả đội bóng đã đeo khăn tang tưởng nhớ đến “vị thủ lĩnh tinh thần”, “Vị tướng không cần ấn”- Nguyễn Bá Thanh”- Huỳnh Đức hồi tưởng.

Ông Nguyễn Bá Thanh làm gì cũng được, trừ…bóng đá!

Huỳnh Đức kể. “Chú Bá Thanh từng nói, đời tôi làm cái gì cũng được, trừ bóng đá”. Câu nói đó luôn ám ảnh Huỳnh Đức, như một động lực, đồng thời là áp lực thôi thúc.

Ông Nguyễn Bá Thanh trong một trận đấu gây quỹ từ thiện năm 2008. Ảnh Phi Hải

Là người theo sát bóng đá Đà Nẵng nhiều năm qua, cũng phải thừa nhận là nói được câu đó, không phải dễ với một người “kinh bang, tế thế”, đạt được quá nhiều thành tựu, như ông Nguyễn Bá Thanh.

Hiếm ai yêu bóng đá đến mức đặc biệt như nguyên Bí thư Đà Nẵng. Chúng tôi cùng  nhiều đồng nghiệp từng không  ít lần viết bài “chỉ trích” việc ông Bá Thanh yêu đội quá mà nhiều trận đấu đã đến để họp chiến thuật, lên đấu pháp hộ HLV, cả gọi điện từ xa chỉ đạo chiến thuật.

Tôi cũng còn nhớ trước trận Đà Nẵng - Bình Dương mùa 2006, khi Bình Dương ra gặp Đà Nẵng ở sân Chi Lăng,  lên tận làng thể thao Tuyên Sơn dự họp chuyên môn cùng đội, ông Nguyễn Bá Thanh tuyên bố: “Thua ai chứ dứt khoát không được thua đội bóng ông Hải “lơ”. Chẳng là năm 2005 Đà Nẵng sa thải ông Hải “lơ” sau scandal U23 bán độ tại SEA Games, khiến Đà Nẵng mất đến 3 “hảo thủ” là Quốc Anh, Hải Lâm, Phước Vĩnh, làm ông Bá Thanh  vô cùng bức xúc.

Báo chí kêu ca mặc kệ, chưa bao giờ ông Bá Thanh phàn nàn ký giả đã viết việc ông “can thiệp” sâu vào chuyện chuyên môn của đội.

Thời gian trôi đi, khi ông ra Hà Nội làm Trưởng Ban nội chính Trung ương, có thêm chiêm nghiệm, mới thấy khoảng trống của ông đối với thể thao và bóng đá Đà Nẵng quá lớn. Cũng cảm nhận, hiếm lãnh đạo nào trên đất nước này yêu bóng đá quê hương đến tận cùng như ông. Ông cấp đất cho những cầu thủ có đóng góp nhất định. Lúc đội khát tiền thưởng, ông móc tiền túi 50 triệu đồng để phải 2 năm sau lãnh đạo CLB mới lên trả nợ ông.

Và chính yêu quá, quan tâm quá, và tin tưởng quá, nên ông không lường trước những người ông gửi gắm ở đội bóng không phải ai cũng đủ năng lực, có thực tâm với bóng đá quê hương. Công tác quản lý ở đội bóng Đà Nẵng trước đây lỏng lẻo, ý thức cầu thủ không được chú trọng, gây nhiều nhức nhối.

Trong thời bao cấp, rồi tranh tối tranh sang chuyên nghiệp, đội bóng đà Nẵng dù có lãnh đạo quan tâm như thế, tiền bạc rủng rỉnh hạng “đại gia”, không cách nào vô địch. Những trận đấu cuộc bị khán giả tẩy chay, ném chai lọ xuống sân Chi Lăng là thường xuyên, như nhiều đội khác.

Ở tình huống đó, được sự chống lưng về tiền bạc của ông Đỗ Quang Hiển, sự quan tâm rốt ráo của ông Nguyễn Bá Thanh, có một lứa cầu thủ tinh nhuệ, cùng cách quản lý cứng rắn của Huỳnh Đức, Đà Nẵng mới chạm tay được vinh quang từ năm 2009.

Cho nên, phải nói thành công của bóng đá Đà Nẵng là sự cộng hưởng từ nhiều phía, cần đánh giá công bằng. Dù sao, ước vọng “làm được bóng đá” của ông Nguyễn Bá Thanh, rốt cuộc đã hiện thực hóa.

Và đến câu chuyện của bóng đá Việt

Không dưới 2 lần (Đại hội VFF nhiệm kỳ V và VII), ông Nguyễn Bá Thanh đã được tín nhiệm kêu gọi ứng cử vào chức danh Chủ tịch VFF.

Thừa nhận thất bại với thể thao Vua nhưng cuối cùng ông Nguyễn Bá Thanh đã “làm được bóng đá”. Ảnh Phi Hải

Người ta kỳ vọng với những gì làm được cho thành phố Đà Nẵng, với uy tín, đặc biệt sự tâm huyết với bóng đá, ông Nguyễn Bá Thanh sẽ làm thay đổi bộ máy VFF, đưa nền bóng đá đi lên. Khát vọng có một “Tư lệnh bóng đá”, kiểu như ông Đinh La Thăng bên Bộ GTVT luôn cháy bỏng trong lòng người hâm mộ.

Tiếc rằng, ông Nguyễn Bá Thanh đã từ chối.

Nhưng nhiều lúc chúng tôi tự hỏi, liệu khi làm Chủ tịch VFF, ông Nguyễn Bá Thanh có thành công?

Đây là câu hỏi khó, bởi để thay đổi về chất bộ máy lãnh đạo VFF, vô cùng gian lao. Không ít người tài về làm “Tư lệnh”, như các ông Hồ Đức Việt, Mai Liêm Trực, nhưng cũng không thể xoay chuyển tình hình.

Ông Mai Liêm Trực từng có 2 câu nói nổi tiếng. “Trình độ VFF thấp hơn mặt bằng xã hội”;  “Bên Bộ Bưu chính Viễn thông tôi nói một tiếng hàng nghìn người nghe, nhưng ở VFF tôi nói…3 ngày chẳng ai nghe”.

Nguyễn Bá Thanh, Lê Huỳnh Đức & bóng đá Việt

Nguyễn Bá Thanh, Lê Huỳnh Đức & bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 3/2/ 2016 (tức 25 tháng Chạp năm Ất Mùi), gia đình ông Nguyễn Bá Thanh sẽ tổ chức giỗ đầu cho ông. Những gì liên quan đến ông Nguyễn Bá Thanh đều thú vị, trong đó bóng đá không là ngoại lệ.


Đến nay, xem ra những câu nói đó vẫn còn nguyên giá trị, về môi trường VFF!

Nhiệm kỳ VII, VFF đã xã hội hóa mạnh, được kỳ vọng sẽ lột xác, khi có một số doanh nhân có máu mặt như ông Lê Hùng Dũng (Chủ tịch VFF), Đoàn Nguyên Đức (PCT phụ trách tài chính), VFF lẫn nền bóng đá vẫn giẫm chân tại chỗ.

Việc tìm người thay thế Chủ tịch VFF đang vô cùng cấp bách, khó khăn. Khó khăn nhất vẫn là làm sao thay đổi cung cách làm việc của VFF, mà việc này phải cậy nhờ rất lớn vào Tổng cục TDTT, Bộ VH, TT&DL và trên nữa.

Nhân giỗ ông Nguyễn Bá Thanh, ngẫm về câu nói đại ý làm bóng đá quá khó thành công của ông, đây là câu chuyện đáng để những người đang hoạt động bóng đá nhìn lại mình, nhìn lại khát khao của hàng chục triệu người hâm mộ, để biết tự vấn.

Đà Nẵng, 24 tháng Chạp

Hữu Quý

Tuấn  (03/02/2016 11:02:53)
huutuandh@gmail.com
Bài viết hay
GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến