(Thethaovanhoa) - HLV Mai Đức Chung, người dẫn dắt đội tuyển nữ Việt Nam giành HCV SEA Games 29 đã có những phút trải lòng về những thiệt thòi, hy sinh, cống hiến thầm lặng của các nữ tuyển thủ để mang về những chiếc huy chương “vàng mười” vinh quang dành tặng người hâm mộ bóng đá Việt Nam.
Bóng đá nữ thiệt thòi gấp đôi bóng đá nam
Phải nói rằng người phụ nữ Việt Nam kiên nhẫn và dũng cảm lắm. Họ chịu nhiều đau khổ, thiệt thòi nhưng luôn biết cách tự vươn lên. Có những gia đình cầu thủ hoàn cảnh khó khăn khiến tôi phải phát khóc khi gặp gỡ, chứng kiến.
Và nó khiến tôi tự bỏ tiền túi để hỗ trợ phần nào cho các cháu. Trong đội nữ, có những VĐV đã có chồng biết nhịn lại chưa đẻ để tập trung thi đấu. Có những cầu thủ đã chia tay, hy sinh hạnh phúc gia đình vì bóng đá.
Bóng đá nam vất vả thế nào thì bóng đá nữ vất vả gấp đôi như thế. Tôi ví dụ đơn giản như thế này, mỗi ngày tập luyện cầu thủ nữ phải gội đầu tới 2 lần. Ngoài ra, thường thì các cô gái ai chẳng thích ăn mặc đẹp để con trai còn ngắm nhìn.
Các VĐV nữ của tôi tập luyện vất vả nắng nôi đen đủi không cả dám ra đường. Phải nói thẳng là những người thanh niên thì họ chỉ thích ngắm những người phụ nữ đẹp chứ chắc chắn họ không thích ngắm những người như nữ cầu thủ đâu. Đó là điều mà tôi rất thông cảm cho các học trò và mong mọi người cũng cảm thông cho đặc thù bóng đá nữ.
Bên cạnh đó, các cầu thủ nữ thì có phần chảnh ăn. Có nghĩa là họ ăn gảy gót và đồ ăn ngon mới chịu ăn. Họ ăn thì rất thỏ thẻ và thường không hết thức ăn. Còn chuyện so sánh bữa ăn giữa cầu thủ nam và cầu thủ nữ trên mạng gần đây mà vội đánh giá thì rất oan và không đúng bản chất. Phải nói rằng, Tổng cục TDTT và VFF đã chăm lo cho đội tuyển rất tốt. Vừa qua, tiêu chuẩn dinh dưỡng của Tổng cục dành cho các VĐV nữ là 300.000đ/1 ngày và VFF còn hỗ trợ thêm 100.000đ nữa.
Nhẫy cẫng lên như trẻ con khi biết tin có tiền thưởng
Khi mà PCT VFF Trần Quốc Tuấn nói số tiền thưởng là 4 tỷ thì các cầu thủ nữ nhảy cẫng lên như trẻ con. Trông cảnh ấy tôi cảm thấy rất sung sướng và vui lây. Nó như là một người con mong mẹ đi chợ mua quà về. Phải nói rằng chưa bao giờ tuyển nữ Việt Nam được nhận khoản tiền lớn như vậy.
Tuy nhiên, trong những lần đầu tập và thi đấu quốc tế, chúng tôi không bao giờ đặt tiền thưởng làm mục tiêu phấn đấu cả. Tôi chỉ nói với các học trò như nói với các con, các cháu của tôi rằng, tôi rất thông cảm với hoàn cảnh khó khăn của từng gia đình. Chính vì vậy, điều tốt nhất và quan trọng nhất với các em là luôn cần tập trung và thi đấu hết mình thì sẽ nhận được những gì xứng đáng. Chứ đừng chưa tập luyện, cố gắng mà nghĩ tới từng đồng tiền thưởng.
Rõ ràng, bóng đá nữ thương tâm và hy sinh rất nhiều để đeo đuổi sự nghiệp bóng đá. Mong rằng các nhà tài trợ chú ý tới bóng đá nữ hơn nữa để động viên chị em hơn. Mục tiêu của chúng tôi không dừng lại ở SEA Games đâu mà là phải là tham dự World Cup để làm rạng danh đất nước
Sung sướng tột độ với tấm HCV SEA Games 29
Mỗi lần vô địch SEA Games thì đều đem lại cho tôi nhiều cảm xúc khác nhau. Sau gần 20 năm kể từ khi tôi giành 2 HCV SEA Games cùng bóng đá nữ (năm 2003, 2005) thì tôi lại giành danh hiệu vô địch. Tôi cảm thấy sung sướng tột độ vì mang vinh quang Tổ quốc và được kéo quốc kỳ bên nước bạn.
Tôi gắn bó bóng đá nữ từ năm 1997 nhưng không phải liên tục bởi lúc tôi làm nữ, lúc lại làm nam. Tôi thành công làm bóng đá nữ nhiều hơn. Có thể nói như một định mệnh, những người phụ nữ Việt Nam đã mang lại thành công cho tôi. Tôi đã gần 70 tuổi nhưng khát vọng được cống hiến cho bóng đá nữ chưa bao giờ nguôi.
Bên cạnh đó, nói về Thái Lan cả nam và nữ thì họ rõ ràng là hơn chúng ta từ khâu đào tạo trẻ và truyền thống. Tôi đã từng sang Thái Lan học tập. Tôi từng làm đội trẻ Thái Lan thì họ đào tạo từ 4-5 tuổi. Trong khi đó, ở nước ta 12 tới 15 tuổi mới đào tạo bóng đá. Đó là điểm khác biệt. Nhưng tôi khẳng định bóng đá nữ thì khoảng cách chênh lệch không còn xa. Bởi đội tuyển nữ Thái Lan khi đối đầu Việt Nam thì cũng lo lắng lắm.
Chỉ HLV trưởng đội tuyển bóng đá nam tạm thời
Sau thất bại của đội tuyển bóng đá nam tại SEA Games 29, bên phía VFF có người gọi cho tôi nói rằng, giờ cử tôi chứ không phải là mời đâu để tạm dẫn dắt đội nam vì thấy tôi có đủ sự uy tín. Tôi đã phải suy nghĩ một ngày mới quyết định nhận lời. Tôi thì nghĩ thế này, phải thế nào, khó khăn lắm họ mới cầu cạnh tới mình. Vì thế cuối cùng tôi gật đầu đồng ý. Trên thực tế, rất nhiều bạn bè anh em đồng nghiệp có điện cho tôi động viên nên nhận lời dẫn dắt đội tuyển nam.
Còn chuyện ông Lê Thụy Hải nói với đại ý rằng, tôi hiền nên mới nhận lời dẫn dắt đội tuyển nam chứ người khác chưa chắc. Rồi thì làm thì làm lâu dài chứ 1 trận xong người ta... đuổi mình về thì làm làm gì.
Phải nói thế này, tôi với ông Hải lại là anh em thân thiết thường trao đổi về cuộc sống lẫn nghề nghiệp. Có lẽ, anh Hải đã rất lo cho tôi. Tức là tôi đang thành công đội nữ, nhỡ quay sang bóng đá nam lại đổ bể thì sao. Anh Hải là người rất chí tình và lo cho tôi đấy. Tôi luôn quan niệm thế này. Mình là đàn ông dám làm dám chịu. Tôi sẵn sàng và tôi luôn không sợ thất bại.
Thông thường, một cascadeur (người đóng thế) có thể thành công ở nhiệm vụ - hiểu theo nghĩa bóng - của mình, nhưng để đặt kỳ vọng tạo nên một đế chế thì quá khó...
Còn về chuyện có thể tôi sẽ dẫn dắt đội tuyển Việt Nam lâu dài hay không thì tôi xin được nói như thế này. Thực tế, tôi đã 68 tuổi và ở thời điểm hiện tại tôi cũng đã cống hiến hết sức lực rồi. Cái gì cũng có giới hạn và tôi biết giới hạn sức lực của mình tới đâu.
Tôi cũng chẳng ham hố gì nữa dù nói thật là ai chẳng ham tiền bạc cả nhưng làm gì cũng phải đúng mức độ của mình, chứ đừng có trèo cao mà ngã đau. Tôi rất thấm thía câu nói đó. Nói thẳng ra là trong lúc bóng đá nam khó khăn thì tôi nhận lời chứ về lâu về dài là tôi không thể. Tôi cũng đã nhắn tới các anh làm ở VFF là phải tìm được một người đủ tâm huyết và năng lực dẫn dắt đội nam của chúng ta.
An Bình