(Thethaovanhoa.vn) - Đái tháo đường ngày càng trở nên phổ biến trong cộng đồng. Theo thống kê của Tổ chức Đái tháo đường Thế giới (IDF) năm 2015, tỷ lệ bệnh nhân mắc đái tháo đường tại Việt Nam là 5,5%.
Trên toàn cầu, số người bị đái tháo đường đã tăng gấp bốn lần trong ba thập kỷ qua, và đái tháo đường là nguyên nhân chính gây tử vong thứ chín. Khoảng 1 trong 11 người lớn trên toàn thế giới hiện đang bị đái tháo đường, 90% trong số đó là đái tháo đường típ 2.
Trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ cao nhất là 7,2%. Mỗi ngày, phòng khám Nội tiết – Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long tiếp nhập hơn 120 bệnh nhân đái tháo đường đến khám. Đây là một bệnh mãn tính, bệnh nhân cần phải thường xuyên tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ để theo dõi điều trị cũng như điểu chỉnh thuốc khi cần. Việc sử dụng thuốc đái tháo đường mà không tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ là rất nguy hiểm. Bởi thuốc điều trị đái tháo đường có tác dụng làm giảm đường huyết trong máu, sử dụng quá liều hay sai cách có thể dẫn đến hạ đường huyết, nếu nặng có thể dẫn đến hôn mê.
Hiện tại, vẫn còn một bộ phần không nhỏ người dân còn thiếu quan tâm đến sức khỏe của mình cũng như không có nhiều điều kiện để tiếp cận với các nguồn thông tin chính xác, uy tín. Gần đây, ở Cần Thơ và một số tỉnh lân cận, có nhiều bệnh nhân đái tháo đường không chỉ đi khám và điều trị tại bệnh viện mà còn tự sử dụng thêm các thuốc đông – nam dược không rõ nguồn gốc xuất xứ, thành phần dẫn đến biến chứng cấp tính phải nhập viện. Nhiều trường hợp các cơ sở sản xuất các chế phẩm dưới dạng thuốc viên tròn, gói trong các túi nhựa nhỏ từ 20 đến 30 viên, đa phần đều không có các thông tin về nơi sản xuất, thành phần, hoạt chất. Sau khi kiểm nghiệm, các chế phẩm này thường dương tính với glibenclamide hay phenformin. Đây đều là các hoạt chất từng được sử dụng để điều trị đái tháo đường trước đây, tuy nhiên có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.
Đặc biệt, phenformin từng là thuốc hàng đầu trị đái tháo đường được đưa vào thị trường năm 1957 tại Mỹ, ban đầu là thuốc được ưa chuộng vì tác dụng hạ đường huyết rất tốt nhưng bị cấm sản xuất và lưu hành từ năm 1973 vì ghi nhận hàng loạt ca tử vong liên quan đến nhiễm acid lactic khi dùng thuốc này. Tình trạng nhiễm toan acid lactic rất dễ xảy ra khi người bệnh uống phenformin kèm các thuốc giảm đau, kháng viêm trị đau nhức, lợi tiểu trị huyết áp cao, hay người bệnh đã có bệnh thận mạn tính do đái tháo đường lâu năm.
Ngày 20/02/2019, bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long cũng đã tiếp nhận bệnh nhân N.V.C 49 tuổi, ngụ tại Thị xã Bình Minh, Vĩnh Long. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê với chẩn đoán: hôn mê do nhiễm toan chuyển hóa nặng, toan lactid nặng/ suy đa cơ quan, đái tháo đường típ 2. Bệnh được điều trị tại khoa hồi sức tích cực chống độc và tiến hành lọc máu liên tục với 2 quả lọc, điều trị hồi sức tích cưc nội khoa.
Hiện tại tình trạng bênh tương đối ổn định và được xuất viện về ngày 02/03/2019. Nhân case bệnh này, Bác sĩ cũng khuyến cáo người bệnh đái tháo đường dù có mong muốn điều trị bằng Đông y hay Tây y đều cần đến các cơ sở y tế có chuyên môn uy tín để được tư vấn điều trị và hướng dẫn sử dụng thuốc một cách khoa học, tránh việc tự ý dùng thuốc dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Bên cạnh đó, người bệnh Đái Tháo Đường cần tuân theo những quy tắc sau trong sử dụng thuốc để đảm bảo an toàn cho sức khỏe:
Uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ
Không tự ý ngưng sử dụng thuốc
Nên thường xuyên kiểm tra đường huyết
Không sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc
BS. CK1. THẠCH THỊ PHOLA
Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long