Kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2 tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long

Thứ Năm, 21/3/2019, 14:41 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Trên toàn cầu, số người bị đái tháo đường đã tăng gấp bốn lần trong ba thập kỷ qua, và đái tháo đường là nguyên nhân chính gây tử vong thứ chín. Khoảng 1 trong 11 người lớn trên toàn thế giới hiện đang bị đái tháo đường, 90% trong số đó là đái tháo đường típ 2.

Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long tổ chức tầm soát tim mạch miễn phí cho trẻ em

Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long tổ chức tầm soát tim mạch miễn phí cho trẻ em

Bệnh viện Đa Khoa Hoàn Mỹ Cửu Long thông báo tổ chức khám bệnh tim miễn phí cho trẻ em dưới 16 tuổi vào thứ ba đầu tiên của mỗi tháng.

Theo thống kê của Liên đoàn đái tháo đường thế giới, năm 2015 trên thế giới có 415 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, hơn phân nữa số đó (56%) người bệnh đái tháo đường đang sống ở khu vực Đông Nam Á hoặc vùng Tây Thái Bình Dương[2]. Tại Việt Nam, theo ước tính của IDF 2017 có tỷ lệ mắc đái tháo đường là 5,5%, trong đó khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có tỉ lệ mắc bệnh cao nhất 7,2% [1]. Tổ chức y tế thế giới đã xếp đái tháo đường là một trong năm bệnh không lây ảnh hưởng đến toàn cầu, trong đó đái tháo đường típ 2 là chủ yếu chiếm tỉ lệ 85-90% [2].

Đái tháo đường thực sự là một gánh nặng sức khỏe và kinh tế cho bệnh nhân và xã hội. Đái tháo đường là một bệnh lý mãn tính và theo đó bệnh nhân cần được theo dõi và điều trị suốt đời để kiếm soát làm chậm tiến triển của bệnh và biến chứng. Đái tháo đường nếu không được điều trị tốt, có thể làm bệnh nhân nhanh chóng gặp phải các biến chứng nguy hiểm như biến chứng bàn chân, biến chứng trên tim mạch , thận và võng mạc. Chính vì vậy, trong hầu hết các khuyến cáo điều trị đái tháo đường trên thế giới, cụ thể là khuyến cáo của Hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ (American Diabetes Association) đưa ra mục tiêu cụ thể cho việc kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường người lớn, không mang thai:

Chú thích ảnh

HbA1c < 7%

Đường huyết đói mao mạch: 70-130 mg/dL (3,9-7,2 mmol/L)

Đường huyết mao mạch sau ăn: 180mg/dL (10mmol/L)[3]

HbA1c là một chỉ số quan trọng được vào mục tiêu điều trị cho bệnh nhân đái tháo đường. Kiểm soát đường huyết mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân, giảm 1% HbA1c giúp giảm 21% biến chứng võng mạc và 33% biến chứng thận, về lâu dài giảm được 42% các biến cố tim mạch và 57% nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ, hoặc tử vong do bệnh mạch vành.[4][5]

Mặc dù y học ngày càng tiến bộ nhưng điều trị đái tháo đường thực sự khó khăn bởi nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng bệnh như thời gian mắc bệnh, chế độ ăn uống và vận động, di truyền..v.v... Theo số liệu từ chương trình  JADE được công bố năm 2014, kết quả cho thấy Việt Nam, có đến 70% bệnh nhân chưa đạt được mục tiêu HbA1c <7%[6].

Chính vì vậy, nhằm nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân đái tháo đường, Khoa Nội tiết Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long đã thực hiện đề án nhằm cải thiện tỷ lệ bệnh nhân đạt được mục tiêu HbA1c<7%. Cụ thể trong năm 2018, thực hiện tăng cường tư vấn cho bệnh nhân thay đổi chế độ ăn và rèn luyện. Bên cạnh đó là việc cập nhật các guideline bắt kịp xu hướng điều trị của các nước tiên tiến. Ngoài ra, thường xuyên thực hiện xét nghiệm kết quả HbA1c để theo dõi sát được liệu trình điều trị. Trong năm 2018, kết quả cho thấy tỷ lệ bệnh nhân được xét nghiệm HbA1c ít nhất 6 tháng 1 lần tăng lên 67,9%. Từ đó góp phần làm tăng tỷ lệ bệnh nhân đạt được mục tiêu HbA1c lên 38,4% và  giảm tỷ lệ những người bệnh đái tháo đường có chỉ số đường huyết tăng so với lần trước: từ 42.4% giảm còn 23.8%.

Kết quả đề án cải thiện tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường đạt mục tiêu HbA1c<7% bước đầu cho kết quả khả quan. Đái tháo đường là một bệnh lý rối loạn chuyển hóa phức tạp. Để điều trị đạt kết quả tốt nhất cần có sự phối hợp giữa người bệnh và thầy thuốc, góp phần quan trọng trong việc tư vấn cũng như điều trị theo dõi đạt kết quả tốt hơn, mục đích cuối cùng là để mang lại nhiều lợi ích hơn cho người bệnh.                                               

Tài liệu tham khảo

1. Bệnh viện Nội Tiết Trung Ương (2013), “Báo cáo Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2012 và phương hướng hoạt động năm 2013 của dự án phòng chống đái tháo đường quốc gia và hoạt động phòng chống các rối loạn thiếu iod”, Hà Nội.

2. K. Ogurtsova, et al. (2017), “IDF Diabetes Atlas: Global estimates for the prevalence of diabetes for 2015 and 2040", Diabetes Res Clin Pract, (128), pp. 40-50.

3. American Diabetes Association (2018), "Standards of medical care in diabetes", Diabetes Care, 41 Suppl 1, pp. S13-S105

4. Genuth S., Eastman R., Kahn R., Klein R., Lachin J., Lebovitz H. et al (2003).―Implications of the United kingdom prospective diabetes study‖. Diabetes Care 26 Suppl 1,pp.S28-S32.

5. Scheen A. J., Paquot N. &Lefebvre P. J (2008). ―United Kingdom Prospective Diabetes Study (UKPDS): 10 years later‖. Rev Med Liege 63, pp.624-629.

6. Roseanne O Yeung, Yuying Zhang. Metabolic profi les and treatment gaps in young-onset type 2diabetes in Asia (the JADE programme): a cross-sectionalstudy of a prospective cohort. Lancet Diabetes Endocrinol2014; 2: 935–43.

                BS. CK1. THẠCH THỊ PHOLA
KHOA NỘI TIẾT – BỆNH VIỆN HOÀN MỸ CỬU LONG

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến