(Thethaovanhoa.vn) - Honda Việt Nam cho biết, lô xe ô tô nhập nguyên chiếc từ Thái Lan về Việt Nam khoảng 2.000 chiếc, gồm các dòng CR-V, Civic, Accord và Jazz dự kiến sẽ mở bán từ đầu tháng 5 tới.
Đây là lô xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc đầu tiên về Việt Nam từ đầu năm đến nay, kể từ khi chính sách mới được ban hành theo hướng siết chặt điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh ô tô.
Không tiết lộ về số lượng của mỗi dòng xe được nhập về, nhưng Honda Việt Nam cho hay, để nhập khẩu được lô xe này, doanh nghiệp đã hoàn tất các thủ tục theo yêu cầu của Nghị định 116/2017/NĐ-CP và Thông tư 03/2018/TT-BGTVT.
Cụ thể, đơn vị đã hoàn tất giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại xe ô tô nhập khẩu về Việt Nam do Cơ quan quản lý giao thông đường bộ Thái Lan cung cấp và đã được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận.
Tuy nhiên, khi về Việt Nam, những xe này vẫn phải kiểm tra, thử nghiệm về khí thải và chất lượng an toàn kỹ thuật theo quy định mới với thời gian từ 1 đến 2 tháng. Do đó, đến đầu tháng 5 tới Honda Việt Nam mới có thể bàn giao xe cho khách hàng.
Trước đó, giới chuyên doanh tính toán, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN giảm từ giảm từ 30% của năm 2017 về 0% từ đầu năm 2018, các sản phẩm nhập khẩu nguyên chiếc về Việt Nam sẽ giảm từ 20% đến 25%.
Tuy nhiên, với Nghị định 116/2017/NĐ-CP được ban hành, ngoài yêu cầu giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại xe, xe nhập khẩu về còn phải thử nghiệm về khí thải và chất lượng với thời gian khoảng hai tháng, chi phí lên tới 10.000 USD/lần thử nghiệm.
Trong khi đó, những xe còn lại trong lô có cùng kiểu loại vẫn phải nằm chờ ở cảng cho đến khi có kết quả của mẫu xe thử nghiệm nếu đạt mới được cùng bán ra thị trường cũng khiến cho giá xe sẽ tăng hơn.
Theo một số đại lý ô tô Honda, do được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi 0% nên giá bán xe Honda CR-V mới tùy theo phiên bản có thể sẽ được giảm nhiều nhất khoảng 240 triệu đồng so với giá bán của lô xe nhập về Việt Nam cuối năm vừa qua. Hiện nay, hầu hết các đại lý ô tô của Honda Việt Nam đã bắt đầu tiếp nhận đơn hàng cho khách mua các dòng xe trên.
Trong lô xe khoảng 2.000 chiếc nhập về Việt Nam, trong đó có mẫu CR-V phiên bản mới với 7 chỗ ngồi là cái tên được khách hàng Việt chờ đợi nhất bởi từ đầu năm đến nay xe ô tô nhập khẩu vào Việt Nam gặp nhiều khó khăn do điều kiện kinh doanh mới từ Nghị định 116/2017/NĐ-CP.
Cuối năm 2017, cả thị trường ô tô Việt Nam chỉ ghi nhận có 750 xe Honda CR-V được nhập khẩu về phân phối. Tuy nhiên, lô xe này vẫn phải chịu 30% thuế nhập khẩu khiến giá bán cao hơn 150 triệu đồng so với giá dự kiến khi ra mắt thị trường vào tháng 11/2017, ở mức mức 1,256 tỷ đồng cho phiên bản L và 1,136 tỷ đồng cho phiên bản E.
Mặc dù giá cao hơn so với dự kiến, nhưng toàn bộ lô xe này đã bán hết chỉ trong vòng nửa tháng mở bán. Từ đó đến nay, thị trường ô tô Việt Nam không có bất kỳ một chiếc CR-V nào hoặc xe khác trong khối được nhập về và đã tạo nên nguồn cung khan hiếm trong mùa mua sắm cao điểm cuối năm vừa qua.
Trước đó, xe ô tô nhập khẩu vào Việt Nam gặp nhiều khó khăn, hai hãng Honda và Toyota đã ra thông báo ngừng xuất khẩu ô tô từ Nhật Bản sang Việt Nam. Honda và Toyota Việt Nam đã “trần tình” về việc này do vướng mắc trong việc xin giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô do cơ quan nước ngoài cung cấp theo yêu cầu của Nghị định 116/2017/NĐ-CP.
Theo giới chuyên doanh, sau nhiều lần kiến nghị về vướng mắc của Nghị định 116/2017/NĐ-CP lên Chính phủ không thành, một số liên doanh đã xin được “Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại xe ô tô nhập khẩu” của Thái Lan và Indonesia.
Sau Honda, tiếp theo Toyota và Ford Việt Nam cũng đang gấp rút hoàn tất các thủ tục để đáp ứng yêu cầu của Nghị định 116/2017/NĐ-CP để đưa các mẫu xe nhập khẩu vốn “ăn” khách tại thị trường Việt Nam về phân phối như Ford Explorer, Everest và Ranger, Toyota Fortuner, Yaris... để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Đầu tuần tới, Văn phòng Chính phủ (VPCP) sẽ tổ chức cuộc họp với đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp và các đại sứ quán về các phản ánh liên quan đến việc thực hiện Nghị định 116 về ô tô và Thông tư 03 của Bộ GTVT.
Văn Xuyên