Antonio Conte: Ám ảnh chiến thắng đến mức 'bệnh hoạn'

Chủ Nhật, 11/12/2016, 21:0 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Ông sinh ra ở Lecce, miền nam Italy, nhưng sống 13 năm trong nền văn hóa chiến-thắng-đậm-đặc của Juventus, đội bóng dị ứng với thất bại. Antonio Conte giờ không thể thay đổi nữa; dù cho ông làm chuyện gì, thì khát khao chiến thắng đã trở thành một nỗi ám ảnh gần như bệnh hoạn.

Con gái ông được đặt tên là Vittoria. Khi Juve mất danh hiệu Serie A vào ngày cuối cùng của mùa giải 1999-2000, ông đã không ngủ 5 ngày liên tiếp. Andrea Pirlo mô tả sự ám ảnh đó là “những tra tấn từ trong nội tâm không đầu không cuối”. Pirlo cũng đánh giá Conte giỏi về chiến thuật hơn so với Marcello Lippi và Carlo Ancelotti. “Tôi có thể nói Conte là một thiên tài”, Pirlo nói. “Giống như mọi thiên tài khác, ông cũng điên khùng nữa”.

Conte nói cách duy nhất giúp ông thấy thoải mái và bình tâm là chiến thắng. Và để đạt được điều đó, lúc nào ông cũng chuẩn bị cho chiến tranh. “Một ngày có 24 tiếng”, ông nói với ESPN. “Tôi ngủ 5 tiếng và dành 3 tiếng cho gia đình. Tức là tôi có 16 tiếng để chuẩn bị cho chiến thắng”. James Horncastle, chuyên gia về bóng đá Italy, viết rằng vợ của Conte, Elisabetta, có thể thức dậy giữa đêm và thấy chồng đang ngồi dưới nhà dán mắt vào ti-vi, cho chạy đi chạy lại một đoạn băng. “Tôi biết ông ấy thức tới 3-4 giờ sáng, nghiên cứu băng ghi hình, tìm kiếm sai lầm, tìm hiểu đối thủ cho trận tiếp theo”, Pirlo nói. “Elisabetta hẳn phải là một bà vợ rất biết cảm thông”.

Năm 2012, Conte bị cấm chỉ đạo 4 tháng vì cáo buộc không khai báo về việc dàn xếp tỉ số khi ông còn ở Siena. “Ông ấy gần như phát điên vì không được vào phòng thay đồ”, Pirlo viết trong tự truyện năm 2013 của anh. Ở nhà, Elisabetta đã phải mua cho ông kiểu ghế salon kéo ra thành giường trong phòng khách, thật đúng với mô tả của người chấp bút cho tự truyện của ông, Alessandro Alciato: “Conte không thích làm việc. Ông ấy phải làm việc thì mới sống nổi”.

Các cầu thủ của ông có thể cảm nhận được nỗi ám ảnh đó. Conte đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng nghỉ. Những cuộc trao đổi với cầu thủ luôn đầy những từ như hy sinh, đổ mồ hôi, nỗi đau. Ở Juve, ông nói với các cầu thủ là “phải gặm cả cỏ và đất” nếu cần để chiến thắng. Khi dẫn dắt ĐT Italy, ông muốn “các cậu phải đổ máu ngoài kia cho tôi”. Một dịp, theo Horncastle, Mattia Destro, cựu cầu thủ Siena và tuyển thủ Italy, đã được lệnh phải dậy vào 5 giờ sáng và tới gặp Conte. Điều khác thường: Tối hôm trước Destro vừa làm đám cưới! “Nếu không nhờ tôi độ lượng”, Conte cười. “Cậu ấy lẽ ra phải tới gặp tôi ngay sau khi cắt bánh cưới kia kìa”.

Conte không thích phong cách hòa nhã dễ gần. Nghề HLV với ông là cuộc chiến vô tận chống lại sự tự mãn, và phải xua đuổi mọi sự tự hài lòng từ trước khi nó kịp xuất hiện. Ở Juve, Pirlo rất ghét việc phải nhận tủ quần áo gần chỗ cửa ra vào phòng thay đồ, bởi vào giữa hiệp, đó là chỗ thường xuyên nhất bị Conte ném chai nước lên tường. Pirlo nói đó là nơi nguy hiểm nhất trong cả thành phố Turin. Những chai nước có thể vẫn bị ném với tất cả sức mạnh dù Juve đang dẫn trước. “Ông ấy chẳng bao giờ vui, đầu óc ông ấy hẳn phải có vấn đề”, Pirlo viết.


Pirlo đánh giá Conte là HLV "thiên tài"

Roberto Baggio - Marcello Lippi: Mối thù kinh điển giữa hai thiên tài bóng đá Ý

Roberto Baggio - Marcello Lippi: Mối thù kinh điển giữa hai thiên tài bóng đá Ý

Hai người họ, một là HLV, một là cầu thủ, đều vào loại vĩ đại nhất của Italy, đã là những kình địch lâu năm nổi tiếng. Đó là mối hận thù vượt ra khỏi những tranh cãi thường tình giữa HLV và cầu thủ, và mang tính cá nhân sâu sắc.


“Đó là sự đam mê”, Conte giải thích. “Vì khi bạn làm HLV, và giữa hiệp bạn đang dẫn trước, nhưng bạn thấy có rủi ro, thì điều quan trọng là phải duy trì sự căng thẳng ở mức cao”. Một câu chuyện minh họa tốt nhất nỗi sợ xao nhãng này xảy ra trước trận cuối cùng của ông ở Serie A với Juve. Họ gặp Cagliari trên sân nhà, đã bỏ túi Scudetto trước đó lâu, và một chiến thắng chỉ có ý nghĩa điểm xuyết là vượt qua cột mốc 100 điểm (từ 99 lên 102). Theo cuốn sách của Alciato, Metodo Conte, Conte và các cầu thủ đang chuẩn bị xem băng ghi hình tổng kết mùa giải thì Gianluigi Buffon và giám đốc điều hành Guiseppe Marotta bước vào phòng. “Xin lỗi chút, HLV”, Buffon nói. “Ngài giám đốc muốn bàn bạc cho rõ vấn đề tiền thưởng sau khi đội vô địch”. Conte lập tức nổi khùng. Ông đuổi mọi cầu thủ ra khỏi phòng, và quát vào mặt Buffon: “Tôi không muốn nghe một lời nào nữa, từ cậu, từ bất kỳ ai, tôi không thể ngờ được lại có chuyện thế này. Tiền thưởng… Cậu là một nỗi hổ thẹn, một thất bại thảm hại ngay khi cậu mở miệng nói ra từ đó, giống như bất cứ thằng ngu nào ngoài kia”. Trận đó, Juve thắng 3-0.

Conte lớn lên ở Lecce vào thời hoàng kim của Calcio. Ông 12 tuổi khi Italy vô địch World Cup 1982 ở TBN. Serie A lúc đó đang có Diego Maradona và Michel Platini, là giải đấu số 1 thế giới không thể tranh cãi. Thần tượng của Conte là Marco Tardelli và Giuseppe Furino (cầu thủ có biệt danh Furia - Cơn cuồng nộ). Cả hai lúc bấy giờ chơi cho Juve, cũng là đội yêu thích nhất của Conte.

Ở trường, ông học giỏi, được thầy cô quý mến. Lúc rãnh rỗi, ông đá cho Juventina Lecce, một đội trẻ do cha ông Cosimino làm HLV. Conte và bạn bè ông có thể chơi trong những sân tiêu chuẩn tốt nhất, nhưng họ vẫn thích một đời sống hoang dã hơn, trèo cây, đá bóng ngoài đường phố, và “chúng tôi chơi bóng ở sân nhà thờ đầy mô ụ, nhưng với chúng tôi thì chẳng khác gì San Siro”, Conte nói. “Tất cả những gì chúng tôi cần là một quả bóng”.

Conte sau này gia nhập Lecce cùng một cầu thủ tên là Sandro Morello. Phí chuyển nhượng là 200 lire và 8 quả bóng. Ông ra mắt dưới quyền HLV Eugenio Fascetti, và trở thành trụ cột dưới thời Carlo Mazzone, dù chỉ ghi 1 bàn cho CLB này. Sau này, ông nói Fascetti và Mazzone là 2 HLV nhiều ảnh hưởng nhất tới sự nghiệp cầm quân của ông.

Giấc mơ thơ ấu của ông trở thành hiện thực vào năm 1991, khi ông gia nhập Juve. Giovanni Trapattoni trở lại Turin và kế thừa một đội bóng có trong đội hình Roberto Baggio, Toto Schillaci, Stefano Tacconi. Mùa đầu tiên của Conte, theo chính lời ông, “rất tệ hại”. Mới 21 tuổi, ông bị ngợp bởi quá nhiều ngôi sao lớn xung quanh. “Tôi nhớ tôi chẳng nói được một lời nào”, Conte kể. “Ở đó có Trapattoni vĩ đại. Có Roberto Baggio. Tôi rất xúc động, tôi là cầu thủ, nhưng cũng là người hâm mộ họ”.


Conte thời cầu thủ

Diego Maradona: Ma túy, mafia, Chúa trời và niềm kiêu hãnh của Napoli

Diego Maradona: Ma túy, mafia, Chúa trời và niềm kiêu hãnh của Napoli

Khi vụ chuyển nhượng được hoàn tất, một tờ báo viết rằng việc thành phố không có “thị trưởng, nhà ở, trường học, xe buýt, công ăn việc làm, và vệ sinh chẳng là gì vì chúng ta đã có Maradona”.


Chỉ năm thứ hai Conte mới bắt đầu đủ tự tin để được ra sân thường xuyên. Ông không phải cầu thủ tài năng nhất, nhưng bù đắp cho điều đó bằng tố chất thủ lĩnh, trí thông minh, và sự cần cù hiếm thấy. Vào lúc ĐT Italy bay sang Mỹ dự World Cup 1994, ông đã làm đủ để góp mặt trong danh sách triệu tập sau trận ra mắt ngày 27/5 năm đó. Sau này ông chỉ còn được tham gia một giải lớn nữa của Azzurri, Euro 2000, nhưng những bài học năm 1994 vẫn là vô giá.

Lúc đó, Italy đang do HLV Arrigo Sacchi dẫn dắt. Phong cách điên rồ của Sacchi gần như đã trở thành truyện kể dân gian ở Calcio: mọi thứ đều tập trung vào bóng đá, từng phút một đều là về chiến thuật. Alessandro Costacurta từng kể rằng khi các cầu thủ đã sắp đi ngủ, Sacchi vẫn tới gõ cửa phòng khách sạn của họ để trao đổi lần cuối về trận đấu tiếp theo. Quá mệt mỏi, một số cầu thủ giả vờ đã ngủ. Nhưng Sacchi vẫn không tha. “Ở Mỹ năm 1994, chúng tôi rất hay nghe Arrigo la hét giữa đêm khuya”, Conte nhớ lại. “Ông ấy hét lên: chuyền chéo, di chuyển, bọc lót… Ông ấy mơ thấy chúng tôi suốt đêm”.

Sacchi có thể khiến một số cầu thủ phát điên, nhưng Conte lại rất đón nhận điều đó. Ông so sánh việc lên tuyển với tham gia một kỳ thi. Các cầu thủ Italy đều tránh ngồi cạnh Sacchi trong bữa tối, bởi “nạn nhân” sẽ phải nghe suốt bữa ăn về chiến thuật bóng đá. Nhưng Conte là ngoại lệ, ông đợi tất cả mọi người đã ngồi rồi, mới ngồi vào cái ghế trống, luôn là cạnh Sacchi. Conte chỉ đá 2 trận trong cả giải đó, nhưng những gì ông nhận được từ Sacchi là cực kỳ quan trọng cho hành trình cầm quân sau này. “Tôi đã học được rất nhiều”, ông nói.

Trở lại Juve, đội bóng thay HLV vào mùa Hè. Lippi tới và Trapattoni ra đi, thói quen chiến thắng cũng trở lại. Juve giành 3 Scudetto và vào 3 trận Chung kết Champions League trong 4 năm, một lần vô địch. Rồi Lippi nhường chỗ cho Ancelotti vào đầu năm 1999, nhưng trở lại để giành chức vô địch Italy các năm 2002 và 2003. Khi Lippi ra đi năm 2004, Conte cũng giải nghệ, sau 13 năm chơi ở vị trí tiền vệ trụ, bao gồm đeo băng đội trưởng.

Lúc đó, Conte đã trở thành người ám ảnh bởi chiến thắng rồi. Phòng thay đồ Juve dưới thời Lippi và Ancelotti gồm toàn những chiến binh: Paolo Montero, Edgar Davids, Didier Deschamps, Ciro Ferrara. Chiến thắng là tất cả, mục đích cũng chính là phương tiện. “Đó là một phòng thay đồ gồm toàn những kẻ tàn bạo”, Ancelotti nói. “Những kẻ ham chiến thắng xấu tính nhất của bóng đá”. Người ăn thua nhất là Montero, cầu thủ đã nhận 16 thẻ đỏ trong sự nghiệp ở Serie A, một kỷ lục tới nay vẫn vô tiền khoáng hậu.

Lẽ đó, việc Conte được trao băng thủ quân của một nhóm cầu thủ như thế nói lên nhiều điều. Ông cũng đã học hỏi được rất nhiều. “Lúc nào anh ấy cũng quan sát và học hỏi”, Ancelotti nói. “Tôi biết anh ấy sẽ là một HLV lớn một ngày nào đó”. Conte quả có kế hoạch như thế. Ông lấy bằng khoa học thể thao ở Đại học Foggia, thực tập ở trung tâm huấn luyện của LĐBĐ Italy Coverciano, và có giai đoạn ngắn làm trợ lý cho Luigi De Canio ở Siena. Nhưng ông cũng đã tính đường dài nếu mọi chuyện không như ý: “Tôi sẽ làm vài năm để tới một đội lớn. Nếu không thành công, tôi sẽ dành nhiều thời gian hơn hẳn cho gia đình”.


Sacchi là người có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp huấn luyện của Conte

Fernando Redondo: Cú đánh gót huyền thoại và giấc mơ tiền vệ phòng ngự tài hoa

Fernando Redondo: Cú đánh gót huyền thoại và giấc mơ tiền vệ phòng ngự tài hoa

“Giày anh ta gắn nam châm à?” Sir Alex Ferguson đặt câu hỏi. Đó là ngày 19/4/2000 và Man United của ông, ĐKVĐ Champions League, vừa bị Real Madrid loại khỏi giải đấu này ngay ở Old Trafford trong một cuộc đối đầu đầy kịch tính


Năm 2006, ông có bước đột phá với vai trò HLV Arezzo ở Serie B. Khởi đầu tồi tệ, ông bị sa thải vào tháng 10, sau 9 trận và không chiến thắng. Nhưng người thay thế ông chẳng làm tốt hơn mấy, và Conte được mời lại vào tháng 3. Lần này ông có chuỗi 5 chiến thắng liên tiếp, dẫu vẫn không đủ để cứu đội bóng khỏi rớt hạng vào ngày cuối cùng của mùa giải.

Giữa những nỗi thất vọng, Conte sang Hà Lan để học nghề thêm, với một HLV mà ông rất kính trọng: Louis van Gaal. Đi cùng Elisabetta, ông tới dự khán một buổi tập mở của AZ Alkmaar, nhưng thấy mình chưa đủ tự tin để tiếp cận Van Gaal. Khi ông trở lại vào hôm sau, đã tự tin hơn, phiên tập lại đóng cửa, ông tìm cách nhìn hé qua, một nhân viên an ninh tới và hỏi ông đang rình mò gì đấy (Conte sau này nhớ lại tay bảo vệ “lực lưỡng như Ronald Koeman, nhưng có vẻ xấu tính hơn nhiều”). “Ông rình mò gì đấy?” tay bảo vệ hỏi. “Không, có rình mò gì đâu, tôi là một cầu thủ cũ của Juventus. Tôi muốn xem các buổi tập thôi”, Conte đáp.

Nửa năm trôi qua trước khi Conte trở lại băng ghế huấn luyện. Vào tháng 12/2007, ông gia nhập Bari và kiếm cho đội này một vị trí ở giữa bảng xếp hạng Serie B. Mùa tiếp theo, họ vô địch. Lúc này, Conte đã được liên hệ với Juve, và tất nhiên, gia hạn hợp đồng với Bari. Nhưng rồi mọi chuyện diễn biến theo hướng khác: Juve chiêu mộ Ferrara, còn Bari rút lại đề nghị. Conte gia nhập Atalanta vào tháng 9, nơi mà mọi thứ nhanh chóng chìm vào hỗn loạn. Tháng 1, ông bị các CĐV ultra đe dọa trong một trận trên sân nhà. Hôm sau, ông từ chức, bỏ lại Atalanta trong vùng nguy hiểm.

Thất bại đó đẩy Conte trở lại Serie B, nơi ông gia nhập Siena vào tháng 5/2010. Họ vừa rớt hạng sau khi thăng hạng. Conte giới thiệu hệ thống chiến thuật phiêu lưu 4-2-4 chuyền bóng nhanh, gây sức ép liên tục và đòi hỏi các cầu thủ tập cật lực. Ngay trước kỳ nghỉ Đông, họ thua trận cuối cùng trong năm, khi các cầu thủ trở lại, họ được yêu cầu gói ghém hành lý ngay lập tức. Conte đã thu xếp tổ chức một trại huấn luyện cách đó 650 km, ở Sicily. Cả kỳ nghỉ, các cầu thủ làm mỗi một việc là tập chạy. Họ kêu ca rất dữ, nhưng rồi Siena thăng hạn. Mùa tiếp theo, Conte gia nhập Juve.

Juve lúc Conte tới là một đống hỗn độn. Sau vụ Calciopoli, họ rớt hạng năm 2006, trở lại Serie A dưới thời Deschamps và về thứ 3 cùng Claudio Ranieri, rồi 2 lần về hạng 7 dưới quyền 3 HLV Ferrara, Alberto Zaccheroni và Luigi Delneri. Với Juve những kết quả đó là không thể chấp nhận được. Huyền thoại của Juve Giampiero Boniperti tổng kết tinh thần đó: “Chiến thắng không phải là quan trọng, đó là điều duy nhất đáng nhắc tới”.

Conte được hưởng lợi nhờ những thay đổi trong ban lãnh đạo. Sau Calciopoli, CLB đã bổ nhiệm Jean-Claude Blanc làm giám đốc điều hành. Nhân vật người Pháp là nhân vật chính giúp xây sân Juventus. Giám đốc thể thao là Alessio Secco, với các thành tích chuyển nhượng không lấy gì làm xuất sắc. Tháng 5/2010, Blanc nhận vai trò mới và giao lại trọng trách cho Andrea Agnelli, con trai của Umberto Agnelli, thành viên thứ tư trong gia đình Agnelli điều hành CLB sau Edoardo, Gianni và Umberto. Việc ông bổ nhiệm Delneri thất bại, nhưng Agnelli đã có quyết định quan trọng thay Secco bằng Marotta.

Cơn động kinh của Ronaldo tại World Cup 1998: Thuyết âm mưu và bí mật khủng khiếp

Cơn động kinh của Ronaldo tại World Cup 1998: Thuyết âm mưu và bí mật khủng khiếp

Người Pháp ăn mừng chiến thắng lịch sử trên sân nhà trong khi cả thế giới tự hỏi điều gì đã xảy ra với tượng đài, “người ngoài hành tinh” Ronaldo.


Những thay đổi này tạo tiền đề cho thành công. Khi Conte tới, Juve đã chuyển sang sân mới của họ, với rất nhiều lợi ích tài chính: toàn bộ doanh thu từ sân bóng chảy vào túi CLB, trong khi nhiều CLB Serie A khác vẫn phải chia sẻ sân với nhà nước. Trên thị trường chuyển nhượng, Marotta đưa về Arturo Vidal và Mirko Vučinić, cùng chữ ký có lẽ là thành công nhất lịch sử Calcio: Pirlo, chuyển nhượng tự do, từ Milan.

Những viên gạch vững chắc cho hàng thủ đã có ở đó rồi: Buffon, Giorgio Chiellini, Andrea Barzagli, Leonardo Bonucci. Nhưng Conte vẫn cần thay đổi. Trong ngày tập huấn đầu tiên, ông tập hợp các cầu thủ lại: “Các cậu, chúng ta đã về hạng 7 hai mùa liên tiếp, thật không thể chấp nhận được. Tôi tới đây không phải để chơi ở hạng 7. Lần này chúng ta sẽ không đá kiểu đó nữa”. Pirlo viết rằng Conte chỉ cần nói vài lời để thuyết phục các cầu thủ, và họ bắt đầu tập cả vào những ngày nghỉ, những ai không đủ nỗ lực sẽ bị loại ra. Eljero Elia đá đúng 4 trận trong mùa ra mắt và bị bán đi mùa Hè sau đó. Tiền vệ cánh này sau đó nói Conte thậm chí không nói một lời nào với anh.

Tới tháng 11, Juve vươn lên dẫn đầu. Conte nói ông muốn các cầu thủ phải “xấu tính”, thà thắng xấu còn hơn thua đẹp. Ông dọa nạt họ hầu như mỗi trận. Khi Juve đánh bại Inter ở Giuseppe Meazza, Conte chuyển cầu thủ năng nổ Simone Pepe từ cánh phải sang cánh trái để kèm Maicon. “Simone là một cầu thủ đa năng và chơi rất hay”, Conte nói. “Thêm nữa tôi có một bí mật: Tôi có một cây gậy bóng chày cắm đầy đinh, khi nào Pepe tỏ ra lười nhác, tôi sẽ lấy cây gậy đó ra dọa cậu ta”.

Sự linh hoạt về chiến thuật cũng tỏ ra có vai trò rất quan trọng. Conte ban đầu muốn sử dụng lại đọi hình 4-2-4 ở Juve, nhưng nhận ra rằng Pirlo và Vidal không hợp để đá cặp ở tuyến giữa như thế, ông đã chuyển sang 4-3-3, rồi ổn định với 3-5-2. Pirlo chơi lùi đằng sau Vidal và Claudio Marchisio, trong khi 2 cầu thủ chạy cánh hỗ trợ cho các tiền đạo. Khi Pirlo bị kèm quá rát, Bonucci sẽ bước lên đóng vai tiền vệ hỗ trợ. Một công thức đã được định hình.

Juve chính là phản chiếu hình ảnh HLV của họ, đá quyết liệt, gây áp lực liên tục, tấn công ở tốc độ cao, và quan trọng nhất, chiến thắng. Họ trở thành đội thứ 3 trong lịch sử Italy vô địch Serie A mà không thua một trận nào, sau Perugia mùa 1978-79 và Milan 1991-92, và làm điều đó ấn tượng hơn bởi các mùa đó, Serie A chưa có tới 20 đội. “Toàn bộ thành công là nhờ Conte, một chiến thắng tinh thần đẫm máu ở ngoài kỳ vọng của tất cả mọi người”, Pirlo viết. “Mọi chuyện có thể hoàn toàn khác đi nếu mỗi ngày chúng tôi không nhìn thấy tấm gương Conte. Bản chất Juventus cháy bỏng trong linh hồn ông”.

Trước đó, vào tháng 4, khi Juve và Milan giành nhau chức vô địch, Conte đã có bài phát biểu dài 20 phút với các cầu thủ. Football Italia tường thuật lại bài giảng: “Chúng ta đang được phủ kín bởi những lời ca tụng, nhưng điều đó khiến tôi rùng mình. Tại sao ư? Vì tôi sợ, tôi sợ, tôi sợ rằng sẽ có người ở đây bắt đầu tự mãn. Người ta nhất trí vỗ tay hoan hô chúng ta, nhưng thực tế là gì? Thực tế là sân cỏ, là mồ hôi, là sự hy sinh. Đó là những gì đã đưa chúng ta tới chức vô địch, và cho tới giờ chúng ta vẫn chưa làm được cái gì sất…”

Pirlo còn viết rằng Conte treo các bài báo trong phòng thay đồ để khiêu khích cầu thủ. Đó là những bài báo với các BLV hay đối thủ nói xấu Juve, và những đoạn nhạo báng nhất sẽ được tô bằng bút màu đỏ. Ít nhất mỗi lần một tuần, Conte triệu tập cả đội để cùng đọc báo, trong đó ông sẽ nói có người viết rằng điểm yếu của Juve là thế này, thế kia. “Vớ vẩn”, các cầu thủ sẽ đáp. Conte lại nói có người cho rằng Juve sẽ sớm sa sút. “Cũng ngu như nhau, HLV”, một người khác nói. Nhưng còn những kẻ nói Juve là đội bóng xấu tính nhất thế giới. “Cái đó thì người ta đúng đấy”, Conte nói. “Ai viết thế thì phải cảm ơn người ta. Đó là một lời khen”.

Mùa sau đó, Juve tiếp tục tiến lên phăng phăng. Khi họ thua Inter vào tháng 11, họ đã có chuỗi 49 trận bất bại ở Serie A, bắt đầu từ ngày 15/5/2011, trước khi Conte tới. Conte không có mặt trong khu vực chỉ đạo khi thất bại đó diễn ra: ông bị cấm chỉ đạo 10 tháng vì không báo cáo một vụ dàn xếp tỉ số. Ông bác bỏ cáo buộc, kháng án, và án phạt được giảm xuống còn 4 tháng. Conte được phép tới sân tập, nhưng không được vào khu vực chỉ đạo cũng như phòng thay đồ khi trận đấu diễn ra.

Dó là một giai đoạn đầy thử thách. Pirlo nói Conte gần như phát điên vào những ngày thứ Tư, thứ Bảy, và Chủ nhật, khi trận đấu diễn ra. Ông tìm mọi cách tham gia. Trong khi trách nhiệm được giao cho các trợ lý trung thành của ông, Angelo Alessio và Massimo Carrera (người Conte biết từ mùa 1991-92 khi còn đá ở Juve), Pirlo nói họ chỉ là bình phong; ngay cả khi họ trả lời phỏng vấn sau trận, những gì họ nói đều đã được Conte biết trước.

Ngày 9/12, Conte trở lại trong trận sân khách gặp Palermo. Báo chí Italy gọi ngày đó là “Ngày Conte”. Đài Sky ở Italy đặt một máy quay riêng theo dõi ông cả trận. Sau khi Juve thắng, Conte nói về “4 tháng đau đớn” và bày tỏ sự tự hào vì Juve của ông vẫn đang dẫn 4 điểm ở ngôi đầu. “Tôi phải đối mặt với tình huống đó và nó có ý nghĩa làm thay đổi tôi”, ông nói. “Đội bóng đá phản ứng tuyệt vời, cho thấy tôi có những cầu thủ đặc biệt và một đội bóng đặc biệt, và có lẽ cả tôi cũng đặc biệt nữa”.


Ngày Conte trở lại sau án phạt

Dennis Bergkamp: Tiêu chuẩn của chủ nghĩa hoàn hảo

Dennis Bergkamp: Tiêu chuẩn của chủ nghĩa hoàn hảo

Ngày 4/7/1998, tiền đạo người Hà Lan có 3 pha chạm bóng huyền hoặc, ghi bàn thắng hoàn hảo và đưa Hà Lan vào Bán kết World Cup.


Từ đó trở đi Juve không có đối thủ. Họ dễ dàng bỏ túi một chức vô địch nữa, hơn Napoli 9 điểm. Trong lúc ăn mừng, các cầu thủ ném Conte vào một bồn tắm đá. Phong cách, phương pháp và triết lý của Conte giờ đã được định hình. Theo một nghĩa nào đó, đấy là sự kết hợp của Sacchi và Van Gaal. Ảnh hưởng của Sacchi thể hiện qua các bài tập và sự chú ý vào chi tiết. Khi tập, Juve sẽ hoán đổi rất nhiều vị trí để tìm ra khoảng cách tối ưu trên sân, và Conte sẽ luôn có điều gì đó để sửa chữa. “Ông ấy dị ứng với sai lầm”, Pirlo chẩn đoán.

Toàn bộ quá trình đó diễn ra cùng với tình yêu của Conte cho việc phân tích băng ghi hình. Ở Juve, theo Alciato, ông yêu cầu ghi hình mọi buổi tập, và nhờ em trai Gianluca lên phòng dành cho báo chí để theo dõi các trận đấu toàn cảnh hơn. “Phân tích băng ghi hình với tôi rất quan trọng”, Conte thừa nhận. “Qua băng ghi hình bạn nhiều thấy nhiều điều lý thú và cả những điều còn tệ hại để cho các cầu thủ xem và cải thiện. Không phải vì tôi muốn tìm người đổ lỗi, tôi chỉ muốn cải thiện tình hình, điều đó rất quan trọng. Đôi khi, 20-30 phút xem băng video quan trọng hơn 4-5 tiếng ngoài sân tập”.

Trên hết, Conte muốn phán đoán trước các tình huống và sự di chuyển của đội bóng như một tổng thể. Ông không tin tưởng lắm vào các tài năng cá nhân. Các đợt tấn công của ông được diễn tập trước, mà mỗi cầu thủ chỉ là một toa tàu trong cả đoàn tàu. “Conte có khả năng giúp cầu thủ nhớ việc di chuyển và chiến thuật rất nhanh”, Mattia De Sciglio nói. “Nên bạn có thể biết rõ đồng đội của mình đang ở vị trí nào”.

Ý tưởng là như thế. Conte muốn các cầu thủ, dù năng lực ra sao, cũng biết cần phải làm gì với bóng. “Tôi không có tài năng như Zinédine Zidane hay Roberto Baggio khi còn chơi bón”, Conte nói năm 2013 với Football Italia. “Khi còn là cầu thủ, tôi chỉ có sự nỗ lực, chuyên cần, sẵn sàng hy sinh và khiêm nhường, bù đắp cho việc tôi thiếu tài năng bẩm sinh. Nhưng đôi khi tôi không tìm thấy một đồng đội ở cạnh mình và có thể làm mất bóng. Là HLV, ý nghĩ đầu tiên của tôi là tôi sẽ giải quyết vấn đề đó”.

Điều này giải thích tại sao Conte ưa thích những cầu thủ cần cù hơn là những phù thủy với bóng. Nếu các cầu thủ nghe lời ông, Conte tin rằng sự di chuyển theo bố cục của họ sẽ tạo ra cơ hội. Cách nghĩ này giống với Van Gaal, người cũng thích các công thức sáng tạo, nhưng là cho toàn hệ thống, chứ không phải với các cá nhân. Cũng trong trường phái này còn có Rafa Benitez, một môn đệ của Sacchi. Không phải ngẫu nhiên, cả Conte, Van Gaal và Benitez xuất thân đều là những tiền vệ trụ thiếu tốc độ và tài khéo léo với quả bóng.

Antonio Cassano: 700 cô gái và 1 thần đồng bị hủy hoại đầy tiếc nuối

Antonio Cassano: 700 cô gái và 1 thần đồng bị hủy hoại đầy tiếc nuối

Anh mang tiếng ăn chơi đàng điếm, tăng cân nhanh, và lang chạ với đủ loại phụ nữ. Đồ ăn và tình dục là những kẻ thù của Antonio Cassano, một cầu thủ đáng lẽ trở thành tài năng lớn của bóng đá Ý.


Năm 2013, nhiều người lo ngại Juve không duy trì được sự ổn định. Giai đoạn chuẩn bị cho mùa giải thật đáng nản, nhưng Marotta đã đưa được Carlos Tévez về với giá rẻ. Họ nhanh chóng vượt lên. Tới tháng 3, bằng chiến thắng 1-0 trước Fiorentina trên sân nhà, danh hiệu coi như đã nằm chắc trong tay. Conte lẽ ra có thể vui mừng, nhưng thay vì thế, ông kêu ca về sự thiếu hiệu quả và hàng thủ lơi lỏng. Trước đó vào tháng 1, ông đã qua mặt Roma để đưa Juve vượt lên, nhưng ông nói: “Rủi ro là 8 điểm dẫn trước sẽ khiến chúng tôi tự mãn”.

Mùa giải kết thúc với nhiều cột mốc lịch sử. Đánh bại Cagliari vào ngày cuối cùng, Juve giành 102 điểm, trở thành đội đầu tiên ở Serie A vượt qua cột mốc 100 điểm. Họ cũng giành Scudetto 3 mùa liên tiếp lần đầu kể từ năm 1935. Tới ngày nay, kỷ lục này của họ vẫn là số 1 châu Âu, so với Premier League (95 điểm, Chelsea mùa 2004-05) và and La Liga (100, Real Madrid 2011-12 và Barcelona 2012-13). Juve cũng thắng mọi trận đấu của họ trên sân nhà mùa đó. Chưa đội bóng Italy nào làm được điều đó từ khi giải có 20 đội.

Sau đó, tương lai Conte bỗng trở nên bất định. Khi ông trở về từ kỳ nghỉ, ông từ chức vào ngày đầu tiên của giai đoạn chuẩn bị cho mùa giải mới. Đó là một cú sốc lớn. Nhiều người tin rằng với Conte, như thế Juve đã đụng trần. Serie A thì đã không còn là vấn đề. Ở châu Âu, Juve không có vẻ gì sẽ cạnh tranh nổi với các đại gia thứ dữ như Real, Barcelona, Bayern, hay cả các đội Anh. Về phần mình, Conte nói ông “không thể ăn ở nhà hàng 100 euro với 10 euro trong túi”.

Phản ứng của Juve sau quyết định từ chức cho thấy sự khôn ngoan và lão luyện của Agnelli. Trong 24 tiếng, họ đã tuyên bố quyết định bổ nhiệm Massimiliano Allegri. Động thái này gây bất ngờ và khó hiểu. Allegri là người đã để Pirlo rời Milan, và bị cho là thiếu sức hấp dẫn cùng cá tính như Conte. Nhưng Juve đã tiếp tục chiến thắng. Allegri giành thêm 2 Scudetto và vào Chung kết Champions League. Nhiều người cảm thấy Allegri đã giúp Juve có được sự thông minh về mặt chiến thuật trước các đội lớn, thể hiện qua việc họ đánh bại Madrid năm 2015 và gây khó dễ cho Bayern năm 2016. Mọi chuyện bỗng nhiên thay đổi, Conte bị coi là người quá tập trung vào chiến thuật thay vì chiến lược. Nhiều sự so sánh xuất hiện. Tháng 8/2014, Marchisio nói trên Tuttosport rằng Juve giờ chơi tự do hơn. Một năm sau, Barzagli nói với La Stampa: “Conte là người tạo động lực của chúng tôi, nhưng Allegri giỏi hơn về chiến thuật và quản trị nhân sự”. “Với Allegri, tôi có nhiều tự do hơn so với Conte,” Tévez nói thêm với El País năm 2015. “Với HLV cũ, chúng tôi đá 2 tiền đạo, cố định, gần nhau. Với Allegri, chúng tôi chỉ có một vị trí cố định khi không có bóng, nhưng tự do hơn khi tấn công”.


Tuyển Ý của Conte gây ấn tượng mạnh ở EURO 2016

Nhưng Conte cũng không còn để ý nhiều. Ông đã lên kế hoạch ra đi, học ngoại ngữ và sẵn sàng tất cả. Nhưng rồi sau một World Cup tại họa dưới quyền Cesare Prandelli, LĐBĐ Italy (FIGC) mời Conte, trả lương ông cao thứ 3 thế giới trong các HLV ĐTQG, với sự hỗ trợ của các nhà tài trợ. “Tôi mang tới đây tinh thần chiến thắng”, Conte nói trong cuộc họp báo ra mắt. “Sự khác biệt giữa chiến thắng và thất bại với tôi giống như là sự sống và cái chết”.

Mọi chuyện không dễ dàng. Italy giành quyền tới Pháp, nhưng chơi thứ bóng đá tẻ nhạt và phải thay đổi chiến thuật liên tục. Conte cũng phải hủy các cuộc tập huấn vì các CLB không chịu nhả cầu thủ, trong bối cảnh số cầu thủ Italy ở Serie A đã quá thấp. Có lúc, khi Marchisio chấn thương nghiêm trọng trong một buổi tập cho Italy, anh bị Juve chỉ trích là đã phải tập quá nặng. Sau 6 tháng đầu, có tin đồn Marchisio sẽ rời tuyển.

Việc Conte vẫn thành công ở Pháp là một bằng chứng nữa cho cách tiếp cận hiệu quả của ông. Ông đã mất Marchisio và Marco Verratti vì chấn thương, và do ông cương quyết bỏ qua những cầu thủ vô kỷ luật, đội hình cuối cùng của Italy được cho là ít hy vọng nhất trong lịch sử. Nhưng Conte vẫn tin ở phương pháp của mình, và Italy đã chơi hay ngoài mong đợi của tất cả mọi người: tổ chức cực tốt, gây sức ép liên tục và tấn công như thể họ đã chơi với nhau hàng chục năm trời. Họ chỉ dừng bước trước đội mạnh nhất giải (dù không vô địch) Đức ở tứ kết sau loạt luân lưu. Conte trở về Italy với niềm kiêu hãnh được vãn hồi.

Chỉ sau một tuần nghỉ ngơi, ông lại lao vào công việc. Trong buổi ra mắt ở Chelsea, Conte nói thứ tiếng Anh thật ấn tượng. Trước mùa, ở California, ông làm việc 6 tiếng mỗi ngày, chỉ tính riêng trên sân tập. “Tôi đã la hét quá nhiều”, ông cười. Nhưng những ầm ĩ đó giờ đang tỏ ra hoàn toàn xứng đáng, qua những gì Chelsea thể hiện ở mùa này.


Tiếp tục chiến thắng ở Chelsea

Trần Trọng
Theo Twenty-Minute Reads

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến