(TT&VH Cuối tuần) - Thoạt nhìn vào “sơ đồ sự nghiệp” của họ - hai trong những tên tuổi được nhắc đến trong “thế hệ thứ tư” (sau thế hệ tiền chiến, thế hệ kháng chiến, thế hệ đổi mới) - nhiều người sẽ ngạc nhiên: Họ giống nhau quá!Nhưng như hai đường thẳng song song, phải tới giải âm nhạc Cống hiến 2011 họ mới “gặp nhau”: hai dự án âm nhạc được làm với hai diva trong năm 2011 của họ cùng lọt vào bảng đề cử danh hiệu Album của năm (Vòng tròn của Hồng Nhung và Tóc ngắn - Một ngày của Mỹ Linh) và bản thân họ lần đầu tiên cùng có mặt trên “đường đua” đến với danh hiệu Nhạc sĩ của năm. (*)
Xuất phát
Quốc Trung là con trai độc nhất của nghệ sĩ nhân dân Trung Kiên, giọng tenor hàng đầu Việt Nam. Mẹ Trung, bà Nga, cũng từng là một ca sĩ và giảng viên thanh nhạc Nhạc viện Hà Nội. Không nhiều người biết Quốc Trung có giọng hát khá tốt, thần tượng của anh là Phil Collins và khi còn học ở Nhạc viện Hà Nội, khoa piano Trung lại rất giỏi môn xướng âm. Mặc dù được bố mẹ kỳ vọng đi theo con đường âm nhạc cổ điển, nhưng Quốc Trung lại sớm chọn nhạc nhẹ và con đường sáng tác làm sự nghiệp của mình. Sau khi “hoàn thành trách nhiệm” với phụ huynh bằng việc tốt nghiệp trung cấp piano, Quốc Trung chuyển qua học sáng tác và có một năm rưỡi tu nghiệp tại Học viện Sofia (Bulgaria), nơi đào tạo nhạc nhẹ nổi tiếng gần như duy nhất lúc bấy giờ trong hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa. Lúc đó là năm 1990.
Năm 1990 cũng là thời điểm hệ thống nhà nước Liên Xô tan rã, nhiều du học sinh Việt Nam tại Liên Xô lúc bấy giờ “bơ vơ” vì không còn học bổng, buộc phải lao ra đời kiếm sống bằng nhiều cách. Trong số đó có Anh Quân, khi ấy đang là sinh viên nhạc viện danh tiếng Tchaikovsky. Là con trai đầu của nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, khi chưa biết nốt nhạc nào, Anh Quân đã có thể đệm trống một cách dõng dạc cho những bản nhạc của bố, với sự nhạy cảm tiết tấu rất rõ ràng. Năm 7 tuổi vào Nhạc viện Hà Nội, sau 4 năm sơ cấp khoa violon với thầy Tạ Bôn, năm 1986 Quân được các chuyên gia Nga sang trường tuyển thẳng vào Nhạc viện Tchaikovsky. Ngay trong những năm là sinh viên dưới mái trường âm nhạc cổ điển hàng đầu châu Âu này, tình yêu với nhạc nhẹ đã âm thầm nhen nhóm, ngoài giờ học ở trường, Quân cùng bạn bè chơi nhạc và hát ở các nhà hàng, quán bar. Năm 1990, cũng theo bạn bè, từ Nga, Quân tìm đường sang Ba Lan, rồi sang Đức, kiếm sống bằng nhiều nghề để được tiếp tục chơi nhạc.
Thủ lĩnh và diva
Bước ngoặt trên con đường âm nhạc của Quốc Trung bắt đầu khi anh gặp Thanh Lam tại Bulgaria và sau đó trở về Hà Nội, thành lập ban nhạc Phương Đông năm 1991. Khi gặp Quốc Trung, Thanh Lam vừa nổi lên bằng giải thưởng Ca sĩ được yêu thích nhất tại Liên hoan Âm nhạc La Habana, Cuba; còn các thành viên ban nhạc Phương Đông, vốn đều là các cao thủ trong làng nhạc Hà Nội như Hà bass, Quân trống, Bình lead, Tuấn Trình, lúc ấy chuyên trị nhạc vũ trường ở MetPub (khách sạn Metropole) hay Sunset Pub (khách sạn Đông Đô). Với thủ lĩnh Quốc Trung (người chơi keyboard và nhạc sĩ hòa âm, phối khí chính cho ban nhạc), Phương Đông bắt đầu đi con đường âm nhạc riêng đúng như tên gọi của mình. Cùng nhau chơi một thứ nhạc pop-rock pha trộn sự hiện đại và phóng túng của nhạc nhẹ phương Tây với chất liệu âm nhạc truyền thống Việt Nam, năm 1993, Phương Đông giành vị trí quán quân tại Liên hoan Các ban nhạc nhẹ toàn quốc lần đầu tiên, tổ chức tại Đà Nẵng (xếp sau họ là ban Hoa sữa của nhạc sĩ Vũ Quang Trung và Đen Trắng của nhạc sĩ Ngọc Lễ). Giải nhất các ban nhạc nhẹ toàn quốc của Quốc Trung và ban nhạc Phương Đông cho tới nay vẫn là giải thưởng chính danh cao nhất mà một ban nhạc nhẹ giành được (bởi cuộc Liên hoan Các ban nhạc nhẹ toàn quốc cho tới nay vẫn chỉ tổ chức một lần duy nhất tại Đà Nẵng năm 1993!). Trong thập niên 1990, Phương Đông cùng Thanh Lam trở thành người khai phá những show diễn nhạc nhẹ ở Việt Nam với Đêm huyền diệu, Thiện Thanh, Cho em một ngày... Từ vị trí thủ lĩnh ban nhạc, Quốc Trung trở thành một trong những nhạc sĩ hòa âm hàng đầu và một nhà sản xuất âm nhạc chuyên nghiệp và Thanh Lam trở thành diva được tấn phong sớm nhất. Mô hình một ca sĩ gắn liền với một ban nhạc, một nhà sản xuất âm nhạc cũng được khởi phát từ Quốc Trung - Thanh Lam và Phương Đông.
Nhạc sĩ Quốc Trung
Ban nhạc Anh Em được thành lập gần như cùng thời điểm ra đời ban nhạc Phương Đông nhưng giữa nơi đất khách quê người, nơi hai trụ cột của ban nhạc - Anh Quân, Huy Tuấn (cả hai cùng thế hệ, cùng xuất thân từ Nhạc viện Hà Nội và du học Tchaikovsky cùng ngày) hàng ngày vật lộn kiếm sống bằng đủ mọi việc lao động chân tay. Đĩa nhạc đầu tiên mang tên Thiên đường (chưa phải album Thiên đường hoàn chỉnh sau này) được thu âm từ những ngày tháng vất vả nhưng cháy bỏng đam mê âm nhạc ấy, tập hợp những sáng tác đầu tay của họ (trong đĩa này, ngoài sáng tác và hòa âm, Anh Quân còn là giọng ca chính). Họ chơi thứ nhạc funky mạnh về tiết tấu, lúc đó còn rất xa lạ ở Việt Nam. Nhạc sĩ Dương Thụ, giám khảo Liên hoan Các ban nhạc nhẹ toàn quốc năm 1993, người đã “chấm” Phương Đông tại cuộc so tài này, cũng là người được tin cậy nhờ “thẩm định” Anh Em từ những tác phẩm đầu tay và ông lập tức khuyến khích họ trở về.
Anh Quân “mang” Anh Em trở về và rồi sự gặp gỡ với ca sĩ Mỹ Linh ở thời điểm “hot” nhất trên thị trường ca nhạc của cô (1997) đã tạo nên “cặp đôi hoàn hảo” thứ hai trong làng showbiz (sau Thanh Lam - Quốc Trung). Sự kết hợp của họ đã tạo nên những thành công không thể phủ nhận, dù ban đầu vấp phải không ít nghi ngờ: Tóc ngắn 1 & 2, Chat với Mozart, Để tình yêu hát, Tóc ngắn - Một ngày (album), Tiếng hát Mỹ Linh, Mỹ Linh Tour 06 (live show). Trong số này Chat với Mozart từng giành số phiếu bầu áp đảo tại hạng mục Album của năm giải Cống hiến 2005 và với Mỹ Linh Tour ’06, Mỹ Linh cũng về nhất với danh hiệu Ca sĩ của năm giải Cống hiến 2006.
Nhưng chả sự hoàn hảo nào giống sự hoàn hảo nào. Một Thanh Lam chưa định hình phong cách âm nhạc thuở gặp Quốc Trung và một Phương Đông như được Quốc Trung sinh ra để tạo nên một không gian âm nhạc cho giọng hát Thanh Lam tung hoành. Tận cùng sự hoàn hảo ấy là một sự không hoàn hảo khi giọng hát muốn tìm kiếm một không gian âm nhạc mới. Đỉnh cao trong sự kết hợp giữa họ là album Mây trắng bay về, thực hiện năm 2001, trước khi họ chính thức chia tay trong đời sống lẫn trong âm nhạc. Anh Quân và Mỹ Linh thì từ hai phương trời lạ tìm đến với nhau. Sau nhiều năm sống, học tập ở phương Tây, chất nhạc mạch lạc, khúc chiết rất Tây của Quân và Anh Em đang tìm kiếm một điệu tâm hồn Việt Nam. Còn Mỹ Linh lúc bấy giờ “trên đỉnh phù vân”, mơ hồ cảm thấy sự bế tắc trong con ngõ âm nhạc của mình, đang tìm kiếm một đại lộ để bay bổng. Họ cùng nhau thiết kế một không gian âm nhạc chung cho cả hai, thời điểm đó, còn rất xa lạ với cả người làm nhạc và công chúng Việt Nam: một thứ R&B tiết tấu nhưng vẫn có giai điệu đẹp. Xây một không gian âm nhạc chung, cả hai cùng phải tiết chế, thậm chí là hy sinh một phần nào đó cái riêng của mình. Bởi vậy cái tận cùng sự hoàn hảo của họ luôn nằm ở phía trước.
Thị phi
Có một điều lạ, trong hơn 10 năm gắn bó với diva Thanh Lam, Quốc Trung hầu như không viết bất cứ một ca khúc nào. Những người bạn thân trong ban Phương Đông cho hay trong giai đoạn này Quốc Trung cũng từng thử viết ca khúc, nhưng sau đó đều cảm thấy chán mà vứt đi. Anh chủ yếu được nhìn nhận là một nhạc sĩ hòa âm phối khí tài năng chứ không phải người sáng tác ca khúc. Anh cũng cho thấy một nhà sản xuất âm nhạc thành công không nhất thiết phải là người sáng tác. Danh mục các tác phẩm âm nhạc được anh lựa chọn cho Phương Đông và Thanh Lam chủ yếu của hai tác giả Thanh Tùng, Dương Thụ, sau này thêm Thuận Yến, Bảo Chấn. Mãi tới dự án âm nhạc cuối cùng trong thời kỳ đi chung đường của hai người, Mây trắng bay về, Thanh Lam lần đầu tiên hát những sáng tác của Quốc Trung, trong đó nổi nhất là bài Đố tình (với phần lời của nhạc sĩ Dương Thụ). Theo những người bạn trong nhóm Phương Đông cho biết thì những ca khúc hoàn chỉnh đầu tay của Quốc Trung được viết trong thời điểm có những “cơn địa chấn” trong đời sống tình cảm của anh. Sau khi chính thức chia tay Thanh Lam, Quốc Trung bất ngờ bùng nổ ca khúc. Vẫn với sự hỗ trợ phần ca từ của nhạc sĩ Dương Thụ, hàng loạt những Tre xanh ru, Tình yêu ở lại, Con chim sâu, Hòn đá trong vườn… ra đời và người thể hiện những bài hát này trong hai album đều do Quốc Trung hòa âm, phối khí và sản xuất (Ngày không mưa, Khu vườn yên tĩnh) là Hồng Nhung, diva thứ hai trong bộ tứ diva nhạc Việt và từng là người bạn rất thân của Thanh Lam. Đây cũng là hai album thuộc loại xuất sắc của Hồng Nhung. Tuy nhiên hai album này, nhất là Ngày không mưa, dường như đã làm tình bạn thân thiết từ thuở nhỏ của hai diva tan vỡ. Từng có lời đồn ác ý rằng Hồng Nhung lợi dụng sự chia tay của bạn mình để nhảy vào lôi kéo Quốc Trung làm album cho mình… Trên thực tế, dự án Ngày không mưa ban đầu là để dành cho Thanh Lam. Nhưng vì Lam có những đam mê mới khác, bỏ bê việc thu âm, trong khi công việc âm nhạc không thể dừng lại nên nhạc sĩ Dương Thụ, người tham gia cùng Quốc Trung trong dự án này đã đề nghị anh thực hiện album Ngày không mưa với Hồng Nhung. Một sự thay thế tình cờ, nhưng hiệu quả xuất sắc. Sau Thanh Lam, thì sự gắn bó trong âm nhạc với Hồng Nhung có thể được xem là một thành công của Quốc Trung.
Nhạc sĩ Anh Quân trên sân khấu cùng vợ, diva Mỹ Linh
Quốc Trung từng mang danh là “lười”, từng bỏ bê nhiều dự án âm nhạc với Tùng Dương, Khánh Linh, nhưng với Hồng Nhung, dường như họ có duyên làm việc với nhau và hiệu quả. Vòng tròn là một trong những dự án âm nhạc được thực hiện nhanh nhất của Quốc Trung từ trước tới nay. Mọi thứ đến tự nhiên, dễ dàng, từ ý tưởng chọn phong cách âm nhạc điện tử đến chọn tác phẩm, phối khí… và vừa vặn với Hồng Nhung: thông minh, nhạy cảm, tỉnh táo và thời trang. Còn với Quốc Trung, từ pop rock thời kỳ đầu của Phương Đông, tới world music trong Mây trắng bay về, Khu vườn yên tĩnh, rồi âm nhạc điện tử trong series Đẹp Fashion Show đến Vòng tròn, thế giới âm nhạc của anh cũng trở nên phong phú hơn, hấp dẫn hơn và thời trang hơn, giống như cuộc sống của anh “hậu Thanh Lam”: xuất hiện ở nhiều loại sân khấu hơn, duyên dáng hơn trong các cuộc phỏng vấn, hấp dẫn hơn trên Facebook, gây chú ý hơn trên ghế ban giám khảo…
Ngược lại với Quốc Trung, vừa chạm ngõ làng showbiz, Anh Quân đã có một bản “hit” vẫn còn là đỉnh cao tới sau này: bản Hương ngọc lan, ghi âm lần đầu trong album Tóc ngắn 1. Cấu trúc chặt chẽ, giai điệu đẹp và cảm xúc âm nhạc dịu dàng nhưng vô cùng mãnh liệt, Hương ngọc lan là một trong những ca khúc nhạc nhẹ hiếm hoi đạt tới vẻ đẹp cổ điển thời điểm ấy.
Song dường như tuổi trẻ, sự nôn nóng muốn chứng tỏ, muốn bước qua định kiến của dư luận lúc bấy giờ cho rằng Mỹ Linh hát nhạc của chồng… khiến Anh Quân vội vã đi tìm một gương mặt mới. Giọng hát được Quân đặt nhiều tâm huyết và kỳ vọng là Phương Anh, được phát hiện từ cuộc thi Sao Mai - Điểm hẹn. Phương Anh là ca sĩ đầu tiên sau Mỹ Linh được Anh Quân viết riêng những ca khúc “đo ni đóng giày”. Một trong số này, ca khúc Giấc mơ của tôi đã đoạt giải Ca khúc pop rock của năm trong chương trình Bài hát Việt năm 2005, tạm xem là bản “hit” của Phương Anh, nhưng chưa đủ để cô ca sĩ trẻ này thăng hạng. Một album được đầu tư khá kỹ mang tên Giấc mơ, với hai bản “hit” của Anh Quân và Huy Tuấn (Giấc mơ của tôi, Chỉ một mình anh) vẫn không thể đưa Phương Anh ra “ánh sáng”, cô đành chấp nhận một vị trí khiêm tốn trong số những ca sĩ mà tài năng vẫn còn tiềm ẩn. Còn với Anh Quân, trong vị trí một “ông bầu”, một nhà sản xuất, đó có thể xem là một dự án không thành.
Năm 2005, nhạc sĩ Dương Thụ “mang tới” cho Anh Quân một giọng hát mới lạ từ phương Nam: Nguyên Thảo, và họ cùng bắt tay vào dự án mang tên Suối & cỏ. Năm 2006, album Suối & cỏ trình làng và trở thành một hiện tượng: album này lập tức lọt vào bảng đề cử Album của năm giải Cống hiến, còn giọng hát chưa từng xuất hiện trên sân khấu lớn Nguyên Thảo đã được ngầm xem như người kế vị của các diva. Thế nhưng, cũng với album này, phong cách hát của Nguyên Thảo bị so sánh với Mỹ Linh. Không khó lý giải, bởi màu sắc của các bản phối khí trong Suối & cỏ không khác bao nhiêu so với Tóc ngắn trước đó. Chất cổ điển trong Quân khiến âm nhạc của anh luôn chuẩn mực và khó thay đổi.
Việc tìm kiếm những nhân vật mới luôn là những thách đố cho hai nhà sản xuất âm nhạc được ngầm coi là hàng đầu ở miền Bắc và gây không ít điều tiếng cho họ. Phương Anh cũng có thời bị đồn là có quan hệ tình cảm trên mức bình thường với nhà sản xuất, cho tới khi cô lấy chồng thì mọi lời đồn đoán bị dập tắt. Uyên Linh “Idol” trước khi được “giao cho” nhà sản xuất âm nhạc Quốc Trung, cũng đã từng nằm trong tầm ngắm của nhà sản xuất âm nhạc Anh Quân. Có lời thị phi rằng Mỹ Linh vì lo có kẻ cạnh tranh đã không đồng ý cho Anh Quân đầu tư cho Uyên Linh nhưng trên thực tế Uyên Linh đã được ghi âm thử ở phòng thu Anh Quân, một số chuyên gia thẩm định có uy tín đã được mời tới trước khi có quyết định sau cùng…
Và những chuyện khác
Cùng mê âm thanh và máy móc, Quốc Trung từng sở hữu phòng thu hàng đầu ở Hà Nội đặt tại Viện Âm nhạc, nơi anh công tác. Những sản phẩm âm nhạc được thực hiện tại đây, mà đỉnh cao là Mây trắng bay về, đều đạt chuẩn cao nhất về âm thanh và kỹ thuật phòng thu thời bấy giờ. Nay thì danh hiệu “tay chơi phòng thu” ấy được trao vào tay Anh Quân. Năm 2010, album Bây giờ biển mùa đông của Đức Tuấn thu “live” với dàn nhạc giao hưởng tại đây là album đầu tiên ở Việt Nam sử dụng kỹ thuật thu âm phức tạp và tinh tế này. Năm 2011, album Tóc ngắn - Một ngày thu “live” các nhạc cụ không điện tử theo phong cách acoustic đạt chất lượng quốc tế đủ để sản xuất cả đĩa than.
Cùng mê xe và tốc độ như bất cứ một người đàn ông chân chính nào, cả hai đều là những dân chơi xe sành điệu. Bộ sưu tập thú chơi xe của Quốc Trung rất đa dạng và thời thượng, từ Subaru nhảy qua Korando, mua Captiva từ những ngày đầu tiên mẫu xe này có mặt ở Việt Nam, rồi chuyển qua xe hai bánh mà bây giờ là một chiếc Lambretta. Anh Quân thì chỉ độc ô tô và BMW. Chiếc xe đầu tiên anh cầm lái ở Việt Nam là một chiếc series 3, sau lên đời series 5 nhưng không thay đổi dòng xe (sedan) lẫn thương hiệu (BMW). Thay vì đổi xe, Quân là một người chăm xe hiếm có. Tài xế của anh kể rằng anh không chấp nhận thấy trên xe vết trầy xước, dù nhỏ.
Quốc Trung trả lời phỏng vấn rất hóm hỉnh. Làm giám khảo gây chú ý và thuyết phục. Viết Facebook rất duyên. Anh Quân chỉ viết mỗi nhạc. Phải viết gì khác với anh sẽ là một cực hình.
(*) Giải thưởng âm nhạc Cống hiến do Báo TT&VH khởi xướng và tổ chức từ năm 2005. Lễ công bố và trao giải Cống hiến 2011 do Báo TT&VH phối hợp cùng Công ty Smart sẽ được tổ chức vào ngày 22/4/2012 tại TP.HCM, truyền hình trực tiếp trên VTV1 lúc 21 giờ. 5 nhạc sĩ có tên trong Đề cử giải thưởng Nhạc sĩ của năm 2011 gồm (thứ tự a, b, c): Nguyễn Công Hải (Hải Bột), Lê Cát Trọng Lý, Nguyễn Hải Phong, Anh Quân, Quốc Trung.
|
Thu Hải Đường