Mưa, nắng & những người đầu tiên

Thứ Năm, 17/4/2014, 17:28 (GMT+7)
(Thethaovanhoa.vn) - Bài hát của năm mang nhiều tính tôn vinh những người sáng tác và năm nay Cống Hiến có thể nhìn rõ 9 chân dung ít nhiều vẽ nên bộ mặt ca khúc của V-Pop trong 2013.

Bài hát của năm - Mưa hay nắng?

Nếu như năm ngoái hạng mục Bài hát của năm là cuộc chơi của những ca khúc có lượng nghe “khủng” trên các trang nhạc mạng với chủ nhân là những tên tuổi lớn của V-Pop thì năm nay các đại diện trong hạng mục này đều đến từ thế hệ mới, trẻ trung và tài năng. 4 ứng cử viên danh hiệu Bài hát của năm lộ diện theo những hướng riêng: Sáng tác và tự biểu diễn (Vết mưa - Vũ Cát Tường); Thể nghiệm (Chạy mưa - Toàn Thắng và Bác làm vườn và con chim sâu - Đức Hùng); Lượng nghe kỷ lục (Tình yêu màu nắng - Phạm Thanh Hà).

Trong số này có 2 nhạc sĩ được biết đến khá nhiều từ Bài hát Việt (Toàn Thắng, Đức Hùng), Cát Tường thì thể hiện rõ vai trò sáng tác từ Giọng hát Việt 2012 khi ca sĩ Trúc Nhân đã thể hiện thành công sáng tác của cô (Đông). Và Phạm Thanh Hà, trước khi ghi dấu ấn với Tình yêu màu nắng đã khá nổi tiếng với Người về nơi đâu.

Vũ Cát Tường có lẽ là người “nóng” nhất tại hạng mục này năm nay. Bởi cô đang là người có hình ảnh toàn diện nhất: sáng tác và biểu diễn chính tác phẩm của mình. Thứ đến, Vũ Cát Tường vẫn còn mang bên mình ít nhiều hào quang khi đi ra từ Giọng hát Việt mùa thứ hai. Thứ đến nữa, ca khúc Vết mưa của cô đang được đánh giá rất cao tại chương trình Bài hát yêu thích năm 2014.

Vết mưa là single online mà Vũ Cát Tường tung ra thị trường khi cô còn đang thi tại Giọng hát Việt và nó được đánh giá rất cao tại vòng 6 cuộc thi này. Dấu ấn rõ nhất của Vũ Cát Tường tại Giọng hát Việt là cá tính âm nhạc thể hiện ở khả năng sáng tác và trình diễn sáng tác của chính mình, với chất nhạc “sạch sẽ”, có những mảng miếng sáng tác phù hợp với đại chúng. Vết mưa là một sáng tác khá giản dị nhưng tạo được cao trào, ở đó cách nhìn cuộc sống qua lăng kính của một người trẻ được thể hiện văn minh, ca từ chắt chiu và giai điệu được sắp xếp khá có nghề, thông minh nên rất dễ tạo dấu ấn cho công chúng trẻ ngay lần nghe đầu.

Tuy vậy Vết mưa (hay Vết thương lòng ở trong cơn mưa như cách gọi của Vũ Cát Tường) chưa chắc đã lớn hơn hình ảnh “người đang ướt, mình đang ướt, đời bỗng chốc ướt nhẹp giống mình” mà Nguyễn Đình Thanh Tâm đã thể hiện trong Chạy mưa. Bởi ở ca khúc đó, cơn mưa trong cách nhìn của Phạm Toàn Thắng mang tính nhân sinh nhiều hơn, “chạy” mưa để mong sống chậm lại, để giữ lại các giá trị mà cuộc sống đang làm mất dần đi…


Tác giả Vũ Cát Tường

Chạy mưa là một ca khúc có tầm vóc riêng, và nó đã ghi dấu ấn của mình tại Bài hát Việt tháng 12/2012 với tiếng hát của Phạm Dũng Hà. Sau đó ca khúc được Nguyễn Đình Thanh Tâm mua độc quyền và phát hành thành single vào tháng 4/2013 với phiên bản acoustic và trong năm 2013, đây là một trong những ca khúc thành công nhất của Thanh Tâm.

Tác giả Phạm Toàn Thắng không lạ với công chúng nhất là anh có những bài hát đã từng được ghi nhận tại Bài hát Việt, đặc biệt là với ca khúc khá lạ tai, Uống trà (đoạt giải Bài hát rock xuất sắc nhất). Ca khúc Chạy mưa cũng mang dáng dấp lạ tai ấy với cách hát nối chữ tạo ấn tượng và giai điệu giản dị nhưng đầy ngẫu hứng và ít nhiều mang tính thể nghiệm. Cho dù phiên bản acoustic đã đưa Thanh Tâm trở thành một chú ý lớn trong năm 2013 nhưng phiên bản thành công nhất của Chạy mưa lại nằm trong album mới nhất của Thanh Tâm (phát hành 2014, album Gặp tôi mùa rất đông). Ở đó, ca khúc này được phối dưới dạng electro, phô diễn hết vẻ đẹp của giọng hát Thanh Tâm và giai điệu biến báo của Toàn Thắng.

Tuy vậy, cả hai cơn mưa (của Vũ Cát Tường và Toàn Thắng) cũng sẽ rất ngại khi gặp phải Tình yêu màu nắng của Đoàn Thúy Trang, ca khúc có lượng nghe “khủng” nhất trong các ứng viên năm nay. Ca khúc này đã đưa giải nhất Sao Mai 2011 Đoàn Thúy Trang trở lại V-Pop sau một thời gian im hơi lặng tiếng và tiếp tục đưa Phạm Thanh Hà, tác giả, trở thành người rất mát tay với những bài “hit”.


Tác giả Phạm Toàn Thắng

Tình yêu màu nắng là một hiện tượng của 2013, ca khúc này có một hình ảnh khác biệt với mặt bằng sáng tác phổ thông khi vừa kết hợp được tính hiện đại vừa “xen” được những yếu tố truyền thống. Ca khúc này được phát triển trên thang âm ngũ cung và cho dù đưa thêm vào những nhạc cụ dân tộc chứ không phát triển theo một làn điệu nào đó cụ thể nhưng vẫn tạo cho người nghe sự thích thú bởi những yếu tố “vùng miền” được đưa vào rất đắt. Cũng cần biết rằng tác giả Phạm Thanh Hà vốn là người theo học âm nhạc dân tộc khá lâu, bản thân rất mê những bài dân ca cổ xưa và vì thế Tình yêu màu nắng là sự phản chiếu khá rõ con người âm nhạc thật sự của Phạm Thanh Hà.

Tác giả Phạm Thanh Hà

Tình yêu màu nắng “lạ” mềm mại theo kiểu ngũ cung kết hợp hiện đại, còn Bác làm vườn và con chim sâu “lạ” hẳn theo một hướng phương Tây. Đây là sáng tác lạ nhất của Đức Hùng, lạ đến độ cho dù sáng tác từ năm 2011 mà mãi anh không “dám” đưa ra. Lúc ấy, ở tuổi 21, Đức Hùng chưa định rõ cho mình hướng đi cụ thể như hôm nay và bài hát này ra đời khá lạc lõng vì không nằm trong bất kỳ một chuỗi dự án nào. Bác làm vườn và con chim sâu mang mô típ kiểu nhạc kịch phương Tây, vừa kịch tính vừa lãng mạn, vừa cao trào vừa êm ả, hay gợi nhớ chút gì đó trong các ca khúc của nhóm rock Anh quốc, Queen. Và quan trọng là khá kén người nghe. Tự thấy lạc lõng và có đời sống khá èo uột nên mãi tới 2013 Đức Hùng, sau khi được Mỹ Linh khích lệ, mới gửi bài hát này tới chương trình Bài hát Việt và sau đó nó đã trở thành Ca khúc của tháng (tháng 10) với giọng ca Trúc Nhân. Sau đó bài hát này tiếp tục được chú ý khi ca sĩ Âu Bảo Ngân hát lại trong chương trình Giọng hát Việt.



Tác giả Đức Hùng

Sự trúc trắc của ca khúc đòi hỏi kỹ thuật nơi người hát và cả sự mở lòng ở người nghe. Nhưng chính khi ca khúc này được thừa nhận thì Đức Hùng mới cảm thấy rõ động lực khi đi vào con đường sáng tác, “Tôi nghĩ nó là một may mắn rất lớn, cho cả bài hát này và cho cả bản thân vì nhờ nó mà tôi mới được phát hiện như một tác giả có tiềm năng”. Và đó cũng là lý do mà Đức Hùng có mặt tại đề cử Cống Hiến năm nay.

Nhạc sĩ của năm - Trong hay ngoài?

Năm nay hạng mục này của Cống hiến có khá nhiều nét lạ. Nét lạ đầu tiên là trong danh sách chỉ có 3/5 người là có sản phẩm âm nhạc cụ thể. Đỗ Bảo với Chuyện của mặt trời, chuyện của chúng ta, Bảo Lan với Yêu của 5 Dòng Kẻ và nhạc sĩ Nguyên Lê với Độc đạo kết hợp cùng Tùng Dương. Kế đến là 3 cái tên hoàn toàn mới tại hạng mục này, thậm chí chưa quen thuộc với công chúng ở vai trò nhạc sĩ sáng tác: Phạm Hải Âu, Bảo Lan và Nguyên Lê. Và lạ nhất là sự có mặt của Nguyên Lê, một nghệ sĩ đang sống tại Pháp.

Nhân vật tưởng như dễ đoán nhất là Phạm Hải Âu, trẻ nhất và cũng tự nhận mình “chưa bao giờ nghĩ mình sẽ có mặt ở đây bởi với tôi, thời điểm này còn là quá sớm để nghĩ đến điều đó”, nhưng dự báo sẽ mang nhiều ý nghĩa bất ngờ. Cần nhớ lại tại đêm chung kết Bài hát Việt 2013, Phạm Hải Âu là cái tên được xướng lên cho giải thưởng cao nhất, Bài hát của năm (Vì em nhớ anh) trong khi bài hát này không đoạt bất cứ một giải nào của tháng.

Tác giả Phạm Hảu Âu

Sự bất ngờ đó rất dễ gặp lại tại Cống hiến. Phạm Hải Âu có quá trình “thăng tiến” khá nhanh trên địa hạt sáng tác. Những ca khúc của anh: Vệt nắng, Người em yêu mãi… đều nhanh chóng thành công trên thị trường. Xuất phát từ rock, Hải Âu luôn biết cách tạo dấu ấn trong những sáng tác không quá thị trường, chỉn chu và cá tính. Tại Bài hát Việt 2013, chính ca khúc Vì em nhớ anh đã qua mặt luôn cả bài hát được nhiều dự đoán, Bác làm vườn và con chim sâu của Đức Hùng.

Ẩn số lớn ở hạng mục này, không ai khác, là Nguyên Lê. Xuất hiện với vai trò phối khí và là nhà sản xuất (chưa kể có một sáng tác riêng) cho toàn bộ dự án album Độc đạo, nhạc sĩ Nguyên Lê “phả” rất nhiều màu sắc của mình trong album này. Nếu như những album trước đây của Nguyên Lê lấy những bài hát dân ca Việt Nam để hòa âm đậm chất jazzy với sự hòa trộn, sắp xếp, phát triển của những vòng hòa thanh trên ngón đàn thì ở album này dấu ấn của Nguyên Lê để lại ở việc “đối thoại” với âm nhạc ở một thế giới rộng hơn, trong đó có dàn dây kết hợp với tiếng đàn dân gian Koto của Nhật Bản, thêm tiếng sáo, đàn tranh… tạo thành một cuộc chơi đầy ngẫu hứng dựa trên triết lý âm nhạc không biên giới nhưng vẫn nhắm đến một nơi chốn cụ thể: nguồn cội. Đó là sự khác biệt của ông và sự khác biệt đó đã làm nên một Tùng Dương khắc hẳn thời của Li ti hai năm trước.

Nhạc sĩ Nguyên Lê

Đây cũng là lần đầu tiên một nghệ sĩ gốc Việt có mặt tại giải thưởng âm nhạc Cống hiến và đó là sự ghi nhận xác đáng nhất cho sự phát triển của nhạc Việt vươn mình ra bên ngoài và cả hướng về. Năm 2013 nhạc sĩ Nguyên Lê về Việt Nam để làm đêm nhạc Độc đạo cùng Tùng Dương, bên cạnh đó ông cũng tham gia chương trình Duyên dáng Việt Nam và biểu diễn tại Nhạc viện TP.HCM. Sự xuất hiện liên tục của ông không còn gây cảm giác bỡ ngỡ cho nhiều người và vì thế rất có thể “ẩn số” Nguyên Lê sẽ được giải mã trong đêm Cống hiến tới.

Sự xuất hiện của Nguyên Lê tạo cho hạng mục này chia thành 3 hướng: Hướng trẻ (Phạm Hải Âu), hướng biểu diễn (Quốc Trung) và hướng sáng tác thử nghiệm (Bảo Lan, Đỗ Bảo). Nguyên Lê gần như nằm cùng nhóm với Đỗ Bảo và Bảo Lan, những người có nhiều sáng tác mang tính ý tưởng, có nhiều thử nghiệm trong năm 2013.


Đỗ Bảo

Bảo Lan chính là linh hồn của album Yêu mà nhóm 5 Dòng Kẻ thể hiện. Sức sáng tác của cô ở album này là rất đáng nể và đáng nể hơn, cô gần như là người duy nhất phối cho toàn bộ album. Yêu vẫn mang một dáng vẻ new age của 5 Dòng Kẻ bấy lâu nhưng được nâng lên trên một nấc thang khám phá mới. Ở đó, những chất liệu truyền thống được chắt lọc và tính điện tử được nâng cao hơn, cho thấy một 5 Dòng kẻ chưa bao giờ thôi tìm tòi, khám phá.



Tác giả Bảo Lan

Trong khi đó, Đỗ Bảo dường như đẩy mạch thử nghiệm của mình sang nhiều dòng khác nhau và ở đó Hà Trần đã giúp anh chuyển tải một cách đầy đủ và thông minh nhất những gì anh mong muốn.

Dấu ấn của nhạc sĩ Quốc Trung trong năm 2013 nằm ở hai live show của anh: Cầm tay mùa hèNhững giấc mộng đêm hè. Ở đó, Quốc Trung trở lại với chính mình trong âm nhạc, không phải là một giám khảo hay đạo diễn RockStorm.

Nhạc sĩ Quốc Trung

Là một người “mê mệt” với những festival âm nhạc, Quốc Trung vẫn tiếp tục nuôi ước mơ “bên ngoài” bằng những chương trình âm nhạc ở sân nhà và luôn tạo được tiếng vang. Ở đó có những người cũ như Hà Trần, Thanh Lam, Tùng Dương và cả những người mới như Phạm Thu Hà, Nguyễn Công Hải đã giúp Quốc Trung phần nào vẫn giữ được “chất” của mình trong năm qua trong vai trò là một nhạc sĩ. 

Chương trình Lễ trao giải Âm nhạc Cống hiến lần 9 - 2014 do Báo TT&VH tổ chức, với sự đồng hành sản xuất của VTV6; sự hợp tác của Công ty DS và với sự tài trợ của các đơn vị: Tổng Công ty Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (Vàng), Công ty TNHH MTV Nước Uống Collagen Việt Nam (Bạc), Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền (Bạc), Liên đoàn Bóng đá Việt Nam - VFF (Bạc) và thương hiệu Caviar de Đuc (Bạc).


>>> Chuyên trang âm nhạc Cống hiến

Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 321/GP-BTTTT ngày 15/06/2016 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến