(TT&VH Cuối tuần) - Trở thành nữ tác giả đầu tiên giành được vị trí cao nhất trong “cuộc đua” Bài hát Việt, mà trước đó đã ghi tên các anh tài: Lê Minh Sơn, Võ Thiện Thanh, Lưu Hà An. Trở thành ca sĩ/nhạc sĩ hiếm hoi có những đêm diễn “cháy vé” trong năm 2010. Album đầu tay mang chính tên cô - Lê Cát Trọng Lý - trở thành một hiện tượng trên thị trường băng đĩa nhạc đầu năm 2011, album được đặt hàng trên mạng nhiều nhất của Phương Nam Phim. Và đường hoàng đi tới bảng đề cử cho vị trí Nhạc sĩ của năm 2010 giải âm nhạc Cống hiến.
Món lạ giữa bàn tiệc
Với Lý, chỉ cần cây guitar trên tay, mọi ranh giới về chức năng công việc bị xóa nhòa |
“Em vào TP.HCM xem Lê Cát Trọng Lý”. Đó là câu trả lời của một người bạn khi được hỏi “Cuối tuần này em sẽ làm gì?”. Vào thời điểm đó, Hà Nội đang chuẩn bị buổi biểu diễn quy tụ toàn bộ ca sĩ đã lọt vào Top 10 Vietnam Idol 2010. Đó là một chương trình mà sự quan tâm của cô bạn nói trên không hề nhỏ và chắc hẳn được tận mắt xem các thần tượng âm nhạc cất giọng là một kế hoạch không thể thiếu của cô. Vậy phải có một sức hút đủ mạnh để cô ấy đi cả chặng đường dài đến một quán bar nhỏ ngồi nghe một ca sĩ chứ không đơn giản chỉ là nhân tiện.
Sau khi nghe thêm một câu hỏi nữa, cô bạn ấy bắt đầu say sưa về cái tên Lê Cát Trọng Lý. Nào là lạ, dễ thương, đơn giản, cuốn hút… Còn nhiều người khác khi được hỏi về Lê Cát Trọng Lý đều có cái nhìn như vậy. Đó là một trào lưu, một cách tỏ ra hợp thời, một sự a dua? Hay là cái gì đó tương tự mà người ta thường bắt gặp trong sự ngổn ngang của âm nhạc hiện nay? Chẳng cần phải lý giải bởi nó vốn đầy rẫy ra rồi. Nhưng không chỉ thế, thông tin về đêm diễn của Lê Cát Trọng Lý tại Hà Nội “cháy” vé, rồi người ta nhắc đến cô với những bài hát có hơi hướng của Trịnh Công Sơn, của triết, của thiền… Chắc không đơn giản là “mốt” nữa rồi. Nó phải có một hấp lực thực sự với công chúng. Hấp lực ấy là ca từ, giai điệu hay giọng hát?
Khi những bài hát của Lê Cát Trọng Lý được so sánh với những bài hát của Trịnh Công Sơn, nhiều người đã cười và cho rằng: khập khiễng. Nhưng sự so sánh đó không nằm ở lý trí, không phải dựa hơi để đánh bóng. Đó là sự so sánh đến tự nhiên khi nghe ca khúc của Lý. Sao nó lại khiến người ta liên tưởng đến một tên tuổi lẫy lừng về ca từ của làng âm nhạc? Phải chăng cô cũng là một bậc thầy trong cách xử lý lời bài hát? Nếu thế lúc viết chắc cô phải tính toán kỹ lưỡng lắm, phải cân đo đong đếm sao cho khi bài hát ra đời, người nghe sẽ trầm trồ về cái độc, cái quái của câu chữ. Có lẽ không phải vậy. Bởi nếu vậy, cô sẽ như nhiều tác giả khác, rơi tõm vào quên lãng bởi sự dị thường cố tình mà điển hình là các tác giả trẻ với sự dị thường cố tình để chứng tỏ ta mới, ta hợp xu hướng, ta sáng tạo hay đơn giản là chiều lòng một hội đồng thẩm định nào đó.
Cảm giác khi nghe bài hát của cô là Lý viết cho mình, viết xong rồi hát, hát cho mình. Thường khi làm gì cho mình người ta bao giờ cũng thật và đầy đủ. Điều đó đã đủ để khiến công chúng so sánh cô với một huyền thoại? Có lẽ trong thời buổi ca nhạc đầy rẫy những ca khúc ngô nghê hoặc nhảm nhí về lời hay những ca khúc tử tế hơn thì lại thiên về nhạc đệm, phong cách nhiều quá, công chúng đón nhận bài hát của Lý như một món ăn quen chứ không phải lạ. Món ăn quen nhưng lâu rồi mới ăn. Trong tình cảnh này, cái sự quen ấy khởi nguồn từ Trịnh Công Sơn, giờ được lặp lại ở Lê Cát Trọng Lý chứ chẳng phải to tát theo kiểu đưa Lý lên sánh ngang với một nhạc sĩ tầm cỡ mà một số người thủ cựu giãy nảy. Nhưng suy cho cùng, sự so sánh nào cũng có cái khập khiễng của riêng nó. Ca khúc Trịnh Công Sơn được phổ biến rộng rãi, ca sĩ nào cũng có thể thể hiện dù hay dù dở. Nhưng khi nghe, phần nhiều người nghe tập trung vào bài hát, chiêm nghiệm, thưởng thức, suy đắm và tự hỏi bài hát nói gì. Ca sĩ lúc ấy đóng vai trò chuyển tải. Còn với ca khúc của Lý, chưa thấy ca sĩ khác thể hiện.
Sự tổng hòa giọng ca lẫn tính cách
Trong lễ trao giải Bài hát Việt 2010 vừa qua, ca khúc đã giành giải thưởng lớn nhất trong Bài hát Việt 2008 của Lý - Chênh vênh - được dàn dựng cho một nhóm nữ hát theo phong cách acapella, nghe không dở nhưng nó trở thành một bài hát rất bình thường, thiếu hẳn cái chất ma mị và chiều sâu của một bài hát có tính suy tưởng cá nhân sâu sắc như khi nghe Lý hát và biểu diễn. Tuy nếu chỉ căn cứ vào một trường hợp hi hữu như vậy để đánh giá thì có vẻ hơi vội nhưng việc chưa có ca sĩ nào tìm cách thể hiện bài hát của cô từ 2008 tới nay, thời điểm Lý chính thức xuất hiện trước công chúng, dù họ luôn than rằng thiếu ca khúc mới là một minh chứng xác thực.
Có lẽ bài hát của Lý khiến các ca sĩ dè dặt, họ băn khoăn có chắc rằng người khác hát lên khán giả sẽ đón nhận? Muốn kiểm chứng thì phải đợi các ca sĩ khác (hoặc nhà sản xuất) bị thuyết phục thực sự bởi sáng tác của Lý. Còn lúc này đây, khi mà nó được cất lên bởi chính tác giả thì có thể thấy sức hút với công chúng là ở sự tổng hòa con người Lê Cát Trọng Lý.
Sân chơi Bài hát Việt đã giới thiệu tới đông đảo người nghe một số tác giả nữ. Ngoài Lê Cát Trọng Lý còn có Giáng Son, Lưu Thiên Hương, Trịnh Minh Hiền, Sa Huỳnh… Lưu Thiên Hương xuất thân là ca sĩ, Giáng Son cũng từng là ca sĩ và chơi được piano. Thời còn ở nhóm 5 Dòng Kẻ, cô vẫn thường vừa đệm đàn vừa hát cùng các thành viên của nhóm. Hay Trịnh Minh Hiền là một nhạc công chơi violon… Nhưng ở họ có vẻ như sáng tác ca khúc với chơi đàn hay hát là những công việc tách bạch. Chính vì thế nên dù họ gặt hái được những thành công nhưng khi nhắc tới những bài hát của họ, khán giả chỉ hình dung ra họ là những tác giả. Còn với Lý, nói tới cô là nói tới Lê Cát Trọng Lý. Với cây guitar trên tay, mọi ranh giới về chức năng công việc bị xóa nhòa. Họ tới để xem cô, nghe cô, thưởng thức cô chứ không đơn thuần là nghe giọng hát, nghe tiếng đàn hay thưởng thức tác phẩm cô sáng tác.
"Lạ” là phần đông ý kiến nói về cô. Nhưng cái lạ nằm ở đâu? Ca khúc? Không hẳn. Ca từ có chút triết lý, phảng phất dân gian, ảnh hưởng nho nhỏ của Phật giáo. Điều này có người đã làm rồi. Vậy giọng hát? Không lảnh lót, không dày dặn, không luyến láy kỹ thuật. Hay phần nhạc đệm? Rất đơn sơ với cây guitar và những hợp âm rải. Vậy là gì? Có lẽ cái lạ nằm sẵn trong con người cô, chỉ cần phát ra là lạ, chẳng cần cố tình. Giờ muốn lạ thì bài hát phải trúc trắc về hình thức, cung quãng phải nghịch tai, ngang phè... Nhưng bài hát của cô có thế đâu. Ngắn gọn, bình ổn, tiết tấu đơn giản, không chuyển điệu, được thực hiện bằng một giọng hát mộc mạc, như nói chuyện. Thậm chí đến cả rung giọng cũng được tiết chế tối thiểu, hoặc có thể cô chẳng tiết chế gì mà tự nó thế.
Cái “tự nó thế” ấy xuất phát từ trái tim. Nó có thể là lạ hay quen tùy cách nghĩ của mỗi người. Nhưng rõ ràng chỉ có những gì xuất phát từ tâm hồn mới làm người khác lay động. Công chúng xem cô là xem một con người với tâm hồn trải ra trước mắt, không phải xem một nghệ sĩ trưng trổ sự lập dị. Và sự tò mò giờ đây được lý giải bằng việc: Xem Lê Cát Trọng Lý.
Bài kết: Những cao thủ trời Tây
Khanh Chi