Xét xử Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh: Phiên tòa của công lý và niềm tin

Thứ Ba, 9/1/2018, 21:52 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm về những sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân cả nước.

Công luận đánh giá cao việc đưa ra xét xử Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm, cũng như các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng vừa qua, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, sự quyết liệt của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Nhiều người dân bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ cao và cho rằng đây là phiên tòa của công lý và niềm tin. 

Chú thích ảnh
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh và bị cáo Lương Văn Hòa (bên phải) trả lời câu hỏi của Hội đồng xét xử. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Tin vào sự khách quan, toàn diện, đúng luật của phiên tòa

Tại Hà Nội, nhiều cán bộ, đảng viên, trí thức và các tầng lớp nhân dân đã bày tỏ tin tưởng phiên tòa xét xử “khách quan, toàn diện, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật”. Nhiều ý kiến của người dân Thủ đô cho rằng phiên tòa này sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh với những cán bộ, Đảng viên chưa thực hiện nghiêm chức trách, nhiệm vụ được giao, nói chưa đi đôi với làm và phát đi thông điệp: Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, ai sai phạm đều phải xử lý, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. 

Ông Nguyễn Văn Niêm (75 tuổi) nguyên Trung tá quân đội, nguyên lãnh đạo Xí nghiệp Dược Binh đoàn 12, hiện ở tổ 72 phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội, cho biết đây là vụ án mà ông đặc biệt quan tâm, theo dõi, không chỉ vì tính chất phức tạp, mà đây là lần đầu tiên trong lịch sử ngành tư pháp cũng như lịch sử Đảng, có bị cáo là cán bộ cấp cao của Đảng. Đồng thời, với ông Niêm, ông Đinh La Thăng đã để lại ấn tượng là một tư lệnh ngành có những phát ngôn thẳng thắn trong các kỳ họp Quốc hội. Nhưng trái với kỳ vọng, ông Thăng đã không những không thực hiện được những cam kết trước Đảng, Nhà nước và nhân dân mà còn đã, đang và sẽ phải trả giá cho những sai phạm của mình. 

Theo dõi sát sự kiện này, Tiến sỹ Nguyễn Duy Phương, khoa Quản trị Kinh doanh, giảng viên Trường Đại học Lao động Xã hội, cho biết, kể từ khi Trịnh Xuân Thanh bị khởi tố, điều tra, đâu đó trong dư luận đã xuất hiện thông tin về những “vùng cấm” trong xử lý cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, việc Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng đồng phạm cho thấy, việc điều tra, xử lý sai phạm của cán bộ được tiến hành chặt chẽ, đúng luật và hết sức thận trọng, dựa trên tài liệu, chứng cứ điều tra chứ không thể chạy theo dư luận, nôn nóng, vội vàng; đồng thời khẳng định tính nghiêm minh, thể hiện quyết tâm chính trị trong việc xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. 

Bên cạnh sự ủng hộ, tin tưởng vào sự quyết liệt của Đảng trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, Tiến sỹ Nguyễn Duy Phương cũng đặt ra những vấn đề về công tác cán bộ. Ông Phương cho rằng Đảng phải nghiêm túc nhìn vào hai vụ án xảy ra tại PVN và PVC, coi đây là một bài học đắt giá. Đảng cũng cần nhận ra lỗ hổng trong công tác quy hoạch, đề bạt, phân công cán bộ để từ đó đề ra các biện pháp kiên quyết khắc phục, chặn sớm và dứt điểm những lỗ hổng đó. 

Nền tảng đạo đức của người cán bộ 

Đồng ý kiến với những suy nghĩ trên, Tiến sỹ Đỗ Kim Sơn, nguyên Giảng viên Khoa Tài chính Ngân hàng, Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: Nguyên nhân chính dẫn đến những lỗ hổng và cũng là biện pháp chủ yếu khắc phục lỗ hổng, đó chính là nền tảng đạo đức của người cán bộ. 

Theo Tiến sỹ Đỗ Kim Sơn, cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư là nền tảng, trung tâm đạo đức cách mạng của người cán bộ theo tư tưởng của Bác, là mối quan hệ đối với tự mình. Trong việc giáo dục cán bộ, đảng viên, trước đây Bác Hồ thường nhấn mạnh đến yếu tố năng động chủ quan của con người, đến sức mạnh của lý tưởng, của ý chí, của tu dưỡng đạo đức cách mạng. “Trong bối cảnh cuộc sống hiện đại, chúng ta cần đặt lại vấn đề về đạo đức của một bộ phận không nhỏ người cán bộ đảng viên hiện nay. Tôi cho rằng, sự thiếu trau dồi bản lĩnh chính trị, thoái hóa, biến chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là nguyên nhân dẫn đến những đại án kinh tế, những vụ việc về tham nhũng như hiện nay,” ông Sơn nói. 

“Từ hai vụ án tại PVN và PVC, chúng ta phải rút ra bài học rất nhiều trong quản lý giáo dục rèn luyện cán bộ. Phải thay đổi, chấn chỉnh lại công tác cán bộ và người làm công tác quản lý cán bộ phải có tấm gương tốt, trình độ cao, trong sáng. Tôi tin tưởng rằng Đảng đã nhận thấy và đang khắc phục những lỗ hổng, khiếm khuyết. Đảng cũng đã nhận thức được rằng mất lòng tin của nhân dân là mất tất cả và có được niềm tin của nhân dân là có được sự bền vững của chế độ”, Tiến sỹ Đỗ Kim Sơn nhấn mạnh. 

Tại Quảng Bình, đa số người dân đều bức xúc trước hành vi phạm tội nghiêm trọng của Phạm Xuân Thanh (một trong số 22 bị cáo của vụ án) và đồng phạm, bày tỏ thái độ đồng tình, hoan nghênh trước việc đấu tranh không khoan nhượng của Đảng và Nhà nước để làm rõ hành vi phạm tội, đưa các bị cáo ra xét xử nghiêm minh. Nhiều người dân cho rằng, phòng chống tham nhũng thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đáng chú ý từ sau Đại hội Đảng đến nay, sự chỉ đạo quyết liệt và kiên quyết của đồng chí Tổng Bí thư và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã tạo nên khí thế để các bộ, ngành từ trung ương đến địa phương vào cuộc mạnh mẽ. 

Luật sư Lê Minh Tâm (thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) cho rằng đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, trong đó bị cáo Đinh La Thăng đã từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước. Vụ án chưa có hồi kết nhưng bước đầu đã lấy lại lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước trong cuộc chiến chống tham nhũng. “Đáng buồn và đáng trách là hầu hết các bị cáo đều là Đảng viên Đảng Cộng sản. Qua đó, công tác đào tạo và giáo dục Đảng viên cần được quan tâm và có biện pháp kiểm tra, kiểm soát. Đảng viên mà giàu là điều đáng mừng nhưng phải chính đáng”, Luật sư Lê Minh Tâm nhấn mạnh. 

Không thể chỉ hô hào 

Theo ông Trần Hữu Dũng (tỉnh Quảng Bình), thời gian qua, Đảng ta rất kiên quyết với nhiệm vụ chống tham nhũng. Việc đưa ra xét xử bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng 20 bị cáo khác về các tội danh liên quan trong vụ án xảy ra tại PVC là rất cần thiết. Nếu không kịp thời chấn chỉnh, làm nghiêm minh sẽ nguy hại tới uy tín của Đảng, làm giảm lòng tin của nhân dân. Công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng đã có bước chuyển biến thực sự. Việc đưa ra xét xử ông Đinh La Thăng - một lãnh đạo cấp cao - thực sự rất được lòng dân và người dân hoàn toàn tin tưởng vào quyết định đó.

Chú thích ảnh
Bị cáo Đinh La Thăng trả lời câu hỏi của Luật sư tại phiên tòa. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Ông Trần Hữu Dũng lấy dẫn chứng từ Dự án nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 có công suất 1.200MW, xây dựng trên diện tích hơn 199ha thuộc thôn Vĩnh Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Dự án có tổng mức đầu tư 1,7 tỷ USD được khởi công xây dựng vào ngày 19/7/2011 do PVN làm chủ đầu tư. Thời điểm đó, ông Đinh La Thăng là Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN.

Tại lễ khởi công, đại diện chủ đầu tư là PVN đã phát động thi đua, ưu tiên tập trung toàn bộ máy móc, thiết bị, nhân lực và vật lực, đưa tổ máy số 1 phát điện và hòa lưới quốc gia vào tháng 6/2015 và tổ máy số 2 vào tháng 12/2015. Cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Quảng Bình rất vui mừng, phấn khởi và kỳ vọng vì đây là dự án mang tính động lực, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của khu vực cũng như cả nước. Công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư được triển khai nhanh chóng, kịp thời bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, hơn 7 năm qua, dự án vẫn chưa triển khai và đến nay phải chuyển sang cho chủ đầu tư khác là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Điều này đã giảm lòng tin và sự kỳ vọng của nhân dân. 

Trịnh Xuân Thanh phủ nhận hành vi tham ô

Làm triệt để mới củng cố được niềm tin 

Theo dõi phiên xét xử qua các phương tiện thông tin đại chúng, đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Thái Bình bày tỏ sự tin tưởng vào tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật, đặc biệt là sự tin tưởng vào tinh thần kiên quyết hành động của toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. 

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Thái Bình Trần Duy Chính cho rằng, vụ án được đưa ra xét xử ngay trong những ngày đầu năm 2018 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, là minh chứng mạnh mẽ khẳng định “không có vùng cấm” trong đấu tranh phòng chống tham nhũng. Tất cả mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, ai có công thì thưởng, ai có tội thì phạt. Vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm có liên quan đến những cá nhân từng đảm nhiệm vị trí lãnh đạo quan trọng trong đó có ông Đinh La Thăng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị. Đây cũng là bài học cho những người nắm giữ cương vị lãnh đạo, quản lý hiện nay. 

Cùng chung quan điểm này, ông Tô Như Khoát, phường Bồ Xuyên, Thành phố Thái Bình, cho rằng việc đưa vụ án Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm ra xét xử công khai đã đáp ứng mong mỏi, chờ đợi của nhân dân, tạo ra sự đồng thuận lớn trong xã hội. Xét xử nghiêm minh vụ án này không chỉ thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật mà còn là vấn đề mang tính cấp bách trong tình hình hiện nay nhằm xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. 

Dành sự quan tâm đặc biệt về phiên tòa xét xử bị cáo Trịnh Xuân Thanh và 21 đồng phạm, ông Đỗ Ngọc Hải, đảng viên xã Tây Giang, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, cho rằng hành vi của bị cáo Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm đã gây thiệt hại đặc biệt lớn về kinh tế cho Nhà nước. Một số bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để lập chứng cứ khống rút tiền của dự án để chiếm đoạt sử dụng cá nhân. Hành vi này của các bị cáo đã gây bức xúc trong dư luận, mất lòng tin của nhân dân. Với tính chất nghiêm trọng như vậy, vụ án cần phải được xét xử nghiêm minh, đúng người đúng tội, bảo đảm luật pháp được thực thi một cách đầy đủ, chính xác; cần có một bản án thật nghiêm khắc để làm gương cho những người khác và lấy lại lòng tin của nhân dân. 

Ngoài ra, một chủ đề thu hút sự quan tâm của nhiều cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân tỉnh Thái Bình là công tác khắc phục hậu quả các vụ tham nhũng này. Ông Nguyễn Đình Triệu, tổ 43 phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình, cho rằng phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm là phiên tòa của công lý và của niềm tin. Nếu giải quyết được vấn đề thu hồi tài sản do hành vi tham ô mà có sẽ nhân lên niềm tin của quần chúng nhân dân vào tính công bằng và triệt để của bản án. 

Trao đổi với phóng viên TTXVN, Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, thủ tục, quy trình cũng như diễn biến những ngày đầu xét xử vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm đã tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật. Tuy nhiên do vụ án lớn, phức tạp, nhiều bút lục nên cơ quan tố tụng cũng cần hỗ trợ luật sư tham gia phiên tòa, tạo điều kiện để luật sư tiếp cận và sao chụp tài liệu. 

Luật sư Trần Đức Phượng đánh giá, việc bố trí phòng xét xử không có vành móng ngựa, thay bằng bục khai báo, bục bào chữa của luật sư ngang với Viện kiểm sát nhân dân, Thư ký tòa án ngồi trước Hội đồng xét xử ở vị trí thấp hơn... đã thể hiện rõ những bước đi cải cách, đổi mới tư pháp của Việt Nam. Việc cải cách tư pháp tuy mới thực hiện nhưng đã đem lại nhiều hy vọng cho những người tham gia tố tụng và trong thời gian tới cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa. 

Ghi nhận nỗ lực của các cơ quan chức năng sớm đưa ra xét xử các vụ án lớn thời gian qua, ông Trương Vân Hà (quận Thủ Đức) cho rằng việc làm này đã thể hiện Đảng ta rất kiên quyết với việc chống tham nhũng. Đặc biệt, trong những vụ việc đang xử có vụ án Trịnh Xuân Thanh, liên quan đến ông Đinh La Thăng và các cán bộ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Những vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến lợi ích của đất nước làm xói mòn lòng tin của nhân dân thì cần phải xử lý thích đáng. 

Ông Trương Vân Hà khẳng định: “Chúng tôi rất hoan nghênh và coi đó là sự cố gắng, nỗ lực của Đảng ta trong việc chống tham nhũng; chúng tôi mong muốn, xử lý những vụ vi phạm trên cần làm triệt để giúp củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước." Đồng tình với quan điểm này, ông Kiều Phong Danh, ngụ tại Quận 3, bày tỏ mong muốn: “Nhà nước cần xử lý thật nghiêm, đúng người đúng tội, thu hồi tài sản để trả lại cho Nhà nước, cho nhân dân”.

Trịnh Xuân Thanh chối bỏ vai trò trong việc xin tiền tạm ứng

Trịnh Xuân Thanh chối bỏ vai trò trong việc xin tiền tạm ứng

Sáng nay (9/1), phiên tòa xét xử bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm được tiếp tục với phần thẩm vấn các bị cáo về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra trong quá trình thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.

TTXVN

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến