Xây dựng khu vui chơi cho trẻ em phải đưa vào Nghị quyết
Thứ Bảy, 16/10/2010, 11:14 (GMT+7)
(Ban tổ chức) -
“Nói hơi quá một chút, thì nhiều khu vui chơi cho trẻ em hiện nay tại TP.HCM vẫn giống như cách đây vài chục năm trước!” - Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố đánh giá.
(TT&VH) - “Nói hơi quá một chút, thì nhiều khu vui chơi cho trẻ em hiện nay tại TP.HCM vẫn giống như cách đây vài chục năm trước!” - Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố đánh giá như vậy trong một hội thảo chuyên đề ngày 15/10 tại UBND TP.HCM.
1. TP.HCM hiện đang có 1,7 triệu trẻ em có độ tuổi từ 16 trở xuống. Bà Hồ Thị Luấn, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đánh giá: “Các công viên (CV) là điểm vui chơi ngoài trời lý tưởng cho các em. Nhưng tại thành phố hiện nay, nhiều bậc cha mẹ không muốn cho con ra CV chơi mà còn liệt vào “danh sách đen”, các điểm không cho trẻ con đến gần. Vì thực tế các CV ở thành phố bây giờ quá xô bồ, ẩn chứa nhiều tệ nạn xã hội. Nhiều CV thành nơi bán hàng rong, tổ chức sự kiện quảng cáo và là chỗ cho các cặp tình nhân hẹn hò. Bên cạnh đó, các CV cũng thường thiếu những khu dành cho trẻ em, không được đầu tư nên phụ huynh dắt con em ra đây thì cũng chẳng biết chơi cái gì”.
Mặt khác, TP.HCM hiện khó tìm thấy một công trình nào được xây dựng hoàn toàn phù hợp chức năng sân chơi dành cho thiếu nhi. Chỉ có Nhà văn hóa (NVH) thiếu nhi thành phố có mặt bằng rộng, thu hút đông trẻ em, hiện đang quá tải trong dịp Hè và lễ hội. Còn các NVH thiếu nhi quận, huyện còn bị tình trạng “tận dụng” mở đủ loại kinh doanh mà không dành cho trẻ em. Hơn nữa, những trò chơi đơn điệu, nhàm chán như: Bập bênh, đu quay, cầu trượt, thú nhún... không có nhiều sự cuốn hút các em, trong khi Internet, game online... là thú vui có “ma lực” ghê gớm.
Khu trò chơi trên cát tại công viên Tao Đàn ngừng hoạt động vì lý do an ninh trật tự Cuối tháng 9/2010, khu vui chơi trên cát hoàn toàn miễn phí cho trẻ em tại CV Tao Đàn (Q.1) với nhiều trò chơi vận động lành mạnh lại bị đóng cửa do mất an ninh trật tự. Trong khi cả thành phố chỉ có 2 sân chơi đúng nghĩa cho trẻ em (tại CV Tao Đàn và CV Khánh Hội, quận 4) và trẻ em đang rất cần những mô hình vui chơi nhu thế.
2. Trong hội thảo, nhiều đại biểu đã đưa ra những giải pháp để “tìm lại sân chơi cho trẻ”.
“Làm tốt công tác quy hoạch mạng lưới hệ thống các cơ sở vui chơi giải trí cho trẻ em từ TP đến quận, huyện và phường xã. Ngành văn hóa, thể thao và du lịch chỉ đạo các khu vui chơi như CV Đầm Sen, Suối Tiên, các bảo tàng... hỗ trợ miễn giảm giá vé cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn...” - bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM đề xuất.
Bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TP.HCM kết luận hội thảo rằng: Thực tế, các khu vui chơi, giải trí cho trẻ em có số lượng ít, chất lượng chưa cao, cách làm đơn điệu. Trách nhiệm của TP về vấn đề này chưa đầy đủ, thiếu chính sách và đầu tư. TP sẽ phải dành quỹ đất để làm sân chơi cho trẻ, xây nhà hát kịch thiếu nhi, thư viện cho thiếu nhi... Trong kỳ họp khóa tới vào tháng 12/2010, HĐND TP.HCM sẽ đưa nội dung xây dựng khu vui chơi, giải trí cho các em vào nghị quyết.
Anh Đức
GỬI Ý KIẾN (Vui lòng gõ tiếng
việt có đấu)