(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 28/3, UBND tỉnh Đồng Nai đã tặng bằng khen cho ông Huỳnh Ngọc Hoàng (46 tuổi) và Huỳnh Ngọc Sơn (53 tuổi), cùng ngụ khu phố 4, phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai về thành tích kịp thời báo tin cầu Ghềnh sập cho nhân viên gác chắn đường sắt giúp tránh được tai nạn khi đoàn tàu chuẩn bị đến cầu Ghềnh.
Cụ thể ông Hoàng và ông Sơn được thưởng bằng khen cùng số tiền thưởng là 5.750.000 đồng; UBND thành phố Biên Hòa và UBND phường Bửu Hòa tặng giấy khen cùng số tiền thưởng là 2 triệu đồng và 172.500 đồng cho mỗi người.
Bà Nguyễn Hòa Hiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh trao bằng khen cho ông Huỳnh
Ngọc Hoàng - người trực tiếp báo tin vụ sập cầu Ghềnh. Ảnh: Đăng Tùng. Nguồn: báo Đồng Nai
Ông Hoàng và ông Sơn là hai anh em ruột nhà ở gần cầu Ghềnh. Trưa 20/3 khi sà lan đâm sập cầu, ông Sơn và Hoàng đã nhanh chóng chạy ra báo cho tổ gác chắn chợ Đồn cách hiện trường khoảng 200 mét để kịp thời ngăn chặn đoàn tàu hàng chuẩn bị lưu thông đến cầu Ghềnh.
Ông Ngô Việt Hải, nhân viên gác chắn chợ Đồn, người chạy đi xác minh thông tin cầu sập cũng được nhận giấy khen và tiền thưởng của UBND thành phố Biên Hòa và UBND phường Bửu Hòa.
Bà Nguyễn Ngọc Liên, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa trao giấy khen cho
các cá nhân có thành tích bảo vệ trật tự an ninh tổ quốc trong vụ sập
cầu Ghềnh. Ảnh: Đăng Tùng. Nguồn: báo Đồng Nai
Chiều 28/3, đội trục vớt cầu Ghềnh đã thực hiện thành công việc cắt đứt phần nhịp cầu số 2 cầu Ghềnh. Hai cần cẩu tải trọng lớn đã nâng nhịp cầu này hạ xuống sông tại vị trí quy định. Tổ trục vớt cho biết, nhịp cầu thép số 2 này có trọng lượng hàng trăm tấn, do đó hai cẩu nổi tải trọng lớn đã nâng lên sau đó hạ thủy thành công.
Cầu Ghềnh bắc qua sông Đồng Nai bị sà lan đâm sập 2 nhịp. Ảnh: Sỹ Tuyên / TTXVN
Bước tiếp theo của quy trình trục vớt là tiếp tục sử dụng thợ lặn cắt lìa các phần kết cấu của cầu thép, sau đó cần cẩu sẽ nâng lên sà lan rồi chở đến vị trí tập kết.
Cùng ngày, các tổ thợ lặn đã hoàn thành bước đầu việc lặn cắt các kết cấu thép bị chìm dưới sông ở nhịp cầu số 3 và các thanh đường ray bị chìm dưới nước.
Tổ thợ lặn cho biết, tất cả quy trình cắt các nhịp thép và các thanh sắt đều sử dụng ga, gió đá và ô xi do nhóm này tự nghiên cứu để dùng dưới nước. Theo đó, các bình ô xi làm nhiệm vụ thổi gạt nước để thiết bị gió đá cắt thép.
Nhóm trưởng thợ lặn cho biết, đến trưa hôm nay, toàn bộ phần nhịp cầu số 3 và đường ray đã được cắt thành từng phần đúng quy định.Theo nhận định của tổ trục vớt, khối lượng sắt thép của 2 nhịp cầu và phần đường ray tàu hoả bị kéo đổ xuống sông có trọng lượng khoảng 300 tấn. Dự kiến công tác trục vớt cầu Ghềnh kéo dài đến ngày 2/4./.
Sỹ Tuyên (TTXVN)