(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 4/11, tại phiên họp của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội giải trình việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: Liên quan đến sự cố Nhà máy nước Sông Đà (thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà), ngay khi biết thông tin về sự cố, thành phố đã kịp thời vào cuộc.
Liên quan đến sự cố tràn dầu thải vào nguồn nước sản xuất của Nhà máy nước Sông Đà, ngày 25/10, Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà chính thức phát đi thông cáo về việc hoàn tất khắc phục sự cố đảm bảo đủ điều kiện cung cấp nước sạch trở lại cho người dân.
Thành phố cũng đã cử cán bộ lấy các mẫu nước, đồng thời điều tiết các đơn vị cung cấp nước khác để hỗ trợ nước cho người dân.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh: Qua kiểm tra, Nhà máy nước Sông Đà là nhà máy duy nhất của thành phố không có hệ thống quan trắc tự động nguồn nước vào nên ngoài trách nhiệm của thành phố còn có trách nhiệm của nhà máy đã giấu giếm sự việc này. Thành phố đã yêu cầu Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà lắp hệ thống quan trắc nước tự động và tách riêng các hệ thống nước đầu vào với hồ Đầm Bài. Thành phố sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc để có những ứng phó kịp thời hơn nếu xảy ra những sự cố tương tự.
Cũng tại phiên họp giải trình về việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết: Thời gian qua, thành phố đã tập trung vào công tác an toàn thực phẩm, coi đây là một trong những nội dung trọng tâm để tập trung chỉ đạo và thực hiện, từng bước lập lại trật tự nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô. Chủ tịch thành phố đồng thời thẳng thắn nhìn nhận rằng mặc dù đã có chuyển biến tích cực song công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố vẫn còn rất nhiều tồn tại, an toàn thực phẩm chưa đạt theo tiêu chuẩn quy định, chưa đạt kết quả như mong muốn của người dân.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu về tình trạng mất an toàn thực phẩm vẫn xảy ra, đặc biệt là ở bếp ăn tập thể hay các vụ ngộ độc methanol khi uống rượu, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội thông báo, thành phố đã xây dựng quy trình ứng phó với sự cố, với phương châm 4 tại chỗ, kết hợp với các cơ sở y tế của Trung ương để ứng cứu kịp thời. Tuy nhiên, khi xảy ra ngộ độc thì công tác báo cáo của cơ sở còn chậm. Thành phố đã và đang cố gắng hết mức để hạn chế đến mức thấp nhất các vụ ngộ độc xảy ra ở các bếp ăn tập thể. Thành phố cũng đã kêu gọi xã hội hóa đối với việc kiểm tra nhanh các mẫu thức ăn sẵn và thực phẩm; đồng thời ký kết với các đơn vị chuyên môn của Bộ Y tế trong việc này..
Về triển khai hệ thống cửa hàng an toàn thực phẩm, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết thêm: Thành phố đã thí điểm trên 800 cửa hàng rau quả có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng tại 12 quận, huyện. Trong đó, có phương án đảm bảo quy chuẩn, niêm yết giá công khai, người bán hàng phải được tập huấn về kiến thức an toàn thực phẩm, bảo quản rau củ quả và được cấp giấy chứng nhận của Sở Công Thương, Sở Y tế. Trong thời gian tới Hà Nội sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình với các cửa hàng thực phẩm, đồng thời vinh danh những cơ sở, nghệ nhân thực hiện tốt.
Nêu các biện pháp để nâng cao công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố trong thời gian tới, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nêu rõt: Ngoài sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền thì cũng cần sự ủng hộ mạnh mẽ của cử tri và người dân Thủ đô, mỗi người dân phải tự ý thức về sử dụng các sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm.
Về phía chính quyền, thời gian tới, thành phố sẽ tăng cường công tác thanh tra - kiểm tra an toàn thực phẩm, đặc biệt là kiểm tra nguồn gốc xuất xứ rau, củ, quả; siết chặt quản lý nguồn gốc các chất bảo quản; nâng cao kỹ năng kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm cho các cán bộ phường; tiếp tục tập huấn cho chủ cửa hàng về an toàn thực phẩm và khuyến khích các doanh nghiệp, các chuỗi cung ứng sản xuất liên hoàn; tiếp tục tổ chức diễn tập các sự cố về an toàn thực phẩm, đặc biệt là ở trường học, khu công nghiệp và hoàn thiện các cơ chế xử phạt các cơ sở có vi phạm về an toàn thực phẩm.
Nêu vấn đề về tình trạng trên địa bàn thành phố vẫn còn các cơ sở giết mổ chưa đảm bảo vệ sinh, hộ nuôi nhỏ lẻ còn rất đông; bên cạnh đó, thói quen tiêu dùng của người dân cũng không dễ thay đổi; thành phố chưa đề ra cơ chế chính sách chuyển đổi cho các hộ và giá thành hợp lý, vì vậy chưa giải quyết được triệt để vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh: Thành phố đã và đang tích cực triển khai, rà soát, kêu gọi đầu tư giết mổ bán tự động và tự động. Hiện thành phố đã có cơ sở giết mổ hiện đại ở phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông), đáp ứng một phần nhu cầu, cung cấp cho chuỗi cửa hàng và siêu thị trên địa bàn thành phố.
Thường trực Thành ủy Hà Nội đã đồng ý chủ trương đầu tư, mở rộng khu giết mổ tập trung tại xã Bình Minh (huyện Thanh Oai) lên 10 ha để có thể xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ. Thành phố đã rà soát kêu gọi đầu tư khu giết mổ tự động và bán tự động với công suất khoảng 300 con lợn/ngày. Thành phố cũng mời các doanh nghiệp nước ngoài có công nghệ tiên tiến đến hợp tác đưa ra các mô hình giết mổ tập trung tại đây. Song vướng mắc lớn nhất dẫn đến mục tiêu của cơ sở này vẫn chưa đạt được là do thủ tục đất đai khiến các doanh nghiệp không mặn mà. Ngoài ra, mặt bằng tập kết gia súc, gia cầm trước khi giết mổ cũng là vấn đề khó khăn.
Hiện tại thành phố đang đề xuất với Chính phủ sớm cho Hà Nội lấy nguồn đầu tư công để sửa chữa các chợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người kinh doanh, đảm bảo an toàn thực phẩm; xây dựng cơ chế hỗ trợ cho các cơ sở giết mổ tập trung, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư về trang thiết bị và hoàn thiện các quy định hỗ trợ chuyển đổi cho các hộ gia đình giết mổ nhỏ lẻ vào các khu giết mổ tập trung, góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Văn Cảnh - Nguyễn Thắng/TTXVN